Lê Học Lãnh Vân
Lòng
dân thì đã rõ: trả bằng tiền lẻ, trả bằng tiền mệnh giá lớn, chậm rãi đọc quy
định thu phí... tất cả các phương cách nhằm chống đối cái trạm mà họ cho là mãi
lộ! Nếu cái trạm thu phí cứ mặc kệ lý và tình, mặc kệ lòng dân mà đứng mãi đó,
dân chúng tất sẽ nghĩ thêm các phương thức khác nữa chống lại. Ai biết được
những phương thức đó sẽ dẫn tới việc gì, hậu quả gì?
Tôi không hiểu tại sao những trạm thu phí như
Cai Lậy lại gan lì như vậy.
Về lý, tôi thấy việc này sai hoàn toàn. Đường do
dân chúng nộp thuế xây dựng nên, nộp thuế bảo trì và trả lương cho đội ngũ bảo
trì, tự nhiên một nhóm người tới sơn sơn phết phết rồi dựng trạm thu phí moi
tiền dân! (cho dù Bộ Giao thông vận tải khẳng định vị trí đặt trạm BOT trên
quốc lộ 1 là hợp lý vì nằm trên dự án mở rộng quốc lộ 1 và làm mới tuyến tránh
Cai Lậy, nhưng rất nhiều người không đồng ý và chưa có một cuộc tranh luận công
khai trên truyền thông về lý lẽ hai bên). Về tình thì tàn nhẫn quá. Gánh bao
nhiêu thuế phí còng lưng, giờ này còn vài đồng bạc trong tay đi đường cũng bị
gỡ nốt! Thu tiền kiểu đó, trước mắt là thu tiền tài xế, nhưng tiền đó sẽ được
trừ vào tiền trả cho nông dân để thu mua sản phẩm mà phần lớn là nông sản và
đẩy giá thành sản phẩm Việt Nam cao hơn các nước chung quanh, cùng lúc tiền đó sẽ
được cộng thêm vào giá nhu yếu phẩm và hàng hóa thông dụng bán cho nông dân.
Nghĩa là tiền nộp cho trạm thu phí là tiền hút từ mồ hôi nước mắt người dân làm
ra hạt gạo, cọng rau, con cá...
Lòng dân thì đã rõ: trả bằng tiền lẻ, trả bằng
tiền mệnh giá lớn, chậm rãi đọc quy định thu phí... tất cả các phương cách
nhằm chống đối cái trạm mà họ cho là mãi lộ! Nếu cái trạm thu phí cứ mặc kệ lý
và tình, mặc kệ lòng dân mà đứng mãi đó, dân chúng tất sẽ nghĩ thêm các phương
thức khác nữa chống lại. Ai biết được những phương thức đó sẽ dẫn tới việc gì,
hậu quả gì?
Dân vốn yếu thế. Bài học về đạo làm người tử tế
có dạy: nếu quả trứng chọi với bức tường, anh nên bênh vực quả trứng bởi vì hai
lẽ. Lẽ thứ nhất: quả trứng yếu ớt, nếu không bị áp bức quá mức tất không dám
chống lại bức tường. Lẽ thứ hai: nếu chạm nhau, trứng vỡ, tường không hề hấn
gì. Đạo làm người tử tế là bênh vực kẻ yếu đuối!
Với các phương cách phản ứng của dân như vậy, rõ
ràng trạm thu phí Cai Lậy đang đứng trước sự chống đối, căm ghét và cả khi dễ
của nhiều người dân. Một nhà đầu tư thực sự bao giờ cũng tính toán phần thu về
và phần bỏ ra, mức độ lợi tức, tính toán các rủi ro. Lòng dân phản đối là rủi
ro rất lớn mà bất cứ nhà đầu tư thuần túy, chân chính và độc lập nào cũng
phải nghiêm túc tính tới. Những người dân này lại cũng là khách hàng. Cho dù
BOT là một dạng đầu tư công tư hợp tác thì nhà đầu tư cũng rất sợ khi
khách hàng quyết tâm phản đối như vậy. Trạm thu phí Cai Lậy cứ ngang nhiên tồn
tại thách thức sự phản đối của dân chúng khách hàng, phải chăng nhà đầu tư được
một thế lực vững chắc chống lưng? Nếu tôi là nhà đầu tư, tôi không dám thách
thức như thế. Sự ủng hộ của các thế lực chống lưng chưa chắc đứng được lâu
trước sự chống đối kiên trì của người dân. Hậu quả gì sẽ đến với nhà đầu
tư?
