NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Chụp ảnh kỷ niệm cùng bà con Đồng Tâm |
Nhận được
thông tin Lữ đoàn 28 Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân đào rãnh phân địa giới
đất đơn vị quản lý với đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, chúng tôi tổ chức một
đoàn về Đồng Tâm để tìm hiểu tình hình.
Đoàn chúng
tôi có 8 người, trong đó đã từng đến Đồng Tâm có Trịnh Bá Phương, Lễ Ngọc, chị
Nguyễn Nguyên Bình. Còn tôi, đây là lần đầu tiên tôi về với Đồng Tâm. Thời kỳ
giữa tháng 4 năm 2017, khi nhân dân Đồng Tâm bắt giữ 38 con tin để đáp trả hành
động tương ứng của chính quyền, tôi liên tục bị canh chặn, không thể đi được.
Từ ngày ấy,
đã có rất nhiều đoàn hoặc cá nhân đã tới Đồng Tâm để tìm hiểu tình hình nên tôi
không dám chắc đoàn đến muộn sẽ được đáp ứng những gì cần tìm hiểu. Tôi chỉ
ngại nhận được những câu trả lời chung chung rồi bảo, còn chi tiết cụ thể, các
anh tìm hiểu thêm trên mạng.
Tác giả hỏi chuyện cụ Lê Đình Kình |
Thấy chúng
tôi đến, bà con thôn Hoành kéo nhau đến chật nhà cụ Lê Đình Kình. Bà con niềm
nở đón tiếp chúng tôi, mời nước, têm cả trầu mời. Có lẽ, giờ hiếm những làng
quê còn giữ tục lệ mời trầu khách. Chúng tôi có nhiều chương trình trong ngày
nên không thể ở lại ăn bữa cơm thân mật theo lời mời bà con. Ra về, chúng tôi
được nhận quà, đó là những túi chè tươi hái trong vườn thôn Hoành. Quanh nhà cụ
Kình vẫn có những kẻ không được hoan nghênh nhưng lảng vảng xung quanh ghi hình
rồi bám theo khi xe lăn bánh. Bà con vây kín xe, bịn rịn chia tay và chúng tôi
nói với nhau những lời bày tỏ tình đoàn kết. 6 thanh niên thôn Hoành đi 3 xe
máy tiễn chúng tôi một đoạn xa mới quay về, có lẽ còn có cả ý bảo vệ an toàn
cho khách.
Tấm lòng hiếu
khách, thái độ tiếp đón nồng nhiệt, ân cần và chu đáo của bà con Đồng Tâm làm
chúng tôi thấy vui và ấm áp trong lòng như thể chúng tôi là người thân của bà
con đã từ lâu.
Cụ Lê Đình
Kình nguyên bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm năm nay 83 tuổi nhưng còn rất mẫn tiệp.
Đặc biệt trí nhớ của cụ thật tuyệt vời. Cụ nói vanh vách từng số văn bản, ngày
ký văn bản, ai ký, nội dung là gì, thậm chí còn nhớ cả số chứng minh nhân dân,
ngày cấp, nơi cấp của người mà cụ nhắc đến. Trong hơn 1 giờ, chúng tôi nói đến
nhiều chuyện về cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm. Trong tố cáo của
nhân dân Đồng Tâm đề cập tới 49 nội dung nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề 59 ha Đồng
Sênh. Đây là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng bắt giữ con tin giữa Tháng 4 năm
2017.
Nhân dân
khẳng định 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm, còn Thanh
tra Hà Nội lại khẳng định dân Đồng Tâm chiếm đất quốc phòng, đơn vị bộ đội thì
buông lỏng quản lý.
Cụ Kình nói
kết luận như vậy là nói xấu cả dân Đồng Tâm, nói xấu cả quân đội.
Có chém đầu
tôi đi thì Đồng Sênh vẫn là đất nông nghiệp.
Cái lý của
nhân dân Đồng Tâm khá đơn giản. Ngày 14/4/1980, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết
định số 113/TTg về việc cấp đất xây dựng đợt 1 sân bay quân sự Miếu Môn với
diện tích 208 ha, trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm.
Như vậy, đất
quốc phòng nằm trong địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36 ha. Ngoài
diện tích ấy, nếu trên địa giới hành chính của Đồng Tâm phải là đất nông nghiệp
của Đồng Tâm.
Tuy nhiên,
theo kết luận thanh tra của Thanh tra HN ngày 24/7/2017 thì hiện có 64,03 ha
đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, dôi ra 16,37 ha. Như vậy, 16,37 ha
này chưa có quyết định thu hồi, chưa đền bù thì vẫn là đất nông nghiệp của Đồng
Tâm mà quân đội quản lý “nhầm”? Như vậy, trừ đi hơn 3 ha của xí nghiệp vôi đá
thì khu đồng Sênh không chỉ là 59 ha mà là 72 ha.
Quan điểm của
nhân dân Đồng Tâm là phần 47,36 ha của Đồng Tâm giao cho quân đội đã nhận tiền
đền bù, không nói gì đến nữa. Nhưng phần đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp, chưa
hề có quyết định thu hồi. “Có chém đầu tôi đi, tôi vẫn nói thế” - cụ Kình nói.
