04 avril 2018

Tình hình nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài trước phiên xét xử


Hydrangea thực hiện


Luật sư Nguyễn Văn Đài.


Ngày 5 tháng 4 năm 2018 tới đây, phiên xét xử nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài và 5 thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ sẽ diễn ra ở Hà Nội. Trước phiên xử, chúng tôi đã phỏng vấn chị Vũ Minh Khánh, phu nhân anh Nguyễn Văn Đài, về tình hình của anh, cùng những khó khăn mà anh và gia đình gặp phải trong thời gian giam giữ.



Trong buổi phỏng vấn, chị Khánh cũng đề cập đến những hạn chế trong điều kiện giam giữ ở các trại tạm giam của Việt Nam. Cuộc phỏng vấn do Hydrangea, CTV Dân Luận thực hiện.

* * *


- Thưa chị Khánh, phiên tòa ngày 5 tháng 4 năm 2018 sẽ diễn ra sau 5 ngày nữa. Hiện nay anh Đài đang ở trong tình trạng sức khỏe và tinh thần như thế nào?


- Xin cảm ơn bạn đã quan tâm đến sự việc của chồng tôi. Hiện nay chồng tôi rất xanh xao, gầy gò, nhưng tinh thần rất mạnh mẽ. Chẳng hạn như khi kết thúc điều tra, tôi được phép gặp chồng tôi, công an xung quanh họ có nói xen vào điều gì, thì chồng tôi rất cứng rắn khi bày tỏ quan điểm rằng họ không được phép làm như vậy.

- Vâng. Điều kiện giam giữ hiện nay có gây bất lợi cho anh Đài không?


- Rất bất lợi, vì điều kiện giam giữ của Việt Nam rất tồi tệ. Cho đến thời điểm này, chồng tôi đã bị giam giữ 28 tháng mà không được ra ngoài ánh nắng mặt trời, chỉ ở trong một căn phòng rất chật hẹp. Phòng rộng 7m vuông mà giam những 2 người trên 2 bệ xi măng to, mùa đông rất lạnh, mùa hè thì rất nóng ạ. Bởi vì phòng có 2 cửa sổ mà họ mở vào cả mùa đông lẫn mùa hè, khiến cho mùa đông thì gió rét, mùa hè thì nắng nóng ập vào như ở ngoài trời, nên điều kiện giam giữ ở đây rất khắc nghiệt. Vào mùa hè, nhiệt độ ở ngoài trời có thể lên đến 45 độ C, nhưng phòng giam không có quạt điện, thậm chí người nhà gửi quạt nan vào cũng không được. Đó là chưa kể đến việc mất nước, rồi những áp lực nhỏ nhỏ trong cuộc sống mà họ tạo cho chồng tôi, khiến chồng tôi rất khó chịu khi ở đó.

- Cho em hỏi thêm chút. Bệ xi măng ở đó có được lát gạch men hoặc phản gỗ không?


- Không có, hoàn toàn là bệ xi măng ạ. Tôi phải đấu tranh rất cật lực mới được gửi vào cho chồng tôi một cái chiếu, để chồng tôi có thể rải trên bệ xi măng đó. Tất nhiên chồng tôi cũng phải rải một cái chăn ở trên bệ, nhưng khi rải chăn vào bệ như vậy, cơ thể mình toát mồ hôi sẽ khiến cho đệm rất ẩm thấp. Điều kiện giam giữ như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi còn ở ngoài thì chồng tôi không có biểu hiện gì về bệnh đau xương, nhưng khi vào đó 28 tháng chồng tôi đã bị đau xương, đau nhức toàn bộ cơ thể.

- Các bác sĩ có phát thuốc và cung cấp dịch vụ y tế đầy đủ cho chồng chị không?


- Gần như là không được phát thuốc. Và nếu có phát, chồng tôi đấu tranh lắm lắm thì họ mới phát vài viên thuốc linh tinh, rẻ tiền, chứ không hề có thuốc tốt.

