MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
SỐ 72
Người
viết câu ấy là một nhà báo từng có mặt ở những vùng nóng bỏng nhất trên hành
tinh. Vì sứ mệnh cao cả của báo chí, nhiều nhà báo vẫn đang dấn thân vào những
vùng chết chóc ấy. “Viết một bài báo dở, bạn có thể mất việc, viết một
bài báo hay, bạn có thể mất mạng”, New York Times từng giật một
cái tít đậm như vậy. Thế thì vì sao nhà báo vẫn dấn thân? Francesca Borri, nữ phóng viên chiến trường người Italia từng
bị bắn vào đầu gối khi tác nghiệp ở Syria nói rằng cô đến đấy vì "có gì
đó bóp nghẹt lương tâm tôi".
Còn
tôi, từng là một nhà giáo dạy ở trường Chu Văn An hồi từ Việt Bắc về “tiếp quản
Hà Nội” cuối năm 1954 để rồi mười năm sau, dồn sức vào nghiên cứu triết học và
xã hội học, lĩnh vực mà tôi yêu thích, nhất là xã hội học có sức hút mạnh mẽ
thêm một lý do rất cơ bản là để có điều kiện đi khắp đất nước. Tôi mượn báo chí
để chuyển tải những cảm nhận và suy tư qua tìm đọc, nghiên cứu mày mò tự học và
những chuyến đi với những buồn vui, day dứt nung nấu trong tim óc mình. Liệu
tôi có thể “chấm ngòi bút vào nỗi đau” của nhân dân mình mà viết ra
những gì tai nghe, mắt thấy, đầu óc không yên về thực trạng của đất nước mình!
Để gì?
Để lương tâm mình
không bị cắn rứt. Nhiều học trò cũ đến thăm, biết tôi vẫn cặm cụi gõ phím máy
tính mà viết ra những “mênh mông thế sự” để “gió cuốn đi”
những gì mình suy ngẫm trong nỗi bất an về đất nước. Lo lắng cho sức khoẻ của tôi, họ - những người
nay đều có cháu nội, cháu ngoại, những đại tá từng vượt Trường Sơn đi cứu nước,
những giáo sư, bác sĩ, những doanh nhân thành đạt - đã chân thành khuyên tôi :
“Thầy ơi, thầy đã vượt cái tuổi xưa nay hiếm đến hơn một thập kỷ rồi, thầy
nghỉ viết đi”. Tôi chỉ biết cười trả lời học trò yêu quý của mình rằng
: “cám ơn các em, tôi viết là cách tập thể dục cho bộ não đấy, ngừng tập
thì nó teo lại mất. Vả chăng, nằm thì càng chóng chết các em ạ”.
Thật
ra thì không phải bây giờ tôi mới viết. Tôi chính thức bước vào nghề báo từ những
ngày đầu tiên của nghiệp nghiên cứu với tờ “Thông Báo Triết Học”, tiền thân của
Tạp chí Triết học Viện Triết học thuộc UBKHXHVN ra đời vào tháng 6.1966. Tờ
“TBTH” này chỉ có 3 người chịu trách nhiệm trong đó có tôi, do Đặng Xuân Kỳ phụ
trách. Bài báo đầu tiên của tôi đăng trên “tạp chí” này viết về một luận điểm mỹ
học trong “Bản thảo Kinh tế-Triết học 1844” của Marx : “chỉ
có âm nhạc thức tỉnh cảm giác của con người, đối với lỗ tai không thính âm nhạc
thì âm nhạc hay nhất cũng không có ý nghĩa gì cả, đối với nó âm nhạc không phải
là đối tượng, bởi vì đối tượng của tôi chỉ có thể là sự khẳng định một trong những
lực lượng bản chất của tôi...những cảm giác có khả năng về những hưởng thụ có
tính chất người và tự khẳng định mình như những lực lượng bản chất của con người...sự
hình thành năm giác quan là công việc của toàn bộ lịch sử toàn thế giới đã diễn
ra từ trước tới nay”. Tôi “đã mang lấy nghiệp vào thân” với nghề
báo từ đấy để sau này, khi làm Tổng Biên tập Tạp chí Xã Hội Học, một tạp
chí khoa học chuyên ngành cũng tiếp tục cái nghiệp ấy vào những năm 80 và 90 của
thế kỷ trước.
Nhưng
nói về việc tham gia vào nghiệp báo chí thì phải kể về những bài báo tương đối
dày dặn trên báo Nhân Dân thời anh Hoàng Tùng làm Tổng Biên tập. Nhớ lại, tôi
cũng thấy bất ngờ không hiểu tại sao anh Tùng lại cho đăng một loạt bài với số
lượng chữ không nhỏ của tôi khi thì ở trang 3, khi thì ở trang 2 để “Bàn về
nghĩa vụ”, “Đạo đức và lương tâm”, “Lý tưởng và hành động”, “Bản lĩnh dám là mình”,
“Tuổi trẻ Các Mác”..., những chủ đề tôi nghiền ngẫm trong nghiên cứu.
