20 janvier 2021

Thấy gì ở Đại hội lần thứ VIII của Đảng Lao động bắc Triều Tiên?

Vương Thuyên

I - Lời đầu

Kim Chính Ân
Vào đầu năm 2021, ba nước cộng sản còn lại trên thế giới tổ chức họp Đại hội để thay nhân sự tiếp tục thống trị nhân dân của họ. Đó là Đảng Lao động bắc Triều Tiên ngày 5-1, Đảng Lao động Lào ngày 13-1 và Đảng cộng sản Việt Nam dự trù ngày 25-1.

Nếu Đảng cộng sản VN có khả năng thay đổi ''đảng trưởng'' do quá tuổi thì ở bắc Triều Tiên chỉ là hình thức vì Kim Chính Ân (Kim Jong-un, 金正恩, 1984) hay ''chú Ủn'' còn trẻ mới ngoài 36 tuổi đời. Ở tuổi này, KCA, ngoại trừ bất trắc, có thể tiếp tục còn thấy 10 tổng thống Mỹ kế tiếp!.


Đây là lần đầu tiên, Đại hội đảng của bắc TT họp theo chu kỳ 5 năm cũng như các đảng ''anh em''. Lần trước Đại hội VII, năm 2016, có khoảng cách 36 năm với Đại hội VI năm 1980!. Đây là lần thứ hai Kim Chính Ân (KCA) chủ trì Đại hội từ khi thay thế cha Kim Chính Nhật (Kim Jong-Il, 金正日) đầu năm 2012. Đại hội khai mạc vào lúc Hoa Kỳ sắp có tổng thống mới Joe Biden thay Donald Trump, người mà KCA có ba lần gặp gỡ trong hai năm 2018 và 2019.

Toàn cảnh ''rừng người'' không mang khẩu trang tham gia Đại hội
 

II-Thừa nhận sai lầm

 

Kim Chính Ân ngày khai mạc Đại hội

Trong ngày khai mạc với sự có mặt của 7000 đại biểu, KCA, một cảch không bình thường, thừa nhận sai lầm trong suốt 5 năm qua trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế khi làm báo cáo chính trị. Thông thường, người đọc báo cáo chính trị của các đảng cộng sản thường tôn vinh những thành tựu ''chưa từng có''. Nếu có sai sót thì đổ thừa cho cấp dưới không thi hành đúng đắn hoặc đổ thừa do ''thiên tai''. Tuy vậy, KCA cũng không quên nhắc lại ''chiến thắng kỳ diệu'' về việc thử thành công ba tên lửa xuyên lục địa có khả năng đến đất Mỹ năm 2017 cũng như việc tăng cường vũ khí hạt nhân. 

Về thất bại toàn diện về kinh tế, nguyên do là bên ngoài bắc Triều Tiên vẫn bị Liên Hiệp Quốc cấm vận và bị lên án tình trạng xấu xa về nhân quyền, bên trong bị bão lụt làm thất thoát mùa màng. Do chính sách tăng cường vũ khí hạt nhân nên nhiều công trình lớn như khu du lịch Wonson Kalma phải bỏ dỡ vì cạn tiền. Lại nữa, bệnh dịch Covid-19 đưa đến việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ đầu tháng 1-2020, nước đối tác chính mà bắc TT trông nhờ. Hậu quả là 80% bang giao thương mại với TQ bị giảm sút. Tổng sản lượng quốc nội (GDP) đã thấp kém lại bị tuột 8,5% trong năm qua. Theo Liên Hiệp Quốc, 40% dân chúng bắc TT còn sống thiếu dinh dưỡng. Nạn dịch Covid-19 còn gây áp sức mạnh lên những người thiếu dinh dưỡng do bắc TT có hệ thống yếu kém về Y tế cũng như họ không có điều kiện tự bảo vệ dù chính thức bắc TT không thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số người bị nhiễm. Dĩ nhiên, chẳng ai tin là bắc TT '''không có''  người nhiễm bệnh cũng như người tử vong trong khi trên thế giới cho đến ngày 17-1-2021 đã có 94,4 triệu người bị mắc nhiễm và bắt đầu vượt qua con số hai triệu người tử vong mà vẫn chưa hết. 

KCA đưa ra một kế hoạch ngũ niên mới chủ yếu là hướng tới mục tiêu tự lực kinh tế nhằm giải quyết những thách thức trong ngoài. Nói cách khác, dân chúng phải chuẩn bị thắt lưng buột bụng thêm 5 nữa.