- Theo chị, điều kiện tạm giam ở Việt Nam đang tệ một cách đồng đều, hay họ giam anh Đài trong điều kiện tệ hơn mức bình thường để gây áp lực?


- Theo tôi nghĩ thì đây là điều kiện giam giữ chung cho mọi người tù. Nhưng tôi nghĩ họ cũng gây áp lực nhiều, vì trong quá trình bị giam chồng tôi không khai báo gì cả. Khi điều tra, họ đã không khai thác được chồng tôi, nên họ đã cố tình gây khó khăn cho chồng tôi.

- Là thân nhân của một người tù, chị mong muốn cải thiện điều kiện giam giữ ở Việt Nam theo hướng nào?


- Tôi nghĩ họ phải cho tù nhân ra ngoài trời ít nhất một tuần một lần, để mình có ánh nắng mặt trời. Thứ hai là họ phải cung cấp nước đầy đủ. Thứ ba là họ phải có một tấm giáp giường để ngăn thân mình với bệ xi măng, để khi mình đổ mồ hôi thì bệ xi măng không bị đọng nước, mình không bị đau xương. Thứ tư là không nên để cửa sổ khiến người tù phải chịu tất cả những sự khắc nghiệt của thời tiết, dù không ở ngoài trời như vậy.

Thứ năm, theo tôi được biết thì quy định về việc gửi đồ ăn cho những người bị giam giữ ngày càng tệ. Tôi nhớ mấy năm trước, những người ở trại tạm giam được phép nhận 10kg mỗi lần gửi, và một tháng được nhận 2 lần. Nhưng cách đây vài năm họ đã giảm xuống còn 5kg, và sang năm 2018 thì họ chỉ cho phép 3kg mỗi lần gửi, mỗi tháng 2 lần gửi. Do đó mỗi lần gửi tôi đều phải cân đong đo đếm, bỏ ra bớt vào, thậm chí thịt thì tôi phải lọc xương ra để không bị nặng. Cho nên điều kiện giam giữ ngày càng khắc nghiệt và gây khó khăn cho những người tù.

Hơn nữa, trước đây tôi được gửi sách và 10 số báo trong mỗi lần thăm gặp. Nhưng năm 2018, họ nói rằng nếu muốn gửi sách báo, thì mỗi lần gửi phải làm đơn xin phép cơ quan thụ lý. Ví dụ, khi chưa kết thúc điều tra thì phải xin phép cơ quan điều tra; khi đã điều tra xong, hồ sơ gửi sang Viện Kiểm sát thì phải xin Viện Kiểm sát; khi đã chuyển lên tòa án thì phải xin tòa án. Và mỗi lần xin như thế thì mình không biết cơ quan thụ lý có cho phép mình gửi hay không. Họ có thể im lặng không trả lời. Họ ra luật như vậy đồng nghĩa với việc họ không cho những người tù đọc báo nữa. Trong trại giam, họ chỉ phát báo Nhân Dân cho tù nhân đọc thôi. Đây là một cách để họ nhồi sọ tù nhân, để cản trở những suy nghĩ và ý chí tự do của người tù.

- Như vậy luật thậm chí không quy định rằng các cơ quan trên sẽ phải trả lời đề nghị gửi đồ của mình sau bao lâu ?


- Vâng, không ạ. Hơn nữa chính sách của Việt Nam rất quá đáng trong việc đối xử với người nhà tù nhân. Ví dụ, khi có kết luận điều tra họ không hề thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi lên xin ở chỗ an ninh điều tra thì mới biết đã chuyển hồ sơ lên Viện Kiểm sát. Khi Viện Kiểm sát chuyển hồ sơ lên tòa án, họ cũng không báo cho gia đình, khiến chúng tôi không biết đến chỗ nào để hỏi.

- Những thay đổi đó đến từ việc sửa luật chung, hay do chính sách riêng của từng trại giam?


- Do thay đổi của luật ạ. Tôi nghĩ rằng những người làm ra luật này rất ác khi gây ra những khó khăn như vậy cho người bị giam giữ.

