Tiến sỹ Trần Công Trục
(GDVN) - Trung Quốc đang tìm mọi cách chính trị hóa các vấn đề
pháp lý bằng mệnh đề "Đại cục - Tiểu cục". Do đó chúng ta
cần đặc biệt cảnh giác.
Hàng năm, cứ đến ngày 17/2, ký ức về cuộc Chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc chống Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên
giới phía Bắc và 10 năm chống gây hấn ở biên giới sau đó
(giai đoạn 1979-1989) lại ùa về.
Những ngày này, dù đang hân hoan đón xuân mới Kỷ Hợi, trong lòng mỗi người
con của Đất mẹ Việt Nam có lẽ đều không quên tưởng nhớ đồng bào, chiến
sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, từ hải đảo đến
biên giới trên đất liền, chống lại cuộc chiến xâm lược từ Trung Quốc.
Những ngày này, cần nhìn lại các cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân
Trung Quốc xâm lược năm 1979, chống Khmer Đỏ phá hoại biên giới Tây Nam,
hay sự kiện Hoàng Sa năm 1974, Gạc Ma năm 1988, để rút ra những bài học
lịch sử.
Nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá những sự kiện lịch sử này một cách nghiêm
túc và thật sự khách quan, cầu thị, dựa vào những chuẩn mực pháp lý
quốc tế, là việc làm hết sức cần thiết và cấp thiết trong bối cảnh quan hệ
quốc tế phức tạp hiện nay.
Bởi vì, chỉ khi nào đánh giá đúng và sòng phẳng về lịch sử,
chúng ta mới tránh "lặp lại vết xe đổ" trong tương lai.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Cũng chỉ có như vậy, chúng ta mới không mắc bẫy, bên trong góp phần
củng cố vững chắc đoàn kết dân tộc, bên ngoài kiên trì trao đổi thẳng
thắn, khách quan và cầu thị với Trung Quốc mọi ngọn ngành hầu rút ra bài học
bảo vệ hòa bình, hữu nghị trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và
lợi ích hợp pháp của nhau.
Ai sai thì bên đó nhận. Việt Nam không đem quân đánh Trung Quốc, ngược lại,
Trung Quốc cất quân xâm lược Việt Nam tháng Hai năm 1979 mới tạo nên những khúc
quanh "nhạy cảm" trong quan hệ song phương, để lại nhiều hệ lụy.
Không thấy được bài học này, tương lai còn nhiều rủi ro và bất trắc.
Trên tinh thần đó, tôi xin nêu lên một số bài học để bạn đọc Báo Điện tử
Giáo dục Việt Nam cùng chúng tôi suy ngẫm, trao đổi.
Bài học thứ nhất
Tham vọng, mơ ước trở thành trung tâm thiên hạ luôn là mục tiêu chiến lược,
chi phối mọi hoạt động của các nhà cầm quyền Trung Quốc qua các thời kỳ lịch
sử.
Trong những thế kỷ trước đây, để thực hiện tham vọng đó, họ đã gây ra những
cuộc chiến tranh xâm lược, đô hộ các nước láng giềng nhỏ yếu xung quanh. Việt
Nam là một trong số những nạn nhân của tham vọng bá quyền nước lớn đó.
Tuy nhiên, người Việt Nam luôn luôn đề cao cảnh giác và đã từng chiến đấu
đập tan tham vọng đó với nhiều chiến công hiển hách, lừng danh khắp thiên hạ.
Chỉ có điều khi xã hội phát triển, nhân loại tiến bộ, đặc biệt
là sự thể chế hóa và hoàn thiện của hệ thống pháp lý quốc tế về
thụ đắc lãnh thổ, giải quyết tranh chấp về ranh giới các vùng biển và
thềm lục địa…, tham vọng của Trung Quốc đã có nhiều biến tướng mới,
nhưng vẫn giữ nguyên bản chất.
Đặng Tiểu Bình đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa,
đưa hơn 60 vạn quân tràn qua trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam
ngày 17/2/1979 và duy trì các hoạt động gây hấn, chống phá kéo dài đến năm
1989.
