07 décembre 2019

Cứ thế này sao dân không thắc mắc!?


06/12/2019 
TTO - Từ chuyện mua nước cao hơn giá bán lẻ, đề xuất lấy gần 200 tỉ đồng từ ngân sách để "trợ giá", đến phát biểu vô căn cứ của giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội..., người ta "hồi tưởng", xâu chuỗi sự kiện và bật ra câu hỏi: Có gì bất thường?

Trong bản tin "JEBO: Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cố tình phát biểu vô căn cứ", đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) bức xúc trước phát ngôn của giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khi cho rằng dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor Nhật Bản là thất bại. Ngược lại, theo JEBO, các bên hữu quan đã đánh giá dự án thành công trên tất cả các tiêu chí.


Còn trước đó, đầu tháng 11, từ phản ánh của báo chí, người dân mới biết lùm xùm liên quan đến mua nước sạch Sông Đuống. Lãnh đạo Hà Nội đã chấp thuận mua nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống với giá tạm tính 10.246 đồng/m3, cao hơn cả giá bán lẻ nước sinh hoạt mà TP đang áp dụng.

Chưa hết, liên ngành của TP còn đề xuất UBND TP cho lấy gần 200 tỉ đồng từ ngân sách để "trợ giá" mua nước của đơn vị trên.

Những chuyện thế này khiến người ta "hồi tưởng", xâu chuỗi sự kiện và bật ra câu hỏi: Có gì bất thường?

Đó là, trước đây không lâu, chuyện làm sạch môi trường các hồ ở Hà Nội bằng hóa chất nhập từ nước ngoài đã từng xới lên nghi vấn rằng muốn dành công việc đó cho doanh nghiệp nào đó.

Rồi khi các chuyên gia Nhật Bản đang triển khai dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, có vẻ như "vô tình", người ta bơm nước vào sông, gây hư hại hiện trường cùng các kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm chuyên gia. Và nay đến lượt phát ngôn "không giống ai" của người đứng đầu Sở Xây dựng Hà Nội...

Tương tự, trong câu chuyện cung cấp nước sạch, dù đã có giải thích, nhưng công chúng vẫn không thể không hỏi vì sao lãnh đạo Hà Nội "ưu ái đặc biệt" cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống?

Mọi chuyện lẽ ra không trở nên xấu đi nếu ngay từ khi triển khai, lãnh đạo TP Hà Nội thực hiện đúng, đủ các yêu cầu về công khai, minh bạch, thực hiện quyền "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" cũng như giải quyết mọi việc trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và nhân dân.

Như với dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, trong khi các chuyên gia Nhật Bản thực hiện công khai, kết quả tới đâu mời báo chí và người dân chứng kiến tới đó, thì các động thái của chính quyền thủ đô lại không được như vậy, ngoài việc thông tin vỏn vẹn mỗi năm chi hàng chục tỉ đồng để nạo vét kênh mương, ao hồ làm hành lang thoát lũ...

Điều đáng nói là ngay cả cách hành xử của những đơn vị, người có trách nhiệm của Hà Nội đối với việc này cũng không ổn. Thay vì tranh luận, phản biện công khai kết quả nghiên cứu dựa trên chứng cứ khoa học, trên con số kiểm nghiệm để đi đến chân lý, người đứng đầu sở chuyên môn của thủ đô lại chọn cách phủ nhận gây bức xúc.

Tương tự, với câu chuyện nước mặt Sông Đuống, người dân luôn ủng hộ TP tìm kiếm các giải pháp cung cấp nước sạch ổn định, an toàn. Tuy nhiên, chọn giải pháp và nhà đầu tư nào phải theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và lợi ích lâu dài của người dân.

Rồi đây chính quyền TP Hà Nội phải trả lời đầy đủ những câu hỏi mà người dân đã nêu ra. Chỉ có minh bạch mới có thể hóa giải những nghi vấn mà người dân đã đặt ra. Và chính quyền TP Hà Nội khó làm trọn trách nhiệm nếu còn lơ là nguyên tắc minh bạch.



NGUYỄN VĂN HẢI