13 juin 2019

Hong Kong: cảnh sát bắn đạn cao su vào người biểu tình

Biểu tình gia tăng khi dự luật dẫn độ được bàn thảo
 Bản quyền hình ảnh Marcio Machado Image caption

Cảnh sát Hong Kong đã bắn đạn cao su và xịt hơi cay vào người biểu tình ở Hong Kong, nơi sự tức giận về luật dẫn độ trong dân chúng đã chuyển thành bạo lực.

Người biểu tình chặn những ngả đường chính xung quanh các tòa nhà chính phủ và ném gạch đá và các đồ vật vào cảnh sát. 


Họ lo ngại luật mới sẽ nhắm vào những người bất đồng chính kiến với Bắc Kinh, và lo sợ tình trạng lạm dụng nhân quyền trong hệ thống pháp lý Trung Quốc.

Chủ tịch Hong Kong bà Carrie Lam lên án "các cuộc nổi loạn có tổ chức này".

"Những hành động nổi loạn phá hoại xã hội yên bình, phớt lờ luật pháp và kỷ cương là không thể chấp nhận được trong bất kỳ xã hội văn minh nào," bà nói trong một thông cáo video.

Các quan chức nói 72 người trong độ tuổi từ 15 đến 66 đã bị thương, trong đó có hai người đàn ông trong tình trạng nghiêm trọng.

Chính phủ vẫn đang tiếp tục thúc đẩy đạo luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc. Dự luật này dự kiến sẽ được thông qua trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 20/6.

Nhưng Hội đồng Lập pháp (LegCo) đã trì hoãn lần thảo luận lần thứ hai về dự luật này.

Hội đồng Lập pháp ủng hộ Bắc Kinh nói cuộc thảo luận đáng lẽ diễn ra hôm thứ Tư sẽ được tổ chức tại "một thời điểm sau".

Đây là lần đầu tiên đạn cao su được sử dụng ở Hong Kong trong nhiều thập kỷ. 22 người bị thương nhưng không ai được cho là bị thương nặng.

Chuyện gì đang xảy ra?



Hong Kong: cảnh sát đụng độ với người biểu tình

Các cuộc biểu tình phần lớn là hòa bình khi hàng trăm ngàn người biểu tình xuống đường và tìm cách chặn lối vào các tòa nhà chính phủ trước cuộc thảo luận luật dẫn độ.

Nhưng hôm thứ Tư, cuộc biểu tình đã leo thang, với hơi cay, đạn cao su được bắn vào các nhà hoạt động khi họ tìm cách tràn vào các tòa nhà chính phủ.

Cảnh sát đã dựng một hàng rào chắc chắn với các lá chắn và vẫy biểu ngữ mang dòng chữ "Cảnh báo, hơi cay" nhằm ngăn người biểu tình tới gần, theo bản tin trực tiếp được phát trên truyền hình địa phương. 
Người biểu tình ở Hong Kong sáng 12/6 trước cửa trụ sở Hội đồng Lập pháp  
Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc mô tả tin tức nói lực lượng an ninh từ lục địa sẽ được điều sang Hong Kong là "tin giả".

Ông Cảnh Sảng nói những nguồn tin đó là "tin đồn nhảm để lừa gạt người dân gây hốt hoảng." 
Xung đột nổ ra bên ngoài Viện Lập pháp Hong Kong
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption

Tổng biên tập báo nhà nước Trung Quốc lên án bạo lực

Vincent Ni, phóng viên BBC Tiếng Trung

Cho tới giờ truyền thông Trung Quốc lục địa đưa rất ít tin về các sự việc đang diễn ra ở Hong Kong. Các kết quả tìm kiếm không cho thấy tin tức gì nhiều, hay chỉ có tin đưa theo quan điểm của Bắc Kinh.

"Biểu tình bạo lực kiểu như thế này lẽ ra không được xảy ra ở Hong Kong, một xã hội phát triển," Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo Hu Xijin viết trên Twitter, mạng xã hội bị chặn ở Trung Quốc.

"Tôi không nghĩ những người phương Tây khuyến khích biểu tình ở Hong Kong muốn những điều tốt đẹp nhất cho thành phố. Họ muốn thấy náo loạn ở đó. "

Tuy nhiên, người dân Trung Quốc không phải là không hay biết gì về chuyện đang diễn ra bên kia biên giới.

Một số người dân từ lục địa đã tham gia biểu tình ở Hong Kong hồi cuối tuần, và những người khác bày tỏ tình đoàn kết trên mạng xã hội Wechat.

"Mặc dù đây là cuộc đấu tranh của người Hong Kong, tình yêu tự do và nhân phẩm mang tình toàn cầu," một người viết trên Wechat. "Tôi cảm phục cuộc đấu tranh và nỗ lực của họ. Tôi chỉ mong chúng ta sẽ không phải chứng kiến một cuộc đàn áp đẫm máu". 
Bà Anson Chan, cựu bí thư hội đồng điều hành Hong Kong thời ông Đổng Kiến Hoa lo ngại luật dẫn độ sẽ bị Trung Quốc 'lạm dụng'

Chính phủ đã hứa ràng buộc về mặt pháp lý các biện pháp bảo vệ nhân quyền và các biện pháp khác mà họ nói sẽ làm giảm bớt những lo ngại.

Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn nhất từ trước tới nay tại Hong Kong kể từ khi lãnh thổ này được người Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Cảnh sát cho biết đang điều tra các lời đe dọa giết lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam và các thành viên của bộ tư pháp.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh TVB, bà Lam chối bỏ cáo buộc của người biểu tình nói bà đã "bán đứng" Hong Kong.

"Tôi đã lớn lên ở đây cùng với tất cả người dân Hong Kong," bà nói. "Tình yêu của tôi đối với nơi này đã khiến tôi chịu nhiều hy sinh cá nhân".

Những ai liên quan?

Một loạt các nhóm đã lên tiếng chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc trong những ngày gần đây bao gồm các trường học, luật sư và doanh nghiệp, với hàng trăm kiến nghị được đưa ra.

Hàng trăm doanh nghiệp bao gồm một tạp chí cho biết họ sẽ đóng cửa để cho phép nhân viên của họ biểu tình và gần 4.000 giáo viên cho biết họ sẽ đình công.

Một số ngân hàng, bao gồm HSBC, đã sắp xếp công việc linh hoạt cho thứ Tư 12/7.

Các tổ chức vận động hành lang lớn cho biết họ sợ các kế hoạch này sẽ làm hỏng khả năng cạnh tranh của Hong Kong như là một trung tâm kinh tế.

Vào Chủ Nhật, các nhà tổ chức cho biết hơn một triệu người đã xuống đường với các khẩu hiệu yêu cầu chính phủ từ bỏ các sửa đổi Luật Dẫn độ, mặc dù cảnh sát đưa con số thấp hơn nhiều, khoảng 240.000 người.

Sau cuộc biểu tình chủ yếu trong ôn hòa, một số người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà LegCo, một số người bị thương và bị bắt giữ.

Lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam, đã cảnh báo các cuộc biểu tình và đình công hàng loạt đi xa hơn, nói: "Tôi kêu gọi các trường học, phụ huynh, tổ chức, tập đoàn, đoàn thể xem xét nghiêm túc nếu họ ủng hộ những hành động cực đoan này".

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48612058