24 juin 2019

LƯƠNG TRI TRÍ THỨC (Phần 5, Phần cuối)

Thư trả lời người bạn đồng nghiệp «trách móc» dân oan


Lê Hữu Khóa



(Tác giả là giáo sư, tiến sĩ nhân loại học, xã hội học ở Pháp; Giám đốc Chương trình đào tạo Master châu Á, phụ trách chương trình hợp tác với Việt Nam; chuyên gia tại UNESCO… )
 


 (Tạm) kết:

Có lần, tôi đến chào bạn sau chuyến công vụ đại học, trong đó có chuyện diễn giãi về dân oan, hôm đó bạn “không tha” cho tôi, bạn trách tôi: “Việt Kiều ở bên phương tây mọi thứ có đầy đủ sao cứ “lấy chuyện đất nước” ra phân tích hoài vậy? Tôi ở đây hằng ngày mà đâu mất thì giờ để làm chuyện này!”. Hôm đó, tôi nghe lời dạy của các tổ sự về vô ngôn, nên tôi chỉ cười mà không trả lời bạn, bây giờ tôi xin trả lời nhé; tôi trả lời bằng phương trình Tin yêu-Hướng thiện-Nhận thức-Tâm nguyện được cấu trúc gẫy gọn qua lời Kiều của cụ Nguyễn Du:


Nhớ lời nguyện ước ba sinh


Bạn hãy tìm ngay trong chiều sâu lương tri mình để mời các ẩn số lương tâm sau đây lên tiếp sức với bạn:

   Tin yêu vừa là niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu, vào tình thương làm nên nỗi niềm sâu lắng, trầm kín trong nội tâm bạn, nó là người-bạn-sâu-bên-trong, nó thân thuộc trong thân quen trong tâm khảm của bạn, vì tin yêu này quá thân thương với bạn, nên bạn luôn tin vào nó.

   Hướng thiện được chế tác từ tin yêu làm nên quyền năng ngay trong không gian tâm linh của riêng bạn, nó yêu cầu bạn phải trả lời ba câu hỏi: Tôi là ai? Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? Tôi muốn làm gì và có thể làm gì để đưa cuộc đời theo hướng thiện?

   Nhận thức được chế tác từ hướng thiện của tin yêu này, làm nên từ ý thức về cuộc đời của bạn, nơi mà cuộc đời là không gian và thời gian luôn bị các biến cố xé tan nát, chính những sự cố này làm nên kinh nghiệm cho tâm thức phải luôn ở dạng tỉnh thức để nắm chính lương tri của mình ngay trong hiện tại, để bạn sáng suốt mà chuẩn bị cho tương lai.

   Tâm nguyện ngụ ngay trong tâm thức có chiều sâu của nội tâm ở dạng thức tỉnh nhất; sẽ tạo điều kiện để bạn khởi duyên, trợ lực bạn cho đời sống xã hội, trợ duyên bạn trong các quan hệ xã hội, trợ tâm bạn trong sinh hoạt xã hội, tha nhân và bạn sẽ gần nhau hơn trong các giá trị của tin yêu bằng tâm nguyện. 

Gần đây, bạn có gởi tôi một lá thư cũng làm tôi “điếng hồn”, trong đó thay vì trách tôi thì bạn viết câu “ăn cơm nhà, vác ngà voi”! Thưa bạn, câu này chỉ thực tin cho kẻ ích kỷ, chỉ biết kéo chăn lại phía mình để trùm phủ và che lấp các tư lợi của riêng mình, mặc kẻ khác (Ai chết mặc ai! Bây chết mặc bây!). Đây là dịp tôi trả lời bạn, chỉ bằng một câu của Phạm Thiên Thư, mà Phạm Duy đã phổ nhạc: «Muôn loài như sương rơi. Xin làm hoa trắng đỡ…”

