(PLO) - Mười năm nay, Long Hưng luôn là “lò lửa nóng” về đất đai. Dù nhà đã bị phá, đất đã mất, án tù đã mang, những người nông dân vẫn kiên trì tới cơ quan chức năng từ TP Biên Hòa đến tỉnh Đồng Nai, rồi văn phòng các bộ, ngành tại TP HCM, oán thán giãi bày, đâm đơn khiếu kiện ra Hà Nội, mong Trung ương cứu xét tình cảnh của họ.
Dự án “tỷ đô” của DonaCoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: “Mưu hèn, kế bẩn” ức hiếp cả người chết
Khu mộ bị “dựng tường thành” xung quanh biến thành cái rốn nước mỗi khi mưa xuống. |
Trong bản báo cáo của Thanh tra tỉnh Đồng Nai về “tình hình khiếu nại, tố cáo
đông người tại dự án Khu kinh tế mở Long Hưng” từ cuối năm 2012, đã ghi nhận
“người dân khiếu nại về giá bồi thường thấp, bồi thường vật kiến trúc chưa thỏa
đáng, yêu cầu có sự thỏa thuận về giá bồi thường”, còn có yêu cầu kiểm kê lại
tài sản, tố cáo việc bồi thường thiếu diện tích, kiến nghị những bất hợp lý
trong tái định cư. Báo cáo chỉ ra dân còn khiếu nại các quyết định thu hồi đất,
quyết định cưỡng chế sai pháp luật.
Chính quyền Đồng Nai biết là như vậy, nhưng xử lý ra sao thì
lại là chuyện khác.
Những động thái khó hiểu của Đồng Nai
Dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã
Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng
hợp Đồng Nai (DonaCoop) làm chủ đầu tư) từ khi manh nha triển khai đã không được
lòng dân. Trong biên bản một cuộc họp dân ngày 8/12/2008, ghi rõ: “100% các hộ
dân dự họp không đồng ý với quyết định thu hồi đất”.
Bất chấp sự phản đối ấy, dự án vẫn được triển khai “thần tốc”.
Hai tuần sau khi “ghi nhận ý kiến dân” như trên, chỉ trong ngày thứ Sáu
22/8/2008, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cùng lúc có ba tờ
trình đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất. UBND tỉnh dường như “cần mẫn” làm việc cả
ngày thứ Bảy và Chủ nhật, thẩm định, “duyệt tốc hành” những đề nghị này trong
hai ngày cuối tuần. Và sau đó, ngay ngày thứ Hai 25/8/2008, UBND tỉnh ban hành
cùng lúc năm quyết định thu hồi hơn 8,4 triệu m2 đất, gần như “xóa trắng” xã
Long Hưng.
Chính quyền Đồng Nai cũng có những “chủ trương” khó hiểu,
“tiền hậu bất nhất” về dự án này. Như trong văn bản phát đi ngày 4/12/2008 do một
lãnh đạo tỉnh khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái ký, nêu rõ: “Chấp
thuận về chủ trương cho DonaCoop được phép thỏa thuận bồi thường với các hộ dân
có đất nằm trong dự án để bồi thường, giải phóng mặt bằng”. Nhưng thực tế cho
thấy với tất cả trường hợp thu hồi đất, đều áp giá đền bù, khi dân không đồng ý
thì đưa lực lượng cưỡng chế thô bạo.
Ông Thạnh: “Họ ức hiếp cả người chết. Họ hành xử quá tàn nhẫn, mưu mô”. |
Chính quyền Đồng Nai còn có nhiều điều vô cùng khó hiểu khác. Trước lá đơn kiến
nghị của một số người dân hồi đầu năm 2014, yêu cầu làm rõ: “Việc phê duyệt dự
án, tỉnh có trình và được Quốc hội chấp thuận không, có được Thủ tướng phê duyệt
quy hoạch hay không, nếu có thì tại văn bản số mấy, ngày nào, thời hạn mấy năm,
ngày nào chấm dứt?”, UBND tỉnh Đồng Nai là đơn vị cùng DonaCoop “đẻ” ra dự án
này, lại có công văn giao UBND TP Biên Hòa “xem xét, xử lý, trả lời”. Và UBND
TP Biên Hòa, đơn vị hành chính trực tiếp quản lý xã Long Hưng đã cử lực lượng
đi cưỡng chế lấy đất dân Long Hưng biết bao lần, đã trả lời như sau: “UBND TP
Biên Hòa không đủ thông tin để trả lời, kính báo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo”.
