13 juillet 2014

ĐÀI SBS (Úc) phỏng vấn ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam

Theo BVN


(phát thanh ngày 6/7/2014)
Ngày thứ Sáu 4/7/2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã ra mắt.
Tuyên ngôn của Hội cho biết đây là một tổ chức được thành lập nhằm những mục đích chính như sau:
- Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước.
- Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí, đồng thuận với những chính sách, giải pháp hợp lòng dân và có lợi cho đất nước.
- Lên tiếng và có hành động cần thiết để bảo vệ những người làm báo vì tiến bộ xã hội, nhưng bị sách nhiễu, bắt bớ, tù đày, khủng bố… Đấu tranh yêu cầu Nhà nước Việt Nam hủy bỏ những điều luật mơ hồ của Bộ luật hình sự được dùng để áp chế tự do báo chí như Điều 258, 88…
Với 4 chi hội, ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam và hải ngoại, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ngay ban đầu đã quy tụ được 41 thành viên, trong đó có những cái tên quen thuộc như Huỳnh Ngọc Chênh, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh, Vi Đức Hồi, Hồ Ngọc Nhuận, Hà Sĩ Phu, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Tường Thụy, JB Nguyễn Hữu Vinh, v.v.
Chúng tôi đã hỏi chuyện nhà báo tự do, nhà bình luận thời sự, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng -Chủ tịch Hội.
Mời quý vị theo dõi cuộc nói chuyện.
SBS: Thưa, có phải là hiểm họa mất nước về tay Trung Quốc là động cơ thúc đẩy sự ra đời của Hội nhà báo độc lập hay là sự chín muồi của tình thế sau khi hàng chục tổ chức xã hội dân sự đã ra đời do người dân không chấp nhận sự cai trị độc đoán của đảng Cộng sản Việt Nam tự động đứng ra lập nên?


Phạm Chí Dũng: Cả hai yếu tố đều thiết thực và đan xen, hòa quyện và thống nhất với nhau. Một yếu tố mới đột biến mà chúng ta thấy là họa ngoại xâm đang cận kề. Do đó mà chúng ta thấy trong tuyên bố của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cũng đã nhấn mạnh điều này. Bây giờ thì Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cũng như những tổ chức hội đoàn dân sự độc lập Việt Nam không chỉ có nhiệm vụ độc lập với các tổ chức hội đoàn của Nhà nước và tạo ra một tiếng nói độc lập cho xã hội dân sự Việt Nam, mà còn phải có một sứ mệnh – tôi gọi là sứ mệnh vì điều đó rất đặc biệt - là đấu tranh chống ngoại xâm và tạo ra tư thế độc lập cho quốc gia dân chủ ở Việt Nam.
Trước khi xảy ra hiểm họa phương Bắc, điều kiện lập Hội nhà báo Độc lập đã chín muồi. Từ đầu năm 2013 đến nay, sau khi đã phát động phong trào Kiến nghị 72 với hàng loạt kiến nghị mang tính chất chấn động chưa từng thấy về điều 4 Hiến pháp, về quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc mà không phải là trung thành với đảng..., cho tới nay đã hình thành gần 20 hội đoàn dân sự độc lập. Con số này chỉ là một phần rất nhỏ trong số gần 3.000 hội đoàn dân sự độc lập ở Trung Quốc; nhưng mà rõ ràng là phong trào dân sự độc lập ở Việt Nam lớn mạnh hơn hẳn so với Trung quốc, nếu tính về thế và lực trong mối tương quan đối với chính quyền hiện nay.
Chị đặt ra tĩnh từ “chín muồi”, tôi cho là tương đối phù hợp với hoàn cảnh và tình thế của xã hội dân sự Việt Nam hiện nay. Và đã đến lúc những hội đoàn dân sự độc lập, như là Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam có thể ra đời và ra đời một cách đàng hoàng; có nghĩa là quy tập được khá nhiều anh chị em đứng trong hàng ngũ của Hội Nhà báo Độc lập, chứ không đến mức bị cô đơn như cách đây 6 năm, thời mà Câu lạc bộ Nhà báo Tự do của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải bị đàn áp khốc liệt và bị bắt bớ một loạt.
Đấy chính là cái vấn đề tôi gọi là thiên chức, sứ mệnh và nhiệm vụ của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: không chỉ đấu tranh, phản biện về vấn đề dân chủ, nhân quyền, mà còn phải hướng đến trào lưu và chủ trương độc lập hóa đối với dân tộc. Và đó cũng chính là lý do tại sao tôi cho là một cơ duyên từ trên trời rơi xuống là ngày thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, 4/7/2014, lại trùng hợp với ngày độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cách đây hơn 200 năm.
