04 juillet 2014

Vì sao Trung Quốc sẽ đè bẹp cả thế giới

Theo BVN



Aleksandr Khramchikhin [*]
Lã Nguyên dịch từ apn.ru
Vấn đề lớn nhất của nhân loại có lẽ là ở chỗ, nó không hiểu Trung Quốc hiện nay là cái gì và Trung Quốc đang có những khuynh hướng phát triển như thế nào? Nhưng mặt khác, có thể, nhân loại không hiểu được như thế lại hoá hay. Bởi vì, hiểu ra điều đó là chuyện cực kì nặng nề, và cái chính là, dẫu có hiểu, nó cũng đành bất lực, chẳng làm được trò gì.


Có thể đành phải chờ đợi và đoán xem, đất nước này dùng cách nào để đè bẹp phần còn lại của thế giới. Kiểu tiếp cận Trung Quốc thông thường của phương Tây hoàn toàn không phù hợp. Một mặt, chủ nghĩa duy tâm ngớ ngẩn của những chú panda huggers, hi vọng Trung Quốc sẽ hoà nhập vào hệ thống kinh tế và chính trị hiện hành do phương Tây tạo ra một cách ôn hoà, hiền lành, ngoan ngoãn, tiếp tục bì bạch chạy theo người tiêu dùng giày dép thể thao và laptop ở phương Tây để nhận khoản tiền lương hậu hĩnh nhất là 100 đô la mỗi tháng. Mặt khác, tầm nhìn cuồng tín, nông cạn về tư tưởng của China hawks, cho rằng mọi vấn đề của Trung Quốc đều bắt nguồn từ việc nước này không có nền dân chủ theo kiểu phương phương Tây. Trung Quốc sắp sụp đổ vì không có dân chủ. Hoặc là Trung Quốc sẽ tấn công, chiếm lấy tất cả, vì nước này không có dân chủ. Hoặc, lúc đầu nó tấn công, sau đó nó sụp đổ, vì nó không có dân chủ. Hoặc lúc đầu nó sụp đổ, sau đó nó tấn công, bởi vì… Chao ôi, những kẻ đần độn thật bất hạnh!
Tuy thế, Trung Quốc cũng có nhiều người không đần độn. Ấy là những người hiểu rất rõ, rằng nếu đưa dân chủ kiểu phương Tây vào Trung Quốc, thì nó sẽ sụp đổ ngay lập tức. Quan điểm về Trung Quốc của Nga là hỗn hợp kì lạ giữa mối sợ hãi bản năng và niềm hi vọng về một thứ bạn “cùng thuyền chiến lược” trên mặt trận chống Hung thần - Đế quốc Mĩ. Quan niệm ấy không thể xem là hợp lí. Trung Quốc hiện nay có hàng loạt đặc điểm nổi bật. Nói vắn tắt, nó là thế này:
1. Là sự kết hợp giữa một bên là sự hiện diện của một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhịp độ phát triển nhanh và trình độ kĩ thuật cao, với một bên là những vấn đề kinh tế - xã hội mang tính đặc thù của những nước kém phát triển.
2. Dân số khổng lồ, vượt quá khả năng đáp ứng của hoàn cảnh thiên nhiên. Dân số cho phép tối đa ở Trung Quốc chỉ có thể là 700 đến 800 triệu người. Thế mà trong thực tế, ai cũng biết, dân số nước này đã lên trên 1.3 tỉ, đã vậy, dù đã tìm đủ mọi cách để hạn chế, nó vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Thêm vào đó, 94% dân cư Trung Quốc đang sinh sống trên 46% lãnh thổ.
3. Giữa thành phố và nông thôn, giữa các vùng miền, có sự phân hoá cao nhất thế giới. Giữa thành phố và nông thôn, sự khác biệt cao tới mức, các thống kê về kinh tế - xã hội của nông thôn và thành phố phải lập riêng rẽ, y như là thống kê ở những nước khác nhau. Sự chênh lệch giữa các vùng miền còn lớn hơn nữa. Tổng thu nhập của các tỉnh duyên hải miền đông - nam Quảng Đông cao hơn 90 lần so với tổng thu nhập của khu tự trị Tây Tạng phía tây - nam nước này. Nếu xem các vùng miền của Trung Quốc như những nước khác nhau, thì Quảng Đông về quy mô kinh tế được xếp vào loại 30 nước hàng đầu, vượt cả những nước ví như Argentina. Trong khi đó, Tây Tạng đứng vào hàng 130 - 140 thuộc nhóm Nigiêria, Malawi, Tadjikistan. Gộp tất cả sự tương phản ấy lại với nhau, tức là đem so sánh mức sống trung bình của các thị dân Bắc kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến với mức sống trung bình của người nông dân ở Quý Châu hay Tây Tạng, thì vấn đề không còn là chuyện số lần hơn kém, mà là chuyện trật tự của các kích cỡ. Sự thật là ở nước này, có một số xã hội hoàn toàn khác nhau, từ xã hội nông nghiệp cổ truyền đến xã hội hậu công nghiệp. Đó là những xã hội không chỉ hoàn toàn khác nhau về mức sống, mà còn hoàn toàn khác nhau về tâm tính. Hơn nữa, sự chênh lệch có xu hướng ngày càng gia tăng, chứ không giảm bớt.
