“Theo Cộng Sản vì yêu nước, bị phản bội, còn đau hơn là những người đã biết thực chất CS từ những ngày đầu. Cuộc đời của anh Trí là một thảm kịch. Như cuộc đời của rất nhiều người VN” (Từ Thức). |
Nguyễn thị Cỏ May -
Hôm 17 tháng 5, chúng tôi hẹn nhau tại một địa điểm ở Paris X, gặp
nhau, thăm hỏi nhau và ăn trưa, nói chuyện vui với nhau nhơn có một người
bạn ở Poitiers lên Paris. Việc hẹn gặp nhau, chúng tôi thường làm khi
có cơ hội.
Gần tới giờ, anh
Võ Nhơn Trí điện thoại “xin cáo lỗi vì đi khám bệnh về, mệt lắm,
lết không nổi nữa”.
Bạn bè ai cũng
nghĩ lớn tuổi, đi khám bịnh về, thường bị mệt vì ngồi chờ đợi,
khám với những tư thế xoay trở, hít thở, quơi tay, dang chân... làm cho
bệnh nhân dễ bị căng thẳng và mệt. Đi khám bệnh, anh Trí đi bộ, lên
xuống bus/métro, đi về 2 bận, càng dễ bị mệt hơn tuy đi không xa lắm
vì chỉ trong Paris.
Hôm sau, bạn điện
thoại thăm anh nhưng không nhận được trả lời, lại nghỉ anh mệt, không
dậy lấy điện thoại.
Rồi ngày qua...
không như anh em nghĩ anh “không lết nổi nữa” trong ý nghĩa bình thường
của cách anh nói. Mà lần này nó có ý nghĩa khác hẳn. Anh không lết
nổi nữa mà anh đi. Vì anh đi được. Anh đi thật xa, thật cao, nơi không
gian mênh mông, vô tận.
Anh vĩnh viễn từ
giã anh em, bạn bè, chơi với nhau, thân nhau từ năm 1984, ngày anh trở
lại Pháp.
Nam kỳ, tiều tư sản, trí thức tây học
Võ Nhơn Trí sanh
tại Sa Đéc tháng 11 năm 1927, lớn lên bên quê nội Rạch Giá, học Trung
học nội trú ở Taberd Sài Gòn.
Thật sự ông không
phải tên Võ Nhân Trí mà là Robin Võ. Cũng như nhiều gia đình Tây học,
giàu có ở Nam kỳ, ông có quốc tịch Pháp, lấy tên theo Pháp. Năm 1960,
ông đưa vợ cùng về Hà Nội, tới Tòa Đại diện Hà Nội ở Paris làm
thông hành, họ mới bỏ tên Tây thực dân, viết tên Việt Nam là Võ NHÂN
Trí cho ông.
Anh em phê bình
“Anh là dân Nam kỳ chính gốc thì phải NHƠN chớ tại sao NHÂN?”. Ông nói
tụi nó viết, tui cũng không thèm để ý. Vậy bây giờ viết lại NHƠN, bỏ
NHÂN đi. Từ đây, tên của ông ghi trên sách, các bài biên khảo của ông,
mới viết là Võ NHƠN Trí. Tuy nhiên cũng còn nhiều nơi viết NHÂN theo
thói quen cũ.
Ở nội trú
Taberd, lúc lên Đệ Nhị cấp, phòng ngủ của ông thuộc dãy nhà nằm sát
tường bên kia là Bót Catinat. Nhiều đêm, ông giật mình thức giấc vì
những tiếng rên la của phạm nhân bị lính Tây tra tấn. Tỉnh ngủ, nằm
suy nghĩ, ông cảm thấy ghét lính Tây. Ngày qua ngày, ông thấy hận thù
Tây thực dân.
Xong trung học,
gia đình cho ông qua Pháp học đại học. Ở Paris, ông học chính trị ở
Viện Chính trị học, tốt nghiệp Trường Quốc gia Tổ chức Kinh tế và
Xã hội (ENOES - Kỹ sư Thương mại), Tiến sĩ Luật, và qua Anh học thêm
Kinh tế (Ph.D).
Năm 1960, ông đưa
vợ cùng về Hà Nội phục vụ chế độ cộng sản Bắc Việt. Đây là sự chọn
lựa của ông do phản ứng từ lòng thù hận lính Tây thực dân những năm
tuổi trẻ ở nội trú Taberd. Nếu ông về Sài Gòn như nhiều người khác,
thì cuộc đời của ông chắc chắn đã khác, thật sự có cơ hội và điều
kiện tốt để phục vụ đất nước, có đời sống gia đình giàu sang. Hoặc
ông ở lại Pháp, vừa không phải sống trong lo sợ chiến tranh vì bà vợ
là Dược sĩ, Vi trùng học, đang làm việc ở Viện Pasteur có lương
lớn.
Về tới Hà Nội,
việc đầu tiên là khai sơ yếu lý lịch. Ông thành khẩn khai báo “gia
đình địa chủ, tiểu tư sản, học ở Pháp Anh. Cả vợ cũng gia đình
tiiểu tư sản, Tây học”.
Nhắc lại, lúc ở
Sài Gòn, vì căm thù Tây thực dân, khi qua Pháp, năm 1952, ông liền gia
nhập đảng cộng sản Pháp để cùng với giới trẻ tả phái tranh đấu
chống thực dân ở thuộc địa. Về Hà Nội, qua năm sau, ông được kết nạp
vào đảng CSVN.
Nhưng cả ông bà
suốt hai năm đầu được đảng đãi ngộ, chỉ cho ngồi chơi, đi tham quan,
chớ chưa cho một việc gì làm. Hăng hái, nhiệt tình phục vụ đất nước
xã hội chủ nghĩa mà, hết ngày này qua tháng kia, chỉ ngồi chơi thì
không gì khác hơn, đối với người trí thức có nhu cầu làm việc, là
một hình phạt, một cách tra tấn tinh thần day dẳng, ngấm ngầm mà bào
mòn theo ngày tháng. Thật ghê gớm!
Sau cùng, bà vợ
của ông được chỉ định làm việc trong một phòng thí nghiệm với một
chị Trưởng phòng răng đen mả tấu, dược sĩ tốt nghiệp Hà Nội và Liên
Sô, mà kiến thức chuyên môn, theo bà Trí nhận xét, không bằng một nhân
viên trợ lý phòng thí nghiệm (laborantine) ở Viện Pasteur nơi bà làm
việc trước kia. Đúng hơn không khác gì một lao công rửa dụng cụ thí
nghiệm. Nhưng tác phong của Trưởng phòng để lãnh đạo nhân viên dưới
tay bà thì hoàn toàn cách mạng đỏ ói.
Về phần ông Trí,
ông được cho làm việc với tư cách Chuyên viên nghiên cúu ở Ủy Ban Khoa
Học Xã hội Việt Nam (Viện Kinh tế ở Hà nội và Viện Xã hội ở Tp/HCM
sau 1975).
Năm 1967, ông viết
quyển “Phát triển kinh tế của Cộng hòa Dân chủ Việt Nam 1945-1965”. Khi
biên soạn, ông được phép vào kho luu trử dữ liệu kinh tế để tham
khảo. Nhân cơ hội này, ông mới biết những dữ liệu kinh tế có những
mức độ chính xác khác nhau, dành cho cán bộ ở cấp bực và trình độ
cũng khác nhau.
Những tài liệu
gần với sự thật hơn hết chỉ dành cho Bộ Chính trị, gần gần với sự
thật thì dành cho cán bộ Trung ương đảng, những tài liệu dành cho cán
bộ tuyên truyền ra quần chúng thì chỉ còn sự thật của tuyên
truyền.
Cán bộ nghiên
cúu, ông cũng chỉ được quyền tham khảo nhưng khi sử dụng thì phải
biết giử đúng liều lượng cần thiết.
Ngoài công việc
nghiên cúu theo chỉ thị của đảng, ông còn được đưa qua phái đoàn tuyên
truyền cho chiến tranh giải phóng ở các nước Đệ tam như Algérie, Châu
Phi. Trong công tác này, ông được đảng và chính phủ long trọng giới
thiệu ông thuộc thành phần đại địa chủ, tư sản, Tây học ở Nam Bộ mà
từ bỏ giai cấp, sớm giác ngộ cách mạng nên theo cách mạng. Ông dĩ
nhiên được hoan nghênh nhiệt liệt. Công tác quan trọng của ông là đi
tuyên truyền cho Mặt Trận Giải phóng Miền Nam.
Có lần trên
đường về, ông ghé qua Paris. Ông được bạn bè Việt kiều yêu nước ở
Paris mời tới nhà ăn cơm. Họ hỏi ông tình hình ở Hà Nội, địa vị và
quyền lợi của người về phục vụ đất nước như ông. Có lẽ họ cũng có
ý định về. Ông Trí kể hết những gì ông chứng kiến, ông thể nghiệm
qua thân phận của chính ông và ông cực lực khuyên họ đừng bao giờ về.
Và ông căn dặn đừng nói ra vì ông còn trở về bên ấy.
Sau 1975, nhiều
người gốc Miền nam lần lượt về Nam. Riêng ông nhiều lần xin về, vẫn
không được về. Mãi mấy năm sau, ông mới được về Nam. Khi lấy giấy phép
về công tác Viện Khoa Học Xã hội Tp. HCM, ông gặp Phó Thủ tướng Trần
Phương. Ông Phương hỏi ông có biết tại sao tới nay, ông mới được phép
về Nam hay không?
Ông thật thà bảo
không biết. Ông Phương giải thích nếu cho ông về sớm như mấy người kia
thì trí thức Nam Bộ sẽ không còn một người. Ông Phương hỏi ông có
nhớ lúc ông ghé qua Paris trước kia, ông nói gì với Việt kiều hay
không?
Ông Trí giựt
mình. Ông đã căn dặn anh em giử kín cho ông thế mà vẫn có người báo
cáo.
Năm 1980, từ Sài
gòn, ông về Sa Đéc ăn giỗ. Xe đò ngừng chờ qua phà Mỹ Thuận. Ông đi ra
mé sông đi tiểu. Bỗng đâu công an ập tới bắt ông, cho ông toan vượt biên.
Ông bị nhốt và điều tra. Tối ngủ trên nền đất với những tù khác đủ
loại. Ông xuất trình giấy tờ cán bộ nghiên cúu Viện Khoa học Xã hội
nhưng công an lờ đi. Sau cả tháng, cán bộ Chủ nhiệm của ông ở Hà Nội
đem giấy tờ vào trình công an, ông mới được thả ra. Lúc cán bộ chủ
nhiệm tới, vốn quen biết lâu ngày, khá thân, nhưng hôm ấy, anh ta làm
mặt lạnh nhạt, không chào hỏi, không bắt tay, không nói một câu hỏi
thăm nhau. Ông Trí thấy thêm tình đồng chí cách mạng thật thấm
thía.
Trả thẻ đảng, qua Pháp
Sau khi gia đình
lần lượt tìm cách qua Pháp, ông ở lại làm con tin. Năm 1984, ông mới
có cơ hội đi khỏi Việt Nam nhờ người em, đệ tử của nhà toán học
Laurent Schwartz, yêu cầu ông can thiệp với Hà Nội nhân một phái đoàn
pháp gặp Chính phủ Hà nội. Thật ra Hà Nội cũng chẳng muốn giữ ông
lại làm gì, chỉ tốn cơm mà còn thêm thấy ghét.
Trở qua Pháp, cả
ông bà đều cao tuổi. Bà phải làm lại cuôc sống từ đầu. Đi làm công
cho pharmacie ở ngoại ô, nơi 8 giờ tối là hết xe. Nhiều lúc bà phải
lội bộ vài km, cả dưới trời tuyết.
Còn ông có dịp
suy nghĩ, viết lách tự do, hoàn toàn theo suy nghĩ của ông. Ông được
một Trường đại học ở Nhật mời viết về kinh tế Việt Nam sau 75.
Năm 1990, ông viết
xong quyển “Chính sách kinh tế Việt Nam từ 1975” do Đại học Singapore
xuất bản, sau 3 năm làm việc cho Viện Đại học. Quyển này được tái
bản năm 1992.
Ngoài sách, ông
còn viết nhiều bài biên khảo phê phán chính sách kinh tế, chính trị
của Hà Nội cho các báo Việt ngữ hải ngoại. Ông tham dự nhiều chương
trình hội thảo chính trị ở Sydney do Trung Tâm Đồng Tâm tổ chức (1995),
ở Hoa kỳ (AEI - American Enterprise Institute for Public Policy Research), ở
Quốc Hội Hoa Kỳ do Ủy Ban Quốc tế Yểm trợ Việt Nam Tự do tổ chức,
trả lời nhiều cuộc phỏng vần của các Đài phát thanh (RFA) về Hà
Nội vi phạm nhân quyền, về tội ác của chính sách cộng sản ở Việt
Nam...
Ở đâu, lúc nào
có cơ hội là ông hăng hái vạch trần sự bịp bợm, sự tàn ác của chế
độ CS Hà Nội đối với dân chúng Việt Nam. Ông tâm niệm mình đã từng
nạn nhân của chế độ, từng chứng kiến chính sách phi nhân ấy, nay có
cơ hội nói tự do, phải tố cáo nó cho mọi người biết để đừng để bị
chúng nó gạt. Biết mà không nói ra là có tội. Ông còn nói rõ “Đó
là crime” (tội hình sự / trọng tội).
Ở Paris, mỗi khi
có một phái đoàn chính phủ Hà Nội qua vận động, tuyên truyền với dư
luận người Pháp và Việt kiều, ông tới tham dự để chất vấn, làm cho
dư luận hiểu sự thật ở Việt Nam. Có lần phái đoàn do Phó Thủ tướng
Chính phủ hướng dẩn, nói chuyện về Việt Nam phát triển để mời gọi
Pháp đầu tư. Phó Thủ tướng Phan văn Khải nói bằng tiếng việt, có
người thông dịch cho cử tọa người Pháp. Ông Trí can thiệp, dĩ nhiên
phải nói tiếng Pháp. Thấy đại diện Hà Nội vẫn nói lấy được như ở
trong xứ, ông phản bác mạnh. Trong lúc bực tức, ông không kềm được nên
chửi thề (theo thói quen của ông) trước khi nói lời bằng tiếng Pháp.
Dĩ nhiên chỉ có người Việt hiểu và Việt kiều, cả ông Phó Thủ tướng
đều xụ mặt.
Võ Nhơn Trí là
vậy. Và anh em thương Võ Nhơn Trí cũng vì cái Nam kỳ đặc sệt
đó.
Việt Nam cần đổi mới thật sự
Sau thời gian dài
theo dõi sát tình hình Việt Nam, Võ Nhơn Trí viết quyển “Việt Nam cần
đổi mới thật sự” bằng tiếng Việt do Đông Á ở Vancouver, Canada, xuất
bản năm 2003. Quyển sách làm Hà Nội cay cú vì ông vạch trần những
sai lầm, những dối trá, bản chất chế độ là độc tài ác ôn vì rặp
khuôn theo Tàu làm mẫu mực.
Ông giải nghĩa
chính sách “đổi mới” là sự chuyển hóa chủ nghĩa xã hội theo kiểu
“Mác-Lê-Mao” sang thứ chủ nghĩa xã hội theo kiểu “Mác-Lê-Đặng” và “tư
tưởng Hồ Chí Minh”.
Theo Yang Chungi,
một nhà chính trị học Trung Quốc, chính sách đổi mới ở Việt Nam thực
hiện theo những điểm căn bản sau đây rặp khuôn Trung quốc:
- Phát triển lực
lượng sản xuất,
- Dân giàu nhưng
lần lượt kẻ trước, người sau,
- Kinh tế thị
trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,
- Dân chủ XHCN,
pháp luật XHCN, văn hóa XHCN…
- Mở cửa ra các
nước tư bản nhằm học tập, lợi dụng vốn liếng, kỹ thuật của tư bản
để xây dựng CNXH, hiện đại hóa nền kinh tế, nhất là trong giai đọan
đầu của CNXH (nhưng giai đoạn này kéo dài không biết bao lâu, cả ngàn
năm?
Còn tư tưởng Hồ
Chí Minh?
Võ Nhơn Trí
viết “Theo gương đảng
cộng sản trung quốc đề cao tư tưởng Mao Trạch Đông, đảng cộng sàn Việt
Nam cũng từ 1991 trở đi, đề cao một cách giả tạo cái gọi là tư
tưởng Hồ Chí Minh tại Đại hội 7 của họ để có chút ít bản sắc dân
tộc sau khi Liên Sô và Đông Âu sụp đổ”.
Hồ Chí Minh tâm
đắc quan điểm của Staline “Đảng cộng sản là công cụ của chuyên chính
vô sản” và “chuyên chính vô sản về thực chất được thay thế bởi chuyên
chính của đảng cộng sản”. Mà trong thực tế, chuyên chính của đảng
cộng sản là chuyên chính của một người, đó là Staline. Vì vậy, Boris
Souvarine từng cho rằng Hồ Chí Minh là một đệ tử tuyệt trần của
Staline.
Anh đi về đâu, Anh mất về đâu?
Hôm mùng 7 tháng
6, tại phòng tang lễ “Dernier Hommage” của nghĩa trang Père Lachaise ở
Paris XX, có hai người bạn thân lâu năm của Võ Nhơn Trí, có mặt để
tiễn đưa ông lên đường.
Cụ TTH, bạn cùng
tuổi với Cụ Võ Nhơn Trí, ngõ lời thương tiếc người bạn vừa ra đi “Mọi cuộc chia ly đều buồn thảm, kể cả những cuộc chia ly người ta
ước muốn”, như nhà văn danh tiếng của Pháp, Anatole France, thế kỷ trước, đã
viết như vậy. Với thân nhân của người quá cố nỗi buồn chia tay vĩnh viễn với
ông mênh mang như ảnh tượng trong thơ của Đỗ Phủ “càn khôn hàm sang di, trời
đất còn mang vết thương đau”.
Ông Võ Nhơn Trí,
thông qua những hoạt động dưới nhiều hình thức của mình, đã xử sự như một nhà
tư tưởng độc lập, tự do.
Anh ra đi trong nỗi
thương nhớ của thân nhân và bạn bè.
Anh đã để lại cho
đời sau cả một di sản tinh thần của trí tuệ, của lương tâm cao thượng của một
nhà trí thức chuyên gia mang hoài bão Kinh Bang Tế Thế. Nhưng thời thế đã ngăn
trở anh Kinh Bang. Đó là một nghịch lý mà hơn một nửa thế kỷ nay anh quyết chí
xóa bỏ. Anh đã tận dụng mọi cơ hội để vang vọng lời kêu gọi xoá bỏ của anh trên
nhiều diễn đàn trong nước cũng như ngoài nước. Lời kêu gọi không khoan nhượng
của anh, những lời kêu gọi mang tính cách mạng cải tạo xã hội được lắng nghe ở
khắp nơi trong sự thuyết phục và kính trọng.
Thái độ kiên trì
của anh đã dựng lên một sự nghiệp cải tạo thời thế gương mẫu. Và thái độ ấy đã
lôi cuốn lòng người lên đường xây dựng một cuộc đời tươi đẹp được giải phóng
khỏi nghèo túng và sợ hãi, chẳng những cho dân tộc Việt Nam mà cho cả nhân
loại.
Rất đáng tiếc là
anh đã vĩnh viễn ra đi khi sự nghiệp cứu giúp cuộc đời của anh chưa thành
đạt.
Thật là một vinh dự
đặc biệt cho chúng tôi dịp này được nhắc nhở công lao cao đẹp của một nhân vật
mà kiến thức bén nhọn, toàn trí toàn tâm phục vụ vô vụ lợi đã triển khai tài
năng, tâm trí làm đẹp cuộc đời.
Cầu mong anh sớm
đến thế giới ở phương Tây xa thẳm, nơi Hoa Khai Kiến Phật Ngộ Vô Sinh.
Xin vĩnh biệt anh
Võ Nhơn Trí”
Vĩnh biệt một
trí thức lương thiện!
Nhà báo Từ
Thức, trong lời “Tiễn đưa Võ Nhơn Trí” viết “Theo Cộng Sản vì yêu nước, bị phản bội, còn đau hơn là những người đã biết
thực chất CS từ những ngày đầu. Cuộc đời của anh Trí là một thảm kịch. Như cuộc
đời của rất nhiều người VN”. Bởi trong xã hội ở Việt Nam
ngày nay, người lương thiện, ái quốc không có chỗ đứng.
Một người bạn
khác, nhà Toán học BDKhanh, nghe tin Anh Võ Nhơn Trí mất, gởi ngay 2
câu thơ của Bùi Giáng để tưởng niệm người bạn quá cố:
“Bao đêm thao thức thật thà
Tìm tòi chân lý, té ra tầm ruồng!”
14.06.2019
Nguyyễn thị Cỏ May