(Dân trí) - “Phí chia tay”, hay còn
gọi phí du lịch, phí xuất cảnh - một loại phí vừa được đại biểu Quốc hội đoàn
TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hưng đề xuất tại hội trường Quốc hội ngày 12/6 trong
khuôn khổ phiên thảo luận về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam -
bỗng gây… “náo động” cử tri cả nước.
Ông Hưng nói rằng, đây là việc “học tập kinh nghiệm” thu phí xuất nhập cảnh
từ một số quốc gia trên thế giới mà mới đây nhất là Nhật Bản với mức áp dụng
“phí chia tay” 1.000 yen/người (khoảng 9,3 USD) khi công dân nước này ra nước
ngoài.
Ở Việt Nam, theo đề xuất của ông Nguyễn Quốc Hưng, phí này khoảng 3-5
USD/người khi xuất cảnh. Tiền này sẽ được trích cho các cơ quan ngoại giao có
kinh phí bảo hộ, hỗ trợ công dân khi ra nước ngoài gặp khó khăn; để cơ quan
xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc, kỹ thuật… phục vụ công tác
xuất nhập cảnh, đầu tư xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh của đất nước.
Tôi không rõ ông Nguyễn Quốc Hưng nêu lên vấn đề này trên tư cách một người
đại biểu của nhân dân hay là với tư cách nguyên lãnh đạo của Tổng cục Du lịch
(Ông Hưng từng làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)?
Nếu như với tư cách thứ hai thì tôi nghĩ rằng, ông Hưng đã lựa chọn sai
diễn đàn để phát biểu. Còn nếu là một người đại biểu của nhân dân, thì qua BLOG
Dân trí, tôi xin mạn phép nhắn hỏi cử tri TP Hà Nội có ai mong muốn được đề
xuất và được thông qua “phí chia tay” mà vị đại biểu vừa nêu không?
Đành rằng “học hỏi kinh nghiệm quốc tế” là cần thiết, nhưng học hỏi cũng
phải chọn lọc và có sự nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ lưỡng. Chứ cái gì cũng đề
xuất học hỏi thì dễ lại “đẽo cày giữa đường”, không ổn, không hề ổn!
Thứ nhất, ai cũng thấy rằng phí nào sinh ra cũng mang tính hạn chế đối với
hoạt động bị tính phí. Nếu loại phí “chia tay” này được áp dụng đương nhiên sẽ
góp phần hạn chế việc xuất cảnh, giao lưu, buôn bán của người dân.
Bản thân ông Hưng trong bài phát biểu của mình cũng đã thừa nhận về
điều đó. Vậy chẳng có nhẽ, ông Hưng - từng là một lãnh đạo trong ngành du lịch
lại có mong muốn đi ngược lại với chủ trương mở rộng, thúc đẩy giao lưu hợp tác
của đất nước thời mở cửa?
Thứ hai, về mục đích sử dụng phí để hỗ trợ công dân, rõ ràng là không hợp
lý. Dân đã nộp thuế để được hưởng phúc lợi và sự phục vụ của cán bộ Nhà nước.
Nên bảo nộp phí để nhân viên hải quan tươi cười, phục vụ tốt hơn cho khách xuất
cảnh và để công dân được Nhà nước bảo hộ… thì quả thực lý do ấy rất nực cười!
Thứ ba, ông Hưng có nói với báo chi rằng, mức 3-5 USD mà ông đề xuất là
“không nhiều”, chỉ tương đương với “một bữa ăn sáng”. Thế nào là một bữa ăn
sáng thưa ông, khi mà thu nhập bình quân của dân ta mỗi tháng chỉ hơn 215 USD
và chưa bước ra đường đã vấp vào bao nhiêu loại thuế, phí?!
Tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam (theo số liệu của WB năm 2017) đã là
20%, cao hơn nhiều so với Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia... “So với
thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực nhưng tỷ lệ thu
cao hơn đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên
GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác” (VOV-31/10/2017).
Và thử tưởng tượng xem, nếu loại phí “chia tay” này được thông qua thì sẽ
có biết bao nhiêu ngành khác sẽ vin vào mà “học hỏi”, “sáng tạo” nên những loại
phí khác?!
Dù sao, diễn đàn Quốc hội cần là nơi nêu lên nguyện vọng của dân, nói lên
tiếng nói, mong mỏi của cử tri. Mỗi phút, mỗi giây nêu ý kiến trước diễn đàn
Quốc hội, đại biểu cần nâng niu và coi đó là cơ hội quý báu để nêu bật vấn đề
bức xúc trong dân, sử dụng cơ hội đó một cách hiệu quả, chứ không nên là nơi
tranh thủ nêu đề xuất chỉ có lợi cho ngành mình đang phụ trách.
Nếu chỉ vì lợi ích của ai đó, của ngành nào đó mà không phải vì lợi ích
chung của nhân dân thì danh xưng “đại biểu Quốc hội” đã giảm đi ít nhiều ý
nghĩa đẹp đẽ vốn có rồi!