SBS: Thưa, như vậy thì có thể nói là sự ra đời của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là muộn màng hay không, vì trước đây khi mà có mặt Câu lạc bộ Nhà báo Tự do thì bao nhiêu nhà báo Việt Nam đã không hưởng ứng mạnh mẽ để họ đừng bị lạc lõng cô đơn? Và thứ nhì là chuyện tình hình đất nước như ngày nay đâu phải là chuyện mới xảy ra chỉ một hai năm qua, mà là hàng chục năm qua đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước đến chỗ này. Và người cầm bút là thành phần trí thức, hướng dẫn dư luận, bây giờ để cho tình thế đến nước này Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam mới ra đời. Như vậy là cầm đèn chạy sau ô tô rồi!
Phạm Chí Dũng: Tôi đồng ý. Tất cả những gì sinh ra hiện nay đều có vẻ muộn màng, thậm chí có những việc rất trễ tràng. Đúng ra là ngay sau khi tái lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ và bắt đầu hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ vào năm 2001, tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam đã phải ra đời, đã phải hoạt động. Nhưng mà có một điểm khó hiểu là hoạt động dân chủ và xã hội dân sự ở Việt Nam thường hình thành sau thực tế khá lâu. Còn các tổ chức hội đoàn của Nhà nước thì không phải bàn, tại vì họ luôn luôn đi theo chỉ đạo của Nhà nước và họ không bao giờ có một hành động bứt phá nào cả.
Theo tôi thì đúng ra trễ nhất ở thời điểm hình thành khối 8406 ở Việt nam vào những năm 2005, 2006, cùng với phong trào dân oan đất đai nổi lên vào những năm đó, rất nổi cộm, xã hội dân sự ở Việt Nam đã phải hình thành và lên tiếng mạnh mẽ nhất, trực tiếp nhất và chấn động nhất đối với xã hội và bầu không khí chính trị nữa. Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, hoặc là Nghiệp đoàn báo chí độc lập Việt Nam đã phải ra đời từ những năm đó.
Tuy nhiên có thể thấy là ngay một tổ chức dân sự ở cấp câu lạc bộ, như Câu Lạc bộ Báo chí Tự do, mà còn bị đàn áp và bị bắt bớ, thì huống chi nếu mà thành lập cấp hội hoặc là nghiệp đoàn, hoặc là tổ chức lớn hơn - một phong trào báo chí độc lập – thì làm sao có thể tồn tại được? Nỗi sợ hãi trong lòng người dân Việt không bao giờ bị dập tắt, cũng như sự đàn áp không bao giờ buông lơi. Cho nên đó là lý do mà mãi 6 năm sau sự kiện Câu lạc bộ Báo chí Tự do thì mới đến Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Thành thực mà nói, chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì sự trễ muộn như vậy. Nhưng biết làm sao hơn, vì nếu thành lập cách đây 6, 7 năm thì ngoài yếu tố có thể bị bắt bớ, bị đàn áp một cách mạnh mẽ, cũng khó mà quy tụ được nhiều người, nhiều thành phần tham gia. Còn bây giờ thì khác hẳn. Chúng ta cũng có thể thấy một điều gần như hiển nhiên, ngay tại lúc này, vào thời điểm này, xã hội dân sự Việt Nam được coi như đã hình thành rồi và đang phát triển – phát triển khá mạnh mẽ so với cách nay 6, 7 năm.
SBS: Các nhà báo làm cho 700 tờ báo trong nước, truyền thanh, truyền hình, theo chỗ tôi hiểu, đều phải vào Hội Nhà báo của Nhà nước, đúng không ạ? Đó là chuyện bắt buộc đối với họ, đúng không ạ?
Phạm Chí Dũng: Đó gần như một điều khẳng định. Tuy nhiên Hội Nhà báo Việt Nam cũng có những tiêu chí, tiêu chuẩn của họ. Không phải ai vào cũng được. Cũng giống như Hội Nhà văn Việt Nam vậy thôi. Mỗi người đều phải có một số tác phẩm báo chí, phải có thâm niên công tác, phải có thẻ nhà báo, đồng thời phải đáp ứng một số điều kiện khác thì mới có thể vào được. Nhưng về thực chất người ta vẫn đánh giá Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức khá vô nghĩa mặc dù số lượng hội viên của nó lên tới 20 ngàn.
SBS: Theo những điều anh vừa nói, tôi hiểu là nay họ có thể gia nhập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và Hội mở rộng cánh cửa để đón nhận họ, đúng không ạ?
