11 janvier 2021

NHÌN CUỘC TẤN CÔNG VÀO TÒA NHÀ CAPITOL HILL, NGHĨ VỀ VIỆT NAM

Lê Học Lãnh Vân

Ngày 6/1/202, nước Mỹ đã chứng kiến một sự kiện chấn động thế giới: đám đông người tụ tập ủng hộ ông Trump đã tấn công lên đồi Capitol, chiếm lĩnh tòa nhà Capitol Hill khi Thượng Viện đang họp xem xét kết quả bầu tổng thống. Bài viết này không nói riêng về cá nhân ông Trump hay một ứng cử viên nào của nước Mỹ. Nó nói tới nền dân chủ Mỹ. Đây chắc chắn không phải là việc riêng của nước Mỹ, mà là mối quan tâm chung của thế giới.


Bài viết quan tâm tới ảnh hưởng của nền dân chủ Mỹ trên sự phát triển của Việt Nam.

1) Cho dù nhìn dước góc độ nào, ủng hộ phe phái nào thì sự việc đám người ủng hộ ông Trump tấn công vào tòa nhà Capitol Hill lúc Quốc Hội đang họp là điều cấm kỵ, cho thấy nền dân chủ Mỹ đang bị tấn công. Nền dân chủ Mỹ được nhiều người xem là nền dân chủ đại diện của Phương Tây phát triển giàu mạnh và văn minh.

Nền dân chủ Phương Tây dựa trên hai nguyên tắc chính là:

a) Sự Tự Chủ Cá Nhân: Không ai bị áp đặt dưới sự lãnh đạo hay quản lý bởi người khác. Điều này hàm ý chính quyền các cấp do dân bầu là đại diện của dân chúng, được ủy quyền điều hành xã hội theo nhiệm kỳ ấn định.

b) Tính Bình Đẳng: Mọi người dân đều có cơ hội như nhau gồm quyền can thiệp vào quyết định các chính sách có ảnh hưởng tới con người trong xã hội, ít nhất là bằng lá phiếu. Điều này bao hàm rằng các điều kiện cho một cuộc ứng cử và bầu cử phải tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong xã hội. Hiến pháp và Luật pháp không cho phép thiên vị một cá nhân hay một nhóm người trong xã hội.

Hai nguyên tắc này vạch ranh giới minh bạch giữa thể chế Dân Chủ và Chuyên Chính (Độc Tài).

Tòa nhà Quốc Hội (Capitol Hill) nói chung là nơi Thượng Viện (The Senate) và Dân biểu (The House of Representatives) hoạt động cũng là biểu tượng cao nhất của nền dân chủ Mỹ. Tòa nhà đã bị một đám đông tấn công và chiếm lĩnh để ủng hộ vị tổng thống thua phiếu.

Sự kiện không thể tưởng tượng này khiến hình ảnh nước Mỹ bị lem luốc, sự tôn trọng Mỹ bị suy giảm. Trung tâm quyền lực quan trọng nhất của những giá trị dân chủ Phương Tây bị lâm vào hoàn cảnh này, thế lực nào trên thế giới khấp khởi mừng và vạch kế hoạch thừa cơ lấn tới?

2) Quan sát bây giờ mới hiểu hơn tại sao trên 80 năm trước tòa nhà Quốc Hội Đức bị tấn công! Nền dân chủ nào cũng mong manh, nhưng chúng ta đang chứng kiến sự dẻo dai bền chặt của nền dân chủ Mỹ. Chắc chắn nó sẽ vượt qua, và sẽ có rất nhiều việc phải làm để chỉnh sửa những vấn đề nội bộ bất như ý và cản trở các ý đồ độc tài trong tương lai…

Một nền dân chủ hùng mạnh như của Mỹ mà còn lung lay dù chỉ chịu những sức ép chưa lớn lắm của cạnh tranh toàn cầu với trung tâm là Trung Quốc hung hăng luôn muốn tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới với Mỹ. Tôi càng thông cảm với sự thất bại của nền dân chủ của Miền Nam Việt Nam xưa kia, một nền dân chủ còn non trẻ mà chịu sự thử thách quá lớn. Và thời cuộc cũng khiến Miền Nam thời đó cùng lúc kẹt trong nhiều xung đột thế giới đan chéo nhau. Sự thất bại của nền dân chủ Miền Nam, nhìn rộng hơn, cũng là vận mệnh của nước Việt Nam nói chung thời bây giờ.

