01 décembre 2017

TS Trần Đình Thiên chỉ điểm lạ trong tăng trưởng Việt Nam


Theo TS Trần Đình Thiên, con số tăng trưởng GDP này không có gì đột biến. Quy mô Việt Nam quá nhỏ nên dễ tạo nên sự biến động lớn về con số

Nhảy vọt ở Việt Nam không có gì khó. Người  xưa nay chỉ ăn được 1 chén cơm, giờ ăn thêm 1 chén nữa không vấn đê gì, nhưng đã ăn 10 chén rồi ăn thêm 1 chén nữa thì rất khó. Việt Nam mới ăn 1 chén, nhảy vọt không có gì khó", vị chuyên gia nhận xét.
 
PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: NCĐT




Nhảy vọt ở Việt Nam không khó


Tại “Hội nghị đầu tư 2017: Đột phá tư duy kinh doanh” diễn ra ngày 21/11, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra quan điểm rằng có lẽ chúng ta quá quan trọng về con số tăng trưởng GDP thay vì nhìn nhận về thực chất..

Câu chuyện xôn xao trong vài tháng trở lại đây là tại sao tăng trưởng của Việt Nam năm nay bất thường, nhảy vọt khi quý I quá thấp (5,14%), quý III lại quá cao (7,48%), tăng gần 50%? Tại sao lại có sự nhảy vọt đó khi nền kinh tế yếu? Nhiều ý kiến cho rằng có sự không rõ ràng về thống kê, che giấu sự thực.

"Có lẽ chúng ta quá quan tâm đến con số làm sao thêm được 0,1-0,2% tăng trưởng GDP. Suốt năm cả trí tuệ đất nước chỉ loanh quanh bàn mỗi chuyện làm sao được 6,1% hay 6,3%, tức chỉ chênh nhau 0,2%.

Chúng ta phải vượt thoát khỏi cách tiếp cận về phát triển của đất nước này theo kiểu dồn trí tuệ của đất nước để làm sao có dược 0,1-0,2% tăng trưởng GDP. Thêm cái đó không có ý nghĩa gì nhiều.

Thực ra nó không có gì đột biến. Nhảy vọt ở Việt Nam không có gì khó. Người  xưa nay chỉ ăn được 1 chén cơm, giờ ăn thêm 1 chén nữa không vấn đê gì, nhưng đã ăn 10 chén rồi ăn thêm 1 chén nữa thì rất khó. Việt Nam mới ăn 1 chén, nhảy vọt không có gì khó", vị chuyên gia nhận xét.

Ông cho biết, năm 2017 có những dấu hiệu, dẫu chưa phải là sự thay đổi nhưng báo hiệu sự thay đổi mang tính đột phá.

Minh chứng đầu tiên và rõ ràng nhất là có sự dịch chuyển trong cấu trúc ngành nghề của sự phát triển, dù chưa đụng đến đẳng cấp. Nhiều năm nay, kinh tế Việt Nam dựa vào các ngành khai thác tài nguyên như dầu thô, khí đốt... thì năm nay những ngành này tăng trưởng âm, và phần đó đươc bù lại bằng những ngành công nghiệp chế biến. Dù công nghiệp chế biến chỉ là gia công lắp ráp nhưng dù sao cũng có sự dịch chuyển.

Thứ hai, sự gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân. Hai năm qua, kinh tế tư nhân có sự gia tăng khá mạnh mẽ, có sự tăng tiến về số lượng doanh nghiệp, trong đó vốn đầu tư của từng doanh nghiệp bỏ ra tăng lên đáng kể, không còn li ti như ngày xưa. Tuy nhiên, vì kinh tế tư nhân nhỏ quá nên ít nhận biết được sự tăng lên này và nó chưa thay đổi được khuôn mặt nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2015 thêm Việt Nam có gần 80.000 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, năm 2016 được 110.000 doanh nghiệp; năm 2017 trong 10 tháng đã được 100.000 doanh nghiệp và hy vọng cả năm được 130.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

"Điều đó cho thấy niềm tin đang trở lại, dù chưa làm rõ sự thay đổi về đẳng cấp nhưng là dấu hiệu có ý nghĩa phải ghi nhận. Phải có cách nhìn bao dung hơn về sự phát triển", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Vị chuyên gia chia sẻ, những lo lắng về câu chuyện tăng trưởng nhảy vọt là có lý vì sợ  rằng để đạt được mục tiêu, thành tích mang tính hình thức, Việt Nam đào tài nguyên lên bán thật nhiều. Tuy nhiên, một lần nữa ông nói rằng, ngay cái này chúng ta cũng chỉ nên quan tâm mức độ, quan trọng là kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch sang một cấu trúc khác, quan trọng là cấu trúc thể chế và khái niệm thay đổi trong lực lượng phát triển của Việt Nam đang diễn ra một cách đáng tín cậy. 


Điều gì kìm hãm doanh nghiệp Việt?


Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn, tư duy của Việt Nam là tư duy tăng trưởng nhìn xuống chân mình, tức cứ cố gắng tăng trưởng thành tích từng năm một thật tốt, quý I rất thấp, quý IV tăng vọt, nên năm nào thành tích cũng cao. Tuy nhiên, nếu nhìn dài hạn thì có vấn đề.

Theo đó, cứ 10 năm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lại giảm xuống gần 1%. Sau 3 lần 10 năm tăng trưởng cứ giảm một cách bền vững như vậy, liệu giờ có đảo ngược được tình thế? Mà Việt Nam không nâng cao tốc độ tăng trưởng thì làm sao đuổi kịp được thế giới? Cơ sở nào có thể thay đổi được tình thế?, vị chuyên gia đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Để giải thích cho việc tại sao động lực của kinh tế Việt Nam cứ bị tiêu mòn dần dù quyết tâm không thấp, doanh nghiệp không kém cỏi,  PGS.TS Trần Đình Thiên chứng minh qua câu chuyện từ cơ cấu ngành đến lực lượng doanh nghiệp, nhà nước, thị trường...  

Ông dẫn một ví dụ trói buộc doanh nghiệp, đó chính là gánh nặng chi phí. Theo đó, nếu so sánh trong 5 năm thì lãi suất ở Việt Nam gấp đôi ở Trung Quốc, gần gấp đôi Malaysia dù doanh nghiệp đang rất yếu; chi phí logistic của Việt Nam gấp đôi thế giới...

Trong bốn động cơ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam (kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  thì chỉ có FDI ăn nên làm ra nhờ tận dụng được những lợi thế sẵn có, ít bị ràng buộc bởi các thể chế và chính sách.

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân lại chậm phát triển, tỷ trọng đóng góp GDP luôn dưới 8% và hầu như không thay đổi trong suốt giai đoạn 2005-2015. Nếu không tính FDI thì bức tranh kinh tế kém tươi sáng hơn bởi những nguyên nhân nội tại, chứ không đến từ tác động bên ngoài.