- Trước đây, chính quyền từng ngăn cản anh Đài và gia đình tự chọn luật sư. Mình và họ đã giải quyết vấn đề này như thế nào?


- Cũng như gia đình tôi, gia đình của tất cả những người khác trong vụ việc này đều lập tức mời luật sư và báo cho họ. Nhưng khi kết thúc điều tra, họ ngang nhiên chỉ định một luật sư để bào chữa cho người nhà của chúng tôi. Sau đó, họ cũng cản trở luật sư mà chúng tôi mời tiếp cận vụ việc. Đó là những khó khăn, còn bây giờ thì chúng tôi đã đấu tranh để các luật sư mà gia đình mời được tham gia vào vụ việc rồi.

Tôi cũng muốn nói về khó khăn của các luật sư. Các luật sư của chúng tôi đã làm hồ sơ để gửi cho đơn vị thụ lý rồi, nhưng sau vụ chính quyền chỉ định luật sư, chúng tôi phải chấp nhận làm lại thủ tục để tham gia vào vụ việc. Theo luật mới bây giờ, nếu không có sự phản đối nào thì trong vòng 24h, họ phải đương nhiên chấp nhận đơn và cấp giấy xác nhận tư cách luật sư bào chữa. Nhưng dù luật sư của chúng tôi rất nóng ruột, mong được tiếp xúc với hồ sơ và người nhà của chúng tôi ở trại giam, luật sư không tài nào tiếp xúc được vì thiếu cái giấy đó. Do đó biết rằng hồ sơ nằm trên tòa rồi mà không tài nào tiếp xúc được. Sau nhiều lần các luật sư lên tòa đấu tranh, họ mới cấp giấy. Khi có giấy, thư ký tòa lại nói rằng chúng tôi đang bận, không thể giúp các anh tiếp xúc hồ sơ được, khiến luật sư phải đợi thư ký tòa hết bận để được tiếp xúc hồ sơ. Và khi có hồ sơ rồi, luật sư muốn gặp người nhà chúng tôi, thì trại giam lại ngăn trở, nói rằng trại kín hết lịch rồi, phải hẹn một tuần sau mới gặp được. Khi được gặp rồi, thì họ lại xếp cho một khoảng thời gian rất ngắn, và thường là vào cuối giờ. Ví dụ như trường hợp của luật sư Đoàn Thái Duyên Hải, bào chữa cho chồng tôi và ký giả Trương Minh Đức. Khi luật sư vào tiếp xúc, họ cho vào lúc 3h, thì khoảng 4h trại giam đã rục rịch bắt mình phải về rồi. Trong hơn 1 tiếng đồng hồ mà phải tiếp xúc với 2 người như vậy, thì thời gian để trao đổi với người nhà của chúng tôi rất hạn chế. Nếu muốn có buổi gặp sau, luật sư của chồng tôi phải đặt tiếp một cái lịch, mà không biết bao giờ họ mới chấp nhận. Hơn nữa luật sư của chúng tôi lại ở trong Sài Gòn, nên việc ở lại Hà Nội nhiều ngày để đợi một cuộc gặp tiếp theo cũng rất khó khăn. Đây là những khó khăn mà nhà nước đã gây cho luật sư của chúng tôi trong việc tiếp xúc với người nhà của chúng tôi và hồ sơ vụ án.

Mỗi lần luật sư tiếp xúc như vậy, họ đều cho công an giám sát xung quanh. Và tôi tin chắc một điều rằng các trao đổi của luật sư với chồng tôi và những người khác trong trại giam đều bị ghi âm hết, họ biết hết những gì chúng tôi trao đổi với nhau ạ. Đó là một điểm rất bất lợi cho chúng tôi trong vụ án này.

- Vâng. Chị muốn nhắn điều gì với những cư dân mạng đang ủng hộ anh Đài ở khắp nơi trên thế giới?


