Đoan Trang,
19/6/2014 – Một trong những điều khiến nhiều người dân trong nước, đặc
biệt là lực lượng an ninh bảo vệ chế độ và một số blogger hoạt động nhân
quyền, thường thắc mắc là: Các phái đoàn xã hội dân sự độc lập ra nước
ngoài trình bày với cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền Việt Nam,
nghĩa là làm gì? Diễn đạt cách khác, họ đã nói gì với thế giới?
Để trả lời câu hỏi này, xin tường thuật (tóm tắt) nội dung của một trong
những buổi vận động như vậy, của phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam,
ngày 29/1/2014. Cụ thể, đây là buổi thuyết trình và trao đổi của phái
đoàn với Nhóm Làm việc về Nhân quyền (COHOM) và Nhóm Làm việc về châu Á
và châu Úc, thuộc Hội đồng châu Âu (European Council – cơ quan chính trị
cao nhất của EU).
Buổi thuyết trình và trao đổi diễn ra vào 9h sáng giờ địa phương (tức 3h
chiều, giờ Hà Nội), tại trụ sở chính của Hội đồng châu Âu ở thủ đô Brussels
của Bỉ. Nội dung gồm hai phần: Thứ nhất là phần trình bày của ba đại
diện của phái đoàn dân sự Việt Nam; thứ hai là phần hỏi và đáp, với
khoảng 30 câu hỏi (mà dưới đây chỉ là một số câu hỏi tiêu biểu) từ đại
diện các nước tham dự. Toàn bộ cuộc vận động được thực hiện bằng tiếng
Anh, trực tiếp, không qua phiên dịch.
Một điều quan trọng, xin bạn đọc lưu ý: Việc công dân một nước tố cáo
với quốc tế các hành động vi phạm nhân quyền, tham nhũng, và các sai
phạm pháp luật khác của nhà nước mình, là việc làm đúng luật, theo đúng
tinh thần cơ chế UPR và những điều ước quốc tế về nhân quyền mà Chính
phủ Việt Nam đã ký kết.
* * *
Thuyết trình về nhân quyền Việt Nam
Luật sư Trịnh Hội giới thiệu thành phần của phái đoàn dân sự độc lập vận động cho nhân quyền ở Việt Nam.
Nhà báo Đoan Trang: Tôi
xin được nhấn mạnh một lần nữa, rằng đây là lần đầu tiên chúng tôi –
những blogger đến từ Việt Nam, đại diện cho khối xã hội dân sự độc lập,
không bị nhà nước kiểm soát – đến đây, sau rất nhiều trở ngại. Chúng tôi
có mặt ở đây để nói lên sự lo ngại của chúng tôi trước tình hình vi
phạm nhân quyền ở Việt Nam trong 5 năm qua, thậm chí kể từ tháng 5/2009
khi Việt Nam tham dự phiên điều trần UPR trong vòng thứ nhất.
Tôi là một nhà báo và là một blogger. Với tư cách này, tôi nhìn nhận vi
phạm nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực quyền tự do biểu
đạt, đã gia tăng trong 5 năm qua. Nhà nước có xu hướng sử dụng hai cách
tiếp cận (approach) để hạn chế tự do ngôn luận của người dân, thứ nhất
là lam dụng luật pháp, thứ hai là các biện pháp ngoài luật.
Trên phương diện luật pháp, Nhà nước sử dụng các điều luật mang tính
trấn áp, như Luật Báo chí, đặc biêt là Bộ luật Hình sự với cả một chương
về các tội liên quan đến an ninh quốc gia, trong đó nổi bật và thường
xuyên được sử dụng là Điều 79, 88 và 258.
Năm 2013 đã có ít nhất 9 trường hợp bị bắt vì Điều 258, tội ”lợi dụng
các quyền tự do dân chủ, xâm hại lợi ích nhà nước”. Các bạn có thể thấy
đây là một điều luật mơ hồ và rất rộng, bao trùm, bởi vì như vậy thì bất
kỳ cái gì bạn viết hoặc nói ra, phê phán Nhà nước, chỉ trích các chính
sách, đều là xâm hại lợi ích nhà nước cả. Trong vòng một tháng từ 26/5
đến 13/6 ở Việt Nam đã có hai nhà báo kiêm blogger nổi tiếng bị bắt:
Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Hai ngày sau, đến Đinh Nhật Uy bị bắt.
