12 juin 2014

Chứng cứ thu thập từ internet trong vụ án hình sự



Theo BVN
Luật sư Hà Huy Sơn
Từ khi công nghệ internet được ứng dụng rộng rãi thì các cơ quan điều tra cũng lấy các dữ liệu từ nguồn này làm chứng cứ phổ biến để cáo buộc các bị can, bị cáo có liên quan sử dụng máy tính. Việc làm này có khách quan và có đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay hay không?


1.
Khoản 1 điều 64 “Chứng cứ” Bộ luật tố tụng hình sự 2003, quy định:
“ Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Chứng cứ phải đảm bảo tính hợp pháp, tính xác thực.
Các dữ liệu in từ máy tính cá nhân có kết nối internet hoặc in từ internet, để xác định người chủ của các dữ liệu đó cần phải tuân theo những quy định của pháp luật. Máy tính khi kết nối internet thì có khả năng bị hacker thâm nhập vào phần cứng, phần mềm hay mạng máy tính để thay đổi hoặc thiết lập các dữ liệu khác ở trong máy tính. Vì vậy để xác định dữ liệu máy tính là của ai, trong thương mại điện tử đã có quy định từ rất sớm, đó là chữ ký điện tử.
Chữ ký điện tử là thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản, hình ảnh, video...) nhằm mục đích xác định người chủ của dữ liệu đó. Do vậy, để xác định các dữ liệu in từ máy tính cá nhân có kết nối internet hoặc in từ internet là của ai lưu trữ hoặc do ai tạo ra thì cần phải xác nhận bằng chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử chỉ được coi là chứng cứ nếu nó được chứng thực hợp pháp theo điều 21 Luật giao dịch điện tử 2005:
1. Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.
2. Chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu chữ ký điện tử đó đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này.
3. Chữ ký điện tử có thể được chứng thực bởi một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử”.
Hay nói cách khác, chữ ký điện tử hợp pháp phải được chứng thực như khoản 2 điều 4 Luật giao dịch điện tử, quy định:Chứng thực chữ ký điện tử là việc xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử.
Về bản chất trong tố tụng hình sự cũng như thương mại điện tử để xác định một dữ liệu được lấy từ máy tính đã kết nối internet mà không có chữ ký điện tử hoặc không có quy định tương tự như vậy về công nghệ thì không có cơ sở xác thực, khách quan khẳng định người chủ dữ liệu đó là ai.
2.
Nếu các dữ liệu đó được in ra và được người bị bắt ký xác nhận hoặc căn cứ vào lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để xác định chủ của các dữ liệu là ai thì đây cũng chỉ là căn cứ gián tiếp để tham khảo chứ không phải là những gì có thật và những chứng cứ này không được coi là thu thập hợp pháp.
Để tránh khỏi tình cảnh giam giữ lâu ngày, bị bức cung, mớm cung, để làm hài lòng cơ quan điều tra… hoặc vì những động cơ cá nhân khác nhau (như để trả thù người khác, để vu khống, hoặc để muốn mình trở thành người nổi tiếng…) những người nêu trên hoàn toàn có thể ký vào những dữ liệu được cơ quan điều tra in ra để làm chứng cứ.
Và theo điều 72 “Lời khai của bị can, bị cáo”, Bộ luật tố tụng, quy định:
“1. Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án.
2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Kết luận: Từ trước đến nay, nhiều vụ án các cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào chứng cứ duy nhất là các dữ liệu được in ra máy tính hay internet do chính bị can, bị cáo ký nhận hoặc do những người khác ký xác nhận để cáo buộc, kết tội bị can, bị cáo. Những chứng cứ này là không khách quan, vi phạm một cách nghiêm trọng quy định của Bộ luật tố tụng năm 2003, làm hàm oan không ít người vô tội. Để chấm dứt tình trạng này, tôi cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành Luật, Pháp lệnh chứng cứ trong tố tụng hình sự hoặc Nghị định hướng dẫn chi tiết về Chương V “Chứng cứ” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Hà Nội, ngày 11/06/2014
H.H.S.