4. Tốc độ lão hoá của dân cư và sự chênh lệch về giới ở các nhóm thuộc tốp người trẻ tuổi cao nhất thế giới. Dân số ở những tốp dân cư ở độ tuổi trung niên tăng nhanh gấp đôi so với toàn bộ dân cư nói chung. Về cơ bản, đây là điều đang lặp lại khuynh hướng mang tính đặc thù của các nước phương Tây, nhưng ở phương Tây, quá trình lão hoá của dân cư chậm hơn rất nhiều và nó chỉ bắt đầu khi tổng thu nhập tính theo đầu người đạt từ 5 đến 10 nghìn đô la (ở Trung Quốc hiện nay vẫn còn dưới 2 nghìn đô la). Đồng thời, ở Trung Quốc, gia đình chính thức phải gánh trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng người già. Chỉ có 1/6 người già sống bằng nguồn lương hưu trí, người già ở nông thôn hoàn toàn không có trợ cấp xã hội. Tức là người ta không trả lương hưu cho nông dân, mặc dù thu nhập của họ thấp hơn nhiều lần so với thu nhập của thị dân. Theo truyền thống, cho đến nay, việc phụng dưỡng cha mẹ vẫn là trách nhiệm của người con trai nối dõi tông đường và được ăn thừa tự. Thế mà sinh đẻ lại bị hạn chế để giảm bớt gia tăng dân số, nên mới nảy sinh sự chênh lệch về giới. Tương quan giữa trẻ trai và trẻ gái sơ sinh ở Trung Quốc đang cố giữ trong tỉ lệ 102-107:100, tối đa là 117:100, nhưng ở các tỉnh lẻ, tỉ lệ này là 130:100, còn ở nông thôn, có nơi lên tới 150:100. Chỉ mấy năm nữa, thế hệ bước vào tuổi hôn nhân sẽ có 20 triệu nam thanh niên bị “thiếu” cô dâu. Rõ ràng, đây là hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, bởi vậy, sẽ rất khó tiên đoán hậu quả xã hội của nó và việc tìm ra con đường để giải quyết vấn đề cũng sẽ hết sức phức tạp. Tiếp tục duy trì các xu hướng phát triển hiện nay (thực ra, xu hướng phát triển này ngày càng trở nên trầm trọng, chứ không thể duy trì), đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện tình trạng: cô dâu trở thành hàng hoá. Nếu tính thêm những thay đổi trong quan niệm của lớp nữ thị dân có giáo dục, xem lập nghiệp có ý nghĩa quan trọng hơn hôn nhân, sẵn sàng gác việc lấy chồng tới giới hạn cuối cùng có thể được, thì đàn ông thành phố sẽ muốn kết hôn với phụ nữ nông thôn, còn đa số đàn ông nông thôn sẽ không có cơ may lấy được một người vợ. Trong trường hợp này, xung đột giữa thành phố và nông thôn, giữa những vùng phát triển và vùng lạc hậu sẽ trở thành mâu thuẫn mang tính đối kháng. Một cuộc nội chiến giành giật cô dâu - “đó là thứ còn dữ dội hơn cả “Faust” của Goethe”.
5. Sức ỳ hệ thống rất cao, do tình trạng bảo thủ xã hội cực kì phức tạp, lại ở qui mô rộng lớn và mức độ trầm trọng. Giới cầm quyền Trung Quốc từ lâu đã nhìn thấy và hiểu ra, nó phải chấp nhận quan niệm lệch lạc “tăng trưởng tương đương với phát triển”. Nó cũng có dự định sửa chữa hoàn cảnh, nhưng chẳng thu được kết quả nào cả. Tăng trưởng kinh tế dựa trên mô hình sử dụng lao động quảng canh tiếp tục phá mọi kỉ lục, hoàn thành vượt mức tất cả các kế hoạch sản xuất. Nhưng đồng thời, “các kế hoạch” tiêu sài tài nguyên và phá huỷ môi trường cũng thi nhau phá mọi kỉ lục. Thay vì hạn chế một cách có kế hoạch, khối lượng điện năng được sử dụng vẫn không ngừng tăng lên. Khối lượng các loại phế thải độc hại vẫn tăng, chứ không giảm. Mọi dự báo về mức độ sử dụng xăng dầu hàng năm của Trung Quốc đều sụp đổ, thực tế hoá ra còn tồi tệ hơn các phương án dự báo về những khả năng tồi tệ nhất.
6, Sự hiện diện của những mâu thuẫn phát triển không thể xoá bỏ trong khuôn khổ của mô hình kinh tế đang vận hành ở Trung Quốc. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ nói sau.
