Đào Tiến Thi
Chiều ngày 7-5-2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo quốc tế về việc “Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam”.
Đây
là sự kiện “bất bình thường” nhất kể từ cuộc hải chiến Gạc Ma
1988, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam công khai đàng hoàng với tất
cả nỗi bức xúc về hành động xâm lược của Trung Cộng, mà trước đó
các sự kiện kiểu này hoặc bị bưng bít hoặc công bố dè dặt,
không đầy đủ, không đúng thực chất. Việc này khiến mỗi người
dân không khỏi ngạc nhiên: Phải chăng đã có một sự chuyển biến
lớn của Đảng cầm quyền Việt Nam về vấn đề Trung Quốc?
Vì
thực ra mức độ gây hấn nghiêm trọng tương tự kiểu như thế đã
xuất hiện liên tiếp mấy năm vừa qua, như việc Trung Quốc cắt
cáp tàu thăm dò đầu khí của Việt Nam (hai lần, mùa hè 2011),
rao thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
(mùa hè 2012), phát hành hộ chiếu in hình lưỡi bò thể hiện
chủ quyền của Trung Quốc chiếm gần hết Biển Đông (cuối 2012),
v.v. Những lần ấy, Việt Nam chỉ có vài phản ứng qua quýt. Và
tất cả các cuộc biểu tình cùng những hành động phản đối
Trung Cộng của nhân dân đều bị theo dõi, ngăn cản, đạp mặt, khủng
bố, vu cáo, bỏ tù.
Vì thế, trước cuộc
biểu tình ngày 11-5-2014, tâm thế của mỗi người rất khác nhau.
Hai ngày trước đó, “lề Đảng” cũng đã tổ chức vài cuộc “mít
tinh” và “diễu hành” (người ta tránh chữ “biểu tình”). Cho nên dù biết
chắc lần này không có đàn áp nhưng tâm lý mệt mỏi và nghi ngờ lại
càng bao trùm: Liệu Đảng (Nhà nước) đã thực tâm chống xâm lược
chưa? Kinh nghiệm các năm 2011, 2012, sau khi thả cho vài cuộc đầu
thì các cuộc sau đã bị đàn áp triệt để, rồi còn vu cáo, thoá mạ
người biểu tình trên các phương tiện truyền thông. Ngay trong lúc
đụng độ căng thẳng trên Biển Đông hôm rồi mà vẫn còn bắt anh Ba
Sàm kia mà? Rồi lực lượng quần chúng được động viên như đã thấy hai
ngày qua sẽ ảnh hưởng gì đến cuộc biểu tình thực sự ngày 11-5? Hỏi thăm
nhau, một số người đã trả lời không đi.
Bản
thân tôi cũng rất phân vân và đã định không đi, trừ phi nhận
thấy Chính phủ có ý chí chống xâm lược thực sự. Nhưng ngay từ
hôm truyền thông nhà nước công bố sự kiện, mọi người quen hễ
gặp tôi là “túm” lấy để hỏi. Khác với những dịp tương tự
trước, nếu may mắn (ít lắm) có người quan tâm là tôi hăng hái
“túm” lấy họ để kể tội Tàu Cộng và tuyên truyền lòng yêu
nước cũng như trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của mỗi công dân,
thì lần này tôi buồn rầu bảo: “Sao các bạn lại hỏi tôi, một
kẻ đã bị coi là “suy thoái”, “phản động, thù địch”, một kẻ
đã bị kết tội “gây rối trật tự công cộng”? Đã “có Đảng và
Nhà nước lo” rồi. Sao các bạn không đi hỏi bác Nguyễn Phú
Trọng ấy?”. Tôi không ngờ câu trả lời lại làm họ buồn, trong đó
có cả những người từng “làm công tác tư tưởng” với tôi, rằng
không nên đi biểu tình chống Trung Quốc, hãy để Đảng và Nhà
nước lo!
Chẳng phải tôi “dỗi”, mà tôi
tuyệt vọng rồi. Giặc Tàu đâu chỉ ở Biển Đông, mà ở khắp nước
ta, nhiều chỗ còn nguy hiểm hơn cả Biển Đông. Và còn có cái
nguy hiểm hơn cả giặc Tàu, đó là thái độ đầu hàng giặc và
buông xuôi ở trong mỗi con người mà tôi đã chứng kiến hoặc cảm
nhận rất rõ ràng (sẽ kể trong một bài khác).
