18 juin 2014

Mâu thuẫn đối nội luôn quan trọng hơn mâu thuẫn đối ngoại



Hà Huy Sơn
Khái niệm đối nội, đối ngoại ở đây được hiểu một cách tương đối. Mâu thuẫn đối nội không bao giờ trở thành thứ yếu so với mâu thuẫn đối ngoại, ngoại trừ sự vật thay đổi, nó không còn là nó. Đây là vấn đề chung mang tính quy luật của sự vật; trong lĩnh vực lợi ích chính trị, quyền lực nhà nước, chính thể nói riêng cũng như vậy. Lịch sử đấu tranh của các tổ chức chính trị, các cá nhân có quyền lực chính trị trong xã hội đã chứng minh nguyên tắc này. Như các dẫn chứng lịch sử sau đây.

Không ít các thế lực chính trị trong các triều đại phong kiến Việt Nam do nhu cầu tranh giành quyền lực của phe nhóm hay vì mâu thuẫn đối nội mà đã sẵn sang cầu viện thế lực bên ngoài. Họ sẵn sàng hy sinh lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc để rước giặc vào nhà chỉ vì lợi ích của phe nhóm hoặc vì lợi ích một số cá nhân. Đến khi vì lợi ích cá nhân, Hoàng hậu có thể giết Vua để thay con chấp chính, con giết cha, em giết anh để tranh giành ngôi báu…
Liên Xô trước khi chiến tranh với Phát-xít Đức nổ ra, thay vì phải tập hợp, đoàn kết mọi sức mạnh ở trong nước để chống Phát-xít Đức, việc làm đầu tiên của Stalin đã thanh trừng ngay hơn 30% số sỹ quan của quân đội mà Stalin vì cho rằng họ không đáng tin cậy, không trung thành với ông ta.
Trung Quốc, trong thời kỳ chiến tranh chống Phát-xít Nhật thì Đảng Cộng sản Trung Quốc tuy liên minh với Quốc dân Đảng để kháng Nhật, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn có âm mưu lợi dụng quân Nhật để triệt hạ lực lượng của Quốc dân Đảng và luôn coi Quốc dân Đảng là mối nguy hại hơn cả quân Nhật. Trong nội bộ, sau này giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc các cá nhân cũng luôn sẵn sàng thủ tiêu, giết hại đẫm máu lẫn nhau để tranh giành quyền lực.
Hoặc trong phe Xã hội chủ nghĩa trước đây, khi Trung Quốc và Liên Xô có mâu thuẫn, tuy rằng cùng ý thức hệ Mác-Lê Nin nhưng Trung Quốc sẵn sàng vì lợi ích của mình, tranh giành ngôi bá chủ trong phe với Liên Xô; Trung Quốc đã từng bắt tay với Mỹ để chống Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Các cá nhân lãnh đạo, các phe phái, thế lực chính trị trong một đất nước trong một tổ chức luôn lợi dụng mâu thuẫn bên ngoài như là một hiện tượng thiên tai, hiện tượng của thời tiết để tiêu diệt, triệt hạ lẫn nhau. Họ có thể sẵn sàng bắt tay với bên ngoài thậm trí làm tay sai, lệ thuộc để duy trì hoặc tranh giành quyền lực ở trong nước, trong đảng.
Mâu thuẫn đối nội luôn quan trọng hơn mâu thuẫn đối ngoại. Bằng là nhiều cuộc chiến tranh lân bang giữa các quốc gia, mâu thuẫn giữa các quốc gia đã khép lại nhưng mâu thuẫn nội tộc lại không thể hàn gắn. Lịch sử đã có nhiều gia đình hoàng tộc của các triều đại phong kiến Việt Nam phải lưu vong đã mãi không bao giờ hồi hương… Do vậy, khi đất nước bị lâm nguy, sinh mệnh dân tộc bị đe dọa thì không ai khác chính nhân dân phải là người thức tỉnh trước bài học mang tính quy luật này. Ảo tưởng vì sự đoàn kết chống giặc ngoại xâm, mất cảnh giác vì cùng huyết thống, cùng giống nòi như An Dương Vương đã là bài học lịch sử muôn đời cho dân tộc Việt Nam.
Hà Nội, ngày 18/06/2014
Hà Huy Sơn