Phạm Chí Dũng: Đây là một hội mở, một hội công khai và một hội dân chủ; vì vậy đón nhận tất cả mọi người, miễn là thỏa mãn một số tiêu chí của Hội, trong đó có tiêu chí về nghề nghiệp, tiêu chí về điều lệ, về mục tiêu, tôn chỉ, về nguyên tắc. Nhưng Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vẫn chưa thể thu hút được ngay lập tức các nhà báo hoạt động trong Nhà nước thuộc các tờ báo quốc doanh. Đó là lực lượng đông đảo nhất, có trình độ nhất mà hoạt động báo chí ở Việt Nam cần có. Tuy nhiên vẫn chưa thể. Có lẽ chỉ có thể hy vọng sớm nhất là cuối năm 2014, khi mà làn sóng giao thoa giữa “lề phải” và “lề trái” được đẩy lên mạnh hơn so với hiện nay. Và theo tính bất biến không thể thay đổi thì lúc đó Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam mới có thể thu hút một ít những cây bút chuyên nghiệp của nhà báo “lề phải” và do đó mới có thể phát triển về góc độ chuyên môn và năng lực làm báo của mình.
SBS: Với một chi hội hải ngoại, thì Hội mở rộng cánh cửa đón nhận các nhà báo ở nước ngoài. Tại sao phải có sự có mặt của thành phần này? Tiêu chí nào để đánh giá họ? Sự phản hồi từ thành phần này đối với sự ra đời của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam như thế nào?
Phạm Chí Dũng: Một số anh em ở hải ngoại có hỏi tôi: chúng tôi là những người không đồng nhất quan điểm với Nhà nước Việt Nam, có thể nói chúng tôi là những nhà bất đồng chính kiến và kể cả những người bị Nhà nước Việt Nam coi là “chống Cộng”, chúng tôi tham gia vào Hội Nhà báo Độc lập được không?
Tôi thay mặt Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam trả lời và cũng xác định luôn quan điểm của Hội là như thế này: Hội này không phân biệt chính kiến, không kỳ thị và không phân biệt một cái gì hết. Tất cả mọi người đáp ứng những tiêu chí của Hội về mặt nghề nghiệp chuyên môn đều có thể tham gia vào Hội. Đó là quan điểm của chúng tôi, và chúng tôi nghĩ đó cũng chính là một vấn đề đặt ra trong tương lai là làm sao hòa hợp hòa giải dân tộc - chính là công việc này đây.
Yếu tố hải ngoại được coi là một yếu tố quan trọng, không phải về mặt số lượng mà là về mặt chất lượng và tiếng nói. Nếu so về mặt số lượng thì hiện nay chỉ có 4 triệu rưỡi người Việt sống ở nước ngoài, chỉ bằng 1/20 so với dân số Việt Nam là 90 triệu. Số lượng nhà báo hoạt động chuyên nghiệp ở nước ngoài cũng không phải là nhiều so với hơn 17 ngàn nhà báo có thẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên giá trị của các nhà báo ở hải ngoại chính là họ đã có tiếng nói độc lập từ lâu, họ đã quen với dân chủ, tự do, với quyền của công dân mà họ đã thể hiện từ quá lâu nay. Tiếng nói độc lập của họ đã thể hiện trên các diễn đàn báo chí. Điều đó rất phù hợp với tiêu chí độc lập về quan điểm và phản biện của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Chính vì thế chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể hòa hợp được với nhiều nhà báo hải ngoại. Ngay trong danh sách đầu tiên những người tham gia vào Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã có hai người ở hải ngoại là anh Trần Quang Thành ở Slovakia và chị Ca Dao ở Pháp.
Sau khi Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra đời, chúng tôi khá ngạc nhiên là đã có gần một chục nhà báo hải ngoại đăng ký tham gia Hội, và đó là một niềm vui đối với chúng tôi vì họ rất nhiệt tình. Họ còn nói là họ sẽ mời bạn bè của họ, những người hoạt động chuyên môn, cùng tham gia vào Hội. Chúng ta có một ngôi nhà chung, một không khí chung, một tiếng nói chung. Miễn là mọi người đều tôn trọng “nhập gia tùy tục “ đối với ngôi nhà đó, thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa.
Và cũng có một điều cần phải nói thế này: nói gì thì nói, Nhà nước cũng không bỏ quên Hội Nhà báo Độc lập đâu. Bằng cách nào đó, họ sẽ tham gia Hội Nhà báo Độc lập dưới một hình thức nào đó. Trong trường hợp đó, đây là một hội mở và chúng tôi chấp nhận tất cả; có nghĩa là trong số thành viên hội này, trong thời gian tới sẽ có những người mà chúng tôi nghĩ rằng cơ quan an ninh đưa vào. Chúng tôi sẽ mong đợi họ và sẽ đối thoại với họ.
