Việt Long, theo Jonathan Eyal, Europe Correspondent for The Strait Tines (Singapore)
Theo RFA
Tự tung tự tác
Hành động của Trung Quốc hiện nay chỉ có tính cách giai đoạn hay một
thách đố chiến lược lâu dài cho nền ổn định của châu Á? Đó là đề tài bàn
luận về cung cách hành xử của Trung Quốc hiện nay ở biển Hoa nam (biển Đông theo cách gọi của Việt Nam), hành động tỏ ra đã được cân nhắc kỹ lưỡng để khiêu khích hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Trung Quốc không còn phải tiếp tục lớn tiếng xác định chủ quyền lânh
hải, lãnh thổ, mà đã thực hiện lịch trình chiến lược bằng những hành
động "tiên hạ thủ" để tạo nên thực tế không thể đảo ngược về lãnh thổ,
lãnh hải.
Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động như vậy trừ phi Hoa Kỳ và đồng minh của Mỹ ở châu Á cũng như nơi khác có phản ứng gắn bó hơn.
Giải thích chủ quan
Năm 2010, khi giới chức cao cấp của Trung Quốc nói riêng với Ngoại
trưởng Hillary Clinton rằng họ xem những phần lãnh hải họ giành chiếm ở
biển Đông là quyền lợi cốt yếu, bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ lập tức hiểu ngay
ý nghĩa lớn lao của lời lẽ đó; và mặc cho Trung Quốc nổi giận,
Washington liền tiết lộ nội dung câu chuyện cho báo chí, với hy vọng làm
Bắc Kinh phải nói rõ ý đồ, hay im hẳn.
Trung Quốc không phản ứng, nhưng hầu hết các chính phủ khác, đôi lúc
cả chính Hoa Kỳ, đều lấy điều mình mong cầu để giải thích thay cho thực
tế bằng nhiều cách, về lý do Trung Quốc thình lình thay đổi phương pháp
giải quyết những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
Nhiều nhà phân tích của Trung Quốc thích gọi sự kiện bị tiết lộ đó là
sơ xuất của các viên chức quá nhiều ganh tị với Hoa Kỳ. Một cách giải
thích khác rất được phổ biến là Trung Quốc nhất quyết không chịu thua
trong cuộc đua giành chiếm tài nguyên dầu khí hay hải sản của biển
khơi. Rồi khi nhịp độ đối đầu trên biển Đông và biển Hoa Đông gia tăng,
lại có cách giải nghĩa mới trở nên phổ biến hơn: tất cả những diễn biến
trên biển đều do sự tranh đua giữa các cơ quan luật pháp của Trung
Quốc, mà không rõ việc mình làm là gì.
Đừng theo ý mong cầu
Nay là lúc phải vứt bỏ những lối giải nghĩa theo ý mong cầu như vậy,
và chấp nhận điều hiển nhiên đang chiếu trước mặt: đó là chính sách của
Trung Quốc là chính sách nhất quán, theo đuổi một mục tiêu chiến lược
chính xác.
Lúc này Bắc Kinh chẳng thiết tha gì hải sản hay nhiên liệu; vì sao?
Vì mọi thứ đều sẽ thuộc về Trung Quốc một khi biển Đông thực sự trở
thành cái ao nhà của Bắc Kinh.
Thay vào đó, mục tiêu chính của Trung Quốc là áp đặt một vùng chiến
lược độc quyền, chiếm ưu thế và khống chế toàn khu vực, đẩy hải quân Mỹ
xa hết mức khỏi bờ biển Trung hoa, đồng thời nhắc nhở các nước láng
giềng đừng trông cậy vào chuyện Hoa Kỳ đến giúp họ phòng vệ.
Gọi đó là hình thức quan hệ mới giữa các cường quốc, như chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình thích đặt tên, hay chỉ là cách thế xưa cũ để
chia vùng ảnh hưởng như các nước lớn vẫn làm với nhau trong hằng thế kỷ,
thì kết quả cũng như nhau: đây là thách đố chiến lược táo bạo và trầm
trọng nhất đối với nước Mỹ và đồng minh kể từ khi Liên Xô không còn bóng
dáng.
Tuy nhiên, có rất nhiều phương cách để Hoa Kỳ đáp trả sự thách đố này mà không cần tung ra một cuộc chiến tranh.
Đối ứng cách nào?
Cần khởi sự một chính sách mới, mà đừng quá trông cậy vào lý luận
cho rằng sớm muộn gì Trung Quốc cũng hiểu ra tính cách phản tác dụng
của những kế sách họ đang làm hiện nay, và sẽ chọn đường lối hoà bình để
tiến hành kế hoạch giành chiếm chủ quyền
Đúng, sự quả quyết đầy thô thiển của Bắc Kinh đã quốc tế hoá những
tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải mà Trung Quốc chỉ muốn hoàn toàn là những
vấn đề song phương. Cung cách của Trung Quốc cũng làm cho các nước láng
giềng xa lánh và, ít ra vào lúc này, lối xử sự đó đang đưa hải quân Mỹ
tiến gần hơn tới duyên hải Trung Hoa.
Nhưng đó không phải là điều quan trọng, theo Bắc Kinh nhận thức. Quan
điểm từ Bắc Kinh cho là hầu hết mọi việc đều tiến triển thuận lợi.
...
Người Trung hoa cũng không tin là khối ASEAN sẽ có thể tiến xa hơn là
chỉ biết vung vẩy cái bản Quy tắc ứng xử, một văn bản đã bị sự kiện
thực tế vượt qua, và trong mọi trường hợp cũng chỉ được coi là công cụ
của chính sách hơn là một chính sách thực sự. Không một ai ở Bắc Kinh có
vẻ như xem trọng Philippines; các viên chức Trung Quốc, ở nơi riêng tư,
đều coi Philippines như bù nhìn con rối của Mỹ, và là xứ cung cấp lao
động giá rẻ.