Đây là Facebooker đầu tiên trên thế giới bị bắt vì đã viết status chỉ
trích VNPT là một doanh nghiệp nhà nước, và chê tác giả của một bài báo
đăng trên báo quốc doanh Quân Đội Nhân Dân.
Năm 2013, Nhà nước có thêm Nghị định 72 và 174 mà bản chất là hạn chế
quyền tự do Internet của người dân. Nghị định 72, có hiệu lực từ
1/9/2013, cấm việc chia sẻ link vào các bài báo có chủ đề chính trị, xã
hội. Các bạn có thể hình dung một môi trường Facebook không có chia sẻ
link không?
Bên cạnh việc sử dụng luật pháp, Nhà nước dùng các ”chiêu” ngoài luật
pháp, như theo dõi (nghe trộm điện thoại, đọc trộm thư, canh cổng nhà),
sách nhiễu, thậm chí mượn tay lực lượng xã hội dân sự giả mạo, tức là
thành viên các GONGO (tổ chức phi chính phủ của chính phủ) để hành hung
những người có tiếng nói đối lập.
Năm 2013, Nhà nước tiến hành một đợt cải cách Hiến pháp, theo hướng củng cố thêm quyền lãnh đạo của đảng cầm quyền.
Luật sư Trịnh Hội: Đoan
Trang đã nói về những vi phạm trong lĩnh vực quyền tự do biểu đạt. Tôi
xin trình bày về tình hình thực thi quyền tự do lập hội, quyền được xét
xử công bằng ở Việt Nam. Bất chấp việc bị đàn áp, những năm qua, đặc
biệt kể từ những cuộc biểu tình năm 2011, nhiều tổ chức, nhóm dân sự độc
lập đã hình thành, như Mạng Lưới Blogger Việt Nam, phong trào Con đường
Việt Nam, Dân Làm Báo, Câu lạc bộ Bóng đá No-U, Truyền thông Chúa Cứu
thế, v.v.
Không khuyến khích xã hội dân sự, chính quyền Việt Nam tiếp tục không
thông qua Luật Lập Hội và thường xuyên sử dụng ”quần chúng tự phát” để
sách nhiễu, đàn áp thành viên của các tổ chức, nhóm dân sự độc lập.
Bên cạnh đó, chính quyền tiếp tục bắt bớ và bỏ tù các nhà hoạt động nhân
quyền: Thành viên nhóm Hội đồng Công Luật Công Án Bia Sơn bị tù từ 12
năm tới chung thân, Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, blogger Điếu Cày 12
năm tù, TS. Luật Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù, luật sư Lê Quốc Quân 30 tháng tù
và 100.000 USD tiền phạt. Hiện nay, chính quyền có xu hướng chuyển từ
phạt tù sang phạt tiền rất nặng.
Chính quyền cũng tiếp tục tấn công các website độc lập, sử dụng cả biện pháp kỹ thuật lẫn đội ngũ dư luận viên.
Năm 2013, có ít nhất 5 người dân thường bị đánh chết trong đồn công an.
Quyền được xét xử công bằng bị vi phạm. Người dân không có quyền được có đại diện pháp lý (tức là được tiếp cận với luật sư).
Cũng xin nói thêm về một vấn đề có thể là quan trọng đối với quý vị và
chúng tôi, những người ngồi đây, nhưng không thật là chuyện lớn ở Việt
Nam, đó là Việt Nam vẫn duy trì án tử hình. Mới đây, đã có tòa án kết án
tử hình đối với 30 bị cáo chỉ trong một ngày, liên quan đến tội buôn
bán ma túy.