Một điều quan trọng là trên cơ sở những thành phần khác nhau về quan điểm trong và ngoài nước, chúng tôi mong muốn tạo ra một diễn đàn đối thoại giữa những quan điểm khác nhau trong và ngoài nước. Đó là một trong những nhiệm vụ thú vị của Hội Nhà báo Độc lập trong thời gian tới.
SBS: Nãy giờ anh nói tới những người ủng hộ, tán thành quan điểm của Hội. Thế còn anh có nghe phản hồi gì từ những người thí dụ như người viết báo lề trái, hoặc là những người viết báo, viết blog trên những trang mạng ở hải ngoại thì họ đón nhận tin này như thế nào? Họ đặt vấn đề, họ nghi kỵ hay không? Hoặc là họ công kích, đả phá hay không?
Phạm Chí Dũng: Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chỉ mới ra đời, cho tới thời điểm chị phỏng vấn tôi, mới được có 3 ngày, thành thử dư luận chưa phức tạp lắm.
Có ba luồng dư luận:
Luồng dư luận phổ biến nhất là giới truyền thông quốc tế và báo chí hải ngoại. Hầu hết là họ ủng hộ và hân hoan, thậm chí họ coi đây là một bước ngoặt sau 39 năm mới hình thành được một tổ chức mà họ cho là “quyền lực thứ tư” một cách không chính thức ở Việt Nam và có thể tạo ra một bước chuyển đổi, một sắc diện mới, có thể tạo ra một sự thay đổi cán cân lực lượng giữa báo chí “lề trái” và báo chí “lề phải”.
Luồng dư luận thứ hai là từ những người trung dung. Họ không tham gia vào Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Họ đứng ngoài bình luận, nhận xét và họ cũng đã có những góp ý tương đối có giá trị, có ích cho chúng tôi về cách làm báo, về cách làm sao thiết lập được những tiêu chí của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam để làm sao nâng cao chất lượng chuyên môn. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến hoài nghi về chúng tôi. Chẳng hạn như có phải chúng tôi là một cánh tay nối dài của đảng, hay là trong Hội Nhà báo Độc lập hiện nay vẫn chưa bảo đảm được đội ngũ chuyên môn. Cụ thể hơn là họ không tin rằng các blogger – một số blogger đang có mặt trong Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – có thể nên cơm nên cháo gì. Đó là luồng dư luận thứ hai.
Còn luồng dư luận thứ ba là từ phía chính quyền. Đây cũng có thể được coi là một phép thử cho phản ứng của chính quyền như thế nào đối với chúng tôi. Cho tới ngày hôm nay chỉ mới xuất hiện từ 5 đến 6 bài trên các trang dư luận viên, gọi là “đánh” Hội Nhà báo Độc lập, với một số cách phản biện mà theo tôi là không có được đẳng cấp và không có văn hóa lắm. Và họ cố chia rẽ các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ví dụ như họ xoáy vào anh Huỳnh Ngọc Chênh, là một nhà báo lâu năm, có thâm niên nghề nghiệp. Họ đề cập đến việc anh Huỳnh Ngọc Chênh là thành viên duy nhất trong Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam có chuyên môn về nghề báo nhưng lại “không được ai đoái hoài tới” trong các chức vụ chủ chốt quan trọng trong Hội Nhà báo Độc lập. Như vậy, rất đơn giản, dễ hiểu là họ muốn chia rẽ chúng tôi. Tất nhiên là chúng tôi và anh Huỳnh Ngọc Chênh đều hiểu điều đó và cũng chẳng quan tâm tới, tại vì đó là chuyện rất vô nghĩa trong tình hình dân tộc hiện nay, khi mà tất cả đều phải hướng về một mục đích chung cần thiết hơn nhiều. Đó là chống ngoại xâm và phản ứng đối với thái độ nhu nhược của chính quyền trong đối sách với ngoại xâm.
Đó là 3 luồng dư luận mà tôi có thể chỉ ra cho đến giờ phút này. Còn dư luận mạnh mẽ hơn về phía Nhà nước như thế nào thì chúng ta sẽ phải chờ đợi trong thời gian tới.
Tôi cho rằng những tờ báo đảng như Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhân dân, Sài Gòn giải phóng... có thể nhận được chỉ thị từ ban Tuyên giáo Trung ương phải làm một cái gì đó, như thế nào đó, đối với Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, không phải để mọi chuyện “tự tung tự tác” (theo quan điểm, suy nghĩ của họ). Nhưng mà họ viết như thế nào, ở mức độ nào và họ muốn làm gì, nhằm mục đích gì thì có lẽ chúng ta phải chờ đợi trong thời gian tới.
Tôi cho là sẽ có thể có những tín hiệu khá thú vị. Và những tín hiệu đó, qua “phép thử” của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, có thể thấy được toàn cục của Việt Nam hiện thời và trong tương lai gần.
Ông P.C.D. gửi BVN