18 juin 2014

CNN: Trung Quốc dùng sách giáo khoa của Việt Nam làm chứng cớ

Đoan Trang

17-6-2014
Lời dịch giả: Ngày 11/6/2014, CNN, cơ quan truyền thông lớn ở Mỹ, có thêm một bài viết trong chuyên đề “Căng thẳng trên biển Hoa Nam” của họ. Bài viết này mang tựa đề “Trung Quốc dùng sách giáo khoa của Việt Nam để khẳng định chủ quyền trên biển Hoa Nam”, trong đó, nhà báo Hilary Whiteman tiếp tục trích dẫn trực tiếp TS. Sam Bateman, người từng có những bài bình luận, phân tích thiên vị Trung Quốc và bất lợi cho Việt Nam, chẳng hạn cho rằng Việt Nam nên chấp nhận chủ quyền Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.
CNN đăng tải và nhấn mạnh phát biểu sau đây của Sam Bateman: “Hầu hết các nhà quan sát quốc tế khách quan và độc lập đều nhất trí rằng hồ sơ chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa tốt hơn hồ sơ của Việt Nam”.


Sự việc này cho thấy: Mặc dù Việt Nam thực sự có chủ quyền từ trong lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa, nhưng nếu một nhà nghiên cứu cao cấp của khu vực, chuyên gia về an ninh hàng hải, cựu sĩ quan hải quân như Sam Bateman mà đã nghĩ như vậy, thì nhiều người khác cũng có thể (bị tác động và) có quan điểm như ông. Rõ ràng, những học giả như Sam Bateman và những cơ quan truyền thông lớn như CNN đều có ảnh hưởng lớn đối với thế giới.
Chú ý rằng Sam Bateman cũng nói Việt Nam, trong vài tuần đầu, “đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền hiệu quả để thuyết phục cộng đồng quốc tế ủng hộ hồ sơ của họ”.
Đủ thấy cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên mặt trận truyền thông quan trọng đến như thế nào. 
* * *
TRUNG QUỐC DÙNG SÁCH GIÁO KHOA CỦA VIỆT NAM ĐỂ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN TRONG TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG
(CNN, từ Hong Kong) – Trung Quốc đang dùng những bản photocopy các trang trong một cuốn sách địa lý lớp 9 của Việt Nam, xuất bản cách đây 40 năm, để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Các trang sách photo này được tập hợp vào trong số tài liệu gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, kèm đề nghị phổ biến chúng trong 193 nước thành viên của Đại hội đồng LHQ.
Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm chứng minh chủ quyền của họ đối với một khu vực mà Việt Nam cũng nhận là của mình, trong khi có tin tàu của hai nước vẫn đang đâm va nhau trên Biển Đông, cách đất liền hàng dặm.
china-vietnam-ship-5-14-4-horizontal-galleryMột sĩ quan CS biển Việt Nam đang quay phim
cảnh tàu hải giám Trung Quốc tiến đến gần tàu Việt Nam. (Ảnh: CNN)
Hồ sơ của Trung Quốc có gì?
Những trang photocopy từ cuốn sách giáo khoa lịch sử chỉ là một phần tài liệu trong bộ hồ sơ của Trung Quốc. Hồ sơ còn có một bản đồ khu vực, một công hàm ký năm 1958 và bìa một quyển Atlas thế giới in năm 1972.
“Trung Quốc gửi công thư này để nói lên sự thật cho cộng đồng quốc tế biết, để họ hiểu đúng về tình hình” – Tân Hoa Xã trích lời Phó Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Wang Min (Vương Dân).
Bắc Kinh đang cố gắng bắt kịp với Việt Nam. Theo Sam Bateman, nghiên cứu viên cao cấp của Chương trình An ninh Hàng hải, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, thì Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền hiệu quả để thuyết phục cộng đồng quốc tế ủng hộ hồ sơ của họ.
“Bắc Kinh đang nỗ lực giành lại vị thế” – Sam Bateman nói. “Tôi nghĩ vài tuần qua, kể từ khi xảy ra sự cố giàn khoan, Việt Nam đã chiến thắng trong trận chiến tuyên truyền”.
Mọi chuyện xảy ra như thế nào?
Vụ tranh chấp chủ quyền mới đây nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng nổ vào tháng 5, khi Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa một giàn khoan dầu vào gần nơi mà Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa. Ở Việt Nam, những đảo này được gọi là quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc tuyên bố, CNOOC đã và đang khai thác khu vực suốt 10 năm qua, và hoạt động mới đây của giàn khoan diễn ra “hoàn toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”. Việt Nam nói giàn khoan “bất hợp pháp” nọ được đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và họ yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng các tàu biển đi, đồng thời giải quyết tranh chấp biển đảo.
