Nguyễn Đình Cống
Còn gần 2 năm nữa
ĐCSVN mới họp ĐH 13, thế mà bây giờ đã rầm rộ chuẩn bị. Bắt đầu thảo luận từ HN TƯ 9 (ngày 25/12/2018), bàn luận nhiều ở
HN TƯ 10 (ngày 16/5/2019). Ngày 30/5 Bộ CT ra chỉ thị số 35 về ĐH Đảng các cấp.
Tiếp đến TBT Nguyễn Phú Trọng công bố bài : Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội
đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng. Rất nhiều ban bệ đã được lập
và tích cực hoạt động.
Để góp ý kiến cho ĐH, ông Nguyễn Trung viết thư gửi TBT, các UV Bộ CT ( ngày 25/4/2019),
ngày 20/5/ 2019 lại công bố bài “Kiến
nghị về ĐH XIII “. Ông Vũ Trọng Khải viết bài “Đại hội 13 của ĐCSVN: Đổi mới toàn diện
để Việt Nam có thể trở thành một nước phát triển vào năm 2030”.
Tôi vốn định chờ đợi khi mọi việc tương đối rõ ràng mới góp ý, nhưng trước các
sự kiện dồn dập không thể ngồi yên mà
cũng động bút vài dòng. Ngày 12/1/2019 tôi công bố bài : “ Góp ý chuẩn bị ĐH 13
ĐCSVN” và bây giờ viết vài ý trao đổi với ông Trung, ông Khải, ông Trọng và những
lãnh đạo của Đảng.
Tại HN 10, nghe ông Trọng nói vài điều về đổi mới
chính trị, về sửa đổi điều lệ Đảng, một số người vội mừng và hy vọng. Biết đâu ông Trọng đang chuyển biến
theo hướng dân chủ hóa. Bài của ông Trung và của ông Khải hình như dựa trên giả
thuyết này. Chẳng thế mà ông Trung, trong mục kết luận viết : Đề nghị ông “Nguyễn Phú Trọng kêu gọi cả nước đoàn
kết một lòng, khép lại quá khứ, cùng nhau
đem hết tâm trí và nghị lực tiến hành cải cách chính trị thành công. Đề
nghị Đồng chí nhân danh nước Cộng Hòa Xã
Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Đảng Cộng Sản Việt Nam long trọng tuyên bố trước toàn
thế giới: Việt Nam quyết hoàn thành thắng lợi cuộc cải cách này để phát triển
quốc gia mình”.
Ông Khải đề nghị những cải cách quan trọng về chính trị,
kinh tế, giáo dục và đào tạo, mà ông gọi một cách khiêm tốn là “ lạm bàn”. Về
chính trị ông đề nghị đổi mới ĐCS, đổi mới hệ thống tổ chức nhà nước, chuyển đổi
từ toàn trị sang dân chủ, soạn lại hiến pháp v.v…Toàn những đề nghị rất hay, rất
thiết thực, chỉ là ĐCS không thể chấp nhận.
Thế còn chỉ thị 35 và bài của ông Trọng viết những gì
?. Vẫn là con đường cũ, lý thuyết cũ, vẫn kiên trì Mác Lê và toàn trị. Nghĩa là
mọi thứ chỉ dựa vào một nguồn, không bao giờ chịu nghe lời phản biện. Vẫn kêu gọi
tìm cho được sự thật, nhưng rồi người kêu gọi và kẻ đi tìm đã tự bưng tai bịt mắt
để chỉ tìm thấy một phần của sự thật, mà đó chỉ là phần bên ngoài. Dù cho có
kêu gọi rát họng mà cách làm như vậy sẽ không bao giờ tìm ra bản chất của sự vật.
Những mừng rỡ, hy vọng của một số người về ông Trọng
té ra bị nhầm to. Chỉ thị số 35 và bài viết của ông Trọng như những thùng nước
lạnh và bẩn dội vào những hy vọng mỏng manh của họ. Không biết sau khi đọc được
chỉ thị 35 và bài của ông Trọng, những người đặt niềm tin vào ông có tỉnh ngộ
ra không.
Để chuẩn bị cho ĐH có 2 việc quan trọng nhất : nhân sự
và báo cáo. Về nhân sự, trước đây tôi đã có bài “ Phản biện đường lối cán bộ cộng
sản”. Đảng dựa vào Quy hoạch cán bộ, một
quy hoạch mà từ Bộ CT đến các đảng viên thường cho là rất đúng, rất hay, nhưng
tôi lại thấy nó, ngoài vài điều chấp nhận được, phần lớn toát lên tính phản dân
chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Tôi xin đem sinh mạng ra để bảo vệ điều vừa
viết. Bài này tạm chưa bàn vấn đề cán bộ, chỉ mới bàn một ít về báo cáo.
Báo cáo chính trị gồm 2 phần chính : Đành giá tình
hình và vạch ra nhiệm vụ mới. Những thư ngỏ, góp ý, tuy có đề cập đến tình
hình, nhưng chủ yếu bàn về nhiệm vụ. Tôi lại cho rằng quan trọng nhất là đánh
giá tình hình và tìm ra nguyên nhân cơ bản của tai họa. Nếu đánh giá sai thì mọi
đường lối, mọi nhiệm vụ được vạch ra, dựa trên sự đánh giá ấy sẽ khó có được mức
độ tin cậy.
