Hà Văn Thịnh
Theo Quê Choa
Trong không ít những thói hư, tật xấu của người Việt
có “truyền thống” từ hàng ngàn năm, “tổ hợp” (tạm gọi vậy) cơ hội, chụp giật, hoang tưởng là một trong những căn bệnh nhiều
nguy hại nhất. Thử mở kho tàng tục ngữ, ca dao, thành ngữ ra xem sẽ tìm thấy vô
số.
Chẳng hạn, ăn cơm đi trước, lội nước
theo sau; trâu chậm uống nước đục; đục nước béo cò; thừa gió bẻ măng; nốt mưa
đấy (đái) ra mấn (váy)… Nếu có
một sự phân loại, “xếp hạng” để định danh, định tính xem cái suy nghĩ nào là
quái đản nhất thì, tôi tin rằng, câu cửa miệng Bán chị em xa, mua láng giềng gần,
chắc chắn phải nằm trong top ten những điều đáng phê phán nhất!
Trước tiên, ta phải mặc định rằng tình cảm không thể
dung hợp với mấy từ mua – bán, đổi chác. Đức Phật (Budha) dạy, một trong ba
điều trên đời này không thể mua
được, đó là tình cảm chân thành.
Vậy, tại sao cứ mãi hoang tưởng đến mức phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác
vì cứ tự lừa dối mình về cách ứng xử “khéo léo”, “tinh tế”, “uyển chuyển”(!) là
phải … biết… bán chị em xa, mua láng giềng gần?
Có lẽ, trong lịch sử loài người, chưa có một mối quan
hệ nào lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn, đau đớn, nhức nhối, tai họa như quan hệ
Trung – Việt. Người Do Thái và Ả rập (Arab) có hơn 3.000 năm chất chồng thù
địch nhưng không có (hoặc rất ít) sự sâu hiểm, ác tàn, trơ tráo, tiểu nhân như
cách mà các thế lực cầm quyền của chủ nghĩa Đại Hán (từ xưa đến nay) hành xử
với người Việt suốt hơn 2.000 năm. Nhân đây, cũng nói luôn rằng người Trung Hoa
hay tự vỗ ngực khoe khoang với từ “quân tử” nhưng trên thực tế, chưa từng thấy
một nhà nước nào lại đối xử với láng giềng tệ tàn, hiểm độc. trơ trẽn tiểu nhân như các nhà cầm quyền
TQ đối xử với VN.
Thử nhìn lên bản đồ xem Vịnh Mexico và biển Caribe có
bao nhiêu nước nhỏ “nằm” dưới bóng của siêu cường thế giới là Hoa Kỳ mà suốt
mấy trăm năm qua có bao giờ xảy ra chuyện tranh cướp nhau về chủ quyền, lãnh
thổ(?!) Hãy hình dung Mỹ là TQ thì Jamaica, Bahama, Haiiti… phải khốn khổ đến
mức nào? “Định mệnh” đã BẮT dân tộc VN phải chịu đựng một gã láng giềng khổng
lồ xấu tính, tham lam vô độ, nhỏ nhen, tàn ác mà, chẳng thể nào vất bỏ hay “dọn
nhà” đi khỏi. Vấn đề còn lại là, làm sao để sống nổi, sống thoát trước vô vàn tai ương, thử thách từ gã láng giềng không
bao giờ “mua” nổi có tên là TQ? Bài viết này chỉ mong muốn có thể trả lời được
một ý nhỏ của câu hỏi thật khó.