Ông Nguyễn Thanh Long (SN 1944, ngụ số 587, khu 3, ấp Phước
Hội) tố cáo: “DonaCoop lúc đầu chỉ thực hiện dự án có quy mô 50 hecta mua lại đất
của một số hộ dân với giá 90 ngàn đồng/m2. Sau đó DonaCoop phân lô bán lại với
giá 450 ngàn đồng/m2, mỗi lô rộng 1.000m2. Đó là tiền thân của “đại dự án” sau
này. Chủ đầu tư thấy làm như vậy lời quá, lấy đất của dân Long Hưng dễ quá, lại
thấy vị trí đẹp, chỉ bắc một cây cầu qua sông là sang TP HCM, vừa ăn theo dự án
sân bay Long Thành, nên muốn mở rộng ra”.
Những điều vô lý bất công đó, nông dân mất đất đều biết cả,
nhưng cán bộ từ xã – huyện – tỉnh đều “trên dưới một lòng” hoặc làm ngơ, hoặc
đùn đẩy trách nhiệm, biết kêu ai? Bà Lê Thị Sáng (SN 1954, ngụ ấp Phước Hội)
xót xa: “Xưa tôi theo cách mạng một phần vì tin tưởng chính sách độc lập dân tộc
gắn với người cày có ruộng. Vậy mà nay chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp
làm sai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bằng mọi giá lấy đất, bất
chấp dân oán thán kêu cứu”.
“Đền bù” 1, bán lại gấp 235 lần
Trong hàng ngàn người dân Long Hưng bị mất đất, dù bị dúi đầu
trước sức mạnh cưỡng chế nhưng rất nhiều người vẫn không chấp nhận “tiếp tay
cho cái sai”. Bị cưỡng chế đập nhà phá đất, họ vẫn quyết không ký nhận tiền “đền
bù”, hàng chục năm gắng gỏi vừa tìm kế mưu sinh sống qua ngày, vừa kiên trì đi
kêu oan. Ông Hứa Hòa Thạnh (SN 1953, từng ngụ khu 1, ấp Phước Hội), là một
trong những trường hợp như thế.
Tổ tiên ông Thạnh người gốc Hoa, sau đó xuống vùng Biên Hòa
định cư. Gia đình làm lò gạch nên từng thuộc dạng giàu có nhất nhì xã. Trong
trí nhớ ông Thạnh, xã Long Hưng trước kia là vùng đầm trũng, lau sậy um tùm.
Ngày trước người ta phải đi lại bằng ghe chứ chưa có đường nối từ quốc lộ vào
xã. Thôi nghề lò gạch, mất hàng chục năm lấp đất trồng cây cải tạo, gia đình mới
có được khu vườn trù phú, nhà cửa khang trang.
Tấm bảng đề dòng chữ “… Trước đổi mồ hôi để có đất, bây giờ đổi mạng để giữ đất + nhà” tại một căn nhà nay đã bị cưỡng chế. (Hình người dân xã Long Hưng cung cấp) |
Lập gia đình, ông Thạnh được cho 7.000m2 đất ở, đất vườn. Thửa đất ấy là nơi
sinh kế của vợ chồng ông cùng gia đình người con trai. Ông còn phải nuôi người
con gái út mắc bệnh viêm màng não năm nay 35 tuổi. Chắt chiu nhiều năm, ông dựng
được căn nhà ba tầng vào năm 1993.
Cuộc sống đang yên ổn thì DonaCoop ập đến. Diện tích 7.000m2
đất bị kiểm đếm bắt buộc, đền bù giá 102 ngàn đồng/m2, cộng toàn bộ nhà cửa,
cây cối, tất tần tật ông được “bồi thường” gần 1,2 tỷ đồng. Cho rằng mức giá đền
bù quá rẻ mạt, ông phản đối, không ký vào bất cứ giấy tờ nào. Ông nói nếu đó là
dự án công ích, quy hoạch đúng luật, sẽ nghiêm chỉnh chấp hành: “Đằng này đó là
dự án “bẩn”, dự án “chui”, người ta lấy đất xây khu nhà ở thương mại, phân lô
bán nền nên tôi yêu cầu dân phải có tiếng nói trong phương án đền bù”. Người
đàn ông phẫn uất vung tay bên khu đất từng được “đền bù” giá 102 ngàn đồng/m2,
nay được rao bán 24 triệu đồng/m2: “Luật pháp ở đâu? Công bằng ở đâu? Cưỡng chế
thu hồi đất của dân đem phân lô bán lại giá cao gấp hơn 200 lần?”.