Anh Tô Vương, biên tập viên đến đặt bài có trả lời nhưng ý chưa rõ nên tôi
không tiện nhắc ra đây.Tôi cũng viết cho Tiền Phong thời anh Nguyễn Thanh
Dương là chủ bút và hình như trụ sở ở phố Hồ Xuân Hương, Hà Nội mà có lần tôi đến
đó nộp bài và trao đổi. Viết cho báo Đại Đoàn Kết thời anh Lê Điền làm Tổng
Biên tập, rồi sau đó hình như anh Nguyễn Ngọc Thạch tiếp tục vì đã nhiều lần
anh Thạch mời tôi đến Toà Soạn ở phố Bà Triệu trao đổi. Chỉ còn nhớ anh Thái
Cương là người tôi trực tiếp trao đổi nhiều nhất về các chủ đề cần viết, và
cũng vì anh hay đến nhà tôi cùng trao đổi bên chén trà.
Ở
báo Đại Đoàn kết, tôi nhớ nhất hai kỷ niệm. Đó là với Lý Tiến Dũng. Trong một lần
gặp Dũng ở hành lang Hội nghị TƯ Mặt trận, tôi trao đổi với Dũng về tiểu luận “Chân
lý là cụ thể” gần 100 trang tôi viết nhằm đưa ra những Kiến nghị với Đại
hội X của Đảng. Trong đó, chương cuối cùng có nhắc lại những ý tôi đã từng đưa
trên báo “ Người Đại biểu Nhân dân” do Hồ Anh Tài làm Tổng Biên tập ngày
27.2.2006 ,với kiến nghị “Đảng trở lại với tên Đảng Lao động Việt Nam
và lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
Lý
Tiến Dũng nắm chặt tay tôi “Chú cho cháu đọc tiểu luận ấy, cháu sẽ liệu
xem sao”. Thế rồi sau đó người Tổng Biên tập can trường ấy cho đăng một
phần chương cuối của tiểu luận lên Đại Đoàn kết. Sau này gặp lại nhau ở
nhà tôi bên ly cà phê, Dũng vẫn xúc động trong tiếng cười hể hả : “cháu
vẫn rất khoái được đăng bài ấy của chú”. Tuy Dũng cười hể hả, nhưng tôi
thì cảm thấy day dứt vì có thể điều đó làm dày thêm những cáo buộc mà một nhân
cách tồi tệ như Hồng Vinh với đôi mắt soi mói chuyên nghiệp
không thể bỏ qua cho người đã dám mẳng thẳng vào mặt hắn. Dũng gọi tôi bằng chú
và xưng cháu vì biết tôi hay nói chuyện với giáo sư Lý Chánh Trung trong các Hội
nghị UBTUMT và chia sẻ với ông trong sự phẫn nộ về sự hiểu nhầm một phát biểu của
Luật sư Phan Anh, người mà tôi rất kính trọng. Kỷ niệm thứ hai là với anh Thái
Duy mà mới đây tôi “gặp” anh qua điện thoại. Đó là một nhân cách, một nhà báo
chân chính. Tôi hay nói chuyện với anh hồi còn ở Hà Nội vì nhà anh gần nhà tôi.
Sau này, mỗi lần từ SG bay ra HN, thế nào tôi cũng mò đến anh để cùng chia sẻ
những nỗi niềm canh cánh bên chén trà pha rất đậm. Ngoài tuổi 90, giọng Thái
Duy vẫn trầm ấm với những ý tưởng mạnh mẽ trong dòng tư duy mạch lạc và trung
thực. Làm báo được như Thái Duy quả là một hạnh phúc khó có.
Ngoài
những tờ báo vừa kể, tôi còn viết cho khá nhiều những tờ báo khác như Tuổi
Trẻ, Thanh Niên, Hà Nội Mới, Văn Nghệ, Lao Động, Người Lao Động, Sài Gòn Giải
Phóng, Doanh nhân Sài Gòn, Sinh Viên.,
“Thương Nghiệp”, .. và một số
báo khác tôi không còn nhớ rõ tên tuy
trong hồi ức đã để lại nhiều ấn tượng, giờ đây nghĩ lại vẫn bồi hồi. Tôi
cũng viết cho các tạp chí như “Tia Sáng”, “Xưa & Nay”, Thế Giới Mới”,”
“Đẹp”, “ Nhịp cấu Trí thức”, Tạp chí Cộng Sản”...và một số tạp chí khác
tôi quên mất tên.
Đáng
tiếc là mãi những năm 80 tôi mới biết sử dụng máy vi tính nên những bài bài báo
trước 80 [ hình như quãng trên một nghìn bài ] tôi lưu giữ đều quá cũ nát nên
buộc phải “chuyển khoản” cho cho các bà “đồng nát” Hà Nội và “ve chai” ở Sài
Gòn mỗi lần phải chuyển nhà. Những gì lưu lại trong máy vi tính thì sau những lần
máy hỏng hoặc bị “tấn công” cũng bị mất đi khá nhiều. Nhưng sự “tấn
công” tàn hại nhất là từ khi tôi bị “rút phép thông công” [cụm
từ của cụ luật sư Nguyễn Mạnh Tường], không được xuất hiện trên “báo
nhà nước” nữa. Mà có lẽ khởi đầu từ tờ báo “Người Đại biểu Nhân dân”
tôi nhắc ở trên.