Nhân dân Trung Quốc, vốn đã “đồng cam cộng khổ” với nhân dân Việt Nam qua những
khúc quanh, thăng trầm của lịch sử, dư luận quốc tế, vốn đã từng sát cánh với
nhân dân Việt Nam qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đã bị đánh lừa bởi luận
điệu xuyên tạc với cái gọi là "phản kích tự vệ".
Mọi phương tiện, công cụ khác từ kinh tế, chính trị, ngoại giao,
quân sự, tuyên truyền được Trung Quốc sử dụng cho đến thời điểm hiện nay
đều nhằm thực hiện bằng được mục tiêu này.
Bài học thứ 2
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11 năm 2017, ông Tập Cận
Bình liên tục nhấn mạnh rằng, hai bên cần "lấy đại cục làm
trọng".
Cái gọi là đại cục được các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định
là quan hệ chính trị giữa hai Đảng, hai Nước, còn "Tiểu
cục" theo họ chỉ là những "bất đồng" trên Biển Đông.
Nhưng chỉ hôm sau qua Singapore, ông tuyên bố "các đảo ở Biển
Đông thuộc chủ quyền, là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Trung Quốc đang cố gắng lái các nước láng giềng gần gũi hoặc
các nước có quan hệ gần gũi với họ lấy quan hệ chính trị - đảng
phái chính trị thay thế cho quan hệ nhà nước - nhà nước trong các
vấn đề bang giao, đặc biệt là xử lý mâu thuẫn hay bất đồng có liên
quan đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong Biển Đông.
Cạm bẫy nguy hiểm nhất chính là làm cho đối phương nhầm lẫn và
đảo ngược vị trí vai trò, chức năng của quan hệ chính trị, đảng
phái - chính trị với quan hệ nhà nước - nhà nước theo Công pháp quốc
tế.
Phải thừa nhận rằng, quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước
Việt Nam - Trung Quốc là yếu tố tạo môi trường, điều kiện rất thuận
lợi cho đối thoại giải quyết các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, nhưng
không phải là căn cứ, cơ sở để giải quyết các tranh chấp này.
Giữa Trung Quốc và Việt Nam, tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 1909 với sự
kiện Lý Chuẩn đổ bộ bất hợp pháp ra Phú Lâm, Hoàng Sa và năm 1946
quân Tưởng Giới Thạch chiếm đảo Ba Bình, Trường Sa.
Trước đó, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã được Nhà nước
Việt Nam chiếm hữu và thực thi chủ quyền kể từ khi chúng còn là vùng đất
vô chủ, chí ít là từ thế kỷ XVII.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam là thật sự, rõ
ràng, hòa bình và liên tục, phù hợp với nguyên tắc chiếm hữu thật sự trong
Luật pháp Quốc tế hiện hành.
Sau này, do Trung Quốc nhảy vào tranh chấp và tạo ra tranh chấp,
thậm chí dùng vũ lực xâm lược và chiếm đóng trái phép mới dẫn đến
những hệ lụy ngày nay.
Đó là một câu chuyện pháp lý, không phải một vấn đề chính trị.
Nhưng, người Trung Quốc đang tìm mọi cách chính trị hóa các vấn đề
pháp lý bằng mệnh đề "Đại cục - Tiểu cục". Do đó, chúng ta
cần đặc biệt cảnh giác với âm mưu này.
Việt Nam cần phải thể hiện cho Trung Quốc thấy, chủ quyền, độc
lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm, là điều
thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam, nên đó không thể xem là
"Tiểu cục".
Mặt khác, duy trì hòa bình và ổn định, bảo vệ luật pháp quốc
tế, thượng tôn công lý, giải quyết mọi tranh chấp trên Biển Đông một
cách hòa bình và phù hợp với Luật pháp Quốc tế, trong đó có Công
ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp đàm phán hòa bình; nếu đàm phán không
thành thì thông qua các Cơ quan tài phán quốc tế để phân xử một cách công
bằng;
Đó mới là "Đại cục", là cách tốt nhất để giải quyết
tranh chấp song phương hoặc đa phương, tùy theo chủ thể tranh chấp.