 Bạn hãy tới cõi lương tri của trí thức bằng chính tự do của bạn, bằng chính tâm hồn trong, linh hồn sáng của bạn, hãy đi trên con đường: nhân tính làm nên nhân tình; nhân từ biết chở che cho nhân nghĩa ; từ đó mọi tuyên truyền ngu dân, mọi khẩu lịnh mỵ dân tự nhiên thành bọt bèo, rồi tự biến mất trong cõi sinh, cõi sống của bạn. Sương thì yếu yểu, rơi là tan, mà hoa cũng vậy, rất mong manh, vậy mà hoa biết hứng đỡ sương, lấy chính thân mong manh của mình để hứng đỡ cái chóng chày, cái đang phôi pha giữa sự sống. Đây là một bài học quý về lương tri, nếu bạn đang yếu lả, đang mong manh, bạn vẫn có thể giúp, có thể cứu những ai yếu hơn mình, mong manh hơn mình. Lương tri thật cụ thể bạn à, vì nó không bỏ quên ai, dù kẻ cứu cũng đầy các khó khăn, ngập các thử thách, tràn các thăng trầm, nhưng phải giúp-cứu-nâng-đỡ kẻ yếu «trước đã», còn mọi chuyện khác thì để «tính sau»!

Câu chuyện lương tri trí thức của chúng ta có thể ghé qua các công trình nghiên cứu của triết gia Jerphagnon khi ông nghiên cứu toàn bộ hệ thống tư tưởng Âu châu để hiểu tại sao các minh sư triết học ngày càng đi sâu vào minh triết để hiểu các giá trị tâm linh. Nơi đây, minh triết là minh lộ để con người tới được các chân trời tâm linh, tại các chân trời này con người sẽ thấy các kinh nghiệm của nhân phẩm, luôn song hành cùng các trải nghiệm của nhân văn. Tại tụ điểm của lương tri này, con người sẽ nhận ra rồi nhận rõ các giá trị của cuộc sống, để hiểu tại sao lại có chuyện trễ, tại sao lại có chuyện chậm? Platon khi được Jerphagnon soi rọi qua cấu trúc triết học của chính Platon, luôn đi tìm để phân tích quan hệ giữa con người, linh hồn và thượng đế; nơi mà mỗi con người sống trong cuộc đời như đi trên một con đường, và trên con đường đó con người gặp-nhận-hiểu-thấu nhân vị của linh hồn, nhân sinh qua thượng đế, mỗi lần gặp-nhận-hiểu-thấu như vậy con người luôn tự đặt cho mình câu hỏi tại sao ta gặp-nhận-hiểu-thấu trễ như vậy, chậm như vậy? 

Augustin là trường hợp mà Jerphagnon ở lại thật lâu trong nghiên cứu của mình, trước hết St Augustin có tất cả các thành công trong xã hội, bằng tinh hoa của học thuật dựa trên tinh anh có trong sự thông minh của ông; nhưng năm 33 tuổi Augustin đã bỏ tất cả để đi tìm thượng đế, vì nếu nhận ra thượng đế thì sẽ hiểu linh hồn là gì? Cũng với sự thông minh xuất chúng của mình, Augustin không rơi vào chuyện mê tín, dị đoan, hoang tưởng, mà ông tổ chức một cuộc đối thoại với thượng đế với tấm lòng kính cẩn tuyệt đối. Nhưng khi ta đọc kỹ tác phẩm Xưng tội (Confessions) của ông, người ta nhận ra ông mượn chuyện xưng tội là để vinh danh nhân phẩm của nhân loại. Như vậy, chuyện ông tổ chức một cuộc đối thoại với thượng đế có thể chỉ là một cái cớ chăng? Cớ để ông biến đối thoại thành độc thoại, ông độc thoại với thượng đế để đốí thoại với đời, với người, với chính thân phận của mình. Một cuộc độc thoại luôn muốn tìm con đường tâm linh để đi lên, lên cao, cao mãi để được ngang tầm với thượng đế. Như vậy sự thông minh làm nên nhân tri có thể hiểu được và thấu được sự thông minh của thượng đế; cho nên các giá trị của lương tri, tự chúng là những con đường cao tốc, cho phép chúng ta đi nhanh để gặp các giá trị thiêng liêng.

Pascal là trường hợp mà Jerphagnon thấy được cái ý thức của con người luôn khiêm tốn để tỉnh táo, luôn khiêm cẩn để sáng suốt, để nhận ra tâm trạng trễ, tâm cảnh chậm khi con người đứng trước các chân lý của khoa học, các sự thật của nhân sinh, các lẽ phải của đạo đức. Pascal luôn tìm định nghĩa để giữ định đề, giữ định đề để không lạc đề khi phân tích và giải thích mọi giá trị, từ toán học tới triết học, từ ngôn ngữ tới nhân sinh. Và khi vào để phân tích và giải thích các giá trị tâm linh, con người sẽ có định hướng qua định nghĩa của ngữ vựng rồi từ đó mà đi tìm ngữ pháp rồi ngữ văn cho các chiều hướng của tâm linh.

