XIN NGƯỜI HÃY NHẸ BAY VỀ MIỀN ÁNH SÁNG...
Phạm Tường Vân
Tác giả Phạm Tường Vân và Nhà văn Châu Diên Phạm Toàn trong bữa giỗ nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Ảnh: Nguyễn ĐÌnh Toán |
Gặp ông lần đầu trong đám tang bác Lê Đạt, năm 2008. Khi mình rời nhà tang
lễ ra về, ông đến bên hỏi vừa đủ nghe: "Có phải Phạm Tường Vân
không?". Mình hơi e dè. Ông cười: "Không phải công an đâu! À mà cái
bài đấy khá, tôi thích". Bài mình phỏng vấn bác Đạt dài mấy ngàn từ, BBC
mới tải lên lúc nửa đêm, để đọc nó rồi đến tang lễ, chắc ông phải dậy rất sớm.
Thế là mình theo ông ra quán cafe vỉa hè Tăng Bạt Hổ. Ông khẽ khàng đặt cái
muỗng xuống bên cạnh ly trà, hạ giọng: "Chúng tôi chả còn mấy thời gian
nữa. Có lợi dụng gì thì lợi dụng nhanh lên."
"Lợi dụng" ở đây là đặt bài, tham vấn, lục tìm tư liệu các thứ.
Ông phản hồi nhanh, đặc biệt là không quên điều gì, tên người, tình tiết, sự
việc và luôn chỉ ngay cho ai, nơi nào cung cấp dữ liệu tốt nhất cho điều mình
tìm kiếm.
Một lần sáng sớm, ông gọi, giọng nửa đùa nửa thật: "Có cái thằng khỉ
xem tử vi, bảo năm nay chú chết!". Mình nói luôn: "Chú còn nợ tình
nhiều lắm, trời nào cho đi?". Từ ngày ấy đến giờ là hẳn 10 năm. Nhưng có
lẽ từ hôm ấy, ông Toàn "sống gấp" hơn hẳn. Vài tháng sau ông ra mắt
dự án Cánh Buồm. Rồi tham gia lập trang bauxitevietnam.
Sắc, gọn, hiệu quả, nghiêm túc và quyết liệt đến cực đoan, cứ như nghe
tiếng Thần Chết thở hổn hển đằng sau - đấy là ông Phạm Toàn trí thức. Nhưng
chính bằng cách ấy, ông đánh thức những xung động còn ngủ yên, tạo tiền đề cho
những cuộc tranh luận mở, "thúc đẩy xã hội dân sự - nơi các nhóm khác nhau
với quan điểm và triết lý khác nhau chủ động tham gia vào đời sống xã hội mà
không cần chờ ai cho phép".
Nhưng còn hẳn một ông Châu Diên nhà văn chủ trương viết sạch, viết đẹp, cực
kỳ gallant, điệu ơi là điệu và duyên ơi là duyên nữa. Mình gặp ông đâu như 8
lần, lần thì ông semi linen trắng quần khaki trắng, lần thì T-shirt trắng quần
đen, giọng thì ấm, đài từ tròn vành, rõ nét, đầy sinh khí và cả khi dùng đại từ
thân mật thì vẫn lịch duyệt.
Lần nào gặp mặt hoặc qua điện thoại, ông đều truy vấn: "Dạo này hẹn hò
đứa nào?". Mình e hèm: "Bí mật". Ông cười ha ha: "Yêu mà
phải bí mật thì vứt mẹ nó đi!" Xong ra sức dìm hàng, mớm cung: "Dạo
này mày viết ít đi, chú biết là chuyện yêu đương lại không như ý." Rồi ra
sức xúi bẩy: "Yêu bỏ mẹ đi, sợ chó gì! Nhìn ông Toàn đây này!"
Vầng, ai mà theo chú cho được. 88 năm cuộc đời, đếm không xuể số tim đã
đốn, nhưng yêu ai thì đều có cam kết và đàng hoàng cho người phụ nữ của mình
một danh phận. Thế nên hình như người nào cũng yêu ông thật là lâu, và cả người
cũ của ông lẫn người cũ của người ấy đều không oán trách mà "chung sống
hoà bình" một cách rất nghĩa tình. Có lần ghé thăm ông ở căn hộ cao cấp
tại Ciputra, thấy ông hớn hở khoe nồi cá kho vợ cũ làm sẵn gửi cho ông và người
tình tóc vàng của ông thời điểm đó. Lần khác qua điện thoại, giọng ông nghèn
nghẹn: "Bà ấy ốm lắm, chú buồn quá". Ông về ở bên bà những ngày tháng
cuối. Rồi hôm kia nghe chị Hiền con gái ông trân trọng nói về nữ cộng sự trẻ ở
bên chăm sóc ông đến tận giây phút ông trút hơi thở cuối cùng, thấy cuộc đời
thật là dịu dàng.
Làm được bao nhiêu việc có ý nghĩa, nói bao người lắng nghe, mắng bao nhiêu
đứa phải cúi mặt, muốn làm cho ai đó cười cũng hiếm người giỏi bằng ông. Rồi
đến hôm nay, ông khiến cho bao nhiêu người bật khóc.
Sống thế mới là sống, "Lão Ngoan Đồng" nhỉ. Và thế, cháu tin rằng
chú chẳng còn điều gì để tiếc nuối nữa.
Nhẹ bay về miền ánh sáng chú nhé. Nơi những bè bạn chưa bao giờ hết mến
thương đang đợi chú.
Nơi ấy không cần chú xắn tay cải cách gì nữa cả. Chỉ việc yêu và viết về
những điều đẹp đẽ.