Giờ mới thấm hai chữ “viển vông”
Nguyễn Vũ
Thứ Năm, 19/6/2014, 14:27 (GMT+7)
(TBKTSG Online) - Thông thường
một khi hai nước có xảy ra tranh chấp hay có xung đột, nói tóm lại là “cơm
không lành, canh không ngọt” thì kênh tiếp xúc ngoại giao chính thức là con
đường giải quyết tốt nhất.
Và một khi cử một đoàn “sứ giả”
qua để tìm cách tháo gỡ những vấn đề đang căng thẳng giữa hai nước thì nguyên
tắc sơ đẳng là lắng nghe lập luận của nhau, ghi nhận ý kiến của nhau để đem về
nghiên cứu.
Thế nhưng đoàn do ông Dương Khiết
Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, sang Việt Nam và tiếp xúc với lãnh đạo
cấp cao Việt Nam không đi theo nguyên tắc này.
Cứ lấy tường thuật của Tân Hoa Xã
cho khách quan. Hãng tin này trích lời ông Dương Khiết Trì nói rằng Việt Nam
phải ngưng ngay việc quấy rối hoạt động bình thường của Trung Quốc gần quần đảo
Hoàng Sa ở Biển Đông và không được tạo thêm những xung đột mới.
Đây
là một thái độ không thể chấp
nhận bởi suốt cả tháng 5 và xuyên qua tháng 6, người bình tĩnh nhất cũng
không
thể bỏ qua một sự thật rành rành là Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương
981 vào
vùng biển của Việt Nam, cố tình gây ra căng thẳng. Trong tình huống đó,
lực
lượng thi hành pháp luật của Việt Nam
phải ra bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam,
để thông báo cho họ biết họ đang vi phạm vùng biển Việt Nam như thế nào.
Thế mà các bằng
chứng bằng hình ảnh đều cho thấy kẻ hung hăng đâm thẳng vào tàu kiểm ngư
Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam đều là của Trung Quốc.
Một thái độ đúng đắn của Trung
Quốc phải là đưa ra lời giải thích vì sao họ hành động như vậy chứ không thể có
chuyện ngược đời, đòi Việt Nam
ngưng quấy rối!
Điều thứ nhì là một khi hai nước
đang trao đổi ngoại giao như thế tại sao phía Trung Quốc ngay hôm đó lại hung
hãn tiếp tục đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam? (Thông tin từ báo chí cho
biết: 15h34 chiều ngày 18-6, tàu dịch vụ dầu khí Trung Quốc số hiệu 252 đã đâm
vào mạn trái tàu kiểm ngư 762 của Việt Nam, tại vị trí cách giàn khoan Hải
Dương 981 khoảng 12 hải lý. Cú đâm mạnh làm biến dạng lan can mạn trái và hư
hỏng nhiều thiết bị trên tàu 762). Không lẽ phía Trung Quốc không điều khiển
được hành động của các cấp bên dưới?
Ngay cả Tân Hoa Xã, cũng trong
dịp này, lại tung ra bài viết mang tính vu khống và đe dọa Việt Nam
với chủ đề “bốn không được”. (Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và
năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông);
Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch
sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở
Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa); Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác
can thiệp vào Nam Hải; Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung
sau 20 năm bình thường hóa quan hệ).
Như đã nói ở trên, thái độ đúng
đắn với thông lệ ngoại giao bình thường là tạm ngưng các hoạt động có thể bị
gán là khiêu khích nhau một khi hai bên cử đoàn ngoại giao tiếp xúc với nhau.
Đằng này Tân Hoa Xã lại có bài viết mang tính “dạy đời” như kiểu một nước lớn o
ép một nước nhỏ thì rõ ràng họ đã bỏ qua nguyên tắc ngoại giao sơ đẳng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng
nói trước cộng đồng quốc tế: "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu
nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh
thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để
nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Nay với thực tế diễn ra qua
chuyến đi của ông Dương Khiết Trì mới thấm thía hai chữ “viển vông” này.