Và trong khi đánh giá Việt Nam khá hơn, Trung Quốc cũng hiểu rằng tuy
Việt Nam có khả năng đánh thắng vài trận đụng độ quân sự, xứ này cũng
không bao giờ chiếm được ưu thế đối với Trung Quốc.
Điều này giải thích việc Trung Quốc bất ngờ hạ đặt một giàn khoan
nước sâu gần quần đảo Hoàng Sa, là nơi Việt Nam cùng nhận chủ quyền, và
là nơi xảy ra đối đầu ở biển Đông.
Bên cạnh nhãn quan tự mãn này, Trung Quốc còn coi Tổng thống Mỹ hiện
nay như một nhân vật yếu kém, bị đè nặng dưới nhiều áp lực...
Trong khi đó, châu Âu quá bận rộn với đống đổ nát của cuộc khủng
hoảng tài chính đến nỗi chẳng hề thấy những sự kiện diễn ra ở vùng biển
Hoa Nam.
Chiến thuật xẻ thịt/ bóc cải
Tất nhiên, hầu hết những quan niệm đó của người Trung Hoa đều quá
khái quát hóa và đơn giản, và quả có nhiều nhà phân tích người Hoa có
nhãn quan thận trọng và nhiều sắc thái hơn.
Nhưng trong giới lãnh đạo Trung Quốc, gồm một số nhỏ những người
không nói tiếng nước ngoài và ít khi xuất ngoại, tâm trạng chiếm ưu thế
là tâm trạng cho rằng "tương quan lực lượng thế giới" nay cho phép Trung
Quốc kiến tạo cái khung cho môi trường chiến lược của mình.
Lúc này điều đó có vẻ phù hợp với tình hình. Đôi ba năm trước, giới
chuyên môn còn cười nhạo cái bản đồ với đường chín đoạn, hôm nay sự hiện
diện của tàu bè Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp này đã đông dày
tới mức trở thành thực tế của cuộc sống hằng ngày.
Càng ngày càng có thêm những đá, những rạn san hô rơi vào quyền kiểm
soát thực tế của Trung Quốc, và khi chiếm giữ được thì họ càng mở rộng
để gia tăng tầm ảnh hưởng của sức mạnh quân sự. Cứ thế Trung Quốc được
đà giành chiếm và tự ấn định thêm cho mình những mảng lớn của vùng đặc
quyền kinh tế.
Có người gọi đó là "chiến thuật thái thịt salami", những người khác,
như tướng Trương Triệu Trung của Trung Quốc, lại gọi đó là "chiến lược
bóc cải", một phương pháp bao vây một vùng tranh chấp bằng số lượng tàu
đủ loại nhiều tới mức hòn đảo tranh chấp bị bao bọc như những lớp lá cải
bắp trong vòng kiểm soát.
Hình ảnh nào thì thực chất cũng giống nhau: một loạt những bước nhỏ
khi được thi hành liền trở nên không thể đảo ngược, và theo thời gian
dẫn đến kết quả là Trung Quốc đạt được mục đích về lãnh thổ.
Chiếm thượng phong
Đường lối duy nhất để Hoa Kỳ phản ứng lại hành vi đó là phải chiếm
được thế "khống chế hành động leo thang", như các chuyên gia chiến lược
đặt tên, bằng cách làm rõ với Bắc Kinh rằng Trung Quốc không phải là
quốc gia duy nhất điều kiểm được những cuộc đối đầu dù cho lớn hay nhỏ,
và Trung Quốc không bao giờ biết chắc được cường độ hành động đáp trả
của Mỹ. Giả sử một bước nhỏ của Trung Quốc trên biển Đông gây nên từ
phía Hoa Kỳ một phản ứng mạnh quá mức cân xứng, thì những nhà thiết kế
quân sự Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng cho bước kế tiếp trong tiến
trình leo thang đối đầu với nhau.
Mới đây khi Tổng thống Obama thăm Philippines, ông đã bỏ lỡ một cơ
hội toàn hảo để giành thế thượng phong trong chiến lược khống chế cuộc
leo thang đối đầu đó. Phải chi ông công bố rằng những tàu chiến Hoa Kỳ
lập tức đến đóng căn cứ tại Philippines, điều đó hầu như chắc chắn sẽ
buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về chiến lược. Tuy nhiên nhà lãnh đạo
Hoa Kỳ lại chỉ ký thỏa ước để tàu chiến Mỹ đến viếng Philippines trong
tương lai. Và Bắc Kinh liền bắt nước bài tố ngập ngừng của Mỹ, giáng
ngay giàn khoan nước sâu không lồ xuống gần Hoàng Sa, chỉ một tuần lễ
sau khi ông Obama rời khỏi Đông Nam Á.
Vì thế, vào lúc này thế thượng phong trong cuộc leo thang vẫn ở về phía Trung Quốc, là điều đáng lẽ không xảy ra.
Giữa bối cảnh nguy hiểm của tình hình an ninh Đông Nam Á, đề nghị
rằng nơi này cần phải chịu thêm bất trắc thì nghe rất ngược đời. Nhưng
chỉ khi nào những người quyết định chính sách ở Bắc Kinh nhận thức được
rằng họ không thể nào tiên đoán Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao, thì khi đó
chiến lược hiện nay của Bắc Kinh mới có thể đảo lại.
Giới chức Trung Hoa rất thích nói đến tính chất "các bên đều thắng
lợi" trong chính sách ngoại giao của họ. Nay chính là lúc họ phải chuyển
đổi cái khẩu hiệu chán ngắt đó thành thực tế.