III-Bí ẩn của sự ngã ngựa của ''công chúa'' Kim Dữ Chính (Kim Yo-jong) 

Hình Kim Chính Ân và em Kim Dữ Chính ở hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018. Hình AFP

Điều bất ngờ của Đại hội là việc thất sủng ''tạm thời'' của Kim Dữ Chính (KDC,
金與正, 1987), người em gái thân gần của KCA. Trước Đại hội, các quan sát viên dự đoán KDC sẽ chiếm một địa vị cao hơn. Thế nhưng, bà trái lại bị mất chức uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị tuy còn ở Ban Chấp hành TƯĐ ở hàng thứ 20, và một cách kỳ lạ là bà Kim đã thu được số phiếu bầu cao hơn  nhiều uỷ viên Bộ Chính trị. 

Trong những năm gần đây, con đường hoạn lộ của KDC như ''diều gặp gió'' do được anh giúp đỡ. Năm 2014, KDC dù chỉ mới 27 tuổi đời được anh KCA bổ nhiệm phó Trưởng ban Tuyên truyền và Dân vận TƯ rồi Trưởng ban năm 2015 thay ông Kim Cơ Nam (Kim Ji-nam, 金基南) về ''nghỉ hưu'' lúc 89 tuổi!.

Năm 2017, KDC được anh đề bạt uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị rồi đại biểu Quốc hội năm 2019. Cuối năm 2019, KDC được đề cử phó Chủ nhiệm Văn phòng TƯĐ. Tên tuổi của KDC được truyền thông nước ngoài biết đến nhiều khi Thế Vận hội mùa đông ở Pyeongchang diễn ra trong tháng 2 năm 2018 ở Hàn Quốc. KDC chính thức là một thành viên lãnh đạo nhưng thực sự là trưởng phái đoàn bắc Triều Tiên và là đặc phái viên của KCA đi tham dự. Bà được TT Hàn Quốc Văn Tại Diễn (Moon Jae-in,文在演) tiếp kiến. Kết quả vượt ngoài mong đợi với ba lần thượng đỉnh giữa hai miền Nam Bắc tiếp diễn sau đó. Tháng 6-2019, KDC thay mặt anh trở lại Hán thành (Seoul) để tham dự tang lễ bà Lý Cơ Hạo (Lee Hee-ho,), phu nhân của nguyên TT Kim Đại Trung (Kim Dae-jung, 金大中). Ông Kim Đại Trung là vị TT đầu tiên (1998-2003) của Hàn Quốc có sang viếng thăm chính thức Bình Nhưỡng vào tháng 6-2000 để gặp Kim Chính Nhật xuyên qua chính sách ''ánh sáng mặt trời'' (Sunshine policy) của ông. 

Trong hai lần họp thượng đỉnh Trump-Kim để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân ở Singapore tháng 6-2018 và ở Hà Nội tháng 2-2019 cũng như ba lần ở thượng đỉnh liên Triều, người ta thấy KDC đứng bên cạnh anh như một trợ thủ đắc lực. Truyền thông còn nói KDC là cố vấn của KCA về quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc.

Tháng 4-2020, khi KCA bất thường vắng mặt trong ba tuần nhất là vắng mặt lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của ông nội Kim Nhật Thành, một trong những sự kiện trọng đại của chế độ, truyền thông đặt câu hỏi KDC có thể thay thế anh trong trường hợp KCA ''chẳng may'' phải đi chầu sớm hai ông Các-Mác. KDC trở thành một người đàn bà đầy quyền lực mà báo chí nước ngoài không ngần ngại nói là nhân vật  số ''2'' trên thực tế của chế độ.

Như vậy tại sao KDC lại bị thất sủng?. Đó là một bí ẩn mà các chuyên gia theo dõi thời sự bắc TT đặt câu hỏi nhưng họ cũng nói thêm rằng khó tưởng tượng mà nghĩ rằng bà bị loại hẳn ở chính trường. Bằng chứng là ngay sau Đại hội 8 vừa bế mạc, bà lên tiếng chỉ trích quân đội Hàn Quốc đưa tin thất thiệt. Có nguồn tin đưa ra cho rằng việc xuống cấp của KDC có liên quan đến sự thất bại của thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội. Điển hình là ngoại trưởng Lý Dũng Hạo (Ri Yong-ho, 李勇浩), uỷ viên dự khuyết BCT bị mất chức, còn thứ trưởng ngoại giao thứ nhất bà Thôi Thiện Cơ (Choe Son-hui,崔善) cũng bị giáng cấp từ uỷ viên Ban Chấp hành xuống thành uỷ viên dự khuyết. Hai người này có trách nhiệm đối ngoại và tham gia hội nghị. Như vậy phải chờ xem chức vụ mới của KDC trong những ngày sắp tới.