Khi có sự mâu thuẫn gây náo động các tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long, cả miền Nam và cả nước, chính phủ nên thấy rõ lòng bất mãn
của dân chúng đang hướng về đâu để không đặt mình vào thế đối đầu với dân.
Huống chi, có rất nhiều cơ sở vững chắc về lý và tình ủng hộ sự bất mãn này.
Theo tinh thần lời phát biểu ngày 27.11.2017 của ông Võ Văn Thưởng, “ngoài lợi
ích của người dân, Đảng không còn lợi ích nào khác”, tôi nghĩ tốt nhất là chính
phủ nên thuận theo yêu cầu của dân chúng, dời trạm thu phí về trong đường
tránh. Xin đừng ai nghĩ rằng làm theo ý dân là chính phủ thua dân. Không, làm
theo ý dân là chính phủ thắng. Thắng vì đạt được mục đích phục vụ dân. Thắng vì
được lòng dân ủng hộ. Thắng vì theo đúng hướng chính phủ kiến tạo. Thắng vì
không bị nhóm lợi ích nào ép buộc nổi. “Đất nước phát triển mà lòng dân không
yên, ngày nào, tuần nào cũng khiếu kiện, khiếu nại thì không ổn”. Phản ứng của
dân chúng chính là một khiếu kiện, khiếu nại tập thể của họ chống lại trạm thu
phí Cai Lậy. Một sự khiếu kiện rất quyết tâm. Từ gần nửa năm nay, lòng dân lúc
nào cũng không yên vì việc này. Đây là lúc chính phủ cần làm dân yên lòng.
Tôi nghe nói con đường tránh và trạm thu phí
được đầu tư trên một ngàn tỉ. Chính phủ có thể điều đình với nhà đầu tư về con
số thực (tôi nghĩ chỉ là một phần con số công bố), rồi sau đó chính phủ chịu hỗ
trợ một phần, chỉ một phần nhỏ thôi vì nhà đầu tư phải chịu phần lớn theo
nguyên tắc kinh doanh lời ăn lỗ chịu. Như vậy con số chính phủ bỏ ra khoảng vài
chục tỉ. Quá nhỏ so với con số thất thoát cho tới nay từ các tập đoàn, tổng
công ty nhà nước mà theo công bố chính thức là khoảng hai trăm ngàn tỉ! Cũng là
quá nhỏ để an dân và thu phục lòng dân. Cho dù không phải là người gây ra sự
việc, tôi nghĩ dân chúng chắc cũng sẵn lòng hỗ trợ, bằng lòng cho chính phủ
dùng tiền thuế chi cho việc này. Mọi việc nên hỏi ý và minh bạch với dân chúng.
Sau đó, chính phủ quay về rút bài học bổ ích để
chấn chỉnh bộ máy, dẹp bỏ những thỏa thuận ngầm, những sân sau, những liên minh
tiền-quyền, chống tham nhũng một cách thực chất và phòng ngừa tham nhũng hữu
hiệu thì số tiền thu lại chắc chắn lớn hơn gấp vài ngàn lần! Số tiền đó dùng để
phát triển đất nước thì dân nào chẳng ủng hộ?
Không nên để dân quen với phản đối kiểu đó, vì
từ phản đối kiểu đó tới những phản ứng thái quá có thể không xa. Người
dân, khi bị tước đi quyền tự do chính đáng là tự do đi lại trên con đường mình
đã nộp thuế xây nên, phản ứng của họ khó lường! Nhất là khi người tham gia tước
bỏ quyền tự do đó là người được dân nuôi và thuê để quản lý và bảo vệ quyền tự
do đó.
Tôi thấy trong sự việc trạm thu phí Cai Lậy đang
ầm ĩ một cơ hội lớn cải tiến bộ máy công quyền! Cải tiến tinh thần tôn trọng
dân, nghĩa là cải tiến tinh thần dân chủ trong cả nước. Việc này hàm ý thúc đẩy
đất nước phát triển mạnh mẽ và đột phá trong ổn định!
Cho nên, tôi không nghĩ sự phản đối của người
dân là phản ứng chính phủ. Họ giúp chính phủ chống các thế lực đang làm
khó chính phủ trên con đường phát triển đất nước.
Lê Học Lãnh Vân
Nguồn: Theo MTG