Vận mệnh đó của nước Việt đã do người Việt quyết định. Kết quả cuộc chiến hai Miền năm xưa, dù chịu ảnh hưởng nước cờ quốc tế, không thể nói vai trò chủ động của người Việt trong đó là nhỏ, là không có tính quyết định. Nếu cách người Việt thời đó hiểu về Độc lập, Tự do, Tự chủ khác, nếu người Việt có nhãn quan chính trị khác, vận mệnh Việt Nam có thể đã khác hay không?

3) Với suy nghĩ vận mệnh quốc gia hôm nay do thế hệ cha, anh mình tạo nên, bài viết không than trời trách người, mà xin cùng chịu trách nhiệm với cha, anh, xin cùng quan sát hiện tình để cùng nhau gợi giải pháp.

Các biến chuyển của nước Mỹ bốn năm qua cùng với sự kiện Capitol Hill càng cho thấy bạo loạn, lật đổ, khủng bố không đem lại lợi ích trên bình diện quốc gia lâu dài. Chỉ có tranh đấu ôn hòa, kiên quyết hướng về dân chủ mới là cách đi thích hợp. Cho dù những bước đi hiện nay của Việt Nam khiến nhiều người ủng hộ dân chủ lo ngại, bài viết vẫn tin rằng Việt Nam rồi sẽ hướng về dân chủ.

Thông thường, dân chúng muốn dân chủ, chính quyền thiên về độc tài. Ở Việt Nam chính quyền và dân chúng có một mối quan tâm lớn hơn mối quan tâm về dân chủ hay độc tài, đó là mối quan tâm về quyền tự chủ và độc lập của quốc gia, về biển đảo mà tổ tiên đã trực tiếp quản lý từ hơn bốn trăm năm nay đã bị Trung Quốc đưa quân đánh chiếm! Nguyên nhân của mối quan tâm này là một Trung Quốc độc tài và bành trướng.

Trung Quốc đang lợi dụng sợi dây liên kết giữa hai quốc gia mười sáu chữ vàng “sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hoà nhập văn hoá, có chung định mệnh” để ràng buộc Việt Nam trong khi uy hiếp tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ của Việt Nam. Trong mười sáu chữ đó, phần chính yếu là “cùng chung lý tưởng”. Bốn chữ này này là nguồn gốc của bốn chữ “có chung định mệnh” với Trung Quốc mà bài viết này tin rằng Việt Nam, cả dân chúng lẫn chính quyền, đều không chấp nhận vì quá nhiều bài học cay đắng từ lịch sử tới nhãn tiền. Bốn chữ này cũng là nguồn gốc của nền chuyên chính trên nước Việt.

Muốn thoát khỏi thế khó bị ràng buộc hiện nay, Việt Nam cần hướng về Hoa Kỳ, Nhật, Phương Tây và các nước dân chủ khác. Hướng về một nấc, thoát khó khăn một nấc. Thoát một nấc mới có cơ hội hướng thêm một nấc nữa… Trong hoàn cảnh Việt Nam đang ở đầu sóng ngọn gió rất tế nhị và chứa nhiều nguy cơ, điều này khó, dù không phải không thể. Càng khó hơn khi hiện nay Phương Tây còn nhiều chia rẽ, chính sách cũa Mỹ về Trung Quốc chưa cho thấy rõ rệt hay nhất quán.

Sự cẩn thận của Việt Nam cần được thông cảm và ủng hộ. Bài viết này cho rằng trước sau gì Việt Nam cũng sẽ hướng về phương Tây mà nòng cốt là Hoa Kỳ, Liên Âu, Nhật. Nếu các trung tâm nói trên siết chặt quan hệ đồng minh bền vững, đồng lòng bảo vệ các giá trị của nền dân chủ, Việt Nam sẽ từng bước dựa vào để thoát Trung. Trước hết là thoát dần sự lệ thuộc kinh tế để dần dần thoát về chính trị. Chắc chắn sự dựa này song hành với việc cải thiện mức độ dân chủ trong nước. Cùng với đó, nội lực nước Việt vững chắc hơn.

Trong khi chờ đợi thời cơ thuận lợi, bài viết mong nền chính trị nội bộ Việt Nam có lộ trình mở hơn về phía dân chủ. Đó là lợi thế của Việt Nam. So với Trung Quốc, Việt Nam dễ xoay sở vì không quá lớn, và cũng đủ các điều kiện để xác lập một nền tự chủ cao hơn dựa trên sức mạnh toàn dân.

Lê Học Lãnh Vân, ngày 09 tháng 01 năm 2021

Nguồn: Văn Việt, 10/01/2021