Xin
dừng lại để có vài dòng về câu chuyện khá thú vị này.
Trên
tờ “Người
Đại biểu Nhân dân” khổ lớn ấy, Tổng Biên tập Hồ Anh Tài đã ưu ái dành
cho tôi một vinh dự trong việc mở một mục mới trên trang nhất của tờ báo với “Đàm
luận sáng thứ hai” hàng tuần mà tôi nhớ [nếu nhầm nhờ Hồ Anh Tài đính
chính giúp] với tên bài “Phải là Đảng của trí tuệ” ngày
1.4.2006 sau bài “Đảng phải là Đảng của dân tộc” đăng ngày 27.2. 2006 đăng ở
trang nhất [chưa phải trong Đàm luận sáng thứ hai, nhưng chắc là một gợi ý] chắc
có tác động đến người Tổng Biên tập rất nhạy bén với cái mới để mở một chuyên
luận trên tờ báo mình phụ trách. Có lẽ anh ấy đọc thấy có cái gì đó nghiêm túc
và mạnh mẽ trong dòng chảy ngôn từ với những ý chính làm điểm tựa cho nội dung
bài viết.
Bài
viết trên xuất phát từ một luận điểm trong Đại Bách khoa Toàn thư Anh : “Trong
thế giới hiện đại, nền dân chủ và các đảng chính trị là hai mặt của một thực tế,
mặt bên trong và mặt bên ngoài của cùng một cơ cấu”. Tôi nghĩ rằng, với
Việt Nam ta thì “ Yếu tố dân tộc phải thấm đẫm trong cơ cấu đó”. Và Đại
Bách khoa toàn thư Pháp thì khẳng định : “Dân chủ không phải là một môi trường
trừu tượng có thể cung cấp những cách tổ chức chính trị và xã hội có giá trị
toàn cầu. Nó chỉ có thể tồn tại được tuỳ theo môi trường mà nó bám rễ và ghi nhận
những khát vọng”. Từ những ý tưởng đó, tôi đưa ra kết luận “Môi
trường mà nó bám rễ đó là gì, nếu không là cuộc sống và khát vọng dân tộc, đặc
thù dân tộc”.
Với
những gợi ý ấy, tôi viết trong bài báo này điều tôi suy ngẫm và cũng từ những
trao đổi, học hỏi với anh Việt Phương, con người tuyệt vời, vừa là bạn vừa là
thầy rất quý mến của tôi, trong bài báo ấy tôi viết : “Bước vào thế kỷ XXI, tầm mắt của không
ít người được mở rộng hơn nhờ vào sự xé toang một tấm màn bưng bít, để hiện ra
và sáng lên của sự thật, sự tan vỡ của những huyền thoại, sự phá sản của những
giáo điều, sự bộc lộ những sai lầm trầm kha, sự nhận thức mới không phải về lý
tưởng mà là về lý luận cách mạng, thực tiễn hoạt động và thực tiễn đời sống, sự
khơi dậy những niềm hy vọng mới, sự bắt đầu một quá trình thanh lọc và tái tạo
đầy hứa hẹn. Để bắt đầu một quá trình thanh lọc và đầy hứa hẹn ấy, nâng cao về
trí tuệ là điều kiện tiên quyết ...Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường
phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn
đủ cho hành trình của dân tộc tiến về phía trước. Vì thế, sáng tạo và linh hoạt
trong tư duy cũng như trong hành động phải là phẩm chất hàng đầu của con người
Việt Nam đang sống trong thế kỷ XXI, thể kỷ của nền văn minh trí tuệ.
Không đứng ở tầm cao trí tuệ của thời đại, Đảng không thể
là người “soi đường chỉ lối” cho
nhân dân ta vững bước trên con đường thắng lợi. Con đường đó lại chưa được vạch
sẵn trên bản đồ đất nước do ông cha ta để lại. Chỉ có thể bằng khí phách quật
cường của ông cha mà tự trang bị cho mình một tầm cao trí tuệ do thời đại mang
lại. Trí tuệ ấy của Đảng phải được xây dựng từ sự nhận thức sâu sắc chân lý của
thời đại với đòi hỏi sự sáng tạo của bộ phận lãnh đạo...tuyệt đối không để lọt
vào đấy những phần tử cơ hội, bất tài nhưng giỏi tụng niệm những giáo điều đã mốc
meo và sành sỏi trong sự vâng lời, “dạ thưa anh” với
cấp trên với thói “gọi dạ bảo vâng” để
chóng lọt vào mắt xanh mà leo dần lên những nấc thang quyền lực...”