Rất nhiều blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị cấm xuất cảnh, tịch thu
hộ chiếu. Trong lúc chúng ta ngồi đây, một thành viên của phái đoàn là
Paulo Thành Nguyễn, mặc dù được cấp visa vào Mỹ, đã bị chặn tại sân bay
Tân Sơn Nhất và bị thu giữ hộ chiếu. Mẹ của cô ấy (chỉ vào Đoan Trang)
cũng thường xuyên bị an ninh quấy nhiễu, đe dọa.
Sau đây tôi xin nhường lời cho blogger Nguyễn Anh Tuấn, một blogger trẻ,
nhà hoạt động nhân quyền, đến từ Việt Nam, trình bày các kiến nghị đối
với Chính phủ Việt Nam.
Blogger Nguyễn Anh Tuấn: Chúng
tôi, các blogger đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt Nam, No-U, Dân Làm
Báo, phong trào Con Đường Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn
giáo, Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống, VOICE, có các khuyến nghị sau đây
gửi tới chính quyền Việt Nam:
- Để cho các báo cáo viên đặc biệt của EU, Mỹ và Liên Hiệp Quốc vào Việt Nam và đến thăm tất cả các tù nhân chính trị;
- Đảm bảo quyền được đại diện về mặt pháp lý cho tất cả mọi người, kể cả
trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng như trong quá trình phúc thẩm;
- Đảm bảo thực thi Công ước Chống Tra tấn;
- Sửa Luật Báo chí và các luật hình sự cho phù hợp với ICCPR, tức Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị;
- Tôn trọng các nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền LHQ về nhân quyền và xã hội dân sự, với tư cách một nước thành viên Hội đồng;
- Để cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập được hình thành và vận hành;
- Thực thi các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế mà chính quyền Việt Nam đã chấp nhận trong phiên điều trần UPR năm 2009, như:
+ Kiến nghị của Argentina: Việt Nam tiến hành các bước cần thiết để tuân
thủ dần ICCPR và đảm bảo quyền được xét xử công bằng theo đúng luật
pháp; tiến hành các bước cần thiết để đảm bảo công dân được hưởng quyền
tự do biểu đạt và tự do tôn giáo;
+ Kiến nghị của Áo: Việt Nam có các hành động cụ thể để đảm bảo một cách
thiết thực rằng tất cả những người bị mất quyền tự do đều có thể được
xét xử không chậm trễ;
+ Kiến nghị của Nhật Bản: Việt Nam củng cố hệ thống pháp lý, đảm bảo
việc thực thi pháp luật theo hướng thực hiện đầy đủ các cơ chế nhân
quyền quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Blogger Nguyễn Anh Tuấn (ngoài cùng, bên trái) tại một buổi thuyết trình trong Ngày Việt Nam ở Geneva (30/1/2014)
Hỏi và đáp
Chủ tọa Engelbert Theuermann: Xin
cảm ơn các vị khách vì bài thuyết trình quá tuyệt vời. Sau đây sẽ là
diễn đàn cho phần hỏi và đáp. Đề nghị các quý vị có ai muốn nêu câu hỏi
thì dựng bảng tên của quý vị lên phía trước để tôi có thể chỉ định. Mời
quý vị.
(Hội trường rào rào dựng bảng tên).
Chủ tọa Engelbert Theuermann: Ồ,
quá nhiều (cười). Do có quá nhiều quý vị ở đây muốn đặt câu hỏi, nên
tôi sẽ thu thập một lượt 5 câu hỏi trước, để các bạn trả lời, sau đó
tiếp tục vòng 2, vòng 3.
Một quan chức trên hàng ghế chủ tọa đặt câu hỏi về vai trò của ASEAN và
các cơ chế nhân quyền của ASEAN trong việc cải thiện tình hình nhân
quyền ở Việt Nam.
Đại diện Vương quốc Anh hỏi
về những việc làm cụ thể cộng đồng quốc tế có thể thực hiện để cải
thiện nhân quyền ở Việt Nam; đồng thời hỏi thêm về việc Việt Nam vẫn duy
trì án tử hình, ”liệu chúng ta nên đấu tranh như thế nào để thay đổi
tình trạng này”?
