04 juillet 2019

Việt Nam cần một chiến lược ứng phó với cuộc CHIẾN TRANH LAI (HYBRID WARFARE) của Trung Quốc


Vũ Cao Đàm

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ (4/5/191- 02/06/2019)




1. ĐẶT VẤN ĐỀ



Sắp kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ, trong đầu tôi chợt thoáng qua một ý nghĩ: 

“Thật nhục nhã, tập đoàn cộng sản Hoa Lục (sau đây gọi tắt là Trung Cộng) đang phản bội và bôi bẩn thanh danh của Phong trào Ngũ Tứ, khi họ phát động "cuộc chiến tranh lai " chống các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam”

Tàu cá  là dân quân biển TQ

Trong khoa học quân sự hiện đại, "chiến tranh lai" (hybrid war hoặc hybrid warfare) là một khái niệm rất mới. Chủ đề “Chiến tranh lai” được đề cập lần đầu tại cơ quan tham mưu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào năm 2008. Đến 2011 Tổng Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ George W. Casey đưa ra cảnh báo về hiểm họa lai (hybrid threats) để nói về những nguy cơ phải đối mặt trước cuộc chiến tranh lai. 


Hiểm họa lai được một nhà nghiên cứu khác, G. Giannopoulos, định nghĩa là 

“Một tập hợp hoạt động gây sức ép và gây biến đổi, một cách bình thường hoặc bất bình thường, thông qua các hoạt động ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ, các biện pháp phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và phi chính phủ để đạt được các mục đích đặc biệt, nhưng luôn giữ dưới ngưỡng của một cuộc chiến tranh có tuyên bố”



Trong bài viết “Chiến tranh lai: Hiểm họa mới của hòa bình và an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21” các tác giả Bachmann và Gunneriussion đã nêu những hiểm họa của chiến tranh lai và tác động của nó đến hòa bình và an ninh toàn cầu của thế kỷ 21. 



Quan sát tại hàng loạt quốc gia trên thế giới, cả ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển. Chúng ta có thể nhận ra những hoạt động chiến tranh lai được thực hiện bởi các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ, các công ty, nhà thầu và thương lái, chúng ta nhận ra, những cuộc chiến tranh lai trên thế giới đang được triển khai một cách phổ biến, với quy mô rất khác nhau, nhưng đều có sức phá hoại an ninh quốc gia một cách đa dạng và nặng nề. 



Chiến tranh lai (Hybrid war) là một cuộc chiến tranh không tuyên bố, là thứ chiến tranh không dùng quân đội, súng ống, xe tăng, thiết giáp, chiến hạm và máy bay, càng không sử dụng tên lửa và bom đạn, mà sử dụng những biện pháp phi vũ trang để triệt phá toàn diện mục tiêu phát triển của đối phương, lũng đoạn cơ sở hạ tầng, phá hoại môi trường sống, làm biến dạng nền tảng đạo đức. 



Chiến tranh lai khác chiến tranh lạnh ở chỗ, với chiến tranh lạnh, các bên đối địch ngấm ngầm chạy đua vũ trang, luôn gây căng thẳng và hăm dọa lẫn nhau, sử dụng các biện pháp cấm vận và phong tỏa lẫn nhau. Còn chiến tranh lai lại sử dụng những cách xử sự hòa hiếu để lừa đối phương mắc bẫy. 



Chiến tranh lai mà Trung Cộng đang sử dụng trên thế giới trước mắt và chủ yếu là những biện pháp mềm mỏng và linh hoạt, có thể là cho vay dài hạn để lũng đoạn kinh tế, có thể là mua chuộc những người có chức quyền để giành những ưu đãi, và biến họ thành những kẻ cam tâm bán rẻ quyền lợi Tổ Quốc. Những kẻ chủ trì chiến tranh lai cũng không quên mang lại lợi ích ngắn hạn cho một bộ phận dân chúng, để họ tiếp tay cho chúng thực hiện cuộc chiến tranh lai. 




2. TRUNG QUỐC THỰC HIỆN CHIẾN TRANH LAI THẾ NÀO?



Chúng ta lấy ví dụ ngay trên đất nước Việt Nam chúng ta. 


Nói theo ngôn ngữ của chiến tranh nhân dân, cuộc chiến tranh lai mà Trung Quốc đang thực hiện trên thế giới và ngay ở Việt nam thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân sâu rộng nhất. Trong cuộc chiến tranh lai, Trung Cộng huy động một cách triệt để sự tham gia của tất cả các tầng lớp dân cư trong xã hội của cả hai quốc gia, Việt Nam và Trung Cộng:

từ anh xe ôm đến các chị buôn bán nhỏ, các thương lái, các nhà thầu, người cầm đầu các cơ quan chuyên môn, các nhà lãnh đạo, các chính khách, một số nhà khoa học, các nhà công nghệ và các sĩ quan trong lực lượng vũ trang. 



Sau đây là một vài ví dụ quen thuộc mà chúng ta thậm chí nghe đã nhàm tai, nhưng được phân tích từ giác độ chiến tranh lai. 



1) Lừa Việt Nam vào bẫy nợ và những khoản đầu tư kém hiệu quả



Biện pháp này nhằm làm tận diệt xói mòn các nguồn lực quốc gia. Trước hết, chúng ta lấy ví dụ một công trình cỡ lớn, là Bô-xít Tây Nguyên.



Nông Đức Mạnh, 3 lần ký tuyên bố chung, một lần với Giang Trạch Dân, hai lần với Hồ Cẩm Đào, rước giặc Tàu trấn đóng Tây Nguyên dưới hình thức khai thác bô-xit. Sự kiện này đã gây những làn sóng phản đối rất mạnh, nhưng chủ yếu nêu những lý do về văn hóa, môi trường, quốc phòng,… có một số bài bàn về hiệu quả đầu tư, nhưng chưa bài nào bàn từ giác dộ chiến tranh lai. 

Hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ lỗ mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Các nguồn tin chính thức của Nhà nước dự kiến, nó sẽ lỗ trong khoảng 11 năm. Như vậy, trong 11 năm, chúng ta có thể hình dung tổng tiền lỗ phải lên tới hàng ngàn tỷ đồng.



Xem xét một công trình nhỏ hơn, là công trình Đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Công trình này cũng thuộc về Trung Quốc. Công trình được ký kết năm 2008, với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. đến thời điểm này, vốn đầu tư đã tăng trên 866 triệu USD, đến hôm nay có lẽ đã vượt trên con số ngàn tỷ USD.



Trong khi đó, báo chí đưa tin, 90% các công trình công nghiệp đều rơi vào tay các nhà thầu của Trung Quốc. Vậy, chúng ta hãy hình dung, nền kinh tế Việt Nam chịu đựng một khoản lỗ bao nhiêu mỗi năm?



Không cần thiết thu thập toàn bộ số liệu thống kê, nhưng với các nghiên cứu ngẫu nhiên ở bất cứ công trình nào có bàn tay Trung Cộng  trên đất Việt nam, đều có thể nhận ra, Trung Cộng đang cuốn hút đất nước ta vào bẫy nợ và những khoản đầu tư kém hiệu quả đến mức có thể làm suy kiệt nền kinh tế.



 2) Phá hoại kinh tế gia đình của nông dân nghèo



Bên cạnh chủ trương tận diệt các nguồn lực cơ bản của nền đại công nghiệp, Trung Cộng  cho thương lái len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm để phá hoại từng vườn cây, ao cá, từng khoảnh ruộng nhỏ nhoi với vài luống ngô của nông dân nghèo.



Với chiêu thức này, chúng ta có thể liệt kê rất nhiều ví dụ:



Một dạo, Trung Cộng cho thương lái đi mua chè vàng. Hết giai đoạn chè vàng lại tiếp đến giai đoạn thu mua chè bẩn. “Chè vàng” là chè chặt thô, phơi héo vàng, được thương lái thu mua với giá cao. Còn “Chè bẩn” là loại chè đào bới lẫn đất, được xử lý còn cẩu thả hơn, nhưng cũng được thu mua với giá rất cao, xúi giục nông dân tự mình triệt phá những đồi chè rộng lớn để bán cho thương lái của Trung Cộng. Kết quả là các xí nghiệp chè không còn nguyên liệu chè để mua, các đồi chè bị triệt phá.



Đến mùa vải trổ quả, thì chúng ta lại thấy thương lái của Trung Cộng  xuất hiện, chúng đi thu mua lá vải với giá cao ngất ngưởng, và nông dân cắt lá vải bán cho thương lái, và thế là cây vải mất nguồn dinh dưỡng hấp thụ từ lá. Kết quả là mất mùa vải vì không thể tiếp diễn quá trình sinh học cho việc đơm trái.



Ở những vùng trồng ngô thì người ta thấy bọn Trung Cộng đến thu mua râu ngô non, cũng với giá cao ngất ngưởng. Và thế là nông dân nghèo thu hái những bắp ngô non để bán râu ngô, tự tay triệt phá vụ thu hoạch ngô sau đó.



Không biết bao nhiêu câu chuyện cười ra nước mắt từ khắp các vùng đất nước, chúng ta đang chứng kiến những người nông dân đói nghèo tự mình tiếp tay cho những mưu đồ triệt phá nền kinh tế trang trại và kinh tế hộ đang mới bắt đầu nhen nhóm mong manh. 




3) Triệt phá mọi nguồn lực của sản xuất



Thương lái Trung Cộng đi thu mua dây đồng vụn, xúi giục các đồng tặc khắp cả nước cắt trộm dây đồng từ các đường dây cao áp, phá hoại nguồn cung cấp điện cho công nghiệp và dân dụng. 



Vẫn bọn chúng, thông qua các công ty Việt Nam, thu mua cáp quang đã qua sử dụng, xúi giục dân nghèo lặn xuống biển cắt cáp quang phá hoại mạng cáp liên lạc viễn thông, một đòn vô cùng hiểm độc đánh vào hệ thống liên lạc viễn thông của Việt Nam. 



Vẫn bọn chúng, thu mua rễ hồi, triệt phá một nguồn nguyên liệu cho công nghiệp dược liệu. 



Rồi vẫn bọn thương lái Trung Cộng đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở miền Bắc để thu mua móng trâu, với giá một bộ móng cao hơn giá một con trâu, triệt phá sức kéo của nông dân nghèo. Nông dân lại được bán thêm một con trâu thịt sau khi cắt móng. 



Hết thu mua móng trâu, bọn thương lái lại vào miền Nam thu mua đuôi trâu, cũng với giá một cái đuôi cao hơn giá một con trâu. Kết quả là trâu chết. Nông dân lại được bán thêm một con trâu thịt. Câu chuyện lại diễn ra hệt như khi chúng mua móng trâu. Kết quả là chúng phá hoại tan hoang sức kéo của nông dân nghèo. 



Chúng thâm nhập vựa lúa Nam Bộ thuê nông dân trồng khoai trên diện rộng để nông dân phá lúa trồng khoai với sự cổ súy trên công luận của một vị giáo sư, hiệu trưởng đại học và đại biểu Quốc hội. Rồi chúng tính toán để ngày giao sản phẩm chậm hơn so với ngày nước nổi, để khoai bị hà (sùng) vì ngập nước không thể bán được với giá cả đã thỏa thuận trong hợp đồng. 



Với chiêu này, chúng đã làm được ba việc: 

1.  Một là, làm phá sản các hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam; 

2.  Hai là, biến vựa lúa Nam Bộ thành một vùng đất đói nghèo; 

3.  Ba là, biến nông dân Việt Nam thành kẻ đồng phạm với chúng phá hoại kinh tế Việt Nam



Còn ở Đồng bằng Bắc bộ, bọn thương lái Trung Cộng bầy trò thu mua cây si (một loại cây cảnh) với giá hàng chục triệu đồng một cây. Đầu tiên người ta không hiểu, sau mới vỡ lẽ là chúng làm một công việc phá hoại sản xuất rất tinh vi, là phân tán nhân lực, đất vườn mầu mỡ để trồng cây si, đợi ngày bán cho Trung Cộng với giá hời. Nhưng chờ mỏi mắt chúng cũng không trở lại. Kết quả là nông dân nghèo bỏ những mảnh vườn màu mỡ vốn trồng cây có ích để chăm những vườn cây cảnh vô tích sự, tính đến nay có lẽ đã đến vài thập niên.




4) Tàn phá môi trường và mở rộng chiến tranh sinh học



Thương lái Trung Cộng đi thu mua ốc bươu vàng với giá cao để nông dân ra sức nuôi ốc bươu vàng. Sau đó chúng ngừng không mua nữa, ốc bươu vàng lan khắp đồng ruộng, ăn hại lúa tệ hơn sâu cắn lúa. 



Cũng như vậy, chúng đi thu mua mèo để chuột phát triển, rồi lại bán thuốc diệt chuột, nhưng thực chất là thuốc kích dục chuột để phát triển đàn chuột phá hoại cân bằng sinh thái. 



Vẫn chiêu thức mua bán như đối với các mặt hàng trên, chúng thu mua rắnbán rắn giống để nông dân nuôi rắn tràn lan. Và rồi chúng dừng không mua nữa, dân thả rắn khắp các cánh đồng, làng xóm làm rối loạn xã hội. 



Thương lái Trung Cộng từng đi mua đỉa, khiến nông dân đua nhau nuôi đỉa để bán cho TC



Thu mua rễ sim cũng lại là một chiêu thức tinh vi, chúng cuốn hút nông dân phá trụi đồi sim để đào rễ, biến những vùng đồi phủ xanh thành đồi trọc. 



Các cuộc chiến tranh sinh học xuất hiện từ thời Đế quốc La Mã, nhưng bọn Trung Cộng đã phát triển chiến tranh một cách đa dạng hơn. 



Bán sữa cho trẻ em với những chất độc hại đến quá trình phát triển của trẻ. 



Bán thuốc tăng trọng lợn, thuốc nuôi lợn siêu nạc, đều là thịt lợn nhiễm những hóa chất độc hại gây ảnh hưởng dài hạn đến sức khỏe con người. 



Bán thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng, nhưng chứa đựng những hóa chất độc hại. 



Thải chất độc vào môi trường, dẫn đến chết cá trên diện rộng, rồi chúng lại cho người đi thu mua cá chết để làm nước mắm. Những người am hiểu đều thừa biết chúng sẽ tạo ra nguồn thức ăn để đầu độc lâu dài cả một dân tộc. 



5) Tạo ra tình trạng bất ổn định xã hội



Một thời thương lái Trung Cộng đi thu mua gỗ sưa với giá cao ngất ngưởng. Dân tình không hiểu gỗ sưa dùng làm gì. Chúng tung dư luận, mua gỗ sưa để làm đồ thờ, vì gỗ này là gỗ mang đặc trưng tâm linh; rồi lại có dư luận đây là loại gỗ ướp xác vĩnh cửu. Câu chuyện này thậm chí lôi kéo cả một số nhà khoa học cũng đặt vấn đề nghiên cứu giá trị của gỗ sưa. Rồi xuất hiện sưa tặc tràn lan, gây rối loạn xã hội, buộc các cơ quan hữu quan phải nghĩ biện pháp và tăng cường lực lượng bảo vệ cây sưa, phát triển lực lượng đảm bảo trật tự trị an chống bọn sưa tặc. Chưa hết, một số vùng, dân chúng đua nhau trồng sưa, lùng sục đi mua giống cây sưa.



Họ tìm được nguồn giống cây sưa ở bên Trung Cộng giáp với tỉnh Quảng Ninh. Thế là dân Quảng Ninh đua nhau sang bên kia biên giới mua giống sưa về trồng, đầu tiên giá 5.000-7.000 đồng một cây, sau lên đến 15.000, rồi 70.000 một cây sưa, nhiều hộ còn phá cả vườn trồng vải để trồng sưa. Cuối cùng đến nay cũng không ai hiểu cây sưa được sử dụng làm gì, mà cả xã hội nháo nhào vì cây sưa, từ bọn lưu manh trộm cắp đến nhà khoa học. Và bỗng dưng, đến nay các thương lái mua sưa cũng mất tích luôn.



Nhưng thu mua sưa trước hết chỉ diễn ra trên những vùng đất xa xôi, mãi sau mới tràn vào Hà Nội. Gần đây, ngay giữa thủ đô Hà Nội rộ lên cơn sốt dịch thương lái Trung Cộng “Mua đồ gỗ sà cừ”. 



Thế là một chủ trương được chính các cơ quan công quyền chỉ đạo: Chặt gỗ xà cừ của thành phố. Một chủ trương thay cây của Hà Nội, với đủ các lý lẽ, nào là cây chắn đường của đi bộ, nào là cây cổ thụ không còn sức chống đỡ với giông bão, nào là cần phạt quang đường không để vướng bận đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Ơ hay, tôi đến Sydney, thấy đường sắt trên cao len lỏi giữa những đường phố trung tâm đâu có cần đập phá những nhà cao tầng)



6) Làm biến dạng các nền tảng đạo đức



Bán chất kích thích sinh trưởng, bón thuốc sâu để đẹp mã rau quả, biến người nông dân vì vụ lợi mà bất chấp mọi nền tảng đạo đức, đầu độc chính con cháu mình đang sống ở các thành phố. 



Ma túy, biến những thanh niên khỏe mạnh thành những kẻ nghiện ngập, sống vật vờ và ham gây tội ác. 



Buôn bán phụ nữ qua biên giới, biến một bộ phận lao động thành một đạo quân dịch vụ tình dục cho ngoại bang, không chỉ sang Trung Cộng, mà đi nhiều nước khác. 



7) Hán hóa lâu dài dân tộc Việt



Công nhân, kỹ thuật viên, thương nhân Trung Cộng đã tìm cách có con trong hoặc ngoài hôn nhân với phụ nữ Việt. Không ai thống kê được con số đó hiện nay là bao nhiêu, nhưng mọi người đều nhìn rõ dã tâm của Trung Cộng trong âm mưu Hán hóa dân tộc Việt. Những đứa con lai ấy đều mang quốc tịch Trung Cộng. Có thể chúng đang nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có cuộc trưng cầu dân ý về một vùng đất nào đó thuộc Trung Cộng hay Việt Nam, giống như cuộc trưng cầu dân ý về vùng đất Crimea của Ukrain trong mưu đồ sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga.



Để cổ súy cho chủ trương Hán hóa của Trung Cộng, một số nhà báo (không biết có phải được giặc Tàu thuê mướn?) viết bài ca ngợi những gia đình Hoa-Việt hạnh phúc, phải chăng là để phụ họa cho con đường Hán hóa dân tộc Việt trên đất nước này. 




8) Gây chia rẽ trong cộng đồng Việt



Đúng như Tướng Phùng Quang Thanh nhận định, dân chúng đã căm ghét Trung Cộng đến cực độ, một xu thế không thể đảo ngược, trong khi chính quyền cố thể hiện thái độ nhu nhược trước quân xâm lược.



Những đoàn cán bộ cao cấp được cử sang xứ Trung Cộng học tập theo thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo, được nghe một bài giảng về cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh” về “ý thức hệ”. Chúng giương cao cái gọi là “ngọn cờ quốc tế” đã rách nát, để vừa ru ngủ, vừa hăm dọa những kẻ yếu bóng vía, lo ngại sự sụp đổ hệ thống chính trị độc tài toàn trị đầy béo bở, lôi kéo họ về phía Trung Cộng. 



Trung Cộng đã sử dụng một cách vô cùng gian xảo cái bẫy ý thức hệ để tạo thế đối kháng trong nội bộ cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa những người mang tâm thức chung vận mệnh ý thức hệ với Trung Cộng xâm lược và những người còn mang tâm nguyện hướng về CỐ QUỐC của cha ông.



Để bảo vệ ý thức hệ, đã có những lực lượng được tung ra để đàn áp dân chúng khi họ thể hiện thái độ chống Trung Cộng xâm lược. Tất cả những động thái này làm cho dân chúng ngày càng mang tâm thức đối lập với chính quyền.

Cái bẫy ý thức hệ cực kỳ nguy hiểm. Nó làm mờ mắt một số người, không phân biệt bạn thù. Tôi nhớ rất rõ trong một buổi báo cáo thời sự năm 1974 tại diễn đàn lớn của một cơ quan trung ương giữa Hà Nội, chính tôi được nghe diễn giả, là ông HT (Hoàng Tùng), một vị ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tuyên huấn khi đó đã báo “tin mừng” (nguyên văn lời ông), là “Các đồng chí Trung Quốc” đã giúp chúng ta “lấy lại” Hoàng Sa từ tay “quân địch”



Gần đây hơn, một vị quan chức lớn của Bộ Ngoại giao giải thích giữa diễn đàn một trường đại học lớn về hành vi hải tặc của Trung Cộng trên Biển Đông, là “yêu con cho đòn cho vọt”.



9) Kéo kinh tế Việt Nam suy sụp và ngày càng lệ thuộc Trung Cộng



Có thể nói, đối tượng của chiến tranh lai nhằm vào từ kinh tế hộ nhỏ nhoi của các gia đình đến nền đại công nghiệp của quốc gia, từ người buôn bán nhỏ ngoài chợ đến kinh tế ngoại thương. 



Một thời trên mạng đưa tin, thương lái Ttung Cộng thu mua tôm xuất khẩu của Việt Nam với giá cao, rồi ngâm tẩm kháng sinh để tái xuất sang Việt Nam với giá hời để Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ, một dạo đã làm mất tín nhiệm mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Hàng loạt hợp đồng xuất khẩu nông phẩm với số lượng lớn qua Hoa Lục bỗng dưng bị ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới làm phá sản hàng loạt đơn vị kinh doanh có quan hệ buôn bán với Trung Cộng.



Theo những số liệu tin cậy, nhập siêu từ Trung Cộng năm 2015 là 32,3 tỉ USD, tăng 12,5% so với 2014. Nếu tính cả con số nhập lậu là 20 tỷ USD, thì tổng giá trị nhập siêu từ Trung Cộng lên đến 52 tỷ USD năm 2015.



Kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Cộng. Các nhà thầu của Trung Cộng nắm tới hơn 90% các gói thầu EPC (Engineering, Procurement and Construction) chiếm 77/106 các dự án lớn thuộc các ngành trọng điểm.



Việt Nam phải nhập hơn 60% nguyên liệu đầu vào từ Trung Cộng.



10) Tạo thế bao vây chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tổng lực



Bên cạnh thủ đoạn chiến tranh lai, Trung Cộng ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến tranh nóng. Điều này không phải chúng ta vu oan cho chúng. Các cuộc chiến tranh xâm lược đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, đại quân tấn công các tỉnh biên giới năm 1979, đánh chiếm Trường Sa năm 1988 và những thủ đoạn lấn cột mốc biên giới diễn ra thường xuyên không thể biện minh cho giọng lưỡi “16 chữ vàng 4 tốt”, là thứ chỉ đủ sức lừa mị một số người nhẹ dạ. 



Với kinh nghiệm thu được từ các cuộc chiến tranh xâm lược, Trung Cộng đang dùng chiêu bài hợp tác kinh tế, và mua chuộc một số lãnh đạo chính quyền các cấp và các địa phương, để tạo thế bao vây ngày càng siết chặt:



1.  Thuê dài hạn 300 ngàn hecta rừng đầu nguồn (tương đương diện tích tỉnh Thái Nguyên), ngày càng mở rộng vòng vây xung quanh biên giới Việt Nam.



2.  Cảng nước sâu Vũng Áng, tầu ngầm có thể ra vào bất cứ lúc nào, nối liền các căn cứ quân sự quanh đảo Hải Nam với Việt Nam. 



3.  Các khu công nghiệp ngày càng phụ thuộc Trung Cộng với công nghệ lạc hậu, thu hút lượng lớn vốn đầu tư và hoạt động kém hiệu quả, bù lỗ triền miên, như kiểu Bô-xít Tây Nguyên và Đường sắt Cát Linh Hà Đông. 



4.  Các khu du lịch của các công ty của Trung Cộng hoặc có nguồn gốc từ Trung Cộng đang hình thành từ khắp mọi miền đất nước. Hàng loạt cơ sở và vùng đất của Trung Cộng  ngang nhiên treo biển hiệu bằng tiếng Tàu, vé tầu Cát Linh –Hà Đông cũng bằng tiếng Tàu, thậm chí nhiều nơi còn cấm người Việt qua lại.



Phải chăng, các cơ sở này đang cùng với hàng loạt cơ sở khác hợp thành những vùng đất tô giới của Trung Cộng trên khắp đất nước ta.



Hàng loạt đường cao tốc mà Trung Cộng thắng thầu đang nối liền biên giới Trung Cộng với Hà Nội đi suốt chiều dài đất nước, đợi khi Trung Cộng mở cuộc chiến tranh tổng lực, thì chỉ sau vài tiếng là đại quân xâm lược của Trung Cộng  có thể tiến thẳng vào Hà Nội và kiểm soát suốt chiều dài đất nước.



Các cơ sở công nghiệp, du lịch mà Trung Cộng đã cắm chốt, với hàng ngàn công nhân, rất có thể là những đơn vị quân đội trá hình sẵn sàng tham chiến khi chúng gây ra sự biến trên đất nước ta.



3. VỀ CHIẾN LƯỢC ỨNG PHÓ VỚI CHIẾN TRANH LAI



Bây giờ chưa phải đã quá muộn khi đề ra một chiến lược ứng phó với cuộc chiến tranh lai của giặc Tàu xâm lược. Ứng phó với chiến tranh lai là một vấn đề vô cùng nan giải, vì Giặc Tàu đã sử dụng một cách rất gian xảo một chiến thuật dùng người Việt để đánh người Việt. Vì những kẻ tiếp tay cho giặc Tàu trong chiến tranh lai để hủy diệt người Việt cũng chính là người Việt. Chúng ta hãy bình tâm suy xét. 



Để hoạch định chiến lược ứng phó với cuộc chiến tranh lai của Trung Cộng, chúng ta cần làm rõ, ai là kẻ tiếp tay cho Trung Cộng trong cuộc chiến tranh lai và ai sẽ phải đối mặt với Trung Cộng để chống lại cuộc chiến tranh lai?



 Vấn đề thứ nhất: Ai tiếp tay giặc Tàu trong chiến tranh lai? 



Như đã phân tích, chiến tranh lai thực chất là một cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp của Trung Cộng, đang sử dụng chính người Việt để hại người Việt, và đang diễn ra trên chính đất nước của người Việt nhằm chống lại chính người Việt. Trung Cộng đã huy động một cách đa dạng không chỉ dân nước HỌ và cả chính dân Việt Nam vào cuộc chiến tranh này.



Dân nghèo Việt Nam và dân nghèo Trung Cộng chuyển hàng lậu qua biên giới, tiếp tay cho bọn thương lái Trung Cộng. 



Thương lái Việt nam tiếp tay cho thương lái Trung Cộng đi thu mua đủ các mặt hàng nhằm tận diệt mọi nguồn sinh lực của Việt Nam. Cũng chính thương lái Việt Nam đang tiếp tay cho thương lái Trung Cộng phát tán các chất độc hại đến tận các bản làng hẻo lánh để làm suy yếu sức sống của dân tộc Việt. 



Các nhà đầu tư Trung Cộng cũng được các nhà đầu tư Việt Nam tiếp tay để lũng đoạn đến tận gốc rễ nền kinh tế Việt Nam. 



Một bộ phận quan chức chính quyền các cấp của Việt Nam là những người tiếp tay mạnh nhất, vì không có họ thì Trung Cộng không thể thuê đất, thuê rừng, không thể có tay trong giúp họ thắng thầu tới 90% các dự án đầu tư.




Vấn đề thứ hai: Ai chống lại chiến tranh lai của Trung Quốc?



Cũng chính những tầng lớp dân cư ấy: Dân nghèo Việt Nam; thương lái Việt Nam; các nhà đầu tư; lãnh đạo và nhân viên chính quyền và các cấp. Không có họ thì cuộc chiến chống cuộc chiến tranh lai của Trung Quốc là bất khả thực thi.



Có thể nói, không ai khác, mà chính dân tộc chúng ta phải tỉnh ngộ để chống lại cuộc tự sát tập thể này. 



Trong cuộc chiến tranh lần này, chúng ta không hy vọng sự tham gia của các sắc dân Trung Quốc, như kiểu vận động dân chúng chính quốc để có những thanh niên, như Raymonde Dien và Henri Martin nhiệt thành ủng hộ Việt Nam như thời chiến tranh chống Pháp. 



Chúng ta không đánh giá thấp ý thức giác ngộ của dân tộc Trung Hoa vĩ đại, những người đã làm nên Phong trào Ngũ Tứ ngày 4 tháng 5 năm 1919, với 3000 sinh viên Bắc Kinh xuống đường, lôi kéo hàng chục vạn người tại 22 tỉnh và 150 thành phố nhằm phản đối Hiệp ước Versaille, trong đó có điều khoản bàn giao đất đai Trung Hoa giữa các đế quốc, đòi đất đai Trung Hoa phải thuộc chủ quyền của người Trung Hoa. 



Nhưng chúng ta đang thấy một thực trạng về nhà nước Trung Cộng đương đại, là một nhà nước độc tài toàn trị, đã phản bội mục đích của Phong trào Ngũ Tứ, nhưng có tài lừa bịp và đàn áp dân chúng, để dân chúng hùa theo tội ác của họ trước nhân loại. 



Đã đến lúc, không thể chậm trễ hơn được nữa, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần quan tâm đến cuộc chiến tranh lai mà Trung Quốc đang thực hiện trên đất Việt Nam.



Vấn đề thứ ba: Một cơ may lịch sử cho Việt Nam? 



Phải chăng là một cơ may lịch sử cho Việt Nam khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Cộng, và mới đây, ông tuyên bố chưa hề có ý định ngưng chiến. Chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động trước đối thủ Trung Cộng thực chất cũng là một cuộc chiến tranh lai mà Mỹ đang áp đặt lên nhà nước Trung Cộng. Cuộc thương chiến mà Mỹ đang phát động đang là sức ép, làm cho kinh tế của Trung Cộng lao đao. 



Trong tương quan thế giới hiện nay, có lẽ chỉ có Mỹ mới là đối thủ có đủ sức đối trọng để chống lại các cuộc chiến tranh lai mà Trung Cộng đang sử dụng để tung hoành ngang dọc trên thế giới. 



Vấn đề cuối cùng: Chiến lược ứng phó thế nào với chiến tranh lai? 



Thứ nhất, đây cũng là một cuộc chiến tranh nhân dân, mọi tầng lớp nhân dân cần được huy động cho cuộc chiến chống lại chiến tranh lai của Trung Quốc.



Thứ hai, trong cuộc chiến này, chiến lược ứng phó không thể thực hiện chỉ bằng những lời kêu gọi lòng yêu nước thương nòi, mà phải bằng các chính sách, chính sách trong tất cả các lĩnh vực mà cuộc chiến tranh lai đang lấn tới. 



Thứ ba, trong cuộc chiến tranh nhân dân kỳ này, từ các cấp lãnh đạo đến mọi tầng lớp dân chúng phải có sự đồng lòng, trước hết là chống lại các thủ đoạn chia rẽ của Trung Cộng, đoàn kết mọi tầng lớp dân chúng, đoàn kết quốc tế vì mục đích chống chiến tranh lai, từ kinh tế, văn hóa đến các chiêu trò mị dân “cộng đồng chung vận mệnh” và Hán hóa dân tộc Việt Nam. 



4. VÀI LỜI KẾT THÚC



Từ các phân tích trên đây, tôi xin tạm nêu mấy lời kết thúc: 



1.  Trung Quốc đang thực hiện ráo riết cuộc chiến tranh lai với Việt Nam và với thế giới, đang bôi nhọ thanh danh của Phong trào Ngũ Tứ chống lại Hiệp ước Versaille với điều khoản vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Cộng.



2.  So với tất cả các vương triều Hán tặc đã đô hộ Việt Nam, từ Hán, Ngô, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đến Trung Cộng, thì Trung Cộng là một triều đại có những thủ đoạn bẩn thỉu nhất, đê tiện nhất đối với dân tộc Việt Nam. Chúng ta không thể để giọng điệu “cộng đồng chung vận mệnh” lừa mị, che lấp tội ác của giặc và chia rẽ dân tộc chúng ta. 



3.  Một thực tế ngày càng lộ rõ: Dân tộc Việt Nam đang tự sát tập thể trước cuộc chiến tranh lai của Trung Cộng. Nhưng không ai khác, chính dân tộc Việt Nam phải được thức tỉnh để thoát khỏi cuộc tự sát tập thể này.



4.  Một cơ may lịch sử cho Việt Nam khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Cộng. Nó đang làm Trung Cộng suy yếu, và là cơ hội để Việt Nam có thêm sức mạnh chống chiến tranh lai của Trung Cộng.



5.  Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều chiến hữu đang đương quyền. Bên cạnh những kẻ biến chất tôi không muốn nhìn mặt, tôi nhận ra vẫn còn rất nhiều người giữ được lương tâm trong sáng, căm ghét Trung Cộng, có tâm nguyện với dân tộc. Tôi rất tin họ sẽ giang tay bảo vệ đất nước này.



6.  Chiến lược ứng phó với Trung Cộng cũng trên tư tưởng chiến tranh nhân dân. Nhà nước cần công bố chính sách huy động nỗ lực của toàn dân để chống lại cuộc chiến tranh lai lần này trên mọi lĩnh vực, mọi ngành hạt động, từ kinh tế, thương mại, văn hóa, y tế, khoa học, giáo dục, v.v…



7.  Bây giờ đang là thời điểm hành động rồi. Không chậm trễ hơn được. Lịch sử đang phán xét chúng ta. 



8.  Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn mong đợi sự thức tỉnh của những người con của Phong trào Ngũ Tứ, những người con của dân tộc Trung Hoa vĩ đại, những người con đã đổ máu trên Quảng trường Thiên An Môn dưới bánh xích xe tăng cộng sản năm 1989… Các bạn hãy cùng đứng về phía người anh em Việt Nam chống lại tập đoàn cộng sản Hoa Lục đang xâm lược giày xéo đất nước Việt Nam, đang gieo rắc đủ thứ tai ương mang tính hủy diệt trên đầu dân tộc Việt Nam và nhiều dân tộc khác trên thế giới này. 



Hà Nội, 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ (1919-2019)

Vũ Cao Đàm