Theo Người Việt
Phạm Chí Dũng
Ðầu mùa mưa 2014. Vào một buổi tối trăng chênh chếch, lần đầu tiên
Sài Gòn có đến ba người bị giết bởi những kẻ trộm chó khi truy đuổi
chúng. Bầu không khí tưởng chừng thật bình yên ở Củ Chi - một huyện
ngoại thành, bất chợt bị xé toạc. Giới cảnh sát nơi đây, vốn đã không
tém dẹp được nạn hút chích lan rộng trong nhiều năm qua, nay lại trở nên
bất lực một cách cực kỳ đáng nghi ngờ trước mối tai biến chó - mèo
không thiếu liên đới với quản trị chính thể.
Chủ Nhật, 18 Tháng
Năm năm 2014 - một ngày nắng đẹp và được giới chức chính quyền TP. HCM
ghi nhận “bình yên.” Một nữ sinh viên duyên dáng của trường đại học y
khoa Sài Gòn khóc sướt mướt vì cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc đã
bị trấn dẹp một cách không thể kiêu binh hơn. Cũng một cách nào đó, có
thể ví thân phận người biểu tình không khác số phận của những kẻ trộm
chó khi họ bị đẩy đuổi từ góc này sang xó khác trên các đường phố. Thế
nhưng còn kém xa vị thế của giới trộm chó, những người biểu tình hoàn
toàn tay không vũ khí mà cũng chẳng có bất kỳ công cụ hỗ trợ nào, ngoài
tấm lòng trung trinh vì nước mà không hẳn vì đảng.
Nhưng sự kích
động đến khó tả đã cùng hòa quyện, bởi khi những giọt nước mắt của
người biểu tình tuôn chảy thì người nhà nạn nhân bị giết bởi những kẻ
trộm chó cũng chìm vào tang khóc. Sài Gòn đã khác xưa nhiều lắm...
Không
khí vừa cô đặc vừa phân hủy của một chất hỗn hợp vừa tập quyền vừa
buông quyền đang khiến cho xã hội loài người nơi đây chen chúc trong một
tai ương không còn là tiềm ẩn. Nếu nạn trộm chó mèo trước đây thường
chỉ xuất hiện ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, còn
những vụ nổ súng cực kỳ hung hãn của chúng lẫn những cuộc đấm đá tập
thể đến chết mà người dân dành cho chúng cũng chỉ diễn ra ở các vùng
nông thôn miền Bắc và đôi khi ngay tại thủ đô Hà Nội, thì giờ đây người
Sài Gòn chính gốc đã có đầy đủ lý do để khiếp hãi.
Không trở lại
Tất cả đều có nguồn cơn từ quản trị chính thể. Hãy thử hỏi, một chính
quyền quản lý như thế nào mà để xảy ra cảnh tượng đám đông hôi của ngay
lúc thanh thiên bạch nhật khi một người đánh rơi bọc tiền giữa trung
tâm quận 5? Nhưng vào lúc tối trời, cây cầu mới Phú Mỹ lại phải chứng
kiến một đám lưu manh không ngần ngại chặt phăng cánh tay của một phụ nữ
để cướp đồ. Giá trị đến 5 ngàn tỷ đồng của cây cầu không một bóng cảnh
sát này đã trở nên có ý nghĩa thế nào trong cơn trấn lột rộng khắp khiến
người dân không dám ra khỏi nhà vào ban đêm.
Một Sài Gòn thời
thượng cũng không còn quá an toàn cho khách du lịch nước ngoài. Natalia -
một họa sĩ người Nga và đã có quá đủ trải nghiệm ở Hà Nội khi luôn phải
khép chặt khuỷu tay vào túi xách mỗi khi ra đường - cũng không thể có
cảm giác tự do hơn khi dạo chân trên những phố Tây ở Sài Gòn như Ðề
Thám, Phạm Ngũ Lão, hoặc ngay giữa trung tâm Ðồng Khởi và Nguyễn Huệ của
thành phố từng được mặc định là “hòn ngọc Viễn Ðông.”
“Với tư
cách là một người du lịch chuyên nghiệp, tôi sẽ không muốn đến Việt Nam
lần thứ hai” - nữ du khách người Anh có tên rất đẹp là Jane thề thốt. Từ
Hội An vào Sài Gòn, không dưới ba lần cô bị chặt chém bởi những tiểu
thương chụp giật ban ngày và cả những kẻ giật đồ buổi đêm.
Trong
số nhiều nạn nhân là du khách quốc tế, không ít người đã xoáy hỏi bạn
bè người Việt của họ là tại sao chỗ nào cũng thấy cảnh sát giao thông
cùng nạn mãi lộ mà đến báo chí quốc tế cũng thầm nhuần như một món ăn
khoái khẩu bậc nhất ở Việt Nam, nhưng lại chẳng có mấy cảnh sát trật tự
ra tay giúp họ mỗi khi xảy ra các vụ cướp giật và bắt chẹt?