Khi tôi bước chân lên bục giảng lần đầu tiên cũng là
lúc quân xâm lược TQ ồ ạt tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam để “dạy cho VN
một bài học”. Ngay từ ngày đó tôi đã nói rằng không thể không có một đồng minh
chiến lược (mà thuở đó, chúng ta đã chọn nhầm Liên Xô bằng Hiệp định Hữu nghị
Xô – Việt, tháng 11.1978, để đến nỗi ôm hận vì LX không đem quân giúp VN như họ
ký kết, chỉ biết tuyên bố, “rất lấy làm tiếc”, mà thôi!); rằng tại sao người
Nhật có thể nuốt cả nước mắt và máu cho nó chảy vào tim để ký Hiệp ước Nhật –
Mỹ năm 1951 – chỉ 6 năm sau khi 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và
Nagazaki… Bây giờ, sau mấy chục năm theo nghề, lại còn muốn nói thêm nữa, rằng
trong ngoại giao, kỵ nhất là “ngoại giao ca ve” – ai cũng tốt, cũng cười nhưng
khi xảy ra chuyện thì tất cả đều bỏ chạy; rằng tại sao đã bình thường hóa quan
hệ với Mỹ mấy chục năm vẫn cứ mãi nửa vời, cho dù Mỹ là bạn hàng số một của
hàng hóa xuất khẩu của VN?; rằng làm thế nào để đánh bại TQ (chỉ xét yếu tố kỹ
thuật) khi 99% vũ khí, khí tài mà ta có,
TQ cũng có, nhưng nhiều gấp hàng chục lần, vì đều mua từ… Nga?…
Cách đây 3 năm, tháng 5.2011, tôi có viết bài “Khi
mâu thuẫn lên đến cấp độ nhà nước thì tình “hữu nghị” mặc nhiên bị vất vào sọt
rác”. Tiếng kêu ai oán đó chỉ là một bài nhỏ nhoi trong hàng ngàn bài
viết mà nhiều người khác đã lên tiếng cảnh báo. Kết cục giống nhau: Những người
có trách nhiệm hoạch định chính sách vĩ mô cho đất nước hình như vẫn cứ tin vào
16 chữ vàng đảo điên, bịp bợm của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán?
Làm sao có thể ngây thơ nhầm lẫn đến mức hết sức chân
thành rằng sự thù địch của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán với dân tộc Việt Nam
2.000 năm không thay đổi nay lại có thể đổi thay? Hơn nữa, ngoài những căn
nguyên có tự ngàn xưa thì VN ngày nay còn “phát sinh” những “món lợi” mà chủ
nghĩa bành trướng không thể không thèm muốn như sự giàu có của Biển Đông, đầu
cầu để bành trướng khắp Đông Nam Á, con đường chiến lược không thể không có của
bất kỳ nước lớn nào muốn trở thành một cường quốc biển…
Về chiến lược, TQ đang dãy dụa trong sự bức bối muốn
tìm một lối thoát để vươn ra đại dương bởi toàn bộ phía Đông đã “bị” Nhật Bản,
với quần đảo Ryu Kyu – Senkaku – Đài Loan bít chặt. Phá vỡ “bức tường” chuỗi
đảo tự nhiên được gia cố thêm bởi “hòn đá tảng” là Liên minh Nhật - Mỹ cùng với
Hàn Quốc – Đài Loan là điều không tưởng, ít nhất trong vòng vài chục năm nữa.
Biển Đông – Đông Nam Á với sự chia rẽ, bất đồng không dễ gì san lấp được do
khác biệt về văn hóa, chế độ chính trị, tôn giáo, tình trạng kinh tế, xã hội là
nơi dễ bị tổn thương nhất, dễ lợi dụng nhất. Trong rất nhiều cái “dễ” mà TQ
thấy nhãn tiền, TQ cho rằng VN là mắt
xích dễ phá vỡ nhất (hành động đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc
quyền kinh tế VN chứng tỏ TQ tin chắc vào luận cứ này, người viết bài chỉ “diễn
đạt” “cách nghĩ” của TQ). Tại sao họ không đưa cái giàn khoan – hàng không mẫu
hạm 30.000 tấn đó đến nơi tranh chấp với Philipines như dự kiến ban đầu là một
trong những câu trả lời.