Để đánh giá, trong CT 35 cũng như trong bài của ông Trọng
đều nhận định rằng : “ Đánh giá đúng bao giờ cũng là một việc khó”. Vì thế phải
nhìn vào sự thật, tôn trọng sự thật. Nói thì hay như vậy, nhưng liệu có làm được không. Tôi đã đọc kỹ các báo cáo của vài ĐH
vừa qua và chưa thấy một báo cáo nào viết rõ sự thật . Mẫu văn bản được lặp đi
lặp lại là : “ Về vấn đề A, B này đã có
những thành tích như sau…., nhưng cũng tồn tại một số thiếu sót… Nguyên nhân là
do XYZ, từ đó rút ra bài học M N O P”. Báo cáo ở ĐH XIII chắc cũng lặp lại như
thế.
Những báo cáo như vậy đã làm vừa lòng nhiều người,
nhưng nó mang lại lợi ít, hại nhiều, rất lãng phí và đặc biệt là làm cho lãnh đạo
và nhiều người hiểu không đúng thực tế. Nó được viết dựa vào sự thật, nhưng tiếc
thay đó mới chỉ là một phần của sự thật, mà là phần bên ngoài, dễ thấy, còn thiếu
mất phần bên trong, thuộc bản chất, rất khó thấy.
Khi chỉ nhìn thấy một phần bên ngoài mà chưa thấy rõ bản
chất rồi vạch đường lối thì có nhiều khả năng phạm sai lầm, vạch ra những thứ
không cách gì thực hiện được như làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, như tiến
nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH, như đến năm 2020 đưa VN thành nước
công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rồi còn phạm vào chuyện, đề ra những việc mang lại
tai họa như hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo kinh tế tư nhân, quốc hữu hóa ruộng
đất, kinh tế nhà nước là chủ đạo v.v…
Những người làm báo cáo có thể thấy phần nào bản chất,
nhưng không dám viết ra, hoặc họ không thấy được. Vì sao vậy ? . Vì ý thức hệ
như một cái màng che mắt, vì sự kiên trì Mác Lê như một cái chụp lên đầu, vì sợ
mất thứ này, bị thứ kia.
Một phần của bánh mì vẫn là bánh nì, một phần của sự
thật lắm khi không phải là sự thật ( mà
là dối trá). Phải chăng trong các báo cáo là loại sự thật này.
Rất mong lãnh đạo
Đảng có người còn thiện chí để
nghe những góp ý. Tôi thấy cấp bách nhất, quan trọng nhất của ĐH XIII là đánh giá thật đúng tình hình, nghĩa là nhìn
cho ra, biết cho đúng sự thật, tìm cho được nguyên nhân cơ bản của những tai họa đang vướng phải. Muốn thế Đảng không
thể dựa vào những cán bộ và trí thức của
mình. Phần lớn họ là người hữu danh vô
thực, nhiều mưu mẹo nhưng kém thông minh, làm việc chủ yếu theo lối dựa dẫm chứ
không có phương pháp khoa học, không có năng lực phân tích và phát hiện. Họ chỉ
có thể tìm ra một phần sự thật.
Vậy lãnh đạo Đảng muốn biết được sự thật trong khi
chưa thực sự có tự do ngôn luận, chưa có tự do báo chí thì tốt nhất là tổ chức
đối thoại giữa cán bộ của Đảng và những người phản biện. Không phải đấu tranh
tư tưởng, không phải tranh luận mà là đối thoại. Đối thoại là hợp tác để cùng
nhau tìm ra tiếng nói chung. Đối thoại giúp mỗi bên trình bày hết quan điểm của
mình và nghe được những điều hay lẽ phải của bên kia, để điều chỉnh, để sửa đổi,
để hợp tác. Đoán rằng phía Đảng ngại đối thoại công khai, vậy tổ chức đối thoại
kín cũng được. Nhưng nó phải được thu âm
toàn bộ, trung thực để Bộ CT và BCH TƯ nghe và thảo luận. Các UV Bộ CT và BCH TƯ nên đến trực
tiếp nghe đối thoại. Đối thoại công khai
để cho toàn dân theo dõi sẽ là tốt hơn
nhiều.
Hình như lãnh đạo Đảng sợ phải đối thoại. Sợ gì kia chứ.
Trong tay Đảng có đầy đủ sức mạnh bạo lực, còn các nhà phản biện đến đối thoại
với hai tay không. Xin đừng sợ những nhà phản biện như sợ ma quỷ. Nếu qua đối thoại mà phát hiện được
thế lực thù địch thì cứ lập tòa án mà xử, chúng nó chạy đâu cho thoát.
Không dám đối thoại để tìm chân lý thì Đảng bị mang tiếng
là nói dzậy nhưng không phải dzậy, hoặc nặng lời là “ Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong
nham hiểm lừa người ngây ngô. Miệng luôn cầu khấn Nam mô. Bụng toàn chứa sẵn một
bồ âm mưu”.
Xin hỏi Bộ Chính trị, hỏi Hội đồng lý luận và Ban
tuyên giáoTƯ, các vị có dám đối thoại không. Đặc biệt là đối thoại để chuẩn bị
cho ĐH XIII. Nếu các vị không dám thì
nói nhiều cũng vô ích. Tôi đã có nhiều suy nghĩ về các cách tổ chức đối thoại.
Khi các vị chấp nhận đối thoại, cần hỏi đến tôi sẽ xin trính bày sau. Ngại rằng
“ nói trước bước không qua”.