08 juin 2014

Tòa sẽ kết án “bầu” Kiên thế nào?

Dân Quyền: tác giả cho biết đây là bài do một báo chính thống đặt về dự đoán tòa sẽ kết án ông Kiên ra sao. Sau khi đọc, họ báo lại cho tác giả rằng không thể đăng được; có lẽ do sợ như vài báo đã đăng những bài không như được "chỉ đạo" nên đã bị phạt, bị nhắc nhở, thậm chí bị truy tố. Dân quyền xin giới thiệu bài viết này với bạn đọc.

Nguyễn Quang A

Sau khi hoãn kết án, dự kiến ngày 9-6-2014 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ kết án trong vụ án điểm xử ông Nguyễn Đức Kiên.
Ông Nguyễn Đức kiên bị truy tố vì 4 tội: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “kinh doanh trái phép”; và “trốn thuế”.
Việc dự đoán sự kết án của tòa vừa dễ vừa rất khó.


Dễ, bởi vì đây là vụ án điểm, được chỉ đạo sát sao từ các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam (điều hiếm thấy, và thực ra chưa từng có, đã là việc nêu đích danh vụ này cùng tên cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá trong thông cáo của một hội nghị trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam), cũng như theo tập quán của việc xử án ở Việt Nam trong thời gian qua, người ta có thể sẽ thấy một bản án nặng (gần nguyên như cáo trạng) đối với ông Kiên.
Cũng là dễ để dự đoán, nếu xét trên chứng cứ, lý lẽ, quy định của luật hiện hành và giả như hệ thống tòa án Việt Nam thực sự độc lập và dựa vào ý kiến của các luật sư, các chuyên gia khả kính: ông Kiên không mắc tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (người được cho là bị lừa, bị hại cho rằng mình không bị lừa); ông không mắc tội “cố ý làm trái…” vì bản thân tội danh này rất mơ hồ và cần phải được dỡ bỏ khỏi luật; ông không phạm tội “kinh doanh trái phép”; ông không phạm tội “trốn thuế.” Vì thế ông phải được trả tự do ngay ngày 9-6-2014. Tuy vậy, do một giả thiết của khả năng này (tư pháp độc lập) là sai vì tư pháp Việt Nam chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên khả năng tuyên án ông Kiên vô tội tại tòa là gần như bằng không.
Việc dự đoán là rất khó bởi vì lý do sau đây. Vụ này được cho là một vụ án điểm, được sự chỉ đạo sát sao của Ban Nội chính Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam (cũng như nêu trong thông báo đã được nhắc tới) và sự lúng túng của tòa (hoãn xử, hoãn kết án) cũng như sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí, các chuyên gia cũng như bản thân ông Kiên trong lời nói cuối cùng trước tòa, cho thấy việc luận tội chưa thấu tình đạt lý và nặng tính áp đặt và chưa có sự thống nhất trong việc “chỉ đạo” mà chỉ đạo là một điều tối kỵ nếu muốn có nhà nước pháp quyền thực sự. Như thế việc luận tội ông Kiên ngày 9-6-2014 rất có thể phụ thuộc vào thế trận giữa những người muốn kết tội ông Kiên (hay gián tiếp kết tội những ai đó) bằng mọi giá và những người không muốn vậy bên trong ban lãnh đạo. Điều này cho thấy căn bệnh trầm kha của ngành tư pháp Việt Nam mà là không thể chấp nhận được đối với bất cứ nhà nước pháp quyền nào, vì nó buộc người ta phải suy luận về khả năng chính trị hóa, hình sự hóa những vấn đề thuần túy kinh tế để phục vụ cho ý đồ chính trị nào đó. Nếu đúng vậy, thì đấy là tử huyệt của tư pháp Việt Nam.
Chỉ với một nền tư pháp độc lập, với sự cấm chỉ mọi sự chỉ đạo ngành tư pháp từ bất cứ thế lực nào và với một nền pháp trị nghiêm minh, thì việc dự đoán bản án mới dễ hơn và mới có thể có dân chủ và sự phát triển bền vững.