31 mai 2020

VNTB - Tại sao Trung Quốc chỉ mới khởi đầu kiểm soát Hồng Kông


Ngân Bình dịch

(VNTB) - Trung Quốc thời Tập Cận Bình dường như không e ngại bị quốc tế lên án.

Các hành động của Trung Quốc nhằm tước đoạt tiếp quyền tự chủ của Hồng Kông không phải là sự bốc đồng. Đây là hành vi có chủ ý và được ấp ủ trong nhiều tháng qua. Bắc Kinh xem xét các rủi ro từ sự lên án quốc tế và đưa ra một giả định hợp lý rằng sẽ không bị trả giá đáng kể về địa chính trị.

Đây là một động thái khiêu khích mới nhất.


Khi thế giới bị  sự tàn phá của đại dịch phân tán, Trung Quốc thực hiện một loạt các hành động hung hăng trong những tuần gần đây để mở rộng sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự trong khu vực.

Lực lượng hàng hải Trung Quốc đã đánh chìm một tàu cá ở vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam, và tàu thuyền Trung Quốc gây sự với giàn khoan dầu ngoài khơi của Malaysia. Bắc Kinh cũng đã lên án lễ nhậm chức lần thứ hai của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, và cố ý rút bỏ từ hoà bình ra khỏi kêu gọi thống nhất hàng năm với đảo quốc dân chủ.

Quân đội Trung quốc cũng đã đối đầu với quân đội Ấn độ ở biên giới trên dãy Himalayas.

Đây đều là những căng thẳng kéo dài, nhưng quyết định bỏ qua quyền bán tự trị trong quy trình lập pháp của Hồng Kông và thực thi luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông cho thấy những gì có thể xy ra ở một Trung Quốc không còn bị kiềm chế vì sợ quốc tế lên án.

Giáo sư Đại học Baptist Hồng Kông, tác giả cuốn sách "Trung Quốc Ngày mai : Dân chủ hay độc tài?", Jean-Pierre Cabestin, nói: "Có ý kiến trước đây cho rằng Trung Quốc thận trọng và cố gắng đạt quyền lực mềm trên toàn thế giới, nhưng những điều này đã hết trong thời Tập Cận Bình.

Sau bảy năm nắm quyền, Tập Cận Bình đã theo đuổi "sự trẻ hóa tuyệt vời" của Trung Quốc,  thoát ra khỏi đại dịch gần đây,  theo đuổi chủ nghĩa dân tộc để khoả lấp những thất bại của chính phủ trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nhưng Tập Cận Bình vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế và ngoại giao. Các cuộc biểu tình mới đã nổ ra ở Hồng Kông vào Chủ nhật và phản đối Bắc Kinh tăng cường kiểm soát  có thể dẫn đến đe dọa vai trò tự chủ của trung tâm tài chính Hồng Kông.

Các quan chức và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đả kích Hoa Kỳ và các nước khác, cáo buộc họ ủng hộ "phe ly khai" và "khủng bố" nhằm làm suy yếu quyền lực của Đảng Cộng sản.

Đáp lại, chính quyền Trump tăng cường hành động chống Trung Quốc, như áp đặt các hạn chế đối với thương mại và công nghệ, ca ngợi lễ nhậm chức của bà Thái Anh Văn, và thậm chí đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày mất tích của Panchen Lama thứ 11, lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng thứ hai.

Tian Feilong, giáo sư luật tại Đại học Beihang Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Trên thực tế, Hoa Kỳ đang châm dầu vô lửa, hết lần này tới lần khác. Do vậy, chính phủ Đại lục thực sự chỉ đang duy trì các lợi ích an ninh quốc gia cơ bản nhất của họ."

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, nói hôm Chủ nhật rằng hai nước vẫn có thể hợp tác để thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu, nhưng ông đã lên án những ai ở Hoa Kỳ  tìm kiếm quyền bá chủ Mỹ.

