Gs Nguyễn Văn Tuấn
Đọc
bài gọi là “phản biện” của ông Trần Công Trực (1) tôi thấy sao mà hời
hợt và thiếu tính thuyết phục. Những điểm trình bày trong bài viết có lẽ
chỉ nói cho “phe ta” đọc cho vui mắt thôi, nên kèm theo mấy cái danh
xưng kiểu như “tiến sĩ” để thu hút người đọc và tạo ấn tượng học thuật.
Nhưng đứng trên phương diện học thuật thì tôi e rằng bài phản biện này
chưa đạt chuẩn để lên võ đài tranh luận với các học giả Tàu. Đây chính
là vấn đề của VN: chỉ thích nói cho nhau nghe, mà không phản bác đối
phương một cách trực tiếp. Hệ quả là chính ta ru ngủ ta (hay có người
nói là “tự sướng”).
Sự hời hợt được phản ảnh qua phần phản bác thông tin trong sách giáo khoa lớp 9. Chẳng hạn như câu “Các tài liệu khác như Sách giáo khoa địa lý lớp 9, Tập bản đồ thế giới…thực chất đây là những tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu, học tập…”. (Ôi! Sao tôi ghét cái dấu ba chấm này quá [2]). Tôi sợ giải thích này không thuyết phục. Ở một nước mà thông tin bị kiểm soát nghiêm ngặt và tất cả tin tức đều qua kiểm duyệt của bộ máy đảng và Nhà nước thì lí lẽ gọi là “tham khảo” không có giá trị pháp lí không thuyết phục được ai. Nên nhớ rằng tài liệu tham khảo là một chứng từ, và theo tôi thấy, chứng từ vẫn có giá trị nào đó ở pháp đình. Vấn đề là giá trị của nó cao thấp cỡ nào. Bọn Tàu cộng đọc xong câu này chắc chúng sẽ cười, vì chúng thầm nghĩ “chiêu này chúng tao dạy cho tụi bây mà”.
Vậy chúng ta phản bác luận điệu sách giáo khoa này như thế nào? Tôi nghĩ đến những cách thức và luận điểm sau đây:
Thứ nhất là tính phi khoa học. Tài liệu tham khảo có thể dùng để biện minh cho một phát biểu hay quan điểm. Việc Tàu cộng dùng “tài liệu tham khảo” (dùng chữ của ông TCTrực) là hợp lí. Nhưng cách sử dụng đó cũng không hợp lí và phi khoa học, bởi vì trong học thuật, có tài liệu tham khảo yểm trợ cho một quan điểm, nhưng cũng có tài liệu tham khảo khác không yểm trợ quan điểm đó. Tại sao họ không trích dẫn sách giáo khoa địa lí ở miền Nam? Tương tự, nếu khách quan thì Tàu cộng phải trình bày tài liệu khác cho thấy hai quần đảo đó không thuộc về họ (nhưng điều này thì chúng ta không thể kì vọng họ). Vì không kì vọng vào tính khoa học của Tàu cộng, nên phía VN phải trình bày tài liệu tham khảo khác đáng tin cậy hơn và khách quan hơn để phản bác quan điểm của họ.
Thứ hai là phản bác về độ tin cậy và chính xác của thông tin. Tôi nghĩ không nên dựa vào lí giải rằng vì là “tham khảo” nên không có giá trị pháp lí, mà phải biện luận cái nguồn gốc của thông tin đó. Nói cách khác, phải tìm cho rõ thông tin trong sách giáo khoa lớp 9 (nói rằng Tây Sa và Nam Sa là của Tàu cộng) xuất phát từ đâu. Sau đó sẽ thẩm định độ tin cậy và tính chính xác của thông tin đó. Tôi chủ quan nghĩ rằng thông tin đó đến từ Tàu cộng (hoặc do chúng áp đặt, hoặc phía VN dịch sách của Tàu cộng), và nếu điều đó đúng thì thông tin chẳng có ý nghĩa gì trong tài liệu của họ.