Câu nói nổi tiếng “chúng ta càng nhân nhượng, kẻ thù
(nguyên văn: thực dân Pháp) càng lấn tới” của Hồ Chủ tịch luôn đúng với mối
quan hệ được coi là “mềm dẻo” (ngụy biện) giữa VN và TQ. Từ vô thức, “dân gian
mạng” từ lâu nay đã truyền khẩu câu “được voi đòi Hai Bà Trưng” phản ánh rất rõ
mối tương tác nguy hiểm của chính sách nhân nhượng để mua láng giềng gần mà ta
mãi hoài hoang tưởng…
Người ta sẽ không bao giờ bỏ tiền ra mua cái người ta
dễ dàng chiếm đoạt lấy. Càng nhân nhượng thì cái sự bán để mua càng trở thành
bi kịch. Tại sao không đặt câu hỏi rằng Thái Lan không có đường biên giới chung
với TQ (thật là may mắn), Vịnh Thái Lan xa với vùng tranh chấp ở Biển Đông
nhưng chỉ 1 tuần sau khi Mỹ tấn công
Iraq năm 2003, Thái lại là một trong hai nước (cùng với Australia) đem quân đến
hỗ trợ Hoa Kỳ, trước cả khi người Anh đến Iraq? Những nhà lãnh đạo Thái đã tính
ra nước cờ coi Mỹ là đồng minh chiến lược thực sự để đề phòng hiểm họa 100 năm
hay 200 năm sau. Xin kính phục tầm nhìn khác với chỉ thấy “Cái sân gạch” của ta…
“Nước đến chân mới nhảy” phải chăng là “lối sống” của một nền văn hóa đã và
đang bị dối trá và tham nhũng làm cho rách nát, tả tơi?
Trên BBC, ngày 6.5.2014, tác giả Lê Trung Tĩnh, Quỹ
nghiên cứu Biển Đông đã có lý giải khá thỏa đáng về những cái được và mất nếu
TQ “trừng phạt” VN về kinh tế một khi chúng ta đối đầu quyết liệt trong vụ giàn
khoan HD-981(không thể nếu vì không đối đầu quyết liệt lần này, coi như sẽ lần lượt mất dần,
mất hết). Rõ ràng, về ngắn hạn, kinh tế VN sẽ bị thiệt hại nhưng xét tổng thể
về lâu dài, nền kinh tế VN chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn; xã hội sẽ ổn định hơn,
nhân dân sẽ tin tưởng vào chính phủ hơn; và, nhất là, chúng ta sẽ một lần, dứt
khoát, đoạn tuyệt với ảo tưởng mua được “lòng tốt”, “hữu nghị” của 16 chữ vàng
mã tiểu nhân, dối lừa, nguy hiểm… Hãy tin rằng Vạn lý Trường thành là một bức
tường vĩ đại nhưng, có một sự thật còn vĩ đại hơn: Hàng trăm triệu người Hán đã
run sợ suốt cả ngàn năm trước sức mạnh của vài triệu người Hung Nô phía Bắc nên
mới bỏ ra hàng trăm năm để xây bức tường thành nhằm che giấu, xóa nhòa nỗi sợ.
Trước sự tàn phá của Đại khủng hoảng kinh tế
1929-1933, trong Diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 1933-1937, TT Mỹ F.D. Roosevelt đã
trấn an, nhắn nhủ người Mỹ rằng, “Điều duy nhất đáng sợ chính là nỗi sợ”(The
only thing we have to fear is fear itself). Tại sao phải sợ kẻ xâm lược trong
khi cha ông ta hàng ngàn năm trước chưa bao giờ, chưa một lần sợ hãi?
Lịch sử đã chứng minh sức mạnh quật cường, bất khuất
của dân tộc VN trước nhiều thử thách tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Một
trong những dấu ấn đáng tự hào, đó là chúng ta đã ba lần đánh bại đội quân Nguyên
Mông (1258, 1285, 1288) – một đội quân đã xâm lược thành công, cai trị người
Hán suốt 89 năm (từ 1279-1368)(!)
Huế, 13:30, 8.5.2014.
Bài đã đăng ở Văn hóa Nghệ An, đây là bản gốc tác giả gửi Quê Choa