Chỉ có thượng tôn pháp luật, tôn trọng lẽ phải và sự thật, mới
có thể mang lại "Đại cục" hòa bình, ổn định, phát triển
quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong đó, quan hệ chính trị giữa hai nước đóng vai trò tạo môi
trường và cầu nối rất quan trọng mà hai bên cần phấn đấu giữ gìn.
Bài học thứ ba
Dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục trước bất cứ kẻ thù
nào, dù hung hãn tới đâu, nhưng Dân tộc Việt Nam cũng hết sức trân
quý hòa bình, yêu chuộng hòa bình.
Và để bảo vệ hòa bình thì không cách nào khác là phải giáo
dục cho các thế hệ người Việt Nam nhận thức đúng đắn về sự thật lịch
sử, trong đó có 3 cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng
của Tổ quốc trước hành động xâm lược năm 1974, 1979 và 1988.
Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai không có nghĩa là
quay lưng với lịch sử, không được phép lãng quên lịch sử.
Ngược lại chúng ta cần học hỏi tìm kiếm từ lịch sử những bài
học để làm sao tránh được chiến tranh trong hiện tại và tương lai.
Còn một khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, chúng ta cũng sẽ
đánh bại mọi thế lực cướp nước và bán nước.
Bối cảnh quốc tế và khu vực ngày nay đã khác thời điểm 1974 -
1979 - 1988. Trung Quốc đang ra sức phát triển sức mạnh quân sự sau mấy
chục năm tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, thời kỳ “giấu mình chờ thời” đã kết thúc; đã đến lúc tranh hùng
với Hoa Kỳ và, Biển Đông được chọn làm “võ đài” để họ “so găng”…
Nhưng, trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Trung Quốc khó có
thể tiến hành các hoạt động phiêu lưu quân sự, chiến tranh xâm lược
như trong những năm 1974, 1979 và 1988.
Bởi thế, họ tiến hành các cuộc “xâm lược mềm”, sử dụng chiêu trò
"không đánh mà thắng", “dương Đông, kích Tây” cực kỳ lợi hại.
Những gì diễn ra ở Phú Lâm, Hoàng Sa hay một số đảo nhân tạo xây
bất hợp pháp ngoài quần đảo Trường Sa những ngày gần đây là minh
chứng rõ nét.
Bài học thứ 4
Công cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông,
nhất là trước những “biến tướng” khôn lường của Trung Quốc hiện nay cũng không
hề dễ dàng.
Thiết nghĩ cần phải đặt quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia - dân
tộc lên trên hết và phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật, dựa vào luật
pháp - công lý quốc tế.
Quốc gia nào bành trướng ở Biển Đông hiện nay ai ai cũng đều nhận
biết, đều quá rõ. Nhưng, đâu là "chí nhân", đâu là lẽ phải,
thiết nghĩ cũng nên nhận rõ để noi theo.
Theo chúng tôi, đó chính truyền thống đạo đực, nhân văn, lẽ sống của đồng
loại trong cộng đồng khu vực, quốc tế; là luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Một khi biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, biết ứng
xử thượng tôn pháp luật và công lý, hành xử theo pháp luật và thông
lệ quốc tế thì không những chúng ta củng cố được đoàn kết nội bộ,
thống nhất lòng người mà còn tạo ra được sự đồng thuận, chia sẻ
của bạn bè quốc tế.
Thời thế thay đổi, quan hệ bạn - thù cũng đổi thay, nhưng lợi ích
quốc gia dân tộc, đặc biệt là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ thì không bao giờ thay đổi.
Chúng ta muốn tận dụng ngoại lực, đầu tiên cần thể hiện rõ
thiện chí và lòng tin chiến lược ở đối tác.
Trong quá trình đó, cứ bám sát luật pháp quốc tế và biết bảo
vệ, thượng tôn luật pháp quốc tế, chúng ta sẽ tránh được những nguy
cơ, rủi ro.
Đó chính là sức mạnh vô song khi chúng ta thực hiện đúng lời căn dặn của
tiền nhân: “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy
chí nhân để thay cường bạo” trong cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền
và lợi ích hợp pháp của chúng ta trong Biển Đông.
Tiến
sỹ Trần Công Trục