13 juillet 2014

Những chuyện kể rì rầm

Theo Vnexpress

Đề Văn khối D thi Đại học năm nay yêu cầu thí sinh phân tích ý nghĩa của từ láy “rì rầm” trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi: Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về.


Tôi không biết các em sẽ viết gì, cũng đã rời mái trường lâu quá để nhớ được cô giáo dạy mình nói về từ này như thế nào, nhưng cảm giác đầu tiên của tôi là từ "rì rầm" không phải là âm thanh lớn, chỉ trầm và chậm, liên tục và ám ảnh. Nó không phải là “oang oang trong tiếng đất” hay “vỡ òa trong tiếng đất”.
Sáng hôm qua, trong lúc các thí sinh đang phân tích ý nghĩa của từ “rì rầm” ấy, tôi đọc trên báo bài viết về thân nhân của những chiến sĩ vừa tử nạn trong vụ rơi máy bay. Có câu chuyện của chị Vũ Thị Phượng, vợ đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, người vừa hy sinh. Anh chị đang sống trong một căn phòng trọ 15 mét vuông ở quận Long Biên, Hà Nội. Chị làm giáo viên cấp hai, đồng lương của anh chị “không đủ lo cho hai đứa con nhỏ nay ốm mai đau”. Và đau lòng nhất là chị Phượng còn chưa được lập bàn thờ cho chồng vì chủ nhà trọ không cho phép.
Tôi cũng đọc trên báo câu chuyện về thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma. Có người cha vẫn hằng ngày nghe chiếc đài mà con trai ông để lại trước khi lên đường làm nhiệm vụ, từ 26 năm trước. Có người phụ nữ tự dựng mái nhà tranh nuôi hai đứa con nhỏ thành người. Có người mẹ đến bây giờ mới thanh thản nhắm mắt khi hài cốt đứa con đã về đất liền…
Những câu chuyện ấy sẽ không bao giờ được kể ồn ào. Đấy là những chuyện “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất”. Lịch sử của đất nước này đã luôn gắn với hàng triệu những câu chuyện “rì rầm” như thế. Rì rầm thôi, nhưng ám ảnh. Khi nó được kể ra từ “trong tiếng đất”, mỗi người còn đang sống phải cảm thấy có trách nhiệm hơn với những gì mình đang có.
Nhưng rồi hai chữ “rì rầm” ấy cũng khiến tôi nhớ lại về những chuyện kể oang oang.
Trong một tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/8/2012 có đoạn viết thế này: nhiều nơi, việc mời khách, đặc biệt là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới dự lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, huy động quá nhiều quần chúng, mời khách, mời lãnh đạo quá đông. Việc chiêu đãi, tặng quà, tặng hoa trong lễ kỷ niệm gây lãng phí, tốn kém, gây sự bất bình trong nhân dân. Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng nêu ra: Một số cơ quan trung ương và địa phương, đoàn thể tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, lễ đón nhận phần thưởng nhà nước có biểu hiện phô trương, hình thức, gây lãng phí về thời gian, tiền của. Thời gian tổ chức không chỉ vào năm tròn, năm chẵn, mà cả vào năm lẻ, tạo sự ganh đua thiếu lành mạnh”.
À thì ra là có những chuyện cao cả mà được kể “rì rầm trong tiếng đất”, nhưng cũng có những lúc, người ta khua chiêng gõ trống để nói về quá khứ, về những kỷ niệm mà chẳng biết có bao nhiêu ý nghĩa. Đôi khi, cái lễ kỷ niệm của một doanh nghiệp Nhà nước cũng tiêu tốn đến bạc tỷ. Đôi khi, một vị lãnh đạo doanh nghiệp, đoàn thể, địa phương, muốn nói về “những buổi ngày xưa” của mình một cách thật là hào sảng, thật là phô trương. Và họ làm việc đó bằng ngân sách.
Đến năm ngoái, Chính phủ đã phải ra một Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm. Nhưng đến nay chưa kiểm tra được là người ta đã thực hiện Nghị định này nghiêm ngặt đến đâu, nhất là với bệnh hình thức tràn lan trong xã hội.
Cứ nghĩ đến hình ảnh chị Phượng không được lập bàn thờ cho chồng, rồi nghĩ đến một buổi lễ kỷ niệm rình rang nào đó từ tiền ngân sách, sự xót xa nhân lên gấp nhiều lần.
“Những buổi ngày xưa” luôn cần được kể lại đêm đêm, nhưng luôn chỉ nên được kể lại rì rầm. Bởi vì sức mạnh của những câu chuyện quá khứ không nằm ở việc anh khua chiêng gõ trống thế nào, tô hồng nó ra sao, mà nằm ở ý nghĩa của bản thân câu chuyện ấy. Còn lại, có những chuyện nhạt nhẽo mà anh có cố kể ra thật khoa trương, nếu không có phong bì thì khách đến nghe họ cũng chẳng buồn vỗ tay.
Tôi không biết, có bao nhiêu người đã cầm tấm bằng đại học thực sự hiểu được hai chữ “rì rầm” trong đề thi ngày hôm qua.
Đức Hoàng