Câu chuyện tri thức của chúng ta cũng là câu chuyện của bác Trần Dần, bị bạo quyền độc tài đầy đọa nhiều năm sau oan án Nhân văn giai phẩm1956-1960; bị tà quyền văn nô hãm hại liên tục cho tới thế kỷ mới, năm 2000; bị ma quyền bút nô trù dập cho tới ngày qua đời. Nên thi ca của bác Trần Dần là sự sáng đi tối về của các giá trị nhân tâm sắc nhọn, nhận chướng kiếp và nhận luôn tử kiếp. Khi thế kỷ mới tới, bác đặt câu hỏi: «Ai tăng cửa sinh? ai rình cửa tử?», vì bạo quyền, tà quyền, ma quyền vẫn quanh quẩn bên nhau, quyện lấy nhau để thành âm binh, trùm phủ bóng tối của chúng lên số phận của Việt tộc, chúng rình rập để đe dọa sự sống. Mặc cho âm binh rình rập, nội dung tâm linh có trong thi ca, vì thi ca là ngã tư của bốn nhân tố:

   tự do đưa nhân tri gặp nhân tính,

   tự chủ dắt nhân lý gặp nhân phẩm,

   tự tin dìu nhân tâm gặp nhân từ,

   tự trọng dẫn nhân cách gặp nhân bản.

Khả năng của hệ tự (tự do, tự chủ, tự tin, tự trọng) khi nhập nội vào tiềm năng của hệ nhân (nhân tri, nhân tính, nhân lý, nhân phẩm, nhân tâm, nhân từ, nhân cách, nhân bản) sẽ làm nên hùng lực tâm linh, để phân tích sâu xa cõi sinh, cõi tử. Từ đây, cá nhân sẽ thấy mình có cá tính để trở thành cá biệt, để tách xa âm binh; từ đó lấy số phận của chính mình để tra, suy, xét, đoán nhân sinh, để trả lời cho bạo quyền, tà quyền, ma quyền là mọi sự sống đều thiêng liêng.

Bạn thân mến,

Câu chuyện lương tri trí thức của chúng ta cũng là câu chuyện hiểu đời để được đời hiểu của Bùi Giáng; thi sĩ thân thương này có để lại cho đời một giòng thơ:

Em chợt thấy yêu đời vô cùng tận

Vì đời là rất mực thiêng liêng

Em chợt thấy không buồn đau oán hận

Vì thiêng liêng không chia biệt cõi miền.

Bùi Giáng lội ngược dòng để chống vô cảm, bơi trái chiều để chận hững hờ, lướt trên mọi lãnh đạm chung quanh để được sống trọn, sống sâu, nhờ vậy thi sĩ mới đồng cảm rất tự nhiên với mọi tâm phận, luôn chia sẽ với mọi tâm nạn, biến cái bao la của cõi người thành sát kề, khích cận với chúng ta. Nên mang ơn Bùi Giáng khi thi sĩ chỉ cho ta đường đi nẻo về của một loại nhân dạng có lương tri: Em chợt thấy yêu đời vô cùng tận. Thấy thượng đế, thánh thần, tôn giáo, tín ngưỡng là thiêng liêng thì là chuyện thường, và đây chưa chắc là chuyện nhân tri, còn chuyện người biết thương người, nơi mà tâm hồn làm nên linh hồn để người thương người hơn. Còn riêng Bùi Giáng thì ông khẳng định: vì đời là rất mực thiêng liêng. Cuộc đời thiêng liêng vì con người linh thiêng, trong đó kiếp người từ số phận tới duyên phận đều thiêng liêng, trong đó mọi nỗi khổ niềm đau của nhân sinh đều linh thiêng; và sức mạnh của lương tri là kết được cái đời thiêng liêng vào cái người linh thiêng, để làm nên cõi thiêng, mà cõi này là thuộc về người chớ không phải thuộc về thượng đế, về trời cao đất dày nào cả! Biết vượt thoát thăng trầm rồi vượt thắng trầm luân, Bùi Giáng còn trao cho mọi người cách chế tác linh dược này, cách làm ra loại thuốc thần diệu này: vì thiêng liêng không chia biệt cõi miền. Sống mà biết vượt qua dị biệt, để tránh rơi vào sự phân biệt giữa người và người, rồi từ khinh thường tới khinh miệt tha nhân, thì như tự chế rào cản cấm nhân tri mình không được gặp nhân đạo của người khác, thì như cấm nhân vị mình không được gặp nhân tri của mọi người chung quanh. Bùi Giáng để lại cho chúng ta một di chúc tâm linh vô cùng quý, vì nó vừa thật hay, vừa thật hiếm: Đã mở cõi thì đừng có ngăn miền!