Đứng trên bãi đất trống còn sót lại vài mảng tường là dấu
tích căn nhà từng gắn bó cả đời người, ông cho hay bị cưỡng chế ngày
21/10/2016. Ông kể: “Lực lượng cưỡng chế cả trăm người tập trung từ 7h sáng đe
dọa trấn áp, tới 4h chiều họ bắt đầu phá dỡ, đến 6h tối thì tanh bành”. Từng chứng
kiến những “bài học” như gia đình ông Phan Văn Hoa chỉ cần một phản ứng nhỏ là
bị còng tay ném lên xe thùng, cả nhà chỉ biết bất lực câm lặng đứng nhìn. Cơn
mưa chiều ập đến. Những người nông dân vẫn đội mưa tầm tã đứng như hóa đá. Nước
ròng ròng chảy trên những khuôn mặt khắc khổ, chẳng phân biệt được dòng nào là
nước mắt, dòng nào là nước mưa”.
“Cuộc đời chẳng còn gì để mất”
Cuộc cưỡng chế đó phá nhà, công trình xây dựng, cây cối, còn
lại bốn ngôi mộ bà nội, bố mẹ và chị gái trong khu đất. Ông Thạnh quay về dựng
túp lều trên nền đất cũ, sống cạnh mộ người thân. Túp lều chỉ hôm sau cũng bị
tháo dỡ. Ông đi thuê nhà trọ ở tạm. Ông dứt khoát không xuống nhà tạm cư; vừa
vì không chấp nhận cái sai của dự án, vừa vì nơi đó hôi hám, ẩm thấp, không đảm
bảo sức khỏe, bản thân ông đang mắc bệnh tim mạch và cô con gái bị viêm màng
não.
Địa phương liên tục gửi thông báo yêu cầu gia đình tự di
chuyển mồ mả. Ông không chấp nhận, phần vì không tiền nên không biết dời mộ đi
đâu, phần vì cho rằng “ai dám táng tận lương tâm xâm hại mồ mả”.
Ông chua xót kể ông đã nhầm. Mồ mả không bị xâm hại bằng
cách “võ biền” đào đi nơi khác, mà bằng cách khác tinh vi hơn. Chủ đầu tư cho
máy xúc đào con kênh rộng gần 3m, cô lập khu đất, bít đường con cháu người chết
đến nhang khói. Ông bắc thanh sắt làm “cầu tạm” qua lại. Người ta liền đổ đất vống
lên xung quanh, biến khu mộ thành cái rốn nước mênh mông mỗi khi mưa xuống.
“Trước cảnh xương cốt tổ tiên bị dầm nước tháng ngày như vậy, mình chịu sao thấu?
Họ ức hiếp cả người chết. Họ hành xử quá tàn nhẫn, mưu mô”, ông Thạnh nói.
Không tiền mua đất nơi khác chôn người thân, mấy anh em cuối
cùng đành tự đào mộ lên, góp tiền thuê một chuyến xe ra cửa biển Vũng Tàu. Rải
tro cốt trôi đi, dòng nước đưa thân xác cha mẹ, bà nội, chị gái đến nơi mãi mãi
không còn dấu tích. Ông khấn vái, hay “tự truy điệu sống” cho chính bản thân
mình: “Không còn đất dung thân, chúng con đành đưa cha mẹ ra biển. Cha mẹ cứ
yên lòng mà đi, cuộc đời chúng con chẳng còn gì để mất, xin đừng lo gì cho
chúng con”.
Nỗi niềm “cuộc đời chẳng còn gì để mất” không chỉ là tâm sự
của ông Thạnh mà còn là của rất nhiều nông dân ở Long Hưng bị đẩy vào bước đường
cùng. Những ngày chính quyền địa phương và DonaCoop ráo riết cưỡng chế thu hồi
đất, đâu đâu quanh xã cũng gặp “pháo đài” với những tấm bảng nguệch ngoạc giăng
đầy trước cổng: “Quy hoạch trái phép. Không giao, không giao, không giao. Trước
đổi mồ hôi để có đất, bây giờ đổi mạng để giữ đất + nhà”.
Nhóm PV
Nguồn: http://baophapluat.vn/…/du-an-ty-do-cua-donacoop-day-hang-n…