25 juin 2019

THẰNG ĐẠT


Nguyễn Thúy Hạnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thằng Đạt thường bới tìm thức ăn ở đống rác cạnh nhà tôi. Nó khoảng 12 tuổi, mặt mũi và thân hình đặc trưng của những đứa trẻ béo phì và thiểu năng. Ngày ấy gia đình tôi mới chuyển về ở ngôi nhà ven đê sông Hồng, còn tôi thì làm việc ở Sài Gòn, mỗi tháng được về Hà Nội một tuần thăm con.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy thằng Đạt là khi có mấy người đàn ông cầm dao dựa la hét đuổi theo nó. Thằng bé vừa chạy vừa khóc. Tôi tưởng họ chém nó thật nên hét lên và suýt ngất xỉu. Thì ra đó là những người cùng làng, (tôi từ trong phố mua nhà về đó), họ doạ thằng Đạt khi nó mò thức ăn từ trong thùng nước gạo của một nhà trồng quất.
Từ đó hình ảnh thằng Đạt luôn ám ảnh, thôi thúc tôi không được để nó đói rét. Mỗi khi ở Hà Nội, tôi đều mang thức ăn đi tìm nó, nhìn nó ăn rồi vuốt ve vỗ về nó. Không thể cầm lòng, tôi bàn với gia đình mang nó về nuôi, nhưng gia đình tôi ko đồng ý vì tôi đi vắng quanh năm, con út tôi còn bé hơn nó ko có người chăm thì lấy ai chăm sóc thằng Đạt? Ko nuôi được nó, lúc nào tôi cũng buồn thương, đến nỗi bố của các con tôi có lần chép miệng: “Có khi phải dời nhà đi chỗ khác để mẹ nó khỏi phải trông thấy thằng Đạt”.
Thằng Đạt ở với bà Nội. Dân làng Tứ Liên đồn rằng ông nội nó ngày xưa đi thuyền chài gặp xác chết đuối không vớt, nên nghiệp chướng ám vào đời con cháu. Bà thằng Đạt có bốn người con trai ở cùng một chỗ, thì cả bốn li hôn rồi kết hôn lại, và đều bỏ những đứa con riêng cho bà nó nuôi. Bà nó, một người đàn bà thấp lùn gày quắt, hàng ngày tất tả quảy quang gánh sang bãi giữa sông Hồng hái rau về chợ bán để nuôi cháu qua ngày.
Thế rồi một hôm, cả làng Tứ Liên rúng động vì cái tin bố thằng Đạt bị giết. Bố nó hàng ngày chở xe ôm cho mấy cô gái làng chơi và nghe đâu cho cả bọn nghiện. Chẳng hiểu sao đêm hôm đó bố nó bị cắt cổ nằm chết trên vườn quất của làng, cái xe máy vẫn còn đó. Cả làng Tứ Liên kéo nhau đi xem. Vụ án đó cho đến tận bây giờ công an vẫn chưa tìm ra hung thủ, có phải vì nhà nó nghèo quá mà cái mạng của bố nó không đáng để lập chuyên án?
Thằng Đạt thành mồ côi. Từ ngày đó tôi càng thương nó hơn, mỗi tháng tôi giúp bà nó 10kg gạo và thức ăn.
Hôm đó rằm tháng tám, tôi mang gạo, giò và bánh dẻo sang thì bà nó nắm tay tôi:
“Từ tháng sau bác không phải cho cháu nữa, bố cháu chết nên cháu được tiêu chuẩn vào trại trẻ mồ côi ở Sơn Tây. Mai tôi đưa cháu đi, cám ơn bác đã thương cháu”.
Từ ngày đó tôi không gặp thằng Đạt nữa, rồi nhà tôi cũng chuyển sang một ngôi nhà có vườn, ở một xóm khác. Tôi vẫn nhớ thằng Đạt, nhưng quanh năm đi công tác nên tôi ko có thời gian đi tìm bà nó.
Bẵng đi một thời gian, một hôm tôi tình cờ gặp bà thằng Đạt đang gánh rau ra chợ, tôi vồ lấy hỏi han. Nhắc đến tên thằng Đạt bà nó bật khóc, kéo vội vạt áo nhàu lên lau nước mắt, bà nó bảo:
“Bác ơi, tôi mới lên thăm cháu, xót quá bác ạ, biết thế tôi không cho cháu vào đó. Mấy thằng khờ ở một phòng, phân bôi lên tận giữa tường, bẩn thỉu. Cơm ăn không đủ, cháu đói khát nên giờ gày lắm. Tôi xin cháu về mà người ta không cho”.
Sợ bà nó muộn chợ, tôi dúi vội tờ 100k vào túi áo của bà rồi để bà đi. Tôi đứng nhìn theo cho đến khi cái dáng lưng còng chỉ còn như một dấu chấm hỏi.
Rồi tôi lại chuyển đi khỏi Tứ Liên, và cũng đã 3 năm trôi qua. Hôm nay tôi bỗng nhớ tới thằng Đạt và bà nội nó, ko biết giờ họ ra sao
Nhất định tuần sau tôi sẽ về lại Tứ Liên tìm hỏi về bà cháu thằng Đạt.