(Tiền) kết

Trong lương tri giáo dục, khi thế hệ đi trước có trách nhiệm phải trao truyền ít nhất ba giá trị giáo dục cốt lỏi cho các thế hệ đi sau là sự trao truyền sự thật của lịch sử, mà sự thật làm xuất hiện chân lý với sử liệu, sử chứng, không ai chối cãi được, song hành cùng các tang chứng, làm nên chứng tích luôn có mặt trong kỷ niệm, trong ký ức, tạo ra chất sống cho sử học. Chính sự thật làm nên chân lý giúp nhân sinh thấy ra lẽ phải. Chính lẽ phải giúp ta nhận diện ra các giá trị của đạo đức cùng lúc trên hai nhân lộ, con đường đầu tiên giúp nhân sinh nhận ra đạo lý của các chuyện hay, đẹp, tốt, lành có mặt trong nhân đạo. Con đường tiếp theo là khi có đạo lý rồi thì nhân sinh sẽ tìm ra luân lý khám phá ra bổn phận với xã hội, trách nhiệm với đồng loại. Từ đây, ranh giới giữa đạo lýluân lý sẽ bị xóa dần đi, để tạo nên sự hòa hợp mới, làm nên các giá trị của lương tri.Hãy lập nên một phương trình mới cho nhân tâm biết bảo vệ nhân phẩm:

(sự thật+chân lý = lẽ phải) + (đạo lý+luân lý = đạo đức) = các giá trị tâm linh.

Và khi phương trình này hình thành thì ta được trao nhận một định nghĩa mới về: tự do, một định nghĩa đẹp vì đây là cùng có tự do với tha nhân, với đồng bào, với đồng loại, để cùng hưởng chung với mọi người, mọi loài. Ngược hẳn với loại định nghĩa thấp hèn về tự do qua cái ích kỷ chỉ cho một người, một phái, một đảng có trong não trạng của bạo quyền lãnh đạo, đã thành tà quyền hãm hại dân tộc, rồi sẽ thành ma quyền buôn dân, bán nước. Sự vận hành toàn bộ của các giá trị của lương tri đi từ cái tôi tới tha nhân, tâm linh là trao không để cùng hưởng chung, mà không hề đòi trả ân, trả oán, từ đây chúng ta có được một định nghĩa về các giá trị tâm linh, qua các chỉ báo rành mạch trong sinh hoạt xã hội, trong đời sống xã hội, trong quan hệ xã hội, vì tâm linh không thể tự định nghĩa, mà phải dựa trên sự phối hợp giữa: luân lý, đạo lý, đạo đức luôn đi đôi kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức; và công bằng, công lý có từ công tâm, công đức luôn chung lứa với lương tâm, lương thiện, lương tri.

Đó chính là chuyện bạn « phê phán » tôi chỉ đi nghiên cứu : « các đồ quốc cấm : dân oan, trẻ bụi đời, công bằng, tự do, nhân quyền, dân chủ, đa nguyên… », tôi cũng xin trả lời luôn cho bạn « yên lòng », mà để tôi cũng « mát dạ » (mà « định hồn » lại), tôi xin trả lời bằng kinh nghiệm của Mục sư L. King và thiền sư Thích Nhất hạnh ; chỉ vì tôi chỉ nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã về chuyện « con người » thôi bạn ạ ! Mục sư L.King (đứa con tin yêu của lòng tin bất bạo động để chống kỳ thị) phân tích trong thời buổi hiện đại của khoa học, cái người (humain) trong cái thánh (sainteté) phải có mặt để bảo vệ các giá trị tâm linh, giúp con người luôn cẩn trọng ngay trên chính mạng sống của mình, khi ông giải thích rằng con người dùng khoa học để chế ra các hỏa tiễn được điều khiển tự động, nhưng chính con người thi đang lầm đường lạc lối trong mê lộ của sự giết chóc lẫn nhau, thì các hỏa tiễn điều khiển tự động này là sự tự sát của con người, chớ không phải là một tiến bộ văn minh gì cả! Khi đấu tranh chống chiến tranh vì hòa bình, vì muốn bảo vệ con người và sự sống, trong lần chuẩn bị cho một cuộc biểu tình ngoài đướng phố tại Mỹ, mục sư L.King có hỏi thiền sư Thích Nhất hạnh là nên chọn khẩu hiệu nào để làm biểu tưởng hòa bình cho cuộc xuống đường này? Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên mục sư L.King nên chọn một ca từ của Phạm Duy, nói lên ý lực của con người tự chối diệt con người: «Tôi từ chối giết người! Vì giết hết người rồi tôi sẽ sống với ai?».