Thế
nhưng cuối cùng tôi đã quyết định đi. Động cơ nào tôi cũng
không rõ nữa. Tôi chỉ cảm thấy trước hết không thể bỏ các bạn
bè đồng chí của tôi, những người đã từng bị đánh đập, giam
cầm, bị côn đồ hành hung, bị ném mắm tôm vào nhà chỉ vì biểu
tình yêu nước. Sau nữa, tôi làm sao bỏ được Tổ quốc tôi, cái Tổ
quốc khốn khổ, rách bươm, quằn quại và chưa biết số phận đi
về đâu. Và sau nữa, tôi cũng không muốn phụ một chút lòng tin
các bạn của tôi nói trên kia. Tôi không ngờ, trong giờ phút hiểm
nghèo này, niềm tin của các bạn ấy lại đặt vào kẻ “phản
động” như tôi.
Tối 10-5, tôi gọi điện cho
một anh cảnh sát quen thì anh bảo, tinh thần là chính quyền
động viên mọi người đi biểu tình. “Quái, sao thế được anh. Anh
nói đùa hay nói thật đấy?”. “Thật mà. Công an ngày mai chỉ giữ
trật tự thôi, không ngăn cản, bắt bớ gì đâu”. Được biết GS Huệ
Chi còn có anh công an tình nguyện chở đi, tôi hỏi mai thầy có
đi không, GS Huệ Chi bảo: “Mình không đi. Đã có Đảng và Nhà
nước lo rồi!”.
Ngồi xe ôm đến công viên
Lê-nin thấy ngả vào đường Hoàng Diệu đã bị chặn, phải vòng
ngả Điện Biên Phủ. Anh xe ôm bảo: “À, hôm nay có biểu tình
chống Trung Quốc”. Tôi hỏi: “Sao anh biết?”. “Biết chứ. Mình
phải biểu tình cho quốc tế thấy. Hôm qua mình đệ đơn báo cáo
lên Liên Hợp Quốc rồi, bác không biết à?”. Tôi bảo: “Tôi nghĩ
Liên Hợp Quốc đâu phải như ông chủ tịch tỉnh mà đệ đơn. Với lại
tôi nghe nói quan hệ mình với Trung Quốc nó tế nhị lắm, phải
để Đảng và Nhà nước lo chứ có bao giờ cho dân đi biểu tình?”.
Anh xe ôm: “Không phải. Dân phải biết để ủng hộ Chính phủ chứ.
Bác cứ vào sẽ biết”.
Lúc tôi đến Công
viên Lê-nin thì đã rất đông người, có lẽ đến 7, 8 trăm (sau này
lúc đông nhất có lẽ đến một nghìn) nhưng lực lượng công an sắc
phục lại ít, ít hơn hẳn so với các cuộc biểu tình tự phát
trước kia. Phía đường Điện Biên Phủ gần quán cà phê có hai quân
nhân mang băng kiểm soát quân sự đứng gác. Tôi hỏi một anh:
“Này cháu, hôm nay có gì mà tập trung đông thế?”. “Biểu tình
chú ạ”. Tôi bảo: “Biểu tình thì phải dẹp chứ, trước nay vẫn
thế mà. Sao công an đứng đấy mà không dẹp?”. “Cháu chả biết
nữa” – một anh nói. Một ông có tuổi đứng cạnh hất hàm: “Vào trong
kia mà hỏi”.
Tôi vào. Tiếng loa của công an
lần này khác tất cả mọi lần. Không đe doạ dùng nghị định nọ kia để xử
phạt người biểu tình đã đành mà cũng không có cái giọng nữ ỏn ẻn được
tỉa tót kĩ lưỡng để khuyên người biểu tình giải tán như hôm 1-7-2012,
lúc Trung Cộng rao thầu 9 lô dầu khí của ta. Lần này là một giọng đàn
ông chắc nịch, hầu hết nội dung như một bài hịch kể tội Tàu Cộng, mãi
cuối mới có một lời cảnh báo “không để kẻ xấu [“kẻ xấu” thôi nhé, chứ
không “phản động thù địch”] lợi dụng” và cuối cùng là những lời uý lạo:
“Đoàn kết, ủng hộ Đảng và Nhà nước…”.