Ông Vương Nghị nói: "Đã đến lúc Hoa Kỳ từ bỏ suy nghĩ mong muốn thay đổi Trung Quốc", và  cáo buộc các quan chức Mỹ có ý nghĩ về Chiến tranh Lạnh.

Sự phản ứng của Tập Cận Bình đối với Hồng Kông có vẻ làm theo cách Tổng thống Vladimir V Putin dùng vũ lực chiếm Crimea từ  Ukraine vào năm 2014,  vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các cam kết ngoại giao trước đây của Nga. Việc sáp nhập đó đã khiến cho Putin bị ghẻ lạnh một thời gian nhưng Nga vẫn kiên quyết kiểm soát chặt Crimea.

Mặc dù Tập Cận Bình sử dụng luật pháp thay vì  quân sự ở các vùng lãnh thổ do Trung Quốc cai trị, đây là hành động liều lĩnh  khi ông ta sẵn sàng chấp nhận bị cộng đồng quốc tế lên án để chống lại những gì Tập cho là  có sự can thiệp nước ngoài đối với an ninh của Trung Quốc.

Cabestan nói: "Đảng Cộng sản không còn quan tâm đến phản ứng quốc tế vì giờ đây (bình định) Hồng Kông liên quan đến sự sống còn, sự ổn định của hệ thống độc đảng và tránh số phận như của Liên Xô. Hồng Kông ngày càng được coi là một yếu tố gây bất ổn cho nhà nước Trung Quốc."

Thách thức mà Tập Cận Bình phải đối mặt xuất hiện vào thời điểm các đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc, mà trên hết là Hoa Kỳ, đang trong tình trạng hỗn loạn, và vì thế tạo cho Tập nhiều cơ hội để đối phó

Vương quốc Anh đã ký kết hiệp ước năm 1984, hứa sẽ dành cho Hồng Kông các quyền tự do cơ bản cho đến năm 2047. Vương quốc Anh, Úc và Canada đã ban hành một tuyên bố rằng họ vô cùng quan ngại. Các quan chức cao cấp của chính quyền Trump cũng lên án Tập Cận Bình và cảnh báo rằng Mỹ có thể xem xét lại các đặc quyền thương mại đặc biệt của Hồng Kông, hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt khác. Tổng thống Trump chẳng nói gì về Hồng Kông dù các bình luận hiếm hoi của Trump không nhất quán.

Đối với những người ủng hộ vị trí độc đáo của Hồng Kông, trọng điểm kinh doanh và văn hóa ở châu Á, cảnh báo không đủ cho áp lực mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Victoria Hui, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame và là tác giả của quyển sách về biểu tình Hồng Kông năm 2014 "Phong trào dù vàng", nói rằng cộng đồng quốc tế thường bày tỏ sự phản đối với quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở Hồng Kong, nhưng không đưa ra sự trừng phạt thực sự

Đây là hành vi vi phạm quyền cơ bản nghiêm trọng nhất ở Hồng Kông trong những năm gần đây, bao gồm các vụ bắt cóc phi pháp, cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức vào năm ngoái và bắt giữ các nhà lãnh đạo dân chủ một tuần trước đây.

"Sự thúc đẩy quốc tế rất yếu", bà Hui nói.  "Bắc Kinh thách thức chính phủ các nước tiếp tục lên án miệng nhưng không làm gì cả."

Chiến lược của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình ngày nay hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm chủ trương ưu tiên cải cách và mở cửa thay vì đối đầu với các nước láng giềng hoặc toàn thế giới.

"Giấu mình chờ thời" là phương châm của Đặng Tiểu Bình.

Khi Đài Loan chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên vào năm 1996, Trung Quốc đã tiến hành các vụ thử tên lửa ở eo biển Đài Loan. Khi Tổng thống Bill Clinton ra lệnh cho tàu sân bay Mỹ đi vào eo biển để thể hiện sự hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, Bắc Kinh buộc phải lùi lại.

Từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã liên tục nâng cấp lực lượng không quân và hải quân của Trung Quốc, điều này làm tăng nguy cơ Mỹ sẽ có những hành động tương tự. Vào tháng trước, quân đội Trung Quốc đã đe dọa hòn đảo này khi cho hàng không mẫu hạm hoạt động tháng trước, buộc quân đội Đài Loan lên tiếng. Đây là lần thứ bảy trong năm nay, đánh dấu quyết tâm của Trung Quốc ngăn chặn Đài Loan độc lập.

Đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, chủ quyền của Trung Quốc đối với Hồng Kông cũng vậy..

Theo Hiến pháp vùng lãnh thổ này, Hồng Kông buộc chấp thuận các lệnh "cấm bất kỳ các hành động phản bội, chia rẽ đất nước và kích động nổi dậy và lật đổ" chống chính phủ Trung Quốc. Khi cơ quan lập pháp Hồng Kông cố gắng làm như vậy vào năm 2003, Bắc Kinh đã thối lui trước các cuộc biểu tình lớn trên đường phố Hồng Kông.

Lana Mitter, giám đốc Trung tâm Oxford Trung Quốc, nói: "Trung Quốc ở một vị trí rất khác trên toàn cầu. Năm 2003, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển, nhưng không phải là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng ngày nay nó là cường quốc kinh tế."

Đại dịch làm trầm trọng thêm một sự khác biệt khác. Bắc Kinh mất hàng năm phản đối sự chỉ trích hệ thống chính trị của nước này, Bắc Kinh tuyên bố rằng Trung Quốc chưa chuẩn bị cho các quyền tự do dân chủ hơn, tạo khả năng tự do hóa nhiều hơn cho hệ thống chính trị mà nhiều người trong và ngoài Trung Quốc hy vọng.

Mitter nói rằng Trung Quốc hiện là "một quốc gia không còn phải tạ lỗi vì độc tài".

Hôm thứ Sáu, ông Tập Cận Bình đã nói với các đại biểu tại cuộc họp thường niên tại Quốc hội  rằng hệ thống Trung Quốc là "hệ thống dân chủ " rộng rãi, chân thành và hiệu quả nhất " trong công cuộc bảo vệ lợi ích cơ bản của người dân".

Sự tự tin đến như vậy đã đưa ông Tập Cận Bình gạt bỏ quan ngại từ phía quốc tế đối với hành vi của Trung Quốc ở trong và ngoài nước: sự thiếu minh bạch và trách nhiệm của chính phủ, vô số nhà bất đồng chính kiến đã bị bắt giữ, và trên 1 triệu người Ngô Duy Nhĩ và những người Hồi giáo khác bị giam giữ ở Tân Cương.

Điều này cũng khiến Trung Quốc trở nên táo bạo trong việc  cách tạo ra khả năng xung đột vũ trang.

Ở biên giới xa xôi với Ấn Độ, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ hai lần vào tháng trước, khiến cả hai bên phải gửi quân tiếp viện. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc chặn các cuộc tuần tra ở phía "đường kiểm soát" thuộc biên giới nước này.

Mặc dù Việt Nam, Malaysia và Philippines tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát Biển Đông.

Vào tháng Tư, Bắc Kinh đã thành lập hai khu hành chính mới để quản lý các đảo mà họ kiểm soát ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hải quân Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ đã trồng thành công bắp cải và các loại rau khác trên cát của đảo Phú Lâm, để nuôi  quân nhân đồn trú ở đó ngày càng đông.

Alice G. Wells, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, cho biết qua điện thoại ở Washington tuần trước: "Sự gây hấn của Trung Quốc không phải lúc nào cũng là khoa trương".

Cô nói: "Vì vậy, dù ở Biển Đông hay ở biên giới với Ấn Độ, chúng tôi vẫn tiếp tục xem hành vi khiêu khích và gây rối của Trung Quốc làm dấy lên câu hỏi Trung Quốc sẽ  sử dụng quyền lực ngày càng tăng của họ ra sao."