Đại diện Ba Lan: Tôi
không có câu hỏi cụ thể nào, chỉ muốn có thể đảm bảo là đại sứ của
chúng tôi tại Việt Nam cũng có tham gia vào những nỗ lực cải thiện nhân
quyền. Tôi cũng quan tâm đến tình hình trẻ em ở Việt Nam, quyền trẻ em,
tình trạng trẻ em trong các trại giáo dưỡng và tế bần… Ba Lan từng trải
qua quá khứ giống như Việt Nam bây giờ, và chúng tôi biết Chính phủ của
các bạn không thích từ ”cải cách”, ”cải tổ”, họ hay nói tránh thành
”hiện đại hóa” hơn (cười). Tôi mong muốn là Việt Nam có thể cho lưu hành
những cuốn sách, những tác phẩm của Ba Lan viết về tiến trình thay đổi
ôn hòa.
Đại diện Ireland đặt
câu hỏi, trong bối cảnh tự do biểu đạt, ngôn luận ở Việt Nam bị thắt
chặt như vậy thì truyền thông Việt Nam vận hành ra sao?
Đại diện Đức hỏi về Nghị định 72 và những tác động cụ thể, nếu có, của nó đến tình hình sử dụng Internet ở Việt Nam, đã có trường hợp nào bị xử lý vì vi phạm Nghị định này chưa.
Luật sư Trịnh Hội: Về
vấn đề án tử hình, thật sự tôi nghĩ rằng trong bối cảnh Việt Nam, với
môi trường tâm lý xã hội và văn hóa chính trị Việt Nam, án tử hình thậm
chí chưa bao giờ là một chủ đề gây tranh cãi. Ngay với bản án dành cho
30 người liên quan đến tội buôn bán ma túy kia, ở phần comment phía dưới
bài báo, cũng có tới hàng chục comment hoan nghênh bản án, hoan nghênh
phiên tòa. Tôi cho rằng đây là vấn đề mà các quý vị – với xuất phát điểm
là xã hội phương Tây – quan tâm nhiều hơn là người Việt Nam.
Với câu hỏi về vai trò của cơ chế nhân quyền trong ASEAN, tôi nghĩ những
năm qua, trên bình diện chính phủ, các nước ASEAN đã có nhiều cố gắng
trong việc xây dựng và cải thiện một cơ chế khu vực về bảo vệ nhân
quyền. Nhưng những nỗ lực thật sự lại nằm trong khối dân sự độc lập
nhiều hơn. Ví dụ như năm 2013 là lần đầu tiên một số nhóm dân sự ở Việt
Nam và Philippines đã có sự hợp tác. Tổ chức Asian Bridge Philippines
đưa thanh niên Việt Nam sang học về xã hội dân sự, và No-U Việt Nam thì
tham gia cứu trợ nạn nhân bão Haiyan ở Philippines.
Nhân đây, nói về xã hội dân sự và có mặt phái đoàn Đức, tôi muốn cảm ơn
Đại sứ quán Đức ở Việt Nam, vì đã cởi mở, giúp đỡ và bảo vệ các blogger
Việt Nam rất nhiều, suốt từ thời gian các blogger thực hiện việc đến các
sứ quán phương Tây ở Hà Nội để trao Tuyên bố 258 phản đối Điều luật
258.
Nhà báo Đoan Trang: Xin
cảm ơn tất cả các câu hỏi, và tôi muốn nói là tôi rất cảm động vì sự
quan tâm của đại diện Ba Lan đối với Việt Nam, với trẻ em Việt Nam cũng
như với nhân quyền ở nước chúng tôi nói chung.
Với câu hỏi về truyền thông Việt Nam trước tình hình quyền tự do biểu
đạt bị vi phạm, tôi muốn phân biệt rõ là ở đây có hai mảng truyền thông.
Truyền thông chính thống của Nhà nước thì, cho phép tôi nói dài dòng
một chút, vào năm 2008, tại Việt Nam xảy ra một vụ tham nhũng lớn khi
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bị kết tội đánh bạc và bị bỏ tù. Báo
chí Việt Nam đã đưa tin rất hăng hái, họ gần như được bật đèn xanh, cho
đến khi phe công an đập lại. Hơn 40 nhà báo trên toàn quốc bị triệu tập.
Hai trong số họ bị bắt, và một trong hai người này, do không chịu ”nhận
tội” nên đã bị kết án hai năm tù. Kể từ đó tới nay, mức độ đưa tin
chống tham nhũng của báo chí Việt Nam đã suy giảm, và đây là dựa theo
một nghiên cứu của chính Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.
Nhưng đó là truyền thông Nhà nước, còn truyền thông xã hội thì lại bùng
nổ. Khi báo chí chính thống buộc phải quay lưng, im lặng, trước những
bất công xã hội, trước các cuộc biểu tình của nông dân mất đất, các cuộc
đình công của công nhân bị bóc lột, thì chính là các blogger, và mạng
xã hội, chứ không phải nhà báo và truyền thông quốc doanh, đã đến với
các nạn nhân để đưa tin, viết bài. Nói cách khác, truyền thông Nhà nước
đã lắng xuống, còn truyền thông xã hội thì lại nổi lên.
Blogger Nguyễn Anh Tuấn: Xin
trả lời câu hỏi về Nghị định 72. Mạng xã hội ở Việt Nam rất phát triển
trong những năm qua. Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng Internet và
người dùng Facebook cao nhất khu vực. Cho nên, tôi không nghĩ có luật
nào có thể kìm hãm được đà tiến của Internet. Nghị định 72, tôi thấy nó
giống như một trò cười cho các blogger hơn. Theo tôi được biết thì người
ta chưa ghi nhận được trường hợp cụ thể nào bị xử phạt vì vi phạm Nghị
định 72.
Nhà báo Đoan Trang: Theo
tôi được biết thì có một trường hợp. Admin của một diễn đàn mạng bị
công an hỏi thăm, nhưng admin này đang không ở Việt Nam, nên khoản tiền
phạt cứ treo lơ lửng đó chờ ngày anh ta về. Có thể có những trường hợp
khác mà tôi không biết.
Chủ tọa Engelbert Theuermann: Cảm ơn các câu trả lời. Chúng ta tiếp tục, vòng thứ hai.
Đại diện Pháp hỏi
về công cuộc sửa đổi Hiến pháp vừa qua ở Việt Nam, liệu Hiến pháp mới
có tạo ra không gian nào cho sự phát triển của nhân quyền?
Đại diện Hà Lan: Tôi
nghe nói Việt Nam đã thông qua luật cho phép người đồng tính kết hôn.
Có phải trong lĩnh vực quyền của người đồng tính (LGBT) thì Việt Nam đã
có nhiều tiến bộ?
Tôi cũng thừa nhận và xin bình luận là Việt Nam còn rất chậm chạp trong
việc sửa đổi, hoàn thiện những đạo luật quan trọng, như toàn bộ Bộ luật
Hình sự và Bộ luật Dân sự.
Tôi xin hỏi thêm: Chúng ta đều thấy là hiện nay, trên toàn cầu, có một
sự suy giảm về không gian tự do của khối xã hội dân sự, với sự thắt chặt
các quyền của những tổ chức xã hội dân sự, như quyền được nhận tài trợ.
Tôi muốn hỏi là việc nhận tiền tài trợ ở Việt Nam có khó khăn gì hơn
không?
Đại diện Thụy Điển: Thụy
Điển, như các bạn biết, là một quốc gia luôn quan tâm đến việc bảo vệ
quyền tự do biểu đạt, ngôn luận, cả trên mạng lẫn trong đời thực. Chúng
tôi đều theo sát tình hình ở Việt Nam, chúng tôi khá lo ngại về sự vi
phạm quyền tự do biểu đạt, ngôn luận nơi đây. (…) Có nhiều thắc mắc,
nhưng điều tôi đang quan tâm là liệu Chính phủ Việt Nam có sẵn sàng tham
gia thực thi các khuyến nghị đặt ra cho họ tại phiên điều trần UPR
không?
Đại diện Phần Lan: Trở
lại với câu hỏi về án tử hình. Tôi muốn biết cuộc tranh luận về án tử
hình ở Việt Nam đã bắt đầu chưa? Ngoài ra, việc Việt Nam trở thành thành
viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc liệu có giúp cải thiện tình
hình nhân quyền ở nước này?