Cả hai bên đều nhắc lại các yêu sách và đề nghị của mình nhiều lần, nhưng chẳng bên nào nhúc nhích. Tình hình bế tắc có khả năng kéo dài ít nhất cho đến khi Trung Quốc rút giàn khoan vào ngày 15/8 theo kế hoạch.
Liệu có giải pháp nào khả dĩ?
Bateman nói, ít có khả năng vấn đề sẽ được giải quyết bằng cơ chế trọng tài quốc tế, vì cả hai nước đều không muốn mạo hiểm với nguy cơ bị thua và sẽ gây phẫn nộ cho dân chúng trong nước.
Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Việt Nam, là nước mà ông cho là cơ sở lập luận yếu hơn Trung Quốc.
“Hầu hết các nhà quan sát quốc tế khách quan và độc lập đều nhất trí rằng hồ sơ chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa tốt hơn hồ sơ của Việt Nam, chính vì những lý do mà hiện Trung Quốc đã đưa ra trong hồ sơ của họ gửi Liên Hợp Quốc” – Bateman nhận định.
Ông cũng nói việc tốt nhất Việt Nam nên làm là nhượng chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc, và đàm phán về các nhân nhượng khác, trong đó có quyền đánh bắt cá và thỏa thuận khai thác chung dầu khí.
“Việt Nam nên đàm phán và nhượng bộ Trung Quốc. Nhưng thật không may là, có lẽ, càng ngày điều này càng ít khả năng xảy ra, bởi vì chính quyền Việt Nam đã tự nhốt mình vào quan điểm cho rằng Hoàng Sa là một phần không thể tách rời khỏi Việt Nam và dân chúng sẽ phẫn nộ khủng khiếp nếu bây giờ Hoàng Sa hóa ra lại là một phần lãnh thổ bị sang nhượng”.
china-vietnam-ship-5-14-horizontal-galleryTàu Việt Nam (cờ đỏ, bên phải) cố gắng tìm đường vượt qua đám tàu Trung Quốc,
tại khu vực đặt giàn khoan (ảnh chụp ngày 14/5/2014)
Thế bế tắc “có thể hiểu được” của Việt Nam
Evan Graham, một nghiên cứu viên cao cấp khác ở RSIS trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng Việt Nam “đang rơi vào thế bế tắc có thể hiểu được, trước việc Trung Quốc tìm cách củng cố các yêu sách chủ quyền của mình”.
Ông nhận định, quan hệ giữa hai nước mấy năm qua khá tốt, đạt được nhiều thỏa thuận trên nhiều mặt trận, cho thấy hai nước đang tiến tới một đường lối ngoại giao hợp tác.
Về giàn khoan của Trung Quốc, ông nói: “Tôi nghĩ việc triển khai một giàn khoan nằm giữa một hàng rào an ninh, gồm cả tàu hải quân, và nằm trong vùng hoạt động của không quân, rõ ràng không đáp ứng một bài kiểm tra nghiêm túc về khả năng ngồi vào bàn đàm phán một cách thực tiễn (nguyên văn: arrangements of a practical nature – xác lập các dàn xếp có tính thực tiễn – Điều 74 UNCLOS – ND). Theo nghĩa đó, tôi nghĩ hành động này rõ ràng là khiêu khích”.
Yêu sách và phản đối
Trong bản “công thư tuyên bố lập trường” gửi Liên Hợp Quốc, Trung Quốc buộc tội tàu Việt Nam “dùng vũ lực phá hoại một cách bất hợp pháp” hoạt động của giàn khoan bằng cách đâm vào tàu của chính phủ Trung Quốc tới tổng cộng 1.416 lần.
Công thư cũng tố cáo Việt Nam cử “người nhái và các điệp viên ngầm dưới nước” đến chỗ giàn khoan và thả “những chướng ngại vật lớn, gồm cả lưới đánh cá và vật thể nổi, xuống lòng biển”.
Còn trong công thư gửi Liên Hợp Quốc tuần trước (tuần từ 1-8/6), Việt Nam lên án Trung Quốc xâm phạm “nghiêm trọng” “quyền chủ quyền” của Việt Nam, và nhắc lại tuyên bố rằng tàu Trung Quốc đã “đâm chìm” một tàu đánh cá Việt Nam chở 10 ngư dân. Ngay lập tức, Trung Quốc nói tàu Việt Nam đã “quấy rối” tàu cá Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng những tuyên bố và phản đối này đang làm hỏng một con đường rõ ràng để đi đến hợp tác trong khu vực, như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã chỉ ra. “Ngay cả khi đó là một khu vực tranh chấp đi nữa, thì trong Công ước LHQ về Luật Biển, vẫn có quy định về nghĩa vụ phải đạt được những thỏa thuận có tính thực tiễn” – Graham nói. (Quy định này nằm trong Điều 74 UNCLOS về “xác định biên giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các nước có đường bờ biển đối diện hoặc liền kề nhau” – ND).
Bateman cũng nhất trí, cho rằng những tranh cãi pháp lý về việc ai có chủ quyền cái gì đang ngăn trở những nỗ lực bảo vệ và phát triển khu vực.
“Điều tôi lo ngại là tất cả những tranh cãi này rồi sẽ chẳng đi đến đâu, xét về khía cạnh xác lập những cơ chế hiệu quả để quản lý Biển Đông và nguồn lực của nó” – Bateman nói. “Tranh cãi làm chúng ta mất khả năng hợp tác hiệu quả, mà cái đó lại rất cần thiết, bởi vì sự thực là, tôi không nghĩ các yêu sách về chủ quyền sẽ được giải quyết trong tương lai gần”.
Bài gốc (tiếng Anh): CNN