Không may cho những
ý tưởng được viết ra đúng vào thời điểm Nguyễn Phú Trọng về làm Chủ tịch Quốc Hội
[tháng 6. 2006]. Chắc “ngài” bị chạm nọc, và giọt nước tràn ly là lá thư tôi gửi
Tổng Biên tập lại cắc cớ được đăng tải trên báo NĐBND ngày 31.12.2006 mà Toà soạn
đặt cho cái tít “Dùng ngòi bút của mình chiến đấu cho lý tưởng cao cả”. Thực chất đây là thư tôi viết riêng cho Tổng
Biên tập để tế nhị từ chối việc bay ra Hà Nội lĩnh giải thưởng báo chí về Đề
tài Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trao. Quả là
“ghét
của nào, trời trao của ấy”
Mà
cũng thật oái oăm, nội dung thư tôi viết là chĩa thẳng vào Trọng, với những ý tứ
mà dù lú lẫn cỡ nào cũng vẫn “động lòng” với những điều trong thư : “nhằm
giữ cho ngòi bút của mình không thẹn với chính mình, phải lao tâm khổ tứ để chọn
ý, chọn lời, chọn cách diễn đạt sao cho ai đó khỏi động lòng khiến họ dùng thói
độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tuỳ tiện quy kết để rồi gây khó khăn cho tờ
báo đã đăng bài của mình. Cũng đã từng làm Tổng Biên tập, tôi hiểu được sự soi
mói của thói đa nghi, suy bụng ta ra bụng người, dễ rình chộp lấy dăm ba từ, một
hai câu để bắt bẻ, một thói tệ khó bỏ của người có quyền áp đặt ý tưởng của hắn,
mà không coi trọng ý tứ chung người viết định gửi gắm, đã làm tiêu hao một cách
vô ích bao tâm huyết và tri tuệ của người cầm bút....”. Đấy là chưa nói
đến lý do chính không tiện nói toẹt ra: tôi không muốn chườn mặt ra trước một
nhân cách tôi khinh. Phải chìa tay ra để đón nhận một phần thưởng - do tôi rút
ruột viết ra mà có được- lại do ông ta trao, một nhân vật mà bản lai diện mục của
hắn, thì xin lỗi, tôi chẳng lạ gì. Thế mà lại phải trân trọng về một ân huệ
do “ngài” ban phát sao? Với tôi, đó là một điều sỉ nhục. Để rồi, sau
một thời gian, tôi nhận được một phần thưởng tương xứng với thái độ không cam
chịu sỉ nhục đó : báo NĐBND phải dẹp bỏ mục “Bàn luận sáng thứ hai”.
Ít lâu sau có một lệnh “bất thành văn” của ai đó cấm tiệt không cho tên của
Tương Lai trên báo chí nhà nước. Xem ra “khen nhau mà lại bằng mười làm kẹt nhau”
đấy Hồ Anh Tài ơi!
Tôi
đoán biết lệnh đó từ đâu ban ra. Không đợi một người làm báo có tâm huyết của tờ
“Hà
Nội Mới” trong một lần tâm sự đã ngậm ngùi nói với tôi tại quán cà phê
bên Hồ Gươm vào một đêm thu tôi bay ra Hà Nội: “Chắc bác cũng biết em buồn như thế
nào. Chuyên mục của bác mà em dày công gầy dựng buộc phải chấm dứt và...”.
Anh bạn quý đã đọc mấy câu thơ rất thâm thuý và phẫn nộ anh vừa viết khiến tôi
không dấu được những bồi hồi thương cảm. Những câu thơ rất hay ấy tôi không tiện
nhắc ra đây vì sợ lại “yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau”
thêm một lần nữa. Câu thơ có thể gây tai hoạ cho anh, khi vẫn còn tung hoành
trên những tờ báo nhà nước. Mà đâu chỉ “Hà Nội Mới”, rồi các báo khác cũng vậy.
Lạ một điều, trong khi đó, một vài báo nhà nước vẫn đăng bài của Nguyễn Quang
A, bạn tôi, Viện trưởng Viện IDS. Mà bài của Quang A còn quyết liệt và cập nhật
những vấn đề thực sự nhạy cảm, búa bổ hơn bài viết của tôi rất nhiều. Phải sau
đó một thời gian [tôi không nhớ rõ là lúc nào], khi Quang A trở thành một tên
tuổi được nói đến nhiều ở trong nước cũng như từ ngoài nước thì mới không thấy
xuất hiện trên báo nhà nước nữa. [Tôi cũng chưa có dịp hỏi Quang A xem là anh bị
cấm hay là chán không muốn viết nữa].