Phía bờ
rào ngay trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc đã có một số tụ
tập và hô khẩu hiệu. Có người rỉ tai tôi: “Chỗ ấy là của
“quốc doanh”, của “dư luận viên đấy””. Quan sát khẩu hiệu và động
thái của họ thì thấy có lẽ đúng thế thật. Hầu hết khẩu hiệu
là “Đồng hành cùng Chính phủ chống xâm lược” (hay tương tự như
vậy) và lời phản đối Trung Cộng cũng rất nhẹ nhàng: “Phản đối
Trung Quốc đưa giàn khoan…” (hay tương tự như vậy). Tôi muốn dừng
lại “góp ý” tí chút về khẩu hiệu nên dùng chữ “Chính phủ” hay
là “Đảng” cho bên “lề phải”. Theo tôi, những người dùng chữ “Đảng”
là dại. Riêng ở Sài Gòn còn thấy có cả khẩu hiệu “Đảng Cộng
sản Việt Nam quang vinh muôn năm” lại càng dại. Vì chữ “Đảng” bây
giờ dễ gây dị ứng lắm, trong khi chữ “Chính phủ” ít ra vẫn
còn sức tập hợp. Bởi vì “Chính phủ” là hình ảnh của chính
quyền nhân dân thời đầu cách mạng, khi người dân háo hức và tin
yêu chính thể mới (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Tên gọi có thể
đổi thay chút ít, từ Chính phủ Lâm thời, rồi Chính phủ Liên
hiệp (đa đảng), hay ngay cả Chính phủ kháng chiến, Chính phủ Hồ
Chí Minh theo cách gọi của dân gian, đều đã từng một thời để
lại ấn tượng tốt. Đảng Cộng sản hồi ấy chưa gây bất bình cho
nhân dân như bây giờ, ấy thế mà còn biết lánh đi (tuyên bố tự
giải tán) để tập hợp mọi lực lượng yêu nước cùng chống giặc,
vậy thì trong bối cảnh này sao lại trưng Đảng ra, liệu có sức
tập hợp hay là ngược lại?
Có một ông
già, mà cử chỉ có dáng dấp rất là dư luận viên, đứng lên cả
xe thương binh để phất cờ và hô khẩu hiệu rất to. Còn cái ông
có tuổi, thấp (mọi người thường gọi là Quang Lùn), đã từng hùng hổ
chửi bới những người đi tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Sa hôm
18-1-2014 vừa rồi, thì đi phát khẩu hiệu “Đồng hành cùng Chính
phủ” và có lúc đứng ra diễn thuyết rất là hăng hái.
Tôi
nháy anh Nguyễn Quang A nghĩ sao về mấy hiện tượng trên thì anh
bảo: “Không sao cả. Đi cùng chiều với nhau là tốt rồi. Đa
nguyên là nó phải thế”. Tôi tán thành: miễn là đi cùng chiều
với nhau. Nhưng chỉ băn khoăn: nếu nó dùng lòng “yêu nước” của
nó để phá lòng yêu nước của người khác thì sao? Và thực sự
hôm nay đã có mấy cuộc va chạm kiểu như vậy, giữa mấy thanh
niên dư luận viên quá khích với các cựu biểu tình viên mà nếu
không có nhiều người can thì có thể thành chuyện lớn. Đặc
biệt lúc bác Trương Văn Dũng giơ khẩu hiệu “Đời đời ghi nhớ
Liệt sỹ Nguỵ Văn Thà” (Thiếu tá Việt Nam Cộng hoà Nguỵ Văn Thà
hy sinh trong trận hải chiến để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974) thì
một cậu thanh niên nổi xung lên, bảo đó là nguỵ, là kẻ thù
không đội trời chung. Có lẽ cậu ấy cũng chẳng biết (hay chẳng
cần biết) sự kiện gần đây nhà nước đã tổ chức lễ cầu siêu để
ghi nhận công lao của những anh hùng, liệt sĩ nhiều thế hệ, kể cả những người lính Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh. Hay sự kiện Chủ tịch huyện Hoàng Sa đến thăm bà quả phụ Nguỵ Văn Thà và
nói: “Chính quyền huyện Hoàng Sa” luôn ghi nhận công lao, sự hy sinh
của Trung tá Ngụy Văn Thà, Thiếu tá Nguyễn Thành Trí cũng như các quân
nhân Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 để bảo vệ chủ
quyền Việt Nam; dù ở bất cứ thời nào thì sự hy sinh để cống hiến cho dân
tộc cũng là điều đáng quý”.
