04 juin 2014

Bước ngoặt cho Việt Nam?

 


Theo Basam

Asia Sentinel
Tác giả: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan và T.H.A.
02-06-2014
Một cú sốc đột ngột có thể làm đảo lộn nhiều toan tính
H13Đã hơn một tháng kể từ khi giàn khoan dầu nước sâu Hải Dương 981 được đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan trị giá một tỷ đôla này cùng một hạm đội đông đảo các tàu hộ tống đã gây chấn động tới tận xương tủy chính quyền Việt Nam, đập vỡ ảo tưởng về “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc (TQ).

Hà Nội đã hy vọng rằng một chính sách hòa giải sẽ làm dịu đi việc TQ hung hăng theo đuổi quyền bá chủ trong khu vực Biển Đông. Lập trường mềm mỏng của họ như một lớp màn phủ lên sự đồng thuận mong manh trong nội bộ Đảng rằng tranh chấp của Việt Nam với TQ về chủ quyền biển đảo chỉ là một đám mây đen lẻ loi trong bầu trời rực nắng hợp tác anh em. Phe bảo thủ trong đảng nhấn mạnh rằng dù xảy ra bất cứ điều gì, các đồng chí phương bắc sẽ không làm chấn động nền tảng của một chế độ xã hội chủ nghĩa anh em.
Nhưng đó chính là điều Bắc Kinh đã làm.
Trong vài tuần, chế độ Hà Nội dường như đã choáng váng thực sự. Khi BCHTƯ kết thúc phiên họp vào ngày 8 tháng 5, họ chẳng có gì mới để công bố. Mặc dù các tố cáo TQ gây hấn choán đầy truyền thông trực tuyến và, tới một mức độ bất thường, cả trên các phương tiện truyền thông do nhà nước giám sát, các lãnh đạo Đảng – chỉ trừ một người – đều giữ yên lặng. Dường như họ không thể nhất trí được ngay cả việc liệu có nên cho phép nhân dân tuần hành để phản đối hay không.
Trường hợp ngoại lệ là lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào ngày 11/05. Ông Dũng nhấn mạnh rằng mặc dù bị khiêu khích nghiêm trọng, Việt Nam sẽ không bị lôi kéo vào một trận chiến. Ông tuyên bố thêm rằng “chúng tôi luôn luôn nỗ lực hết sức để duy trì và tăng cường tình hữu nghị tốt đẹp của chúng tôi với TQ“, và kêu gọi các thành viên ASEAN cùng lên tiếng phản đối động thái này của TQ. Để đáp lại nỗ lực của Thủ tướng Dũng, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua một tuyên bố tập thể ghi nhận “quan ngại sâu sắc” đối với “các diễn biến làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực“. Cái tên TQ không được nêu ra.
Hai phần ba tháng 5 qua đi mới thấy Hà Nội phát ra những dấu hiệu về việc triển khai một chiến lược mạch lạc. Ngày 21/05, Thủ tướng Dũng hội ý với Tổng thống Aquino, trong một chuyến viếng thăm báo hiệu sự sẵn sàng để phối hợp các phản ứng quân sự và ngoại giao với Philippines bất chấp cảnh báo của TQ. Đặc biệt, Thủ tướng Dũng lên tiếng ủng hộ Manila trong vụ kiện TQ ra Tòa Án Quốc tế về Luật Biển và cho biết Hà Nội có thể cũng sẽ đệ đơn kiện cho riêng Việt Nam.
Các cuộc phỏng vấn thu hút nhiều chú ý mà Thủ tướng Dũng dành cho Reuters, AP và Bloomberg cho thấy rõ ràng chính phủ Việt Nam đã xác định được lập trường của mình. Các báo thuật lại lời Thủ tướng Dũng nói rằng: “Chúng tôi sẽ không đánh đổi chủ quyền và lợi ích hợp pháp ‘lấy hữu nghị viển vông và lệ thuộc’ với TQ. Có một khoảng cách lớn giữa lời nói và việc làm của TQ”.
Sau đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thủ tướng Dũng cảnh báo rằng các hành động của TQ đe dọa làm gián đoạn dòng lưu thông thương mại khổng lồ đi qua biển Đông, và “thậm chí có thể đảo ngược xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu“.
Trong khi Thủ tướng Dũng và những người phát ngôn của chính phủ lên tiếng cảnh báo, ai cũng thấy ba vị còn lại trong nhóm tứ trụ trong hệ thống Đảng là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chẳng hề lên tiếng. Cả ba đều thuộc phe đa số đáng kể trong số 16 uỷ viên Bộ Chính trị — phe được cho là ủng hộ chính sách thân TQ. Có lẽ việc triển khai giàn khoan HD-981 đã tạm thời làm cứng họng cái gọi là phe thân TQ. Tuy nhiên, dựa trên các chứng cứ hiện có, dường như tinh thần chung trong các cuộc họp kín của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thay đổi, có lẽ là dứt khoát, hướng tới hợp tác với Mỹ và bất kỳ cường quốc nào khác sẵn lòng dồn sức làm thui chột công cuộc nhắm đến sự thống trị biển Đông của Bắc Kinh.
Cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu HD-981 đã phơi bày sự ngây thơ trong việctheo đuổi các mối “quan hệ đối tác chiến lược” với tất cả các nước, theo bình luận của GS Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Hoa Kỳ) trong một bài viết gần đây. Trên blog về Châu Á của nhóm chuyên gia CSIS ở Washington, GS Hùng có viết rằng vụ HD-981 “đã cho thấy rõ một chính sách dựa trên việc chia sẻ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và ứng xử mềm dẻo với TQ… đã mất hết sức thuyết phục. Trên báo chí và cộng đồng mạng Việt Nam đã đồng loạt xuất hiện những lời kêu gọi Việt Nam theo đuổi chính sách Thoát Trung (thoát khỏi quỹ đạo của TQ)”.
GS Carl Thayer, một nhà phân tích kỳ cựu về Việt Nam, nói rằng Hà Nội có ý định tổ chức các cuộc tập trận và tuần tra chung với hải quân Mỹ, Philippines và các tàu tuần duyên Nhật Bản, tại vùng biển mà TQ hiện phô trương sức mạnh ngày càng gia tăng của mình. GS Thayer tin rằng “Mục tiêu là để duy trì một sự hiện diện hải quân và không quân liên tục để răn đe TQ khỏi việc đe dọa và hà hiếp Việt Nam“.
Trong bối cảnh  — một cuộc gây hấn trắng trợn của TQ mà một lần nữa ASEAN không thể hoặc không sẵn sàng đối đầu, và điều dường như là một thời cơ chưa từng có cho phép Thủ tướng Dũng tạo dựng nên một cách tiếp cận mới — Washington sẽ phải vạch ra một kế hoạch phản ứng. Còn Việt Nam, đại diện bởi một vị Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại có năng lực là ông Phạm Bình Minh, được kỳ vọng là sẽ sớm đáp trả tích cực lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Đó sẽ là một chuyến viếng thăm được công luận theo dõi sát sao.
Trớ trêu thay, cha ông Minh đã bị mất chức Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 1991 vì chống lại chủ trương hòa giải với TQ và thúc giục quá mạnh mẽ việc đổi mới quan hệ ngoại giao với Mỹ. Ông Minh sẽ có một cuộc thương thuyết nhọc nhằn tại Washington. Một khối dư luận đáng kể ở Mỹ vẫn thúc đẩy một chiến lược Thái Bình Dương nhắm tới việc xây dựng quan hệ đối tác với “một TQ đang trỗi dậy”. Hơn nữa, vì cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, chính quyền Obama ngày càng trở nên thận trọngđối với các cuộc phiêu lưu ngoại giao ở bất cứ nơi nào, dù là Syria, Ucraina hay là Đông Nam Á. Hải quân Hoa Kỳ có vẻ như không hào hứng với việc triển khai thêm lực lượng đến khu vực Biển Đông đầy rẫy các đảo nhỏ và rặng san hô.
Nếu Thủ tướng Dũng có thành ý, ông có thể ủy quyền cho người đại diện của mình bày ra một số ưu đãi hấp dẫn nhằm lôi kéo mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Ông Minh có thể chào mời quyền sử dụng quân cảng tuyệt vời tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam, một món quà quý giá mà cho đến nay Lầu Năm Góc vẫn tìm kiếm vô vọng. Thậm chí hấp dẫn hơn có thể là việc Thủ tướng Dũng cam kết theo đuổi các cải cách sâu rộng trong lĩnh vực tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, và tự do tôn giáo. Đó là một ý tưởng táo bạo sẽ được tán thưởng vô cùng bởi không chỉ những người Việt Nam chỉ trích chế độ mà còn với một nhóm dân biểu khá ảnh hưởng trong Quốc hội Hoa Kỳ (phần lớn là những người có một số cử tri gốc Việt đáng kể trong đơn vị bầu cử của họ).
Đó cũng là một ý tưởng mà cánh bảo thủ trong chính quyền Việt Nam ghét cay ghét đắng. Họ xem các vấn đề nhân quyền như bước đệm dẫn đến một cuộc biến động kiểu Đông Âu hay Mùa xuân Ả Rập. Chính các quan chức lãnh đạo ủng hộ liên kết chặt chẽ với TQ thường chống lại những cải cách mà họ lo sợ sẽ mở đường tạo ra thách thức đối với quyền lực độc tôn của Đảng Cộng sản.
Thủ tướng Dũng cũng chưa tỏ ra mặn mà với việc cho phép các nhà bất đồng chính kiến đẩy mạnh lộ trình chính trị của họ. Ý tưởng riêng của ông về mở rộng quyền con người là tiến bộ hướng tới một xã hội và nền kinh tế mang lại cho các cá nhân năng động nhiều cơ hội để tiến lên phía trước. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ là một nhà chiến lược khôn ngoan và linh hoạt, trong hai năm qua đã đẩy lùi một cuộc thách thức nghiêm trọng quyền lãnh đạo của mình và sau đó lèo lái đất nước trở lại ổn định kinh tế vĩ mô.
Qua việc triển khai giàn khoan HD-981 ngoài khơi Việt Nam, Bắc Kinh có thể đã vô tình mang lại cơ hội phá vỡ bế tắc chính trị vốn đã và đang làm xói mòn tính hợp pháp của đảng cầm quyềntrong con mắt người dân. Nếu Thủ tướng Dũng tính toán rằng lời hứa về cải cách chính trị từng bước là chìa khóa cho một thỏa thuận với Tổng thống Obama và cũng là một bước mà ông có thể bảo vệ thành công trong BCH TW Đảng, đó là thứ việc thiết thực mà ông ta có thể sẽ thực hiện.