Ta cũng đừng quên Bergson, khi triết gia này phân tích ra hai loại thông minh có mặt trong đời sống của tri thức:

   Loại thứ nhấtthông minh tức khắc đó là sự thông hiểu tính lập đi lập lại của các hiện tượng trong không gian và thời gian để hiểu cách vận hành của chúng, rồi từ đó đặt cứu cánh hợp lý và phương tiện hợp thời để đạt kết quả.

   Loại thứ hai: thông minh xét nghiệm biết xem xét tính lập đi lập lại của các hiện tượng trong không gian và thời gian để khảo nghiệm thực chất của các hiện tượng này.

Và khi lương tri xuất hiện trước hai loại thông minh này, nó sẽ vận dụng nhân sinh quan của nhân tâm, phối hợp cùng thế giới quan của nhân từ, để chế tác ra một vũ trụ quan của nhân lý, trong đó kẻ tự cho mình là thông minh phải lấy nhân tính cao nhất của mình để cùng tha nhân bảo vệ nhân phẩm, nâng cao nhân vị cho nhân sinh.

Trên thượng nguồn, thông minh để quyết định và thông thái vì cẩn trọng khi nhận ra sự lập đi lập lại của các hiện tượng trong không gian và thời gian, cả hai sẽ hiểu nguyên nhân của các sự kiện, cũng như quy luật của các sự cố, để tránh sai lầm trong hành động. Còn tâm linh tìm hiểu chiều sâu của sự kiện bằng nhân tri để cảm nhận sự cố bằng sự rung cảm của nhân tâm.

 Dưới hạ nguồn, thông minh biết nhận ra nguyên nhân của sự thất bại, còn thông thái thì tổng hợp các nguyên nhân của sự thất bại để tránh thảm bại, rồi đi tìm con đường đi khác để tới thành công, mà không kinh qua quá khích và cực đoan. Còn lương tri thì lùi ra để đứng xa trong tỉnh táo, mà phân tích thất bại, để sau đó lương tâm sẽ trở lại đứng gần, sát, cận kề sự thất bại để tìm ra sự cảm thông với kẻ thất bại. Từ đó tìm cách đưa ra một ánh sáng mới, để chỉ cách thoát nạn cho kẻ thất bại, được ra khỏi đường hầm của sự bại trận, để tìm con một con đường khác, bại ít thắng nhiều, vì mang các sác xuất thành công rõ nét. Chuyện lương tri trí thức không dùng các con tính số học mang tính toán của toán học, mà bằng sự cảm nhận đa chiều về nhân thế, qua sự đa dạng của nhân gian.

(Tri) kết

Có lần bạn biết tôi vừa cho xuất bản hai đầu sách Oan luậnBụi luận[1] về dân oantrẻ bụi đời, không nhìn tôi mà bạn cúi đầu lầm bầm khi nói: “Tiếc quá, người học cao như anh mà cứ lần mò vào các chuyện dân oan mất đất, trẻ bụi đời lêu lỏng trên vỉa hè”. Bạn nhớ không? Hôm đó tôi không cúi đầu như bạn mà tôi ngẩng đầu cười vui, nhưng tôi không trả lời; hôm nay tôi xin trả lời nhé bằng câu chuyện vừa rất thường mà cũng vừa rất lạ:  «có lần lang thang trên các vỉa hè chúng quanh chợ Bến Thành, thong dong trong thư thái, nhưng mắt chăm chú nhìn cuộc sống, tai lắng nghe nhịp đời trên các nẻo đường, (bạn hãy thử làm như tôi dù chỉ một lần), bạn có thể gặp cách đối xử này giữa người với người. Hôm đó, tôi đi ngang một phụ nữ bán hàng rong trên vỉa hè, bỗng thoắt thấy chị ta mời một người ăn mày đang đói gục bên đường: “Vào đây ăn chén bún đã!”, kẻ ăn xin như được cứu trong cơn đói rã, trả lời gọn với gương mặt vui: “Dạ! Con cám ơn”. Câu chuyện chưa hết ! Bà bạn hàng bên cạnh người phụ nữ bán bún đâm thọc: “Bộ cho ăn chùa hả! Sao ngu vậy!”, kết thúc câu chuyện là người phụ nữ bán bún mà biết “cho ăn chùa” trả lời với bà bạn hàng của mình thật nhỏ nhẹ, thật gẩy gọn là: “Thấy thương quá!”.

