30 juin 2019

CẦN BIẾT KÍNH SỢ NHỮNG GIÁ TRỊ PHỔ QUÁT


Dương Quốc Việt

Thứ bẩy ngày 29 tháng 6 năm 2019 12:52 PM


Có thể nói toàn bộ lịch sử tiến hóa của nhân loại, suy đến cùng, dường như đó là những cuộc chiến, giữa những người bảo vệ những giá trị phổ quát của nhân loại, với những thế lực chống lại những giá trị cốt lõi đó. Những giá trị phổ quát của con người, không có gì khác, đó chính là một hệ giá trị tồn tại độc lập-khách quan, mà tạo hóa ban tặng cho mỗi con người. Vì vậy nó chẳng những xứng đáng được bảo vệ, như một lẽ sống còn, mà còn phải được tôn kính, thậm chí còn cần phải biết KÍNH SỢ.



Biết bao lời răn dạy, để lại dưới mọi hình thức, từ ca dao-tục ngữ, đến những cuốn thánh kinh, thì một trong muôn vàn cái điều biết kính sợ, phải chăng biết kính sợ trước những giá trị phổ quát của con người, là điều được nhắc nhở nhiều nhất? Bởi chỉ khi biết kính sợ điều này, mà kẻ mạnh không dám bắt nạt kẻ yếu, cha không dám hành hạ con, thầy không dám thóa mạ trò, vua không dám hành xử tùy tiện với bề tôi…

Trong mọi nền văn hóa, cái tâm kính sợ những giá trị phổ quát, là một mỹ đức căn bản. Đặc biệt đối với quốc gia-dân tộc, nhờ cái tâm kính sợ này, mà kẻ cầm quyền tránh được cái họa độc tài, nhà nước không xa dân, biết kiến tạo những đường lối phát triển, hợp với quy luật của tạo hóa, hợp với lòng người, làm cho quốc thái dân an. Ngược lại, sẽ là những thể chế độc tài, tước đi những quyền căn bản của con người, lòng dân không yên, quốc gia rối loạn, băng đảng cát cứ, như đã thấy trong lịch sử.

Bàn về hệ những giá trị phổ quát của con người, là một vấn đề không đơn giản, nhưng rõ ràng nếu biết nhìn nhận từ lịch sử hưng-vong của những triều đại, những thể chế, sẽ giúp người ta nhận ra, và làm giàu thêm cho hệ giá trị này. Chẳng hạn chúng ta biết rằng, mặc dù ở Việt Nam-thời điểm trước khi ra đời Bản tuyên ngôn độc lập, thì ý niệm về “bình đẳng và dân chủ” còn hết sức xa vời, nếu không muốn nói là xa lạ với hầu hết người Việt, nhưng đó lại là một trong những giá trị phổ quát mà mọi quốc gia tiến bộ đều hướng tới, bởi vậy câu mở đầu trong bản tuyên ngôn này: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”-đã được trích từ Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ-ngày 4 tháng 7 năm 1776.

Từ lịch sử nhân loại cho thấy, có không ít những nhà nước đưa ra những đạo luật hay mệnh lệnh đi ngược lại với những giá trị phổ quát của con người. Rằng điều đó thường thấy rõ ở những nền độc tài chính hiệu, nhưng ngược lại cũng có không ít những nền dân chủ “giả hiệu”-hiến pháp của họ, mặc dù có thừa nhận những giá trị phổ quát nào đó, nhưng người ta không thực thi pháp luật, hoặc không bình đẳng trước pháp luật, để đảm bảo những quyền lợi cho công dân của họ.

Như vậy, những giá trị phổ quát của con người, một mặt cần phải được thừa nhận, bảo vệ, không chỉ được thể hiện trong hiến pháp và pháp luật, mà nó cần phải được thực thi một cách nghiêm ngặt. Tất nhiên việc thừa nhận hệ những giá trị phổ quát, cũng như thực thi nó đến đâu, còn phụ thuộc vào văn hóa, giáo dục, vào dân trí, nhưng trước hết là phụ thuộc vào thể chế. Và trên tất cả là cái tâm biết kính sợ của con người trước những giá trị này.

Biết bao bài học, cho những kẻ dám tước đi những quyền lợi tối thiểu của con người, nhưng tiếc thay, vì tham vọng bất kham, hay ươn hèn, ấu trĩ-ngộ nhận, mà nó vẫn cứ luôn lặp lại, để rồi những lời sám hối muộn mằn vẫn cứ diễn ra. Bởi phải chăng như Adolf Hitler (1889-1945)-kẻ mang trọng tội chống nhân loại, đã thú nhận trong bản di chúc và tuyên cáo chính trị-1945, rằng: “Con người của nhân dân”, đã không rút ra được bài học nào từ kinh nghiệm của những người đi trước!? Vì vậy, phải chăng câu chuyện liên quan đến những quyền căn bản của con người, sẽ mãi mãi đi cùng lịch sử!?

Mặc dù con người luôn bị dẫn dắt và xui khiến bởi những dục vọng, đặc biệt là những tham vọng quyền lực, nhưng dân gian có câu “Con giun xéo mãi cũng quằn“, luôn là lời cảnh báo cho những kẻ bạo ngược, dám chà đạp lên những quyền căn bản của người khác. Vì thế mà những thể chế độc tài, những kẻ tàn ác, dẫu có sức mạnh và gian giảo đến đâu, thì sớm muộn cũng bị phơi bầy và bị tiêu diệt!

Bởi vậy, để cùng chung sống và tồn tại trong xã hội của mình, mà mỗi con người, mỗi thực thể xã hội, còn cần phải biết thỏa hiệp, biết kính sợ mà khống chế dục vọng của mình. Một mặt cái tâm biết kính sợ, và trước hết là biết kính sợ những quyền căn bản của con người, phải luôn được nhắc nhở, giáo dục, để thấm vào máu của mỗi con người, mặt khác con người còn luôn phải biết cảnh giác và khống chế-kiểm soát quyền lực.


http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/can-biet-kinh-so-nhung-gia-tri-pho-quat