Đại diện Italy: Những
vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở nước các bạn, những đạo luật hà khắc
và mọi sự trấn áp, có ảnh hưởng như thế nào tới cộng đồng những người
thiểu số, người yếu thế, người dễ bị tổn thương, ở Việt Nam?
Nhà báo Đoan Trang: Tôi
xin trả lời câu hỏi liên quan đến quyền của người đồng tính. Nhiều
người cũng đã hỏi tôi về vấn đề này, rằng có thực là ở Việt Nam, quyền
của cộng đồng LGBT đang được cải thiện. Không. Không hề. Tôi phải nói rõ
rằng cho đến nay, chính quyền chưa thông qua một luật nào cho phép
người đồng tính kết hôn. Việc đưa tin gây hiểu nhầm như vậy có một phần
là do lỗi của báo chí Việt Nam.
Trên thực tế, người đồng tính không được tôn trọng ở Việt Nam. Thậm chí
chính quyền còn có xu hướng dán cái nhãn ”gay”, ”lesbian” lên các nhà
hoạt động nhân quyền để sỉ nhục họ, làm mất uy tín họ với cộng đồng. Tôi
nghĩ đây là vấn đề tâm lý xã hội. Môi trường xã hội ở Việt Nam chưa
thật tôn trọng quyền của người đồng tính.
Câu hỏi đặt ra là, vậy tại sao lại có sự tuyên truyền rằng Chính phủ
Việt Nam đang bảo vệ và bảo đảm quyền của cộng đồng LGBT. Theo tôi hiểu,
thực sự điều đó chỉ là vì cộng đồng LGBT ở Việt Nam chưa bao giờ đủ vai
trò, đủ tiếng nói để Chính phủ phải xem đó như một mối đe dọa cho sự
chính danh, quyền lực của họ. Nói cách khác, vấn đề quyền của người đồng
tính ở Việt Nam không phải là một vấn đề nhạy cảm về chính trị. Bản
thân tôi không nhìn thấy được vai trò và tiếng nói của người đồng tính
cũng như các hoạt động vận động chính sách, tác động tới chính sách, của
cộng đồng này.
Luật sư Trịnh Hội: Tôi
xin nói rõ thêm, các nhóm, các cộng đồng ở Việt Nam chỉ thực sự bị
chính quyền coi là nguy hiểm khi họ có tổ chức. Tôi nhấn mạnh, ”khi họ
có tổ chức”. Những người Công giáo, Tin Lành ở Việt Nam thường bị sách
nhiễu, đàn áp, vì họ có tổ chức, thậm chí có cơ quan truyền thông độc
lập như là Truyền thông Chúa Cứu thế.
Nhà báo Đoan Trang: Còn
câu hỏi thứ hai của Hà Lan, ”nhận tiền tài trợ có khó hơn không”, thì
tôi xin nói là ở Việt Nam, không tồn tại xã hội dân sự độc lập. Đến
quyền được lập hội còn không được đảm bảo, thì làm sao người ta có thể
nhận tiền tài trợ từ nước ngoài. Thậm chí, việc đó còn bị coi là nhận
tiền của các thế lực thù địch để chống phá Nhà nước. Nhận tiền nước
ngoài là cái mũ để lực lượng an ninh trấn áp, bắt giữ các nhà hoạt động
bảo vệ nhân quyền. Nhận tiền nước ngoài ở Việt Nam không chỉ khó, mà còn
có nghĩa là nguy hiểm, là sách nhiễu, là bắt giam, bỏ tù.
Blogger Nguyễn Anh Tuấn: Với
câu hỏi liên quan đến cuộc tranh luận về án tử hình, tôi xin trả lời
như sau: Ở Việt Nam, chưa có không gian nào để người dân có thể cất lên
tiếng nói của họ, phát biểu chính kiến, trao đổi hoặc đi xa hơn nữa là
tham gia vào tiến trình lập pháp. Việc tranh luận về các vấn đề chính
trị-xã hội không bao giờ được khuyến khích. Riêng về án tử hình, thì
trong suốt quá trình học tập của tôi, 3 năm cấp ba và 4 năm đại học, tôi
chưa từng thấy một cuộc tranh luận xã hội nào về vấn đề này; và lý luận
duy nhất có liên quan mà tôi nhận được trong quá trình học tập tại Việt
Nam, là ”mắt trả mắt, răng trả răng, mạng đền mạng”.