Tuy nhiên “quốc
doanh” rồi dần dần cũng không thuần nhất nữa. Nghe nói đã có
lúc một cậu thanh niên phất cờ búa liềm nhưng bị số đông phản
đối, phải cất đi. Không khí ngày càng phấn khích bằng các
tiếng hô gay gắt “Đả đảo Trung quốc/ Trung Cộng xâm lược”, “Hoàng
Sa/ Trường Sa – Việt Nam”.
Tôi gặp một cậu
an ninh quen (đã từng làm việc không chính thức vài lần). Tôi
hỏi “Hôm nay chú có bị coi là phản động nữa không? Hôm nay hàng
nghìn phản động thoải mái biểu tình nhỉ?”. “Chú cứ nói thế.
Đã ai bảo chú là phản động đâu”. Tôi bảo: “Ừ, ghi chính thức
vào bản án thì chưa, nhưng quy kết chung những người biểu tình
chống Trung Cộng thì nhiều quá rồi còn gì. Chú còn bị giam,
bị lập biên bản về tội “gây rối trật tự công cộng nữa”. Đã có
cuộc biểu tình nào thoải mái “gây rối trật tự công cộng” như hôm
nay? Có cả người đứng lên hàng rào, lên xe thương binh mà hô
hét, mà phất cờ”.
Tôi gặp lại nhiều biểu
tình viên quen thuộc, trong đó cũng có những nhân vật tên tuổi như TS.
Nguyễn Quang A, GS.VS. Hoàng Xuân Phú, ông già Ôzôn Nguyễn Văn Khải
nhưng tất cả hầu như chỉ giữ vai trò quan sát viên ở đây. Hôm nay vắng
nhiều biểu tình viên quen thuộc như Bùi Thị Minh Hằng (đang bị giam), Lê
Quốc Quân, Aduku, Trương Ba Không (đang bị tù), anh Ba Sàm Nguyễn Hữu
Vinh (mới bị bắt). Sáu biểu tình viên đang ở Mỹ, trong đó có anh Nguyễn
Tường Thuỵ, một biểu tình viên “có sừng có mỏ”. Buổi chiều ngồi đọc tin
về cuộc biểu tình ở Sài Gòn thì thấy trong ấy họ thành công hơn. Họ
không để các dư luận viên chiếm lĩnh trận địa làm nhạt mục đích.
Cuộc
biểu tình giải tán tại công viên lúc gần 10 giờ. Một số anh
em rủ tôi đi tiếp ra Bờ Hồ, nhưng tôi thấy nắng nóng và mệt nên
từ chối. Quay vào toan về thì lại thấy có một cuộc tụ tập
mới ở bờ rào, trước cổng Đại sứ quán Trung Cộng. Nhưng hầu
hết vẫn là số người ban nãy. Họ hô khẩu hiệu một lúc nữa
rồi mới ra về. Có một ông trung tuổi to lớn như hộ pháp, áo
đỏ, mũ tua đỏ, ghi cả tên và điện thoại trên lưng áo, cầm cái
loa khủng, hô khẩu hiệu rất là to và sau đó hẹn mọi người 5
giờ (không rõ 5 giờ chiều hay mai) lại gặp nhau. Cứ như là
người chỉ huy vậy.
Buổi chiều và tối xem báo
quốc doanh thấy đều tường thuật một cách nhiệt tình và gọi đích danh là
“biểu tình” chứ không phải tránh bằng “mít tinh” hay “diễu hành” nữa.
Dẫu
sao đây là một bước tiến vượt bậc của những người đang cầm
cương đất nước, từ chủ trương “Đã có Đảng và Nhà nước lo”
trong suốt nhiều năm, coi biểu tình là phản động, chuyển sang (nhân
dân) “Đồng hành cùng Chính phủ”, nghĩa là nhân dân sẽ là nơi cung
cấp sức người, sức của và sự hy sinh vô bờ bến. Và dân Việt Nam cũng
không đến nỗi vô cảm như mình nghĩ, nếu chính quyền không khống chế tình
cảm của họ. Thực ra thì bước tiến vượt bậc ấy chẳng qua là quay
về với lịch sử, ví dụ thời điểm ngàn cân treo sợi tóc những năm
1945-1946 hay suốt thời chống Pháp, chống Mỹ, chống Tàu 1979 mà
thôi. Chỉn e mai mốt sau một cuộc thăm viếng, một cái bắt tay,
thì biết đâu tình hình lại quay ngược 180 độ.
Hy vọng là sẽ không như thế.
Đ.T.T.