Thanh tra và
cả công an về Đồng Tâm, cứ nói là thu hồi đợt 2 nhưng đợt 1 đang qui hoạch treo
thì sao lại thu hồi đợt 2. Mà nếu có thu hồi đợt 2 thì đương nhiên phải có
quyết định thu hồi. “Tôi chỉ yêu cầu có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm
quyền, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng đúng pháp luật thì chúng tôi giao
đất thôi, không cản trở”. Thế nhưng yêu cầu đơn giản ấy của nhân dân Đồng Tâm,
chính quyền lại không chịu đáp ứng. Phải chăng họ muốn lấy không đất nông
nghiệp của dân mà không mất đồng đền bù nào.
Chính quyền
Hà nội nói một đằng quân đội xác nhận khác
Ngày
20/10/2014 ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ký Quyết định
số 5383/QĐ- UBNDTP về việc tiếp tục giao 236 ha đất sân bay Miếu Môn cho lữ
Đoàn 28. Như đã nói ở trên, Quân chủng PKKQ được giao 208 ha từ năm 1980.
Nhưng chỉ 3
ngày sau, ngày 23/10 Đại tá Trịnh Văn Truyền lữ trưởng Lữ đoàn 28 ký thông báo
số 961A/TB-LĐ gửi ông Lê Đình Kình nói hiện nay lữ đoàn quản lý đủ 208 ha (chứ
không phải 236)
Cụ Lê Đình
Kình cho rằng, thông báo của Đại tá Trịnh Văn Truyền không khác gì cái tát vào
mồm ông Vũ Hồng Khanh.
Giao đất một
nơi, đòi nhận một nơi
Tôi hỏi họ
giao đất cho Viettel như thế nào, cụ Kình nói, cái nút thắt là ở chỗ ấy.
Ngày
27/3/2015 Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc Phòng ra Quyết Định số 551/QĐTM về việc thu
hồi 50,03 ha đất Quốc phòng hiện do tiểu đoàn 31 thuộc Lữ đoàn 28 đang quản lý.
Thế nhưng
Viettel lại không lấy ở phần đất 208 ha. Quân chủng PKKQ giao cho họ không nhận
mà Ủy ban huyện Mỹ Đức lại bàn giao phần đất nông nghiệp ở Đồng Sênh cho
Viettel. Cụ Kình nói đây là cướp đất của dân bán lấy tiền. Quyết định Quân
chủng PHKQ phải giao đất cho Viettel vẫn chưa thực hiện, vì UB huyện Mỹ Đức và
Viettel vẫn nhăm nhe lấy đất nông nghiệp của Đồng Tâm. Như vậy nhất định 1 bên
hoặc cả 2 bên (Viettel và UB Mỹ Đức) có lợi ích nhóm ở đây.
Nhận xét về
cách thực hiện bàn giao đất cho Viettel, cụ Kình nói, trên thì nói Bộ QP giao
cho Quân chủng PKKQ bàn giao, dưới lại nói UB Hà Nội giao cho UB Mỹ Đức thu hồi
giải phóng mặt bằng đền bù bố trí tái định cư rồi tiền đến bù lại do Viettel
chi trả. Cụ Kình cho rằng cứ tay nọ nó đập tay kia, tay phải vả mép trái tay
trái vả mép bên phải, rất lung tung lộn xộn không theo qui định nào cả.
Tuy nhiên, về
việc này, kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội nói thông báo của Lữ 28 nói
hiện nay đơn vị vẫn quản lý diện tích 208 ha được thể hiện trên đường bao 16
mốc giới là thiếu chính xác. Nhưng đó cũng chỉ là lời của… thanh tra.
Mọi sự đã rõ
ràng
Như vậy, lý
lẽ của nhân dân Đồng Tâm thật đơn giản. Thế nhưng nó trở thành tranh chấp mà
đỉnh điểm là vụ bắt 38 con tin ngày 15/4/2017
Cho đến lúc
này (cuối tháng 3/2018) mọi sự đã minh bạch. Theo cụ Kình thì mốc giới đông tây
nam bắc rõ ràng, chỗ nào là 47,36 héc ta của quốc phòng, chỗ nào là 59 héc ta
của Đồng Tâm. Trước đây, theo như dân đề nghị cũng như thanh tra yêu cầu cử các
cơ quan chức năng về khảo sát đo đạc lại. Bây giờ không phải khảo sát cũng
không phải đo lại, xác định vị trí đâu vào đấy hết.
Hơn một tuần
nay, Lữ đoàn 28 đã cho đào rãnh để phân biệt ranh giới giữa khu đất quân đội
quản lý với đất nông nghiệp của Đồng Tâm. Rãnh được đào về phần đất quốc phòng
và đất cũng được hất lên về phía ấy. Bằng động thái này, phía quân chủng PHKQ
đã công nhận khu đất 59 ha ở Đồng Sênh là của Đồng Tâm.
Đây là diễn
biến có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm.
Tuy nhiên về phía chính quyền, họ vẫn im lặng. Không hiểu chính quyền Hà Nội sẽ
nói như thế nào về động thái này của phía quân đội. Không dễ dàng gì họ chịu
thua dân. Để họ công nhận cần phải có thời gian do bản tính bảo thủ cố hữu của
họ.
Video dưới
đây được quay tại hiện trường ngày 31/3/2017. Người thuyết minh là anh Lê Đình
Công con trai cụ Lê Đình Kình: Chính quyền đã vu cáo cho nhân dân Đồng Tâm lấn
chiếm đất quốc phòng đồng thời vu cáo cho quân đội buông lỏng quản lý:
Link video: https://www.youtube.com/watch?v=mthmrWRlDMs
1/4/2018