Chỉ một câu thật ngắn này thôi :“Thấy thương quá!”, có đầy đủ lương tri thức trong đó, dù chị bán hàng không là trí thức, một câu vừa đầy đủ nhân phẩm, vừa trọn vẹn nhân tâm, nên tự nó đã là một lương tri vững vàng, vì nó đại diện cho nhân tính của mọi nhân tính! Mà không cần thần thánh giáo dục mình, không cần một mê tín nào xúi dục mình. Lương tri cao hơn bất cứ các giá trị tài chính nào đang có mặt trên cuộc đời này, vì nó bất chấp chuyện định giá! Vì nó bất cần chuyện trả giá! Vì nó bất tuân chuyện đấu giá! Nên nó thấy chuyện “cho ăn chùa” (ăn mà khỏi cần trả tiền) là chuyện vô cùng đẹp ! Và là chuyện rất thông minh giữa-người-với-người ! Trong đó quan hệ với nhau bằng nhân từ là vô giá! Mặc dù đồng loại ích kỷ chung quanh thì kết luận là: “Sao ngu vậy!”. “thấy thương quá!” nên rất hãnh diện nhận bảng hiệu mới: “Sao ngu vậy!” (cũng như tôi đã rất vui mà nhận nhản hiệu : “Đàn ông sao « mít ướt » quá vậy !”). Vì nếu ngunhân đạo, dốt vì nhân nghĩa, dại vì nhân tính, khờ vì nhân từ, thì tôi xin nhận nhân vị này, xin đón nó với niềm vui của kẻ, không “bị” gọi, mà “được” gọi là : ngu!

Bạn ơi! Nếu bạn tặng cho người, trao cho đời một cái gì đó vì bạn : “thấy thương quá!”, mà đồng loại trách rồi xếp  bạn vào (nhất) loại: “cho ăn chùa” và “sao ngu vậy!” Bạn hãy cứ vui trong lòng, nhớ “hoàn hồn”, rồi “cười trong bụng” là bạn vừa nhận được một quà thưởng của tâm linh vô giá, tên gọi của nó là: “Thấy thương quá!”. Bạn à, nhờ kể được cho bạn nghe câu chuyện “Thấy thương quá!” này mà tôi đã hết:“hoảng hồn”, loạn hồn, điếng hồn”, mất hồn”, hết hồn”, “kinh hồn”… vì lá thư của bạn, tôi đã“hoàn hồn” rồi bạn ạ. Thú thật với bạn là hai ngày qua, tôi thật sự là tôi đã:“hoảng hồn”, loạn hồn, điếng hồn”, mất hồn”, hết hồn”… vì lá thư của bạn; nói gần nói xa chẳng qua nói thật, tôi đã ở tâm trạng của sư phụ của tôi là Hàn Mạc Tử : «Một nửa hồn tôi đã chết/ một nửa hồn kia bỗng dại khờ», giờ được tâm sự với bạn về câu chuyên lương tri của trí thức, nên tôi đã thật sự “hoàn hồn”. Bạn yên tâm nhé.

Người được bầu làm sư tổ của triết học là Platon, có một người thầy bị hại bởi tà quyền rồi bị giết bởi bạo quyền, người đó chính là Socrate, ông thầy của sư tổ để lại cho đời một câu, mà ta nên trích ra đây để thêm nội công cho cuộc đối thoại của chúng ta : « Những vương quốc cao nhất của tư tưởng, chúng ta sẽ không sao tới được, nếu trước đó chúng ta không đủ trình độ để tới gặp lòng từ bi ».



Chào tương tri trong bằng hữu,

chúc bạn có lương trong tri !

Thấy trong thương nhé!






[1] Oan Luận, Anthropol-Asie xuất bản, Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa) ;

Bụi Luận, Anthropol-Asie xuất bản, Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa)