29 juin 2019

'Xảy ra nhũng nhiễu, sao người đứng đầu đơn vị không biết?'


(PLO)- “Tham nhũng lớn được xử lý rất mạnh, tạo được lòng tin trong người dân nhưng tham nhũng vặt lại làm xói mòn lòng tin đó”- bà Hải nói.

Tin liên quan


Trưởng ban Dân nguyện
 Nguyễn Thanh Hải.
“Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, nghe những câu người dân nói thấy rất đau xót. Họ nói nạn tham nhũng vặt khi cấp sổ đỏ, giấy khai sinh… tại sao người dân biết, DN biết nhưng người đứng đầu cơ quan đó lại không biết?”. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề vào sáng 27-6 như trên.


Bà Hải phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng Chỉ thị nói trên ra đời đã “gãi đúng chỗ ngứa của người dân”.


Theo bà Hải, nạn phong bao, phong bì, lót tay người dân khi thực hiện dịch vụ hành chính công, khi xin học cho con, khám chữa bệnh, làm sổ đỏ, thi bằng lái xe, khi vi phạm giao thông phải chung chi với lực lượng CSGT… có thể nói là xảy ra hàng ngày, hàng giờ. 

“Tham nhũng lớn được xử lý rất mạnh, tạo được lòng tin trong người dân nhưng tham nhũng vặt lại làm xói mòn lòng tin đó”- bà Hải nói.

Theo bà, Chỉ thị của Thủ tướng đã nhận diện được gần 20 hành vi tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn và xử lý. Tuy nhiên, bà mong các cơ quan chức năng quan tâm đến công tác triển khai thực hiện, bởi các nguyên nhân nêu trong chỉ thị cũng đã được đề cập nhiều trước đó. 

Trưởng ban Dân nguyện sau đó nêu hàng loạt vấn đề cụ thể.

Về công tác tiếp công dân, theo bà Hải, công tác giám sát ở nhiều tỉnh, thành phố cho thấy công tác này chưa thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Năm 2018, tính trung bình tiếp công dân của người đứng đầu cấp tỉnh chỉ đạt con số 50%, còn lại là uỷ quyền cho cấp phó. Người đứng đầu UBND cấp tỉnh theo quy định một năm thực hiện 12 cuộc tiếp công dân, trung bình mỗi tháng một cuộc, nhưng theo thống kê chỉ đạt được 6 buổi/năm. 

Ở cấp huyện, Chủ tịch huyện phải tiếp công dân 2 buổi/tháng, 24 buổi/năm nhưng trung bình các huyện trên toàn quốc chỉ đạt khoảng 75-78%.

Đáng chú ý, theo quy định, Chủ tịch xã phải tiếp công dân 4 buổi/tháng nhưng theo thống kê, chủ tịch UBND cấp xã tiếp định kỳ chỉ đạt khoảng 25%, tức là 1 buổi/tháng.

Thứ hai, về công tác thanh tra công vụ, bà Hải cho rằng Thanh tra Chính phủ (TTCP) hay Thanh tra các địa phương thường chỉ quan tâm thanh tra các vụ việc lớn.

Trong khi đó, việc thanh tra công vụ của các sở ngành hoặc thanh tra công vụ của các tỉnh (về những việc nhũng nhiễu, gây phiền hà của các sở, ban, ngành thuộc thẩm quyền thanh tra của các ngành) tuy đã được quan tâm hơn, nhưng số liệu bao nhiêu vụ việc đã được xử lý, bao nhiêu cá nhân đã bị xử lý, xử lý như thế nào nếu không tiếp công dân đúng quy định hoặc có biểu hiện nhũng nhiễu thì không nêu ra được.

“Chúng tôi đề nghị tập hợp báo cáo số liệu về hoạt động thanh tra công vụ này 6 tháng một lần và công khai cho người dân biết. Vừa rồi có việc 4.000 bộ hồ sơ ở tỉnh quá hạn chưa được giải quyết, đồng chí Chủ tịch tỉnh yêu cầu phải xin lỗi người dân và giải quyết ngay. Tuy nhiên sau đó, việc xử lý cán bộ làm chậm trễ như thế nào thì không thấy nêu”- bà Hải dẫn chứng.

Một vấn đề khác đáng quan tâm là chống tham nhũng ngay trong đội ngũ làm công tác chống tham nhũng. “Sự việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc vừa qua chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng làm cho người dân rất băn khoăn và đang trông chờ xem sự việc sẽ được giải quyết thế nào? Người dân mong muốn sự việc được giải quyết nghiêm minh để từ đó có những răn đe đối với những thành phần khác”- bà Hải nói.

“Các văn bản đều nêu xử lý nghiêm, nhưng người dân đặt vấn đề xử lý nghiêm là như thế nào? Bao nhiêu trường hợp tham nhũng vặt đã bị xử lý?”- bà Hải nói thêm đồng thời kiến nghị cần tuyên truyền cho người dân biết quyền của họ được hưởng các dịch vụ công mà không cần phải chi phí lót tay và nếu xảy ra việc tham nhũng vặt đó sẽ bị xử lý nghiêm…

Cuối cùng, bà đề nghị quan tâm tới trách nhiệm của người đứng đầu, được nêu rất rõ ngay phần đầu của Chị thị. “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, nghe những câu người dân nói thấy rất đau xót. Họ nói nạn tham nhũng vặt khi cấp sổ đỏ, cấp CMND, giấy khai sinh… tại sao người dân biết, DN biết nhưng người đứng đầu cơ quan đó lại không biết?”- Trưởng ban Dân nguyện đặt vấn đề.


“Chị Hải nói câu mà tôi thấy rất tâm đắc là không thể nói người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan đơn vị lại không biết là ở khu vực nào, địa chỉ nào có nhũng nhiễu, tham nhũng vặt và không đề ra các giải pháp kiểm tra, thanh kiểm tra, xử lý đối với hành vi tham nhũng vặt.

Chắc chắn người đứng đầu phải biết và nếu tiếp tục để xảy ra (tình trạng nhũng nhiễu, tham những vặt) thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nói sau đó.

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay TTCP đặc biệt quan tâm đến công tác chống tham nhũng nói chung và chống tham nhũng trong lực lượng phòng, chống tham nhũng. Ông Khái nhắc lại thời gian qua xảy ra hai vụ việc không mong muốn ở Thanh tra Thanh Hóa và Thanh tra chuyên ngành Bộ Xây dựng. 

“Sau khi vụ việc xảy ra ở Thanh tra Hoá, TTCP đã có chỉ thị (ngày 17-5) để chấn chỉnh trong toàn ngành. Mặc dù với thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành thì TTCP chỉ có trách nhiệm quản lý nhà nước một phần, còn quản lý công chức, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là Chủ tịch tỉnh và Bộ trưởng”- ông Khái nói.

Ông Khái cũng cho hay, sau khi xảy ra vụ việc, Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch tỉnh cũng rất trách nhiệm, tập trung xử lý nghiêm vụ việc. 

“Chúng tôi mong muốn mỗi thủ trưởng bộ, ngành, tỉnh, thành tăng cường thực hiện nội dung chỉ thị, đặc biệt quan tâm đến thực hiện thực hiện nghiêm công vụ, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm”- Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

ĐỨC MINH