Tiếp
theo NĐBND, là báo “Pháp Luật TP Hồ Chí Minh”, nơi đã dành cho tôi mục Thời
Luận vào thứ Tư hàng tuần trong một thời gian khá dài với số lượng “thời
luận” cũng ngót nghét trên dưới dăm chục bài với những “Chạy ghế, căn bệnh đã di căn”,
“Thẻ
nhà báo không chặn được đạn”, “Nỗi đau khát vọng”, “Đừng
ươm mầm cho sự mất gốc”... Tôi không nhớ bắt đầu từ năm nào vì hồ sơ
lưu trong máy tính bị phá nát, chỉ nhớ được bài cuối cùng tôi còn lưu giữ được
trong một USB là bài “Nhân mùa Giáng Sinh”, toà soạn đổi
thành “Khoan Dung” không thèm hỏi ý kiến tôi. Khốn thay, người đổi tên
bài không hiểu nổi nội dung khái niệm khoan dung trong bài đăng
ngày 27.12.2009 sau khi đã ngang xương gạch bỏ câu kết luận của bài viết: Cách
đây 60 năm, Bác Hồ đã nghiêm khắc phê phán : “có nơi đã có hành động lố lăng,
phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo. Sự dốt nát thì
quả là vô cùng. Nhưng đến câu phê bình nghiêm khắc của Cụ Hồ mà người ta còn gạch
bỏ, thì chuyện cho mình ra rìa có chi phải lăn tăn.
Cho
dù vậy, một câu hỏi vẫn cứ vướng vất “điều
đâu bay buộc ai làm, này ai đan dậm giật giàm bỗng dưng”? Dòng mạch
ý tưởng và ngôn từ đang tuôn chảy bỗng đột nhiên sững lại. Cũng chẳng muốn hỏi,
mà hỏi ai bây giờ? Thế rồi, im lặng là vàng, chẳng một ai trong Ban Biên tập gặp
tôi để chia tay cho phải đạo mà thể hiện một nét văn hoá ứng xử tối thiểu. Vì
dù sao cũng có một thời gian mấy năm tay bắt mặt mừng với những lời có cánh đầu
lưỡi hay thật lòng thì có trời hiểu được. Chắc là “khéo đem muối nọ gieo lòng biển, nghĩ
rút dây kia lại động rừng” như cụ Nguyễn Công Trứ luận về thế thái “nhân
tình đã biết rồi, Lạt như nước ốc bạc như vôi” nay cập nhật hơn trong
toan tính thực dụng và thâm trầm hơn bởi sự lo xa. Chao ôi, “thị
khả nhẫn dã, thục bất khả nhẫn dã”, cụ Khổng dạy chí phải, việc ấy làm
được thì còn thứ gì mà không làm!
Mà
đâu phải chỉ “Pháp luật TP Hồ Chí Minh” mới có toan tính và lo xa như vậy. Đến
như một Tạp chí sang trọng nọ mà một thời bài viết của tôi được đón chào, người
phụ trách lại là bạn khá thân với nhiều kỷ niệm thú vị. Mỗi lần tôi ra Hà Nội,
thế nào cũng có buổi ngồi nhâm nhi cùng với Thái Bá Vân, Lê Đạt, Văn Như Cương ở
cái quán cuối phố Lãn Ông, gần nhà Lê Đạt mà anh là người đưa đón. Thế mà rồi
anh cũng phải lẵng lặng xoá tên tôi trong danh sách những người được ghi ở
trang bìa [hay trang nhất tôi không nhớ rõ, và với chức năng gì thật tình tôi
cũng không hay] để rồi, dần dần bài viết của tôi gửi đến không có chút hồi âm.
Có lần ngồi gần giáo sư Hoàng Tuỵ trong một cuộc gặp mặt của các thành viên cũ
của IDS, tôi định hỏi điều này vì ông đứng đầu trong danh sách ấy, nhưng nghĩ lại,
tôi thấy chẳng nên làm phiền ông về chuyện tào lao rất vô vị chẳng có chút ý
nghĩa gì này.
Tuy
vậy, không thể không nói rằng, bên cạnh những ứng xử không mấy văn hoá như thế
kia thì vẫn có nhiều những ứng xử rất văn hoá mà tôi đã nhận được khi tôi lẳng
lặng không gửi bài nữa, do biết được là Tổng Biên tập cũng đang chịu áp lực nặng
nề, cho dù anh vẫn cố tìm cách để đăng bài của tôi. Xin chỉ kể ra đây tạp chí “Thế
Giới Mới” ra hàng tuần với Vĩnh Thắng là người phụ trách đã từng đều đặn
đăng bài của tôi suốt trong nhiều năm. Khi tôi chủ động rút lui, anh vẫn thường
xuyên có mối thâm tình thăm hỏi, sẻ chia với tôi. Thì ra bên cạnh nỗi buồn thế
thái nhân tình “lạt như nước ốc, bạc như vôi” vẫn không thiếu niềm vui ấm lòng
của “gừng
cay muối mặn”. Mà vì thế xét cho cùng, cũng không nên trách những người
chưa vượt qua được toan tính thực dụng với những nỗi lo đang cận kề, khi mà “sự sợ hãi là nền tảng của hầu hết các bộ máy chính quyền” như cảnh báo của John Adams, vị tổng thống thứ hai của
Hoa Kỳ. Một khi đã nằm trong bộ máy quyền lực, dù chỉ tí xíu quyền lực, thì vẫn
cứ bị sức hút của thói tật khó bỏ : quyền lực luôn nuôi trong nó khao khát được
tăng thêm nữa, thêm mãi dù chỉ là hư danh.