Bản Hiến pháp mới của Việt Nam đã được thông qua sau một quá trình ”thảo
luận xã hội” rất tốn kém do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, và kết
quả cuối cùng là Đảng vẫn giữ nguyên bản dự thảo sửa đổi do chính Đảng
đưa ra. Theo tôi, Hiến pháp mới không tạo ra thêm không gian tự do nào
cho người Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thảo luận về Hiến pháp dù sao
cũng đã là một cơ hội để những người có quan tâm tìm hiểu về Hiến pháp,
về chính trị, các quyền dân sự. Đấy cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, 72
trí thức hàng đầu đã đưa ra một bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, có nhắc
đến việc bỏ Điều 4, là điều quy định vai trò lãnh đạo toàn diện và duy
nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã nhiều lần nhận được câu hỏi, liệu chiếc ghế của Việt
Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có giúp gì cho nhân quyền
Việt Nam. Tôi xin trả lời: Có và không. Có sự thuận lợi và khó khăn. Xin
nói về khó khăn trước. Với việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng
Nhân quyền, Chính phủ có thể lấy đó như một chiêu để ngụy biện rằng như
vậy là Việt Nam đã đảm bảo nhân quyền, điều ấy đã được cộng đồng quốc tế
thừa nhận, và mọi nỗ lực đấu tranh đều là sai trái, thù địch, phản
động. Thực tế là lý luận ấy đã được sử dụng nhiều. Nhưng chiếc ghế đó
cũng mang lại thuận lợi cho công cuộc đấu tranh vì nhân quyền ở Việt
Nam. Từ nay, các blogger, các nhà hoạt động nhân quyền sẽ có thể sử dụng
chính các cơ chế của Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy công việc của mình. Họ
có thể tăng cường truyền thông về nhân quyền, có thể vận động thay đổi
luật pháp, yêu cầu chính quyền sửa đổi luật cho phù hợp với pháp luật
quốc tế về nhân quyền, v.v.
Còn câu hỏi cuối cùng, liên quan đến các cộng đồng người thiểu số, người
yếu thế và dễ bị tổn thương ở Việt Nam, thì tôi xin trả lời rằng đây là
những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì những chính sách vi phạm nhân
quyền của Nhà nước. Tôi xin lấy ba ví dụ điển hình gần đây: Thứ nhất là
những người H’Mong theo giáo phái Dương Văn Mình ở phía bắc Việt Nam. 6
người đã bị bắt với tội danh ”lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm hại
lợi ích Nhà nước” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. Thứ hai là những người
H’Mong theo đạo Tin Lành. Họ cũng bị khủng bố, sách nhiễu, mất nhà mất
ruộng và trở thành dân oan, vì niềm tin tôn giáo của họ, vì họ đã muốn
thay ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cây thánh giá. Và thứ ba là
những người thiểu số ở Tây Nguyên.
Ở Việt Nam có tới hàng nghìn nông dân mất đất, hàng nghìn công nhân bị
bóc lột trong các nhà máy công nghiệp, và hàng nghìn dân oan. Nhưng họ
không hiểu nguồn gốc những khổ đau của họ. Họ thường nghĩ tất cả đều do
số phận, chứ họ không nghĩ được rằng những khổ đau, bất hạnh ấy là xuất
phát từ sự mất dân chủ, tự do trong một thể chế độc đảng lãnh đạo. Và
nhiệm vụ của những nhà hoạt động vì nhân quyền, những người đấu tranh
bảo vệ nhân quyền, sẽ là giúp đỡ cho những con người ấy, để họ hiểu được
quyền của họ, để họ cất lên tiếng nói đấu tranh, giành lại tự do và
nhân quyền cho mình.
Theo Việt Nam UPR