06 janvier 2021

“Chống tham nhũng” hay đang “biện minh cho tham nhũng”… ?


Nhiều ngày qua, dư luận Việt Nam vẫn không ngớt bàn tán về phát biểu của Thủ tướng Cộng sản Việt Nam (CSVN) ông Nguyễn Xuân Phúc rằng: “…Tham nhũng này hay tiêu cực nó có từ đời phong kiến, từ mọi chế độ chứ không phải là ở chế độ ta các đồng chí…”. Không biết người đứng đầu Chính phủ đang chống tham nhũng hay biện minh cho tham nhũng? …

Đó là phát biểu của Thủ tướng CSVN ông Nguyễn Xuân Phúc vào hôm 30/12/2020, tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013 đến nay.

Nguyên văn đoạn phát biểu của Thủ tướng Phúc được Cali Today trích đoạn như sau: “…Tham nhũng này hay tiêu cực nó có từ đời phong kiến, từ mọi chế độ chứ không phải là ở chế độ ta các đồng chí. Mà tôi xin nói với các đồng chí, cái kẻ xấu đó, nó hay nói tham nhũng là ở chế độ ta. Không phải đâu. Từ bao đời nay, phong kiến, đế quốc, tư bản, nó có từ rất lâu đời mà cái việc đi liền với có nó là chúng ta phải chống nó. chúng ta phải hiểu đầy đủ bản chất vấn đề là ở chỗ đó….”

Ông Phúc nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng và không chỉ chống tham nhũng mà đấu đấu tranh chống lãng phí. Ông Phúc còn nêu ra một số vụ trong năm 2020 mà lực lượng Công an đang truy tố như vụ nâng giá đấu thầu trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19-CDC Hà Nội, xã hội hóa dịch vụ y tế ở bệnh viện Bạch Mai.

Tuy vậy, việc ông Phúc nói “Tham nhũng này hay tiêu cực nó có từ đời phong kiến, từ mọi chế độ chứ không phải là ở chế độ ta các đồng chí…” đã khiến dư luận xã hội có những bàn tán vì không hiểu hàm ý câu này của người đứng đầu Chính phủ CSVN là phòng chống tham nhũng hay đang biện minh cho nạn tham nhũng ở chế độ CSVN hiện nay?

Không phủ nhận ở chế độ nào cũng có tham nhũng nhưng cần phải hiểu rõ tùy ở mức độ khác nhau. Nếu như ở các nước Phương Tây, các nước dân chủ tự do có tam quyền phân lập, có tự do báo chí, có nhiều Đảng phái đối lập thì công cuộc phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, mỗi cá nhân-tổ chức tham nhũng đều bị phía đối lập phanh phui, trừng trị. Trong khi đó tại Việt Nam, dưới chế độ độc Đảng toàn trị, từ Trung ương đến địa phương là một dãi nhất thể thì việc phòng –chống tham nhũng chẳng khác nào “mình chống mình tham nhũng”.

Ở Việt Nam đúng là từ thời phong kiến cũng có tham nhũng nhưng chỉ dừng ở mức độ tham nhũng thuế tô, cắt xén ngân sách, thời Việt Nam Cộng Hòa đặc biệt dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu việc tham nhũng được chia làm bốn nhóm; Buôn lậu, hối lộ, mua quan bán chức và lính kiểng, lính ma…nhưng đến thời Việt Nam CS thì mức độ tham nhũng ở các Đảng viên quy mô lớn và nghiêm trọng hơn; Tham nhũng đất đai, tham nhũng nguồn việc trợ quốc tế, tham nhũng thuế phí, tham nhũng trong hoạt động nhân đạo, tham nhũng từ cá nhân cấp cao cho xuống cấp thấp, tham nhũng ở mọi ban ngành, mọi lĩnh vực…nói như bà cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “ăn của dân không từ một cái gì”.

Cũng tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013, Thượng tướng Lê Qúy Vượng-Thứ trưởng Bộ Công an trình bày cơ quan điều tra các cấp trong Công an đã khởi tố mới 1.856 vụ với 4.072 bị can tham nhũng, thu hồi gần 19.500 tỷ đồng và trên 290.000m2 đất, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng phức tạp như vụ án xảy ra tại Ngân hang ACB, ngân hàng Đại Tín, Dầu khí, Đông Á, vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, cùng các nhóm lợi bị khởi tố và bắt giam như vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng…

Hệ quả của tham nhũng là tạo ra sự bất công xã hội, trong khi người dân Việt Nam hiện đang chật vật mưu sinh, nhiều người tìm cách rời khỏi đất nước để đi mưu sinh xứ người rồi bỏ mạng thương tâm thì rất nhiều cán bộ CSVN lại giàu sụ “bất thường” so với mức lương làm việc, ở nhà biệt thự, đi siêu xe trị giá triệu USD, con cái ra nước ngoài du học…

Lẽ đó công cuộc “đốt lò” do ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ nhiệm kỳ qua, càng đốt càng lộ ra rất nhiều cá nhân, băng nhóm Đảng viên tham nhũng hẳn ông Thủ tướng Phúc không thấy rõ điều này nên mới phát biểu tham nhũng không phải là ở chế độ ta. Có chăng đang “đánh lận” từ ngữ cho chính xác là “tham nhũng ở chế độ ta hiện nay”, rồi ông Phúc nhắc đến “kẻ xấu”. “Kẻ xấu” ở đây là ai? Nếu không có quá nhiều Đảng viên tham nhũng gây phẫn nội lòng dân thì lấy đâu ra việc “kẻ xấu” xuyên tạc, nói xấu?.

Tại cụm di tích lịch sử đình, chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (thành phố Hải Phòng), vào tháng 2 hằng năm có lễ hội Minh Thề. Theo thông lệ, một người cao tuổi được Hội đồng làng tiến cử làm chủ tế tại lễ hội và một nông dân đứng ra đọc hịch văn. Nội dung lời thề là: “Ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công về làm của tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Vào năm 2019, hàng ngàn người dân địa phương đến tham dự lễ hội Minh Thề, còn các quan chức thì chì đến chứng kiến. Tại sao ?

Lãnh đạo một đất nước phải có tầm nhìn, phải nhận biết cái nào đem lại lợi ích cho người dân và cho đất nước hơn thì phải kiên quyết làm. Nhìn thẳng cái sai, cái khuyết điểm để nghiêm khắc bản thân và rút ra giải pháp khắc phục để đưa đất nước phát triển chứ không thể biện minh cho cái xấu hòng đánh bóng lợi ích bản thân thì mãi mãi không phát triển được./.

4/1/2021

THIÊN HÀ

https://www.baocalitoday.com/breaking-news/chong-tham-nhung-hay-dang-bien-minh-cho-tham-nhung.html