7. Thiếu một mô hình lựa chọn phù hợp cho phép xoá bỏ các mâu thuẫn và nền tảng phương pháp luận tạo ra mô hình ấy. Rõ ràng, hoàn toàn không có khả năng tạo ra một mô hình lựa chọn như thế.
8. Quy mô của hệ thống vấn đề nảy sinh từ phạm vi dân cư và kinh tế đã biến những vấn đề của Trung Quốc thành những vấn đề của toàn bộ thế giới.
Vô khối những thứ “cao nhất thế giới” kể ra ở trên mới chỉ là chuyện tỉ lệ phần trăm. Nhưng ở đây, còn phải nhớ cả những đại lượng tuyệt đối. Đặc biệt là về con số 1,3 tỉ dân, về hơn 200 triệu chủ thể đang hoạt động kinh doanh. Từ những quy mô này, sự chênh lệch trong tỉ lệ phần trăm rất dễ biến thành những con số khổng lồ khi chuyển chúng sang các đại lượng tuyệt đối: 200-300 triệu thất nghiệp, 150 di dân nội địa, v.v. và v.v.
Bây giờ xin nói về những mâu thuẫn cơ bản.
Vì sao chuyện này thường bị lờ đi? Quả tình, người ta đã viết rất nhiều về những mâu thuẫn riêng lẻ, cục bộ, nhưng lại không xem xét các mâu thuẫn ấy trong tổng thể của chúng.
1. Mâu thuẫn giữa nhu cầu duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao dựa vào các khu vực thuê mướn lao động nhằm mục đích đảm bảo việc làm cho dân cư ngày càng phát triển và nhu cầu giảm bớt nhịp độ tăng trưởng, chuyển từ nền sản xuất chú trọng số lượng sang nền sản xuất chú trọng chất lượng, có cân nhắc tới đặc điểm tài nguyên - sinh thái.
2. Mâu thuẫn giữa đòi hỏi và nhu cầu ngày càng cao của dân cư với nguồn tài nguyên, chẳng riêng gì của Trung Quốc, mà ngay của cả hành tinh cũng không đủ khả năng đáp ứng các đòi hỏi và nhu cầu ấy.
3. Mâu thuấn giữa nhu cầu tiếp tục thực hiện chính sách “mỗi gia đình - một con” với nhu cầu giảm bớt các hạn chế nhân khẩu theo những cân nhắc về đặc điểm xã hội.
4. Mâu thuẫn giữa chính sách dựa vào dân số như một nguồn tài nguyên kinh tế và năng lực cạnh tranh cơ bản với tình trạng dân số quá đông như một vấn đề nghiêm trọng của đất nước.
Trong quá trình cải cách mở cửa, Trung Quốc đã sử dụng khối dân cư khổng lồ, vừa cần cù, lại vừa dễ tính, chẳng quen đòi hỏi gì, như một thứ tài nguyên cơ bản. Nhân loại cũng hả hê đồng tình với điều đó để biến Trung Quốc thành một “xưởng lắp ráp toàn thế giới”. Sự dồi dào của nguồn nhân công vô tận và, ứng với điều đó, tình trạng cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động đã cho phép duy trì mức chi phí thấp, nhờ thế, sản phẩm của Trung Quốc có giá cả rất rẻ. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp chỉ có lợi khi dừng lại ở một giới hạn nào đó, vượt quá giới hạn ấy, nó sẽ trở thành mối đe doạ thực tế với sự ổn định xã hội. Vậy mà quân số lao động vẫn không ngừng tăng lên, đòi hỏi phải được “sử dụng”. Cách tốt nhất để sử dụng nguồn lao động này là tiếp tục tăng cường sản xuất hàng hoá thông dụng, huống chi chính khu vực sản xuất này đã thu về cho đất nước một nguồn ngoại tệ khổng lồ. Nhưng, dĩ nhiên, nó cũng đòi hỏi phải có một số lượng nhiên liệu khổng lồ mà bản thân Trung Quốc không thể có đủ, điều đó dẫn tới việc huỷ hoại ngày càng dữ dội môi trường thiên nhiên mà chắc chắn sẽ tạo ra một thảm hoạ sinh thái vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. Những nhân tố này đã bắt đầu “ngốn” vào chính sự tăng trưởng kinh tế như là hậu quả của nó. Việc cải biến một nền sản xuất thiên về số lượng, dựa vào lao động phổ thông, thành một nền sản xuất chú trọng tới chất lượng, dựa vào lao động khoa học, trước hết, đòi hỏi phải đầu tư một nguồn kinh phí khổng lồ (nhất là để nâng cao trình độ giáo dục còn rất thấp của dân cư), sau nữa, sẽ dẫn tới nạn thất nghiệp tăng lên một cách gay gắt và điều này chắn chắn sẽ tạo ra nguy cơ nghiêm trọng thực sự đe doạ sự ổn định xã hội.
Đúng là