Dân Quyền: đây là 1 bài tác giả viết cho một báo chính thống, họ ngại quá không dám đăng, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nguyễn Quang A
Bàn về sửa luật Tổ chức Quốc hội,
ông Huỳnh Hữu Nghĩa (đại biểu Đà Nẵng) và ông Trần Du Lịch (đại biểu Hồ Chí
Minh) nói rất hay: ông Nghĩa đòi xóa cơ chế “Đảng cử dân bầu,” ông lịch muốn
đại biểu quốc hội phải sợ cử tri hơn là sợ cấp trên.
Về nguyên tắc các đại biểu quốc hội
là ngang nhau, không có đại biểu nào hơn đại biểu nào và như thế không có
chuyện ai là cấp trên của ai cả. Ông chủ tịch quốc hội không là cấp trên của
mấy ông chủ nhiệm ủy ban, và càng không là cấp trên của bất kỳ ai trong Quốc
hội. Như thế vế “sợ cấp trên” của ông Trần Du Lịch phải bị xóa bỏ càng nhanh
càng tốt.
Để có một quốc hội thật sự của dân,
đại diện cho dân thì nhất quyết phải làm như ông Nghĩa và ông Lịch đề xuất. Tuy
vậy như thế vẫn chưa đủ.
Nói như trên là ông Nghĩa và ông
Lịch thừa nhận rằng các đại biểu quốc hội là người của Đảng CSVN đại diện cho
Đảng chứ chưa hẳn là đại diện cho dân. Những người muốn giữ cơ chế “Đảng cử dân
bầu” thì lập luận, đảng đại diện cho dân tộc, cho nhân dân, nên đảng cử dân bàu
vẫn đại diện cho dân. Điều đó có thể đúng, nhưng chỉ là có thể thôi mà thôi.
Sao không vất cái có thể ấy đi và
trả lại quyền quyết định cho dân. Nếu nói nhà nước của dân, do dân và vì dân,
thì nhất quyết phải trả lại cho dân quyền bầu cử và ứng cử và quyền giám sát
kiểm phiếu.
Như thế để tránh đảng cử dân bầu,
thì phải để người dân được quyền tự do ứng cử. Tự do không có nghĩa là bất cứ
ai, muốn ứng cử thế nào thì ứng cử, mà phải có quy định rõ ràng trong luật bầu
cử về tiêu chuẩn, thủ tục ứng cử. Các tiêu chuẩn và các thủ tục ấy không được
tạo ra bất kể sự phân biệt nào: không được đưa ra vấn đề lý lịch, tôn giáo; không
có chuyện “lọc trước” của Mặt trận; không có chuyện “lấy tín nhiệm,” “xem xét
trước của nơi làm việc hay tổ dân phố” và những hành động khác có thể tạo ra sự
phân biệt. Tiêu chuẩn thường chỉ đơn giản là tuổi từ 25 trở lên và có được chữ
ký ủng hộ của thí dụ 5.000 cử tri và không có bất kỳ tiêu chuẩn khác nào.
Ngoài tự do ứng cử còn phải có các
hội đồng bầu cử độc lập, trung thực và hoạt động của chúng phải được giám sát
một cách chặt chẽ. Vì ứng cử, bầu cử có thể tự do nhưng kiểm phiếu mà bị ai đó
hay thế lực nào đó chi phối thì hoàn toàn vô nghĩa. Như thế không có quy định
chặt chẽ về hội đồng bầu cử về hoạt động của nó sao cho báo chí, đại diện cử
tri và thậm chí quán át viên quốc tế có thể giám sát một cách hiệu quả thì tự
do ứng cử và bầu cử cũng vô ích.
Có thể thấy, chỉ có xây dựng một nền
dân chủ thực sự, khi quyền tự do ứng cử, bầu cử và có hệ thống hội đồng bầu cử
độc lập hoạt động nghiêm minh thì cơ chế “đảng cử dân bầu” mới được khắc phục,
thì các đại biểu quốc hội mới thực sự sợ cử tri.
Nếu muốn thực sự phục vụ nhân dân,
thì việc sửa đổi luật tổ chức quốc hội, luật bầu cử quốc hội phải được tiến
hành nhằm đảm bảo quyền tự do ứng cử, bầu cử của cử tri và có các hội đồng bầu
cử độc lập mà hoạt động của chúng phải được báo chí, đại diện cử tri giám sát
chặt chẽ.