10 mai 2014

Trung Quốc điều hàng chục tốp máy bay đến khu vực giàn khoan 981

Theo Vnexpress

Không chỉ điều hàng chục tốp máy bay tuần tiễu, Trung Quốc còn đưa 79 tàu, trong đó có tàu quân sự ra ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam trong khu vực đặt giàn khoan trái phép.
"Tình hình khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp", đó là khẳng định của thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam với TTXVN.

Theo ông Đạm, chiều 9/5, Trung Quốc đã sử dụng 79 tàu bảo vệ khu vực giàn khoan, trong đó có 3 tàu quân sự (một tàu hộ vệ tên lửa 534, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752, 753), 39 tàu chấp pháp, 14 tàu vận tải, 6 tàu dịch vụ dầu khí...
Vị Tư lệnh cảnh sát biển cho biết, Trung Quốc còn điều hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Các tàu Trung Quốc rất hung hăng, ngang ngược và chủ động va chạm vào tàu thực thi pháp luật trên biển Việt Nam. Trung Quốc đã đưa tàu quân sự vào giải quyết những vấn đề hành chính trên biển và ngăn cản trái phép các tàu chấp pháp của Việt Nam.
"Hành động của phía Trung Quốc rất chủ động, chuẩn bị phương án rất kỹ và luôn bố trí trên 70 tàu ở khu vực này", tướng Đạm nói và khẳng định, lực lượng cảnh sát biển quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
canh-sat-bien-1301-1399684502.jpg
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp.
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) cũng trao đổi với TTXVN về nội dung bịa đặt của Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 8/5. Theo ông Hải, phía Trung Quốc tuyên bố "chỉ đàm phán trong trường hợp Việt Nam rút tất cả các tàu ra khỏi vùng biển mà Trung Quốc đang tìm cách đặt giàn khoan HD-981" là hoàn toàn phi lý. Khu vực giàn khoan HD-981 hoạt động nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Các lực lượng chấp pháp Việt Nam gồm cảnh sát biển, kiểm ngư thực thi các biện pháp quản lý tại vùng biển này là hoàn toàn hợp pháp và trong quyền quản lý của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việc cần thiết nhất hiện nay là Trung Quốc phải rút toàn bộ các tàu, giàn khoan của họ ra khỏi khu vực này", ông Hải nói.
Theo ông Hải, trong cuộc họp báo đó, Trung Quốc thông tin tàu Việt Nam chủ động đâm vào tàu của họ. Các phóng viên tham dự đã đưa ra một số câu hỏi liên quan đến việc này, nhưng quan chức Trung Quốc không trả lời và từ chối cung cấp hình ảnh liên quan.
"Chúng tôi khẳng định rằng Trung Quốc không thể có các hình ảnh đó bởi vì tàu Việt Nam hoàn toàn là tàu dân sự và không có hành vi gây sự với tàu Trung Quốc. Chính các tàu Trung Quốc đã chủ động có những hành động gây hấn với tàu Việt Nam. Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều hình ảnh cụ thể để chứng minh cho những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong vụ việc này", ông Hải cho hay.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, việc làm của Trung Quốc thể hiện họ luôn muốn mập mờ trong những công việc liên quan, kể cả những yêu sách của họ ở Biển Đông. Còn Việt Nam luôn có chính sách nhất quán là kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thông qua các biện pháp hòa bình và phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình để bảo vệ các quyền, lợi ích của Việt Nam ở biển Đông. 
Trước ý kiến thắc mắc tại sao Việt Nam không ngăn chặn tàu Trung Quốc ngay khi xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ông Trần Duy Hải cho biết theo quy định của luật pháp quốc tế thì tàu và các vật di chuyển có quyền được di chuyển trên vùng đặc quyền kinh tế các nước.
"Trung Quốc đặt giàn khoan trên vùng biển của Việt Nam là hành vi bất hợp pháp do đó chúng ta phải đấu tranh cương quyết. Hầu hết báo chí và chính giới nước ngoài đã có phát biểu phê phán việc làm của Trung Quốc, điều đó thể hiện chính nghĩa của Việt Nam", ông Hải khẳng định.
Trao đổi với VnExpress chiều 9/5, ông Vương Mạnh Hòa, Trợ lý chính trị Chi đội Kiểm ngư 3 (Cục Kiểm ngư Việt Nam, đóng tại Đà Nẵng), cho hay cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam vẫn thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Tình hình đang diễn biến quyết liệt, có thêm 3 kiểm ngư viên bị thương do va chạm với tàu Trung Quốc.
Trước đó, ngày 1/5, giàn khoan HD-981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Ngày 2/5, giàn khoan HD-981 được neo tại phía nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
Theo Cục Hải sự Trung Quốc, việc hạ đặt giàn khoan này để "khoan thăm dò thềm lục địa" đồng thời cấm hoạt động của tàu thuyền trong phạm vi bán kính 3 hải lý tính từ giàn khoan.
Bộ Ngoại giao và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Mỹ, Nhật coi hành động của Trung Quốc là khiêu khích, khiến tình hình trên Biển Đông leo thang căng thẳng.
Nhiều học giả cho rằng, bước đi của Trung Quốc đang thể hiện rõ mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Đây được đánh giá là khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ Việt - Trung.
Phạm Minh