Ls Trần Vũ Hải
Ngày
20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) bị Cơ quan điều tra – Bộ Công an bắt
để điều tra hành vi kinh doanh trái phép (tội danh được quy định tại Điều 159
Bộ luật Hình sự).
Ngày
24/8/2012, Đại tá Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế (C46), Phó
Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết: “Trước khi khởi tố, bắt giam Nguyễn Đức
Kiên, lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương đã họp và thống nhất cao.”, “Quá
trình bắt, khám xét và tổ chức điều tra đảm bảo đúng người, đúng tội theo quy
định của pháp luật và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thủ tướng Chính phủ.”
Ngày
15/10/2012, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ra Thông báo Hội nghị Trung ương 6, trong đó có
đoạn: “Ban Bí thư……đã tập trung chỉ đạo
xử lý một số vấn đề phức tạp, nổi cộm trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại các
tập đoàn kinh tế nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tài
chính. Chỉ đạo việc điều tra, xử lý một số vụ án kinh tế nghiêm trọng, điển
hình là việc khởi tố Nguyễn Đức Kiên và một số lãnh đạo Ngân hàng ACB (nguyên
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Xuân Giá, nguyên Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải…)
về các hoạt động phi pháp nhằm mục đích đầu cơ, thao túng thị trường tiền tệ;
truy bắt Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, được cán
bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình”.
Như vậy, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã trực tiếp chỉ
đạo việc khởi tố, bắt giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên.
Ngày 02/6/2014, trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa sơ thẩm
xử ông Kiên và các đồng phạm, ông Kiên đã đề nghị các ông lãnh đạo Đảng và Nhà
nước Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng xem
xét để bảo vệ quyền công dân của ông, minh oan cho ông. Ông nói thêm:
Đề nghị lãnh đạo ngành tư pháp Trung ương trong đó có
Bộ trưởng, Thứ trưởng tổng cục 6 đừng để nhận được những thành tích từ vụ án
này.
Đề nghị HĐXX: nếu chưa có đầy đủ thời gian nghiên cứu
tài liệu hồ sơ thì đừng tuyên án vào ngày 5/6 , nếu vẫn tuyên thì có thể là bản
án đã tuyên từ trước. Thứ 2, hiến pháp VN quy định tại điều 31 , điều 4, đề
nghị HĐXX chờ sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo đảng, nhà nước để giúp tôi đảm
bảo quyền công dân theo hiến pháp quy định;”
Bị
cáo Nguyễn Đức Kiên đã có lý khi đề nghị Hội đồng xét xử chờ đợi sự chỉ đạo của
lãnh đạo Đảng và Nhà nước, vì chính nhiều vị lãnh đạo này đã chỉ đạo khởi tố,
bắt giam ông Kiên. Ngay trong Thông báo của Hội nghị Trung ương Đảng đã khẳng
định vai trò chỉ đạo vụ án hình sự này – một điều chưa từng có tiền lệ trong những
Thông báo của các Hội nghị Trung ương Đảng. Có vẻ lý lẽ của Nguyễn Đức Kiên đã
được Hội đồng xét xử chấp thuận khi đã không tuyên án vào ngày 05/6 như dự kiến
mà rời sang ngày 09/6/2014.
Chúng ta sẽ chờ đợi xem Ban lãnh đạo Đảng và
Nhà nước Việt Nam chỉ đạo xét xử vụ án này như thế nào theo Điều 4 (về vai trò
lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình của Đảng cộng sản Việt
Nam) và Điều 31 (quyền của người bị buộc tội) của Hiến pháp 2013 như bị cáo Kiên yêu cầu!