Thứ ba là thông tin trong sách giáo khoa không phải là bất biến. Trong nhiều lĩnh vực, kể cả địa lí và sử, biên giới và chủ quyền có thể thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi có thể là do tranh chấp, chiến tranh, hay do kiến thức mới. Do đó, sách giáo khoa địa lí của Bắc VN đã in từ hơn 40 năm trước, và trong thời gian đó đã có nhiều thay đổi. Lấy thông tin của hơn 4 thập kỉ trước để biện minh cho tranh chấp hiện nay là có phần không hợp lí. Không ai dựa vào thông tin sử của 400 năm trước để đòi Los Angeles trả về cho Mexico, hay trả Sài Gòn cho Vương quốc Khmer! Vả lại, VN bây giờ là thống nhất, còn cuốn sách giáo khoa đó chỉ được dùng giảng dạy cho một phần VN, và cũng chỉ trong một thời gian ngắn, không thể xem là một tài liệu tham khảo có giá trị bất biến.
Thứ tư là dùng đến phân tích thống kê. Tàu cộng dùng thông tin trong sách giáo khoa của VN và cái thư (hay công hàm?) của ông Phạm Văn Đồng, và có thể vài nguồn khác để biện minh về chủ quyền. Nhưng lượng tài liệu của họ không nhiều, và chất cũng kém. Do đó, ở đây, chúng ta phải đấu về lượng và chất. Không cần nói ra, chúng ta đều biết VN đang lưu giữ một lượng thông tin khổng lồ về chủ quyền hai quẩn đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chắc chắn là nhiều hơn lượng thông tin của Tàu. Vậy thì phía VN còn chần chừ gì mà không làm một thống kê có bao nhiêu tài liệu “for” và “against” (phải có cả hai) để làm một chứng minh mang tính định lượng về chủ quyền. Để thuyết phục về chất, cần phân loại thông tin (lịch sử, địa lí, khoa học, văn học, báo chí) và sắp xếp theo thời gian. Các nhà báo VN hết năm này sang tháng nọ cứ viết bài “có thêm bằng chứng” [chủ quyền] mà không có ai đứng ra hệ thống hoá thông tin cả. Đã đến lúc một nhóm nhà bào hay nhà khoa học xã hội đứng ra thu thập dữ liệu và biến chúng thành thông tin và tri thức. Nếu cần kĩ năng phân tích thống kê, sẽ có người ở VN hoặc nước ngoài hỗ trợ. Tôi nghĩ đó là một cách thức thực tế để tạo thêm chứng từ trong cuộc đấu tranh với Tàu cộng.
Phải nói là Tàu cộng rất hèn và thấp khi sử dụng đến cái công hàm của Phạm Văn Đồng và sách giáo khoa trong tài liệu họ nộp cho Liên Hiệp Quốc để “chứng minh” rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Tàu. Đây là những tài liệu được soạn ra trong lúc hai bên (Bắc VN và Tàu cộng) còn thân thiết với nhau như anh với em (“môi hở răng lạnh”), vậy mà bây giờ họ dùng đó để ra đòn “hạ thủ”. Việc sử dụng các tài liệu này chẳng khác gì cặp tình nhân lúc còn mặn nồng thì vui vẻ chụp hình bên nhau, đến một ngày nào đó “canh không ngọt” thì một bên công bố những tấm hình tế nhị cho cả thế giới biết. Đó là một trò hèn hạ và bỉ ổi, nhưng nó có tác dụng và gây ảnh hưởng với những ai không chịu khó suy nghĩ.
Nhưng VN không nên hạ mình thấp và hèn như Tàu cộng. Trong tranh luận với Tàu, chúng ta cần phải tận dụng tất cả thông tin và vận dụng tất cả phương tiện Tôi nghĩ nếu VN phản bác (và nên phản bác) luận điểm của Tàu cộng, thì những tận dụng thông tin và vận dụng thống kê có thể giúp một phần. Dĩ nhiên, tận dụng và vận dụng nhưng phải tỏ ra khách quan (ví dụ như nhìn vấn đề 2 chiều) chứ không hèn và tự hạ thấp như Tàu.
------
[1] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/
[2] Tôi phải mở ngoặc đế nói về cách viết. Hình như nhiều người Việt có “truyền thống” viết văn với ba dấu chấm, nên nó rất rất phổ biến. Tôi rất ghét ai viết như thế, vì tôi nghĩ nó phản ảnh sự lười biếng suy nghĩ của tác giả. Ba dấu chấm (…) có thể hiểu nhiều cách: có thể là một sự ngập ngừng, có thể là chẳng còn ý nào khác, hoặc có thể là người viết nghĩ chưa đến nơi đến chốn. Hiểu thế nào thì vẫn là một sự lười biếng suy nghĩ. Kiểu viết đó rất phản cảm và đại kị trong khoa học.