Nguyễn Văn Khải (Ông già Ôzôn)
Họ đi biểu tình chống quân xâm lược cũng vì anh đấy
Hôm
nay tôi lại đi biểu tình chống giặc Trung Quốc xâm lấn Biển Đông.
Khoảng 10g, tôi và một số người đi hàng đầu đưa đoàn biểu tình từ vườn
hoa Canh Nông dọc theo đường Điện Biên Phủ - Cột cờ cũ tiến về Cửa Nam.
Cảnh sát giao thông, cảnh sát phường và dân phòng dẹp đường để đoàn
người đi dọc nửa lòng đường. Tới Cửa Nam, mấy người mặc quần áo dân
phòng chỉ đường cho đoàn biểu tình tiến về cuối phố Tràng Thi. Mấy thanh
niên cầm khẩu hiệu: “Đồng hành cùng Đảng và chính phủ…” gọi mọi người
đi theo hướng ấy. Ngay lập tức luật sư Trần Vũ Hải chỉ tay về phía Hàng
Bông, tôi hiểu ý rẽ trái thế là cả dòng người cuộn theo. Đường tắc
nghẽn. Tôi hô vang bằng loa: “Hoan hô cảnh sát biển Việt Nam đã dũng cảm
bảo về lãnh hải tổ quốc.” Hàng trăm tiếng hô vang theo. Khi tôi hô lần
thứ hai rất nhiều người đi đường cũng hô theo. Tôi thấy nét mặt của mấy
cảnh sát giao thông tươi hẳn lên.
Nhớ
ngày mùng 14/8/2011, khi vợ đèo tới ngã tư Bà Triệu - Hàng Khay, xe máy
chưa đỗ hẳn tôi đã nhảy xuống bắt tay bác Nguyên Ngọc. Bác là người đã
viết Đất nước đứng lên. Theo cách anh hùng Núp bắn thử xem thằng
Tây có chảy máu hay không để kêu gọi bản làng chống Pháp giành độc lập
tự do, tôi cũng tự mình làm hàng trăm thí nghiệm ở nhiều lĩnh vực để
giúp dân thành công. Dù bác không dạy tôi ngày nào, song đối với tôi, đó
là người thầy, người anh. Gặp được bác trong cuộc đấu tranh này tôi
càng thêm dũng khí. Các phóng viên ùa lại chụp ảnh tôi đứng giữa bác
Nguyên Ngọc và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Trong số đó có cả phóng viên nam
hãng AFP. Ngày 10/8/2005, anh đã lên tận Lạng Sơn quay cảnh tôi giúp bà
con bảo quản na Đồng Bành và hồng Bảo Lâm (sau đó phần tin này được phát
lại trên 225 đài truyền hình trên thế giới, trong đó có Trung Quốc). Do
phải đứng ở dưới đường chụp ảnh chúng tôi, một số người (nhất là các
bạn trẻ Việt Nam) đã làm cản trở giao thông. Một trung tá cảnh sát giao
thông nặng lời xua đuổi những người bạn trẻ ấy. Tôi tới vỗ vai anh cảnh
sát này: “Họ đi biểu tình là để bảo vệ đất nước, bảo vệ hạnh phúc cho
mọi người Việt Nam trong đó có cả anh đấy. Tôi thường xuyên sang Trung
Quốc làm việc, loại cảnh sát bên đấy làm việc như anh bây giờ chỉ cấp
binh nhất binh nhì thôi”. Anh ta nhìn tôi rồi lặng lẽ lên xe phóng đi.
Ảnh: Vietnamnet
Vô văn hóa vì chống ngoại xâm theo chỉ thị
Tối
hôm qua (10/5), mãi tới khuya tôi mới thấy trên mạng hình ảnh của 2000
trí thức dự buổi phát động “Hi sinh vì tổ quốc” do Hội Luật gia thành
phố Hồ Chí Minh tổ chức. Trong số các ảnh chụp tôi thấy có những người
đọc báo, có những người nói chuyện riêng, có người há hốc mồm lên cười,
có người ngủ gật.
Sáng nay, khoảng 9 rưỡi,
trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc, trong đám mấy thanh niên cầm cờ búa
liềm, cờ sao vàng, khẩu hiệu “Cùng đồng hành với Đảng và chính phủ”, có
người hô lớn đến lạc cả giọng: “Toàn dân đồng hành cùng Đảng và chính
phủ quyết hi sinh để bảo vệ đất nước”. Đáp lại lời hô ấy chỉ là những
tiếng la ó ồn ào vì những người trong nhóm của người ấy không biết hô
theo thế nào. Khi quay lại thấy tôi anh ta giơ tay bắt tay chào tôi:
“Cháu chào bác Ôzôn.” Bên cạnh tôi là nhà văn Vũ Ngọc Tiến, bác Nguyễn
Hữu Mai nên tôi cũng đưa tay nắm chặt tay anh ta và nói to cho anh ta và
mọi người nghe: “Bác biết chắc rằng từ năm 900 không phải tất cả người
Việt Nam nào cũng tham gia đánh giặc mà có nhiều kẻ sợ giặc, thậm chí
làm tay sai cho giặc, nên chỉ có những người Việt Nam yêu nước mới dám
đánh giặc cháu nhé. Nước ta có 90 triệu dân nếu ai đi đánh giặc cũng
quyết chết thì lấy ai xây dựng đất nước ta tươi đẹp hơn khi đã thắng
giặc. Chỉ có những kẻ đánh giặc mồm trong xó bếp mới hô toáng lên như
vậy. Thế hệ bố của bác, thế hệ của bác đi đánh giặc phải tìm cách sao
cho sống để còn nuôi vợ con hạnh phúc hơn sau khi chiến thắng”. Rất
nhiều người hưởng ứng, tán thưởng lời khuyên của tôi nhất là những bậc
cao niên như bác Tiến, bác Mai.
Khi đoàn tuần
hành bắt đầu rời vườn hoa Canh Nông có mấy nhóm thanh niên cầm khẩu hiệu
cứ tranh nhau vượt lên trước. Tới gần Bờ Hồ, mọi người đi chậm lại, tôi
vẫy gọi: “Các cháu gái lên hàng đầu”. Nhiều cháu gái cầm khẩu hiệu,
lách qua mọi người vừa lên hàng đầu thì mấy thanh niên khác lại cầm khẩu
hiệu chạy lên trước họ. Một bác tóc đã bạc (mà tôi nhớ là ngày
7/8/2011, khi đi biểu tình quanh Hồ Gươm đã cho tôi xem thẻ thương binh
của mình và hình như bác về hưu với quân hàm thượng tá) cười chua chát:
“Lũ vô văn hóa nhảy lên đầu để được chụp ảnh vì đi biểu tình theo chỉ
thị”.