Khá
nhanh chóng, nam du khách trẻ người Mỹ gốc Việt là Lincoln Thành đã bị
lôi cuốn vào vòng cảm giác bất an, dù chỉ mới lần đầu đặt chân đến dải
đất đã từng “hai lần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.” Và cũng
rất không may cho ngành du lịch Việt Nam, Thành lại đang làm nghiên cứu
sinh về ngành xã hội học. Thế là một trong những đề tài lý tưởng nhất đã
được vị du khách này phác thảo trong đầu, ngay vào lúc anh ta chứng
kiến một tên cướp phóng thẳng xe máy lên lề đường Sài Gòn để giật điện
thoại từ chính đồng bào của hắn.
Nhưng điều đáng nói là trong khi
bản khảo sát bỏ túi của một hãng du lịch tư nhân cho thấy có đến hơn
90% du khách nước ngoài không muốn trở lại Việt Nam lần thứ hai, các cơ
quan quản lý du lịch ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn tự miệt thị chính họ bằng
lối tuyên truyền một chiều không chán về những con số 4 triệu và 3 triệu
khách du lịch quốc tế hàng năm.
Cái xác phân hủy
Bị xem là một trong những điểm ăn chơi thác loạn và phục vụ cho công
tác rửa tiền vào bậc nhất ở Việt Nam, Sài Gòn đã trở nên một cứ điểm của
quá nhiều món ăn tạp nhạp và hôi thối. Khi chứng kiến những cái xác
chuột nguyên vẹn bị tung ra đường phố cho đến lúc bị xe cán nát nhừ
thành một bữa ăn đỏ au, một du khách nước ngoài đã thốt lên “Chỉ còn
thiếu chuyện người ta quăng ra đường xác người nữa thôi!”
Nhưng
đó không phải là tương lai xa xôi. Sài Gòn và cả Hà Nội nữa đã từng nhìn
thấy những cái xác hoàn toàn biến thể trôi trên sông hoặc bị nhét vào
thùng rác.
Khuôn mặt quản trị chính thể cũng từ đó hiện hình không thể nhanh chóng hơn: thượng bất chính - hạ tất loạn.
Bất
công là nguồn gốc của phản kháng. Chỉ sau khi xảy ra vụ “lương khủng”
của ban giám đốc một công ty môi trường ở Sài Gòn, 5,000 công nhân quét
rác ở thành phố này mới nhận ra khoảng cách thu nhập lên đến hơn hai
chục lần giữa thượng cấp và họ có ý nghĩa thế nào để tiếng thở dài trào
thoát khỏi cổ họng. Cùng thời với phong trào cắt giảm ODA đối với Việt
Nam từ các nước Bắc Âu như Thụy Ðiển và Ðan Mạch, song những kẻ tạp ăn
viện trợ ODA và ăn luôn vào cả quỹ lương dành cho công nhân đã chỉ bị
chính quyền TP. HCM xử lý về mặt hành chính, chứ không có bất cứ thái độ
công bằng nào trong việc cần phải thu hồi số tiền bị thất thoát.
Hậu
quả là mức thu nhập bình quân của công nhân môi trường bị giảm hẳn
trong bối cảnh nền kinh tế đã bước sang năm suy thoái thứ bảy, còn phân
hóa thu nhập giàu nghèo ở Việt Nam có thể đạt đến hàng trăm lần.
Thời
gian cũng đang sắp chạm vào năm thứ bốn mươi của “Ngày giải phóng miền
Nam,” nhưng rõ là Sài Gòn chỉ bình yên trong túi tiền ngồn ngộn của giới
quan chức và những nhóm lợi ích không hề biết đến giới hạn của từ “ăn
bẩn.” Còn với cái nhìn sạch sẽ hơn, chẳng khó để nhận ra bên cạnh hàng
loạt cao ốc và khách sạn cực kỳ diêm dúa vẫn là những dòng kênh đen ngòm
nước xả qua các triều đại; kế cận những nhà hàng ngào ngạt mùi thức ăn
mắc tiền, mấy năm qua đã bắt đầu xuất hiện những gương mặt thượt dài vì
đói ăn của lớp người cực nghèo...
Bần cùng là một lý do hợp lý để
nảy sinh đạo tặc. Bảy năm suy thoái kinh tế cùng nạn tham nhũng tăng
tiến bất chấp mọi giới hạn là những kích thích tố sáng giá nhất để trộm
cướp sinh sản khắp nơi. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu năm sau và
những năm sau nữa Sài Gòn sẽ tuôn trào các đợt biểu tình tự phát của
công nhân, tiểu thương và trí thức để phản kháng những nghịch lý khủng
khiếp: một chính quyền thành phố đồ sộ cùng vài ba chục ngàn cảnh sát
nhưng lại chỉ làm được điều tối thiểu là gìn giữ mặt bằng tối thiểu về
mức sống dân chúng và đạo đức xã hội.