- Tôi muốn nhắn rằng xin anh chị em hãy tiếp tục ủng hộ cho không riêng gì chồng tôi, mà cả nhiều anh chị em khác đang bị bắt vì vụ này. Hãy lên tiếng cho chúng tôi, vì đây là những người yêu nước. Hiện nay chúng tôi đang bị chính quyền ra sức ngăn trở và gây khó khăn, vậy nên hãy ra sức lên tiếng cho chúng tôi.

Hơn nữa, chúng tôi cũng biết rằng sứ quán của ít nhất 8 nước đã viết đơn gửi nhà nước Việt Nam để đề nghị được tham dự phiên tòa. Nhà nước đã nói rằng đây là phiên tòa công khai, và phiên tòa công khai thì mọi người muốn tham gia đều vào được. Nhưng họ chưa trả lời gì cho các sứ quán cả.

- Như vậy, các sứ quán cũng chưa chắc sẽ được vào phiên tòa?


- Hiện nay họ vẫn đang gây áp lực, và chỉ còn một vài ngày nữa nên tôi cũng chưa biết được.

- Còn gia đình thì vẫn được vào?


- Hiện nay chúng tôi chưa nhận được một giấy mời nào của tòa án, nên để chính thức vào thì chưa được. Nhưng chúng tôi tin rằng vì là người nhà, chúng tôi sẽ được vào. Nếu được vào thì chắc chỉ một người thôi, chứ vào đông thì tôi không dám chắc, vì năm 2007, khi chồng tôi bị bắt lần đầu, chỉ có tôi được vào tòa án thôi, chứ những người thân khác và bạn bè của chồng tôi thì không được vào.

______________________


Ghi chú của người phỏng vấn:


Hiện nay, điều kiện giam giữ ở các trại tạm giam Việt Nam được quy định bởi Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015, và chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 [1]. Dưới đây, xin trích một số điều khoản của luật:

Khoản 3 của Điều 13:

3 - Buồng tạm giữ, buồng tạm giam trong nhà tạm giữ, trại tạm giam được thiết kế, xây dựng kiên cố, có khóa cửa, có phương tiện kiểm soát an ninh, đủ ánh sáng, bảo đảm sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng địa phương và yêu cầu công tác quản lý giam giữ.

Phòng làm việc của cơ quan, người tiến hành tố tụng, người bào chữa được thiết kế, xây dựng bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu điều tra, xử lý vụ án và bào chữa.

Khoản 2 và 4 của Điều 27:

2 - Người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi trong thời gian bị tạm giữ không quá một lần; nếu gia hạn tạm giữ thì mỗi lần gia hạn tạm giữ được nhận quà một lần. Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 01 tháng. Định lượng quà là đồ ăn, uống cho mỗi lần gửi không được vượt quá ba lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận, kiểm tra loại bỏ các vật bị cấm và giao đầy đủ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt quà, đồ dùng sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được phép gửi.

4 - Chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam là 02 mét vuông (m2), được bố trí sàn nằm và có chiếu.

Như vậy, trong trường hợp của anh Nguyễn Văn Đài, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã không được đảm bảo thực hiện đúng, dù đã có hiệu lực được 3 tháng.

Cần lưu ý rằng trước khi luật này được ban hành, chế độ dành cho người bị tạm giữ, tạm giam ở Việt Nam chưa hề được qui định thành luật.

Năm 2016, trong một bài viết trên BBC tiếng Việt, luật sư Ngô Ngọc Trai đã đưa ra nhiều bằng chứng để khẳng định rằng ở Việt Nam, người bị tạm giữ, tạm giam phải chịu điều kiện sống kém hơn nhiều so với phạm nhân đã bị kết án. Đây là một nghịch lý, vì khác với phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam vẫn được xem là người vô tội. Ông Trai cũng đặt câu hỏi, rằng phải chăng “điều kiện giam giữ khắc nghiệt” này là “một hình thức trấn áp tinh thần để buộc khai báo”.

Thực hiện phỏng vấn: Hydrangea


Chú thích: