(PLO) - Đêm đêm mò ốc bắt còng
trên con sông bên “Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng”, nhiều lúc chàng trai 25 tuổi
lại ngước mặt lên thẫn thờ nhìn lên vùng đất sáng rực ánh đèn từng có ngôi nhà
của mình, nay đã bị san lấp phân lô, bán nền, chỉ biết khắc khoải: “Vì sao lại
thế?”. Mù chữ, bị “khủng bố tinh thần” nên sợ hãi, gia đình Tâm đành chịu mất đất,
sống cảnh không chốn dung thân, nhẫn nhục chịu đựng lầm than.
Bà Thu liêu xiêu đi về “căn nhà” dựng bên dự án tỷ đô. |
Gia đình Dương Minh Tâm (SN 1993, từng ngụ tại số nhà
559, khu 3, ấp Phước Hội) là một trong những trường hợp điển hình vì dự án “Khu
đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh
Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona.Coop)
làm chủ đầu tư), mà bị đẩy vào cảnh bần cùng.
Được “đền bù” nền đất để… ngắm chơi
Tâm kể lại, sau cuộc cưỡng chế lấy đất đầu tiên với
gia đình ông Phan Văn Hoa (PLVN đã phản ánh trong số báo trước), tâm lý người
dân cả xã kinh hãi. “Cả trăm người tay dùi cui điện, tay xịt khói tùm lum, dân
la lên cũng bị còng, ai dám ý kiến chống đối nữa”, chàng trai kể lại.
Gia đình Tâm có năm người thì cả năm đến mặt chữ còn
không rành, nói gì đến biết quy định pháp luật mà đòi hỏi những quyền lợi như
đền bù hợp lý hay chưa, hỗ trợ học nghề ra sao? Giao lại căn nhà và mảnh vườn
cho nhà đầu tư Dona.Coop, họ dắt díu ra khu nhà tạm cư ở tạm.
Tâm kể gia đình được bồi thường một nền đất tái định
cư 100m2 và số tiền bồi thường hơn 150 triệu. Phải ở nhà tạm cư, vì theo “luật”
của Dona.Coop đưa ra, dù có đất tái định cư cũng không được tự ý xây dựng
gì trên đó. Muốn ở đó, phải chi tiền cho Dona.Coop xây nhà. Thời điểm đó,
mẫu nhà “giẻ rách” nhất của Dona.Coop cũng lên tới 150 triệu đồng.
Số tiền được “bồi thường”, mẹ Tâm, bà Trần Thị Thu (SN
1961), có sáu người con, chia cho mỗi đứa một ít, vậy là chỉ còn vài chục
triệu. Gia đình vốn sống bằng nghề mò ốc bắt còng, làm vườn tược, nay ruộng
đồng bị san lấp cả, biết kiếm sống từ đâu. Cả xã lâm cảnh điêu tàn, có sức
chẳng ai thuê. Bốn đứa con trai tuy lớn lộc ngộc nhưng ít học, cả đời chưa bước
chân ra khỏi xã, biết tha phương nơi nào kiếm ăn? Bốn anh em ngày ngày rảnh rỗi
ngồi không chỉ biết gầy sòng nhậu. Miệng ăn, núi lở. Từ chỗ có nhà, có vườn, có
đất, có kế sinh nhai, gia đình “đổi” được cái nền đất chỉ để… ngắm chơi.
Ngày ngày say xỉn, người phụ nữ 57 tuổi lại tìm về nền đất từng có căn nhà bị thu hồi. |
“Nhàn cư vi bất thiện”, bi kịch của gia đình nông dân
này một phần bắt nguồn từ mất đất mà ra. Trong một cuộc nhậu, Tâm bị người anh
Dương Văn Mẫn (SN 1986, anh cùng mẹ khác cha) say xỉn đánh đến vỡ tụy. Bà Thu
dốc hết tiền, bán cả nền đất tái định cư được 150 triệu cứu con.
Cứu được đứa con áp út thì gia đình lâm cảnh không
chốn dung thân. Vẫn theo “luật” do Dona.Coop đặt ra, chỉ những ai chưa
nhận tiền bồi thường, hoặc đã có nền đất tái định cư mà chưa có tiền đóng cho
Dona.Coop để xây nhà thì mới được ở nhờ khu tạm cư. Nền đất tái định cư đã
bán, bị coi là chẳng còn “dây mơ rễ má gì”, người ta “phủi tay”. Cả gia đình bị
đẩy ra đường, không một xu dính túi, lang thang không biết đi đâu về đâu.
Gia cảnh khốn cùng nhà bà Thu cả xã đều biết. Một
người thương tình cho hai triệu, chỉ cho họ mua lại “căn nhà nổi” của một ngư
dân bỏ không. Đó là túp lều đặt trên chiếc bè kết tạm bằng khoảng 20 thùng phuy
rỗng. Bà Thu cho neo tạm chiếc bè trên con sông nhỏ như dòng kênh bên dự án “tỷ
đô”. Gia đình năm người sống lay lắt trong túp lều nổi rộng mươi m2, không
điện, không nước, bốn bề nước đen hôi hám, muỗi mòng như vãi trấu, mỗi cơn mưa
ập xuống là trong nhà ướt như ngoài trời. “Gia tài” quý nhất là tấm biển ghi số
nhà 559 ở căn nhà cũ đã bị phá, bà Thu bới đống xà bần tìm thấy, mang về gắn
trước cửa lều.