Người ta bị cầm tù trong nỗi sợ hãi bị đánh mất chút quyền
lực và quyền uy thảm hại đó! Những kẻ khoác lác đòi nhốt quyền lực vào trong
chiếc lồng nhưng thực lòng là dấu trong tim đen hắn chiếc lồng nhốt chặt khát vọng tự
do của con người. Xưa kia Cao Bá
Quát đã có bài thơ nói về con chim sáo bị nhốt trong lồng, “chỉ vì để
học nói được tiếng người, mà phải cụt mất đầu lưỡi”.
Không hiếm những “nhà báo” cũng lâm vào thảm cảnh tương tự. Không được viết
những điều mình thấy, mình nghĩ, chỉ được viết những điều mà cấp trên đã cho
phép, đã “định hướng” thì ngẫm kỹ ra, nào có khác thân phận con sáo kia? Điều này thì tình cờ tôi được hiểu ra trong một lần
nói chuyện với anh Hoàng Tùng quãng năm 2007, sau khi anh nghỉ hưu và ba năm
sau thì anh mất. Duyên do là trong một lần họp Hội nghị Uỷ ban Trung Ương Mặt
trận ở Hà Nội, thấy anh ngồi cạnh anh Vũ Oanh trong tư cách là khách mời, chắc thế.
Đến giờ giải lao tôi đến chào vì cả hai anh là những người tôi kính trọng.
Bắt tay tôi anh Hoàng Tùng cười cười : “bài
phát biểu vừa rồi của cậu xem ra vẫn còn giữ được cái phong độ của những bài
báo dạo nào, nhưng hình như liều hơn, hăng hơn thì phải”. Anh
quay lại hỏi anh Vũ Oanh, anh có thấy thế không, Vũ Oanh cười gật đầu. Hoàng
Tùng chép miệng nói tiếp “Mà vậy thì chả trách báo chí nó không đăng,
kể cả báo của Mặt trận phải không? Nhưng chẳng sao, đừng nhụt chí vì chuyện ấy.
Cũng chẳng phải chỉ do tổng biên tập đâu. Cái nghiệp vụ soi mói bây giờ nó cao
cường lắm. Chắc tôi nói thế anh cũng thừa hiểu”. Ông Hoàng Tùng vẫn có
cái giọng dí dỏm bỡn cợt quen thuộc, nhưng tôi biết ông đang tế nhị động viên
tôi vẫn như dạo nào ông triệu tập tôi vào tổ Nghiên cứu lý luận do Tổng Bí thư
Lê Duẩn chỉ đạo và Hoàng Tùng làm tổ trưởng. Chuyện này tôi đã có dịp đưa lên Mênh
mông Thế sự trong vài mẩu ký ức từng để lại những ấn tượng đậm nét
trong tôi.
Về “đôi mắt soi mói chuyên nghiệp” tôi dẫn ra khi gợi lại câu chuyện Lý Tiến Dũng phải thôi chứcTổng
Biên tập ở trên, là từ nhận xét của Hoàng Tùng. Song, điều tôi cần nói hơn là từ
lần gặp gỡ ấy, tôi hiểu ra việc “rút phép thông công” mà tôi đã gặp phải sẽ song
hành với sự tồn tại của chế độ toàn trị phản dân chủ ngày càng quay quắt và dai
dẳng hơn này. Việc bị cấm xuất hiện trên các tờ báo nhà nước sẽ còn dài
dài. Vậy thì, tốt nhất là chọn cho mình một cách thế ứng xử thích nghi với thực
tế, “lỡ
từ lạc bước bước ra, cái thân liệu những từ nhà liệu đi”. Chúng có thể “rút phép thông công” tôi,
nhưng với tôi, đó lại là một cú hích đáng kể để có dịp thử sức với
tâm thế mình phải dám là chính mình trong giai đoạn mới.
Không cho mình có mặt trên báo nhà nước, thì mình phải viết
để “gió
cuốn đi” trên không gian “mạng”. Mà với phương tiện này thì thật
là mênh mông. Chẳng phải gần một tỷ rưỡi người đăng nhập vào Facebook mỗi ngày. Mỗi
phút, có hơn 3,87 triệu tìm kiếm Google được tiến hành và bảy bài mới được thêm
vào Wikipedia đó sao? Một mảng lớn nhân loại mang các công cụ luôn luôn được bật
lên và được kết nối. Các lượng thông tin như một đợt sóng thần dữ liệu dồn dập ập vào bộ
óc, khuấy động trái tim con người đang sống trên hành tinh này. Trong đó có
chúng ta. Sự bưng bít thông tin của chế độ toàn trị càng thôi thúc người ta đến
với sự kết nối và tiếp nhận thông tin trên mạng. Thời đại Thông tin đã tác động
mạnh đến cái thực trạng quyền lực tuyệt đối thì ngạo mạn càng tuyệt đối đẩy tới sự sụp đổ cũng
là tuyệt đối khó tránh khỏi.
