17 juillet 2014

THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (11): Thoát Trung?


Theo Văn Việt
Nam Dao
Thoát Trung là thuật ngữ nay khá phổ biến trong dư luận. Vấn nạn bành trướng phương Bắc thêm một lần trở thành chuyện mất còn một dân tộc sống kề cạnh một láng giềng rêu rao 16 chữ vàng với 4 tốt, nhưng đơn phương cài cắm giàn khoan HD 981, xâm lăng lãnh hải của Việt Nam. Văn Việt, website của Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, đề xướng một cuộc thảo luận về Thoát Trung trên bình diện văn hóa (http://vanviet.info/category/thao-luan/). Nhưng văn hóa là thế nào đây? Có phải ta phủ nhận Sở Từ, Đường Thi, Tống Từ…? Chắc chắn là không. Những thành tựu văn hóa trở thành của chung nhân loại.


Thế thì, thoát Trung về văn hoá là thế nào? Trả lời phần nào câu hỏi vừa đặt, xin đưa ra một tiền đề: văn hoá là nền tảng trầm tích của mọi tổ chức xã hội. Tổ chức đó xây dựng trên cơ sở phân bổ những quyền lực của cộng đồng, tức quyền lực chính trị. Những quyền lực ở Trung Quốc đó từ hàng ngàn năm nay là gì? Trước tác của những vị như cố GS Trần Đình Hượu, GS Trần Ngọc Vương… cho rằng xã hội Trung Quốc xưa nay đóng băng trong một hệ hình gọi là hệ hình “hoàng đế’’. Phải chăng Thoát Trung về văn hóa là thoát cái hệ hình đó? Đây là điểm chúng tôi xin được lý giải.
Từ thời Tần, Hán, rồi Đường, Tống, Minh, Thanh… văn hoá chính trị-xã hội ở Trung Quốc dựa trên ý thức hệ Khổng-Mạnh. Sau những thế kỷ loạn lạc nào Xuân Thu nào Chiến Quốc, Khổng phu tử truyền bá phương thức ổn định xã hội bằng cách rao giảng vai trò chuyên chế của Vua, thứ tự lớp lang trong xã hội (sĩ, nông, công, thương), hành xử phải “đạo’’ cho mỗi cá nhân kiểu trai thì trung hiếu làm đầu… Đến từ Thiên mệnh, Hoàng Đế có quyền uy tối thượng, sở hữu tất cả, và điều hành xã hội trên mọi phương diện với một guồng máy quan liêu mà nền tảng là lớp Sĩ, thấm nhuần hai chữ Trung Quân, đặt Vua lên trên cả Thày và Cha mình. Người dân, ở mọi tầng lớp, không có một vai trò gì trong tổ chức và vận hành xã hội cứ thế hàng ngàn năm, mang thuộc tính một đàn cừu chỉ lẻ tẻ nổi loạn khi đói ăn và khi bị đám quan lại áp bức. Cá nhân con người bị triệt tiêu, an phận thành cách hành xử của loài vong nô bất lực, và chính thế mà xã hội Trung Quốc dậm chân tại chỗ, bị bỏ tuột đàng sau một châu Âu năng động sau thời Phục Hưng.
Vào đầu thế kỷ 20, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên đả phá hệ hình “Hoàng Đế’’, du nhập những thành quả triết học chính trị của thời Khai Sáng ở Âu Châu vào mong làm tan lớp băng phong kiến ngàn năm đóng cứng xã hội Trung Quốc. Nhưng chưa đâu vào đâu thì đất nổi ba đào. Những diễn biến từ thế chiến 2 đưa đến triều đại Mao Trạch Đông, kẻ đã xích hóa Trung Quốc dưới danh nghĩa giải phóng. Nhưng oái oăm thay, chính Mao là người tái thiết hệ hình “Hoàng Đế’’ ở Trung Quốc, dĩ nhiên với Mao là chủ tể. Quần thần kiểu mới là thành viên Bộ Chính Trị, rồi Trung Ương Đảng… đúng kiểu cách Lêninnít, nhưng nay mang mùi vị tàu vị yểu trộn với tương ớt đỏ. Tiếng là tuân thủ ý thức hệ Mác-Lênin, Hoàng Đế họ Mao thực ra dựng lại một Trung Quốc phong kiến mang tham vọng bá quyền. Mao vẫy Sách Đỏ, ra lệnh cho cả nước Tàu mang nồi niêu xoong chảo ra thiêu chảy để xây dựng một nền công nghệ luyện kim tiên tiến (!) Rồi Cải Cách Ruộng Đất, đánh Tư Sản, chế độ Lao Cải, Lý Lịch… Tức là tất cả những gì Việt Nam ta đều làm theo, chậm mất đâu 5, 10 năm.
Chế độ hậu Mao tương quan thế nào với hệ hình “Hoàng Đế’’? Đặng Tiểu Bình không phân biệt mèo trắng mèo đen, thả cho bắt chuột, và mèo Trung Quốc hàng đàn sổng ra leo lên ngồi trên những chạc cây của một chế độ tư bản rừng rú. Nhưng chẳng phải mèo nào cũng thành Vua thành quan. Vua quan Trung Quốc bây giờ là Vua Tập Thể, tức đám ủy viên Bộ Chính Trị, cũng cha truyền con nối với cái nhân dân gọi là Đảng Thái Tử. Phân bổ quyền lực hiện đại là phân bổ ngành trong Kinh Tế-Tài Chánh, Quân Đội, Công An, và phân bố lãnh chúa địa phương. Phe nhóm chồng chéo không ít, nhưng dẫu gì thì phải làm thế nào giữ được Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cơ cấu chủ chốt để găm chặt quyền lực. Trong bối cảnh này, những vấn đề dân sinh ở Trung Quốc vẫn đầy rẫy. Nếu GDP/đầu người vào khoảng 7,8 ngàn USD thì có gần 14% sống với khoảng 300 USD/năm, và cỡ 72% dân số mà thu nhập chỉ trên dưới 600 USD/năm. Bất bình quân về phân bố lợi tức nặng nhẹ theo vùng, và nhất là theo yếu tố thành thị/nông thôn. Đất nông nghiệp bị trưng thu với giá bèo, nông dân hàng 2,3 trăm triệu người bỏ lên thành phố làm công ở mức lương bóc lột. Môi sinh bị hủy hoại, nước ô nhiễm, không khí ô nhiễm, thực phẩm độc hại, và dân số thì nay coi như không còn kiểm soát với chế độ một con như trước. Hiện thực tuy khá thê thảm, nhưng bộ máy tuyên truyền vẫn ra rả những xã hội chủ nghĩa với sắc thái Trung Quốc ổn định hài hòa. Và nhìn lại Việt Nam mà xem: cũng hệt vậy, nhưng Việt Nam ở một mức độ thấp hơn, tầm vóc khiêm nhường của kẻ theo đuôi, lắt léo rêu rao “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa’’.
Với chính sách bóc lột lao động nói trên, Trung Quốc xuất khẩu giá rẻ những mặt hàng tiêu dùng sản xuất với công nghệ chế biến và đã tích lũy được một khối lượng dự trữ ngoại tệ khủng (ước tính vào khoảng gần 4000 tỉ USD). Họ dự tính đầu tư vào khâu khai thác tài nguyên ở Phi châu, Úc châu, Châu Mỹ Latinh. Họ ồ ạt đặt mua cổ phần trong những cơ sở kỹ nghệ Âu-Mỹ lỗ lã khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Tuy nhiên, kế sách thâm nhập và bành trướng kinh tế của Trung Quốc không mấy có kết quả, nhiều quốc gia “thấy sợ’’, và rất thận trọng trước những đề nghị đầu tư của Trung Quốc.
Việt Nam thì sao? Sau bài học còn dở dang qua cuộc chiến họ Đặng định dạy Việt Nam năm 1979, lớp lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh thất thần trước sự sụp đổ vô tiền khoáng hậu của thế giới Cộng Sản ở Liên Xô và Đông Âu. Họ vội vã sang Thành Đô năm 1990 thì thụp thế nào mà 16 chữ vàng và 4 tốt thành gông cùm xiềng xích trên phương diện chính trị. Còn về kinh tế, chừng mươi, muời lăm năm nay, Việt Nam đi ngược lại những bước phát triển lẽ ra một quốc gia bình thường phải thực hiện được. Không có công nghệ chế biến và phụ trợ, Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc để đơn thuần gia công với mức lương công nhân thấp, nhưng xuất sản phẩm Việt Nam tức là làm trung gian xuất nguyên vật liệu Trung Quốc phải nhập. Cán cân thương mại với Trung Quốc hiện nhập siêu trên 25 tỉ USD, nợ chồng chất còn hơn Chúa Chổm, và nhất là “để’’ Trung Quốc trúng thầu đến 90% những công trình kinh tế chiến lược trong khâu Giao Thông, Năng Lượng, vv… Làm được thế, chắc chắn Trung Quốc đã tạo được một lực lượng Nội Xâm Việt Nam. Lực lượng này hẳn là những nhân vật chóp bu ở mọi cấp từ trung ương đến địa phương, và trong mọi ngành nghề ban bệ dễ dàng sai khiến bằng phong bì và quyền lợi phe phái. Hệ hình “Hoàng Đế’’ xuất qua Việt Nam bây giờ được cải biên theo phương thức chia để trị, thành loạn Sứ Quân mọi chốn, kỷ cương nay hẳn được quyền hành Trung Nam Hải trực tiếp chi phối.
Thoát Trung vậy là gì?
  • Là dứt khoát bỏ hẳn trên phương diện văn hóa hệ hình chính trị “Hoàng Đế’’ từ thời Hán Cao Tổ cho đến Mao Trạch Đông và lũ hậu duệ, là thực hiện thể chế cộng hòa dựa trên những giá trị dân chủ và tôn trọng những quyền Tự Nhiên của Con Người.
  • Là chống lại ngoại xâm Bành Trướng phương Bắc, là thiết lập một Diên Hồng thế kỷ 21, vận sức toàn dân chống bọn nội xâm ung nhọt tiếp tay cho ngoại bang đã, đang, và sẽ tiếp tục biến Việt Nam thành quận huyện như hai lần Bắc thuộc trước đây trong lịch sử.
Đây là một cuộc đấu tranh rộng khắp, ở mọi tầng lớp, với mọi xu hướng. Và chỉ có sức dân mới lật được những con thuyền cũ bươm mất chèo lạc lái buộc sẽ rồi phải đào thải. Nhưng muốn thế, điều kiện bây giờ là phải phất được một ngọn cờ đào bảo vệ biên cương lãnh thổ: trên 20 xã hội dân sự hiện hoạt động trong nước là những hạt nhân có khả năng kết nối để cùng nhau đi đến một cương lĩnh và những hành động tập hợp được sức dân.
Viết dòng này, chúng ta vừa bước sang ngày 14 tháng 7. Cách đây 225 năm, dân Pháp cùng khổ phá ngục Bastille, đánh dấu bước ly khai không đảo ngược được với chế độ Phong Kiến. Xin nhắc lời đầu trong Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945 của Việt Nam: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Và cùng nhủ, chúng ta đừng để những kẻ đang nắm quyền bính phản bội lại lời Tuyên Ngôn vừa được nhắc.
Tác giả gửi Văn Việt.