Bữa cơm của mẹ con người phụ nữ cùng khổ. |
Bi kịch gia đình nông dân mất đất
Cuộc sống lâm cảnh bế tắc bấp bênh như chiếc bè lên
xuống mỗi cơn triều cường. Bốn thanh niên trong nhà không ai dám nghĩ đến những
chuyện yêu đương, gia đình, sinh con đẻ cái, không biết đến cái gọi là “tương
lai”, tiếp tục tìm quên trong men rượu.
Đói nghèo bần cùng sinh tội ác. Vụ án “tương tàn” xảy
ra một ngày cuối năm 2017. Tâm kể lại: “Sáng đó anh Mẫn và em út Trần Hữu Bình
(SN 1996) ngồi nhậu trong lều, tui lúi húi bắt còng dưới sông. Nghe tiếng hai
người cự cãi đánh đấm rồi kêu cái “hự”, tui chạy lên đã thấy anh Mẫn ngã gục”.
Thì ra bị người anh trong cơn say đánh đập, đứa em bực tức kiếm con dao làm bếp
“phản công”. Tâm kêu cứu đến hụt hơi mới có người nghe tiếng chạy đến hỗ trợ,
nhưng nạn nhân đã tắt thở trước khi đến bệnh viện.
Bà Thu như hóa điên. Người phụ nữ mới 57 tuổi nhưng
tóc đã bạc, dáng tiều tụy, chân tay quắt queo, da đen đúa, như già đến 20 năm
so với tuổi. Vừa thương một đứa con chết tức tưởi, vừa thắt lòng nhìn công an
giải một đứa vào nhà giam. Đám tang sơ sài cho con xong, người phụ nữ từ ấy
tuyệt vọng tìm đến men rượu tìm quên.
Nhà năm người, nay chỉ còn ba. Hai đứa con lầm lũi với
những cuộc bắt cua bắt còng, với ngày mấy buổi đi tìm người mẹ thường say xỉn
thất thểu lang thang tìm về nhà cũ. Tâm kể bắt còng ngày nhiều kiếm được 100
ngàn, ngày ít chỉ 20 – 30 ngàn, bữa đói, bữa no. Cuộc sống đã mất đi ý niệm về
thời gian, chỉ lờ mờ nhớ nay đã lay lắt trên dòng kênh đen được ba cái Tết. Cái
Tết vừa rồi, người chị lấy chồng ở miền Tây có ghé về, ngồi thở dài một lúc rồi
lại đi. Chị cũng nghèo như em, chỉ mua được cho mẹ hai ký thịt và ít trái cây.
Tâm bị thương vỡ tụy, mẹ phải bán nền đất tái định cư chạy chữa, gia đình bị đuổi ra ngoài đường. |
Chính quyền ở đâu mà để người dân sống cảnh khốn cùng?
Tâm cho hay cũng có “sự hiện diện” của chính quyền địa phương, đó là 10 ký gạo
hỗ trợ hàng tháng. Đó là đôi khi xuất hiện sắc phục cảnh sát giao thông đường
thủy, “hăm” “kéo bè đi nơi khác”. Chàng trai lúc ấy lại lội xuống nước vác dây
lên vai kéo “nhà” đi vô định cho đến lúc khuất bóng sắc phục. Địa phương có xua
đuổi hay không? Tâm kể cũng có lần một số công an xã kéo đến đòi đuổi đi, nhưng
dường như trước gia cảnh cùng cực như thế, dù ai ác đến mấy cũng không thể nhẫn
tâm thêm. Túp lều cứ thế dập dềnh bên dự án “tỷ đô”, vô định.
Suốt một ngày chúng tôi ở lại “nhà”, không thấy bà Thu
rớt một giọt nước mắt. Cùng khổ rồi, dường như người phụ nữ ấy đã không còn
nước mắt để khóc nữa. Bà lao vào những cơn say. Nhưng dường như có những điều
dù say đến đâu vẫn không thể quên được. Bên “mâm cơm cúng” 100 ngày con chết
chỉ có bát cháo loãng và vài sợi mì nấu rối, người mẹ mất con đang rót rượu
“khề khà” mời người chết, chợt quắc mắt chỉ về công trường đang xây cất: “Đô na
cốp cái gì, đồ ăn cướp”.
Trưa nắng chang chang, Tâm nhăn nhó ôm vết đau vì vỡ
tụy ở bụng, giọng trầm buồn: “Nếu như không có cái dự án ấy, gia đình tui đã
không khổ như bây giờ”. Biết trả lời Tâm sao? Tâm đưa mắt buồn nhìn ra nơi bờ
sông, nơi con chó gầy nhà Tâm cũng đang nhẫn nhục dặt dẹo ra nằm giơ xương bụng
gặm quả mướp non.
Chàng trai mù chữ có lẽ không thể biết được trên lý
thuyết, quyền được có một cuộc sống đúng nghĩa của mình được “bảo vệ” như thế
nào. Trong quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chung dự án,
đã hứa hẹn những lời có cánh về tính chất mục tiêu “thực hiện chuyển dịch kinh
tế - xã hội địa phương từ nông nghiệp nông thôn phân tán lạc hậu sang đô thị
dịch vụ…, phát triển bền vững, tạo lập môi trường sống mới, nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần của nhân dân”. Trước đó, cuối tháng 3/2010, Văn phòng
Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu UBND Đồng Nai và chủ
đầu tư dự án “thực hiện các cam kết về bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.
“An sinh xã hội”, mà những cuộc đời bị gạt ra ngoài lề xã hội, sự sống cái chết
lay lắt như ngọn đèn trước gió vậy sao?
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
Nhóm PV