Không
thể bị động ngồi chờ sự sụp đổ ấy. Phím máy tính mà tôi đang có phải tạo ra một
dòng chảy mới của tư tưởng và cảm xúc qua ngôn từ trên không gian mạng. Suy
nghĩ ấy đưa đến ý tưởng “tự xuất bản” những điều muốn nói qua
“Mênh
mông Thế sự”. Tôi đưa ý tưởng này hỏi anh Việt Phương. Anh trả lời “mình
rất thích cách diễn đạt này, đúng là phải mênh mông, vì thế sự là tuôn trào, là
khúc khuỷu gập ghềnh nhưng cũng là dòng chảy bất tận của những buồn vui, căm giận
của sự tái tạo và thanh lọc như TL vừa viết, nhưng còn những gì đang làm thì
bao giờ hoàn thành? Quả thật đây là một song
đề [dilemma] thật nan giải.
Quỹ thời gian không còn nhiều. Việc “Nhớ lại và Viết ra” mà
tôi đang tiến hành xem ra không thể dồn hết quỹ thời gian vào đó được, cho dù
không thể hiểu được hiện tại nếu không nhớ lại hành trình đã đi qua, tìm về những
toạ độ cũ để thấy ra nguồn mạch của sự kiện đang diễn ra. Những đợt sóng trào của
đời sống đang dồn dập khấy động và giục giã. Thế nhưng,“nhớ lại” thì chỉ nằm
trong hồi ức của riêng mình, còn “viết ra” là để cho người khác đọc.
Cho nên, khi “viết ra” những sự kiện,
những mảnh ghép của đời sống có “dáng dấp lịch sử” dù chưa lùi sâu
vào quá khứ vẫn phải xác định cho mình một nguyên tắc phải theo : phải
có những “nhân chứng” có thể kiểm nghiệm được. Nhưng nếu như đợi cho “Nhớ lại
và Viết ra” được hoàn thành và đưa ra công chúng để đón nhận những phê
phán, thẩm định, thì có khi “nhân chứng” của sự kiện viết ra đã không còn nữa.
Khá nhiều những trường hợp như vậy.
Ví như, với bài “Môt lời nhắn
gửi” của MMTS số 47 đưa lên mạng ngày 4.10.2016 và gợi lại trong bài
“Giá
như lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân” trong bài “Tưởng
niệm” nhân ngày sinh thứ 95 của
ông tổ chức tại nhà mà tôi đã
đưa trong “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” năm 2017 nói về chuyện đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu đại tá Huyên, Thư ký của ông gọi điện bảo tôi phải bay ra Hà Nội để ông
trực tiếp chuyển lời nhắn : “Anh bay vào bảo với
Sáu Dân về nhà mà nằm” khi ông biết
tin anh Sáu Dân đang phải nằm trong bệnh
viện.
Tôi viết bài trên và gửi cho anh Huyên. Một năm sau, tháng 4 .
2018 anh Huyên đã ra đi . Nếu “Nhớ lại và Viết ra” hoàn thành và
xuất hiện trước công chúng sau tháng Tư ấy thì người ta có quyền đặt câu hỏi : chuyện
đó thật hay bịa,
lấy gì làm bằng? Hoặc như chuyện
tôi kể lại về tuyên bố của Phạm Văn Đồng cứu nguy cho tôi khi bị vu khống là
gián điệp, đã bán tài liệu về “sự kiện Thái Bình” cho CIA”. Đỗ Hoài
Nam, uỷ viên TƯĐ, người đứng đầu Uỷ ban KHXHVN lúc ấy, không dấu được sự bối rối
khi nói với tôi tại cầu thang cơ quan 27 Trần Xuân Soạn Hà Nội: “án tại
hồ sơ bác ạ, em cũng chịu thôi”!
Nhưng rồi sau đó, tôi còn nhớ như in lúc kết thúc buổi làm việc, bác Tô gọi thêm
anh Nguyễn Tiến Năng là Thư ký vào [vì thường trong buổi làm việc thì chỉ có
hai thầy trò, anh Nguyễn Tiến Năng ngồi ở phòng bên cạnh, chỉ vào để nhắc cần kết
thúc, hoặc do có việc gấp] . Ông nói to: “Anh TL về công bố trong cuộc họp toàn thể là
: Phạm Văn Đồng cùng chịu trách nhiệm với TL về bản Báo cáo khảo sát XHH về Thái
Bình, và cùng chịu trách nhiệm việc tiếp tục nghiên cứu về nông thôn Thái Bình”.
Tôi viết điều này khi anh Năng đang làm việc trong Hội những cán bộ về hưu [tôi
nhớ không chính xác về tên của tổ chức này], tôi đã điện thoại hỏi thăm và chắc
anh đã nhận được cuốn sách tôi gửi tặng anh, trong đó có bài viết về sự kiện
nói trên.
Phải cẩn trọng điều ấy, vì hiện nay nay chuyện bịa tạc kiểu
này khá phổ biến với những người cầm bút vô sỉ, mượn tên tuổi, hình ảnh những
người đã khuất để tự đánh bóng tên tuổi mình, thậm chí viết hẳn sách! Cho nên,
khi tôi viết một vài mẩu ký ức về một số nhân vật như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn,
Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Trần Xuân Bách, Trần Độ... mà tôi có dịp tiếp xúc,
bao giờ tôi cũng nêu tên một vài “nhân chứng” hiện đang sống, hoặc bằng những sự
kiện gián tiếp có liên quan để có thể kiểm nghiệm độ chính xác và trung thực của
những điều đã “viết ra”. Ấy thế mà rồi cũng không tránh khỏi “đụng độ”. Ví như
chuyện đã xảy ra trong một buổi gặp mặt tại nhà tôi nhân kỷ niệm ngày sinh ông
Sáu Dân. Vui chuyện, tôi vô tình nhắc lại một nhận xét của ông Sáu Dân về một
nhân vật, không ngờ bị một phản ứng giận dữ từ một người thân quen với nhân vật
ấy “Sao
anh dám nói thế, ông Sáu Dân đã mất, thế thì lấy gì làm bằng cho nhận xét động
trời anh vừa nói”. May quá, anh HKB đã bật đứng dậy: “Tôi cần
nói rằng, điều anh TL vừa nói thì từ lâu tôi đã nghe VNL nói y chang như vậy,
không chỉ nói riêng với tôi, mà một số người khác đều cùng nghe cả”.
Tản mạn đôi điều để nói lý do giục giã viết “Mênh
mông thế sự để gió cuốn đi”. Tôi muốn tự mình chịu trách nhiệm cho những
điều đã viết ra theo thôi thúc nội tâm. Không ai thúc bách, chẳng ai kiểm duyệt,
cũng chẳng ai thèm “đặt hàng” cho sản phẩm sẽ được “gió cuốn đi” để rồi tình
cờ neo đậu vào đâu đó, dù với đôi mắt ghẻ lạnh hay bàn tay nồng ấm đón chờ.
Căng đầu suy ngẫm, tra cứu, tìm tòi, kiểm tra độ tin cậy của
những điều sẽ viết ra, sao cho chỉ sai sót tối thiểu do vốn hiểu biết quá nông
cạn và nghèo nàn từ quá trình mày mò tự học của mình. Miệt mài gõ phím để rồi tự
mình thoải mái với mình vì đã làm xong một việc. Để rồi lại tiếp tục suy nghĩ về
đề tài sắp tới, tuyển lựa và sao chép lại thông tin cho khoảng trên dưới 150
trang A4 của Điểm tin đáng đọc. Tôi làm việc này với gợi ý của Thomass Jefferson, tác giả của ý tưởng tuyệt vời mà Hồ Chí Minh đã dẫn
ra Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, một trong những tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ: “nếu
phải chọn một chính phủ không cần báo chí, với một báo chí không cần chính phủ,
thì tôi chọn cái thứ hai”. Tôi tự mình làm báo với mục tiêu minh bạch
và công khai, tự chịu lấy trách nhiệm không theo bất cứ sự chỉ đạo nào ngoài sự
dẫn dắt của bộ não và trái tim của chính mình. Tôi viết mênh mông thế sự và tuyển
chọn thông tin đưa vào mục điểm tin trong sự thanh thản của lương tâm và sự đòi
hỏi của lương tri. Thế là đủ!
Tần số xuất hiện của bài viết kèm theo điểm tin luôn tỷ lệ
nghịch với chỉ số huyết áp và chỉ số đường huyết tăng lên. Ấy vậy mà chưa chắc
nằm dài, ngủ sớm dậy muộn đã tốt cho bộ não và tim mạch. Tôi nghiệm ra thế. Đấy
là chưa nói đến việc đón nhận những lời chê bai, móc máy về bài viết quá dài nhằm
“khoe chữ” của anh “mọt sách”. Thôi thì “đã mang lấy nghiệp vào thân” biết
sao giờ! Tôi phải bấm bụng trả lời với những người phê bình tôi viết chi mà dài
dòng thế, ngắn lại thì người ta mới đọc cho, rằng: “tôi bất tài và dốt nát nên không
viết ngắn được”.
Viết ngắn và hay phải là một tài năng thật sự. Mà đúng
như thế, với nghiệp nghiên cứu, tôi không có được cái tài năng đó. Thôi thì
“mèo
nhỏ bắt chuột con”, lượng sức mình, để hoàn thành được “Nhớ lại
và Viết ra”, tôi phải mầy mò dần dần nhằm có được những “mảnh
ghép”, để khi ghép chúng lại mới có được một cái gì đó ra tấm ra miếng.
Từng bài “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” là từng mảnh ghép ấy. Bốn cuốn
“Mênh
mông” vừa qua là một phần của “tấm, miếng” ấy. Lọ mọ và nhẫn nại gõ
từng mảnh ghép, bởi vì tôi nhớ điều Albert Camus nhắc nhở “Đừng đợi sự
phán xét cuối cùng. Ngày nào nó cũng đến”.
Vậy thì, thay vì chấm
ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại là chức năng cao cả của nhà báo, tôi gõ vào
phím mối
ưu tư về vận mệnh đất nước nhằm mong tìm “một quá trình thanh
lọc và đầy hứa hẹn” cho dân tộc, trước hết là cho
thế hệ trẻ.
Ngày 21.6.2019