''Đúng ra vấn đề khí thải của Formosa phải
được siết chặt thêm thì đằng này lại nới lỏng ra. Không ai người ta làm ngược
như vậy cả''
Formosa Hà Tĩnh |
Vì sao phải nới chuẩn?
Việc Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) cho
phép Formosa Hà Tĩnh áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu tại lò thiêu kết vượt
chuẩn từ 7% lên 15% khiến một số chất độc hại trong khí thải của Formosa (FHS)
vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải sản xuất thép.
Trao đổi với Đất Việt chiều 28/11, TS.
Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông
Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho rằng
đây là điều lạ.
''Đúng ra vấn đề khí thải của Formosa phải
được siết chặt thêm thì đằng này lại nới lỏng ra. Không ai người ta làm ngược
như vậy cả, tại sao thế?", ông Sơn đặt câu hỏi.
Về nguyên tắc, hàm lượng oxy tham chiếu
càng thấp thì mức độ ô nhiễm càng nhỏ, và ngược lại. Trong trường hợp của
Formosa tăng hàm lượng oxy tham chiếu lên 15% đồng nghĩa với việc lượng khí tải
sẽ nhiều hơn.
Các chất gây ô nhiễm tại các lò luyện cốc
sẽ được cộng với 7% oxy (quy chuẩn cũ) hoặc 15% oxy (quy chuẩn mới) trước
khi thải ra ngoài môi trường. Nói một cách đơn giản là dùng oxy pha loãng nồng
độ các chất gây ô nhiễm để đạt các tiêu chí khác về bảo vệ môi trường.
Vấn đề sống còn
Nhìn nhận một cách thấu đáo hơn về vấn đề
môi trường tại Formosa, TS. Nguyễn Thành Sơn nhấn mạnh, Bộ TN-MT phải lưu ý đến
công nghệ xử lý chất thải lỏng được hình thành từ quá trình luyện than thành
cốc.
Bởi theo ông, đây mới là loại chất thải
nguy hiểm nhất trong các loại chất thải tại Formosa, thế nhưng chưa thấy
Formosa hay cơ quan chức năng đề cập tới việc xử lý loại chất thải này.
"Khi tiến hành luyện cốc, bao giờ
cũng thải ra chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí. Chất thải khí thì
bay lên trên, có thể lọc được. Chất thải rắn là phần cặn còn lại của lò đưa ra
ngoài, có thể giao cho các công ty môi trường của Việt Nam mang đi xử lý, chôn
cất được. Nếu được thì bắt Formosa chôn cất ngay trong nhà máy.
Còn chất thải lỏng của lò luyện cốc hiện
nay chưa có giải pháp nào xử lý cả và trên thế giới họ đều hết sức coi trọng
điều này. Những chất thải lỏng được hình thành từ quá trình luyện than thành
cốc được xét nguy hại ngang hàng với chất thải của phóng xạ.
Cho nên ở những nhà máy luyện cốc người ta
phải xử lý chất thải 1 cách vô cùng nghiêm ngặt từ khâu thống kê, kiểm soát,
vận chuyển. Nếu họ tìm cách trà trộn vào các chất thải rắn khác rồi đưa ra
ngoài thì cực kỳ nguy hiểm", TS. Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Sơn cảnh báo, trong năm
2016 Formosa đã nhập hơn 500 ngàn tấn than bitum về luyện cốc thay vì nhập than
mỡ. Giá than mỡ hiện tại là 200 đô/tấn, trong khi loại than bitum chỉ khoảng 75
đô/tấn.
Than bitum là loại than kém chất lượng, ở
nước ngoài họ không dùng được thì Việt Nam nhập về luyện cốc. Chất thải trong
quá trình luyện cốc từ loại than kém chất lượng này cực kỳ nhiều.
Do đó, vị chuyên gia lưu ý, việc cần làm
ngay lúc này là trong từng khâu (lò cốc, lò cao, lò hơi) phải yêu cầu Formosa
có hệ thống xử lý hết tất 3 loại chất thải rắn, lỏng khí.
Lãnh đạo các Bộ, ngành nhiều lần khẳng
định, sẽ kiên quyết với Formosa, thậm chí, sẽ khởi tố nếu tiếp tục sai phạm. Vì
vậy nên thực hiện lời hứa trước nhân dân. Nếu Formosa không đáp ứng được yêu
cầu xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải lỏng được hình thành từ quá trình
luyện than thành cốc thì cần chấm dứt ngay hợp đồng.
Hoàng Hải
Nguồn: Theo Báo Đất Việt