Về đời tư, truyền thông nước ngoài nói KDC kết hôn, năm 2014, với con trai của nguyên soái Thôi Long Hải và cũng là nhân vật số 2 của chế độ. Cũng theo truyền thông nước ngoài, chồng của KDC là ngưởi đảm trách văn phòng ''39'' (tầng 3, phòng số 9). Đặc điểm của văn phòng này là làm kinh tài tìm nguồn ngoại tệ cho mục tiêu quân sự bằng cách xuất cảng hàng dệt, than đá, xuất cảng công nhân lao động vv...

IV-Quan hệ Mỹ-bắc Triều Tiên và hai miền Nam Bắc sẽ đi về đâu?

Quan hệ giữa Mỹ và bắc TT là một chuỗi dài thất bại từ khi chiến tranh Triều Tiên xảy ra trong 1950-1953 với sự chia cắt hai miền Nam Bắc. Quân đội Mỹ trước đó do tướng Mac Arthur thống lãnh đánh bật quân bắc Triều Tiên đến sông Áp Lục (Yalu) cạnh biên giới với Trung Quốc. Thủ lãnh Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, 金日成) buộc phải cầu cứu ''chí nguyện quân'' TQ sang trợ giúp. Cuối cùng, hai miền ký hiệp định đình chiến lấy vĩ tuyến 38 ở Bàn Môn Điếm (Panmunjom) làm giới tuyến. Do hai miền không ký hiệp định chấm dứt chiến tranh nên thường xảy ra nhiều cuộc xung đột đôi khi đẩm máu trong nhiều thập niên. Vì lý do đó mà Hoa Kỳ còn phải đóng 28.000 quân ở phía nam để bảo vệ Hàn Quốc. Phải đợi đến 68 năm sau, hai nguyên thủ Trump-Kim mới có một bắt tay lịch sử ở hội nghị thượng đỉnh Singapore năm 2018 để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hoá toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Do kết quả ở thượng đỉnh Singapore còn khiêm tốn nên hai bên tiếp tục họp ở Hà Nội trong tháng 2-2019. Thượng đỉnh Hà Nội thất bại, ông Trump bỏ về nước trước ngày hội nghị bế mạc. 

Cũng cần nhắc lại khi ông Donald Trump lên cầm quyền đầu năm 2017, hai lãnh tụ từng hăm doạ thiêu huỷ lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân và cùng miệt thị. Ông Trump gọi KCA là ''thằng bé lùn tên lửa phì béo'' trong khi KCA gọi ông Trung là cụ già ''lảng trí mang bệnh tâm thần''. Thế nhưng, hai người có điểm chung ở tính khí bốc đồng (impulsive) và bất dự kiến (unpredictable) nên họ đã làm thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hình như ông Trump cuối cùng có ''tình cảm sâu đậm'' với nhà độc tài họ Kim này. Khi viếng thăm chính thức Hàn Quốc, ông mời họ Kim đến gặp xã giao ở làng của khu đình chiến liên Triều ngày 30-6-2019. Người ta thấy hình hai lãnh tụ nắm tay sang phía bắc rồi phía nam trong vài giây phút. Khi KCA tái xuất hiện vào đầu tháng 5-2020 sau ba tuần vắng mặt, ông Trump gửi ''Tweet'' nói ông vui mừng thấy KCA có sức khoẻ tốt.

Nhà báo nổi tiếng Mỹ Bob Woodward có xuất bản quyển sách ngày 15-9-2020 có đề tựa ''Rage'' (Cuồng nhiệt). Quyển sách viết về bốn năm cầm quyền của ông Trump trong đó ông có đề cập đến  25 bức thư trao đổi giữa ông Trump và KCA. Những bức thư của KCA được ông Trump đánh giá cao và theo nhà báo, ông Trump có lần thốt ra: ''chúng tôi trở thành tình nhân''!

Còn quan hệ với tân tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ra sao?. Dù ông Joe Biden chưa chính thức lên cầm quyền nhưng họ Kim đã gán ông là ''con chó dại điên cuồng'' cần phải ''hạ sát'' và vừa tuyên bố nước Mỹ là ''đại kẻ thù'' của nhân dân bắc Triều Tiên. Họ Kim còn tuyên bố sẽ thiết lập một tiềm thuỷ đỉnh (tàu ngầm) có trang bị vũ khí hạt nhân và phát triển vũ khí siêu vượt âm để ''lật đổ'' Hoa Kỳ. Hình như những lời tuyên bố hăm doạ chưa đủ, bắc TT còn cho diễu binh rầm rộ phô trương sức mạnh vũ khí hạt nhân ở Bình Nhưỡng ngay sau Đại hội bế mạc để ''hù doạ'' tân TT Joe Biden.

Ngược lại, ông Biden gọi họ Kim là ''thằng lưu manh''. Khác với ông Trump, ông Biden không có tính khí bốc đồng cũng như tính bất dự kiến nên quan hệ giữa hai nước chắc sẽ còn căng thẳng lâu dài. 

Còn quan hệ với Hàn Quốc sẽ ra sao?. Quan hệ giữa hai miền được cải thiện rõ rệt sau ba lần thượng đỉnh giữa hai lãnh tụ. TT Hàn Quốc Văn Tại Diễn là người tích cực trong việc giúp đỡ thành công đưa đến hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore và sau đó còn sang Bình Nhưỡng ngày 20-9-2018 để gặp KCA, một sự kiện lịch sử. Thế nhưng, từ đầu tháng 6-2020, quan hệ giữa hai miền trở nên căng thẳng một phần do cuộc đàm phán Mỹ-bắc TT dậm chân tại chỗ, một phần Bình Nhưỡng tìm cách gây khủng hoảng để tăng thế mạnh. Ngày 9-6-2020, Bình Nhưỡng cắt đứt kênh giao thông liên lạc với Hán Thành rồi một tuần sau đó cho nổ tung văn phòng liên lạc của Hàn Quốc đặt trụ sở ở Kaesong trên đất bắc. Bình Nhưỡng viện cớ là những người đào tẩu sang miền nam gửi tờ rơi truyền đơn và tiền bạc sang phía bắc và cáo buộc miền nam ''vi phạm'' những thoả thuận đã ký kết hồi 2018. Do không muốn tình hình trở nên căng thẳng, chính phủ Hàn Quốc buộc phải thông qua đạo luật hình sự cấm chỉ việc rơi truyền đơn dù bị đối lập công kích mạnh mẽ. Dù vậy, truyền thông Bình Nhưỡng, theo lệnh của KDC, cáo buộc TT Hàn Quốc là kẻ ''bợ đỡ'' Mỹ và các người đào tẩu là ''cặn bã của loài người''. 

Tình hình chính trị giữa hai miền đang ở thời kỳ bế tắc.

V-Đại thanh trừng và thay đổi nhân sự

Dù là người đứng đầu thất bại toàn diện về kinh tế trong 5 năm qua, KCA được Đại hội ''nhất trí'' bầu TBT Đảng. Cũng như thời phong kiến, chỉ có vua là người ''sáng suốt'' không bao giờ sai, nếu có thất bại hay sai lầm là do gian thần báo cáo láo phải bị ''trảm''!. Ngày nay, danh từ được thay thế bằng thanh trừng. Do đó, chỉ có 3 trên 19 uỷ viên chính thức của BCT của Đại hội VII còn ở lại. Đó là KCA, Thôi Long Hải (Choe Ryong-hae) và Kim Anh Triết (Kim Yong-chol). 

Ở Ban uỷ viên dự khuyết BCT khoá VII, ngoài ba uỷ viên Phác Thái Thành (Pu Thae-song), Lý Bỉnh Triết (Ri Pyong-chol) và Lý Vĩnh Cát (Ri-Yong-gil) trở thành uỷ viên thực thụ khoá VIII, sáu uỷ viên kia bị khai trừ. Vì vậy, 11 thành viên dự khuyết khoá VIII hoàn toàn mới. 

Như vậy, tổng cộng có 22 ủy viên của BCT bị thanh trừng (16 uỷ viên chính thức và 6 uỷ viên dự khuyết), tỷ lệ là 78,6%!. Một con số kỷ lục chưa từng có ở các nước cộng sản.

Ngoài ra, hai ông Thôi Long Hải và Kim Anh Triết dù còn ở lại BCT nhưng không có mặt ở Ban Bí thư hoặc Ban Quân uỷ TƯ, hai cơ quan đầu não của chế độ. Ông Kim Anh Triết là người liên lạc với phía Mỹ ở hai thượng đỉnh Trump-Kim. Ông là đặc phái viên của KCA đến nhà Trắng gặp ông Trump đầu tháng 6-2018 nhưng sau đó bị mất chức Chủ nhiệm Uỷ ban Mặt trận Thống nhất vào tháng 4-2019. Lý do có khả năng là sự thất bại thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 2 trước đó cũng như nhiều người khác nói trên.

Về phía những người được tăng thưởng, có ba người được vào thẳng thường vụ BCT. Đó là Lý Bỉnh Triết (Ri Pyong-chol) ở hàng thứ 3, Kim Đức Huấn (Kim Tok-hun, thủ tướng từ giữa tháng 8-2020 thay ông Kim Tài Long (Kim Jae-ryong) thủ tướng từ 4-2019 đến 8-2020) và ông Trịệu Dũng Nguyên (Jo Yong-won). Riêng ông Triệu Dũng Nguyên là nhân vật đang lên, ông là nhân vật số 2 của Ban Bí thư, số 3 của Ban Quân uỷ TƯ và số 5 của thường vụ BCT.

VI-Lời kết

Bất chấp tình trạng khốn cùng của đất nước, bắc TT của KCA tiếp tục theo đuổi chính sách ngông cuồng vũ khí hạt nhân. Hậu quả sẽ bị Liên Hiệp Quốc tiếp tục cấm vận, đưa đất nước đến khánh kiệt và hoàn toàn tuỳ thuộc Trung Quốc, điều mà KCA cũng như nhân dân bắc TT muốn tránh khỏi. Lối thoát duy nhất là từ bỏ chính sách tốn kém ngân quỹ Nhà nước này mà hình như KCA và chế độ chưa có quyết tâm từ bỏ như theo TT Nga Putin có lần tuyên bố: ''Bắc TT thà ăn cỏ còn hơn từ bỏ chính sách vũ khí hạt nhân''. Thế là ngõ cụt.

 

Phụ lục

Ban Chấp hành mới

Ban Chấp hành mới gồm có 138 uỷ viên chính thức và 111 uỷ viên dự khuyết so với Đại hội VII có 124 uỷ viên chính thức và 106 uỷ viên dự khuyết.

Điều mới lạ là KCA bỏ chức vụ Chủ tịch Đảng để trở thành Tổng Bí Thư như cha và tái lập Ban Bí thư mà trước đây gọi là ''Hội đồng chính sách hành pháp''. Ngoài ra, Đại hội còn ấn định tổ chức chu kỳ 5 năm một lần và sửa đổi điều lệ Đảng.

I-Bộ Chính trị [1]

Bộ Chính trị lần này cũng như Đại hội VII năm 2016 có 19 người.

1- Uỷ viên chính thức

Thường vụ BCT (5 người): Kim Chính Ân* (金正恩, 1984), Thôi Long Hải* (Choe Ryong-hae, 龙海, 1950), Triệu Dũng Nguyên* (Jo Yong-won, 赵甬元), Lý Bỉnh Triết* (Ri Pyong-chol,李炳哲, 1948), Kim Đức Huấn (Kim Tok-hun,金德, 1962),

Tiếp theo (14 người): Phác Thái Thành (Pak Thae-song,朴泰成, 1955), Phác Chính Thiên* (Pak Jong-chon, 朴正天), Trịnh Thượng Học (Jong Sang-hak, 郑尚学), Lý Nhật Hoán (Ri Il-hwan, 李日,1960), Kim Đẩu Nhật (Kim Tu-Il, 头日), Thôi Tương Kiến (Choe Sang-gon, 崔相建,1953), Kim Tài Long (Kim Jae-ryong, 金才), Ngô Nhật Tinh* (O Il-jong,吴日晶, 1954), Kim Anh Triết* (Kim Yong-chol, 金英哲, 1945), Ngô Tú Dung (O Su-yong, 吴秀容), Quyền Vĩnh Tiến* (Kwon Yong-jin, 权永进), Kim Chính Quan* (Kim Jong-gwan, 金正官), Trịnh Kinh Trạch* (Jong Kyong-thaek, 郑京择, 1961), Lý Vĩnh Cát* (Ri Yong-gil, 李永吉, 1952).

*Quân đội có hàm từ thượng tướng đến nguyên soái.

Người ta chú ý ngoài ông Kim Anh Triết sinh năm 1945 và ông Lý Bỉnh Triết sinh năm 1948, đa số còn lại sinh từ 1950 trở lên. Không còn các ''bô lão'' trên 80 tuổi nữa!.

2-Uỷ viên dự khuyết

Lần này ủy viên dự khuyết BCT gồm có 11 người thay vì 9 người như lần trước. Đó là:

Phác Thái Đức (Pak Thae-dok,朴太德, 1955), Phác Minh Thuận** (Pak Myong-sun, 朴明, nữ), Hứa Triết Vạn (Ho Chol-man, 许哲万), Lý Triết Vạn (Ri Chol-man, 李哲万,1968), Kim Hanh Thực (Kim Hyong-sik, 金亨), Thái Hanh Triệt (Thae Hyong-chol, 太亨, 1953), Kim Anh Hoán (Kim Yong-hwan, 金英), Phác Chính Căn (Pak Jong-gun, 朴正根), Dương Thắng Hổ (Yang Sang-ho, 杨胜虎), Kim Hiền Triết (Kim Hyon-chol, 贤哲), Lý Thiện Quyền (Ri Son-gwon, 李善).

**Bà Phác Minh Thuận là người phụ nữ duy nhất của BCT.

[1] Nguồn : 8th WPK Central Commitee

II-Ban Bí thư

Ban Bí thư gồm có 8 người sau:

1-Kim Chính Ân, TBT Đảng, Chủ tịch (CT) đoàn BCT, CT Ban Quân uỷ TƯ, CT Uỷ ban Quốc vụ, Tổng Tư lệnh Tối cao quân đội nhân dân, hàm nguyên soái,

2-Triệu Dũng Nguyên, uỷ viên thường vụ BCT, thành viên Ban Quân uỷ TƯ, hàm thượng tướng,

3-Phác Thái Thành, uỷ viên BCT, Chủ nhiệm Ban Thông tin và Tuyên truyền, CT Quốc Hội,

4-Lý Bỉnh Triết, uỷ viên thường vụ BCT, phó CT Ban Quân uỷ TƯ, thành viên Uỷ ban  Quốc vụ, hàm nguyên soái,

5-Trịnh Thượng Học, uỷ viên BCT, CT Uỷ ban Kiểm tra TƯ, 

6-Lý Nhật Hoán, uỷ viên BCT, Trưởng ban Tổ chức TƯ,

7-Kim Đẩu Nhật, uỷ viên BCT, Trưởng ban Kinh tế TƯ, 

8-Thôi Tương Kiến, uỷ viên BCT, Chủ nhiệm Bộ Khoa học và Giáo dục, bộ trưởng Bộ Giáo dục.

III-Ban Quân uỷ TƯ gồm có 13 người sau:

1-Kim Chính Ân, xem chức vụ trên,

2-Lý Bỉnh Triết, như trên, 

3-Triệu Dũng Nguyên, như trên,

4-Ngô Nhật Tinh, uỷ viên BCT, Chủ nhiệm Ban Lãnh đạo quân sự, hàm thượng tướng,

5-Kim Triệu Quố́c, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Văn phòng TUĐ,

6-Cường Thuần Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Công nghiệp quân nhu, hàm trung tướng,

7-Ngô Tú Dung, uỷ viên BCT, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế II,

8-Phác Chính Thiên, uỷ viên BCT, Tổng Tham Mưu trưởng quân đội nhân dân, hàm nguyên soái

9-Quyền Vĩnh Tiến, uỷ viên BCT, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân, hàm thượng tướng,

10-Kim Chính Quan, uỷ viên BCT, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hàm đại tướng,

11-Trịnh Kinh Trạch, uỷ viên BCT, bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia, hàm thượng tướng,

12-Lý Vĩnh Cát, uỷ viên BCT, bộ trưởng Bộ Công an, hàm đại tướng,

13-Lâm Quang Nhật, phó thứ nhất Tổng Tham Mưu trưởng quân đội nhân dân, hàm đại tướng.

Chú thích

Chúng tôi dịch tên người Triều Tiên từ tiếng Hoa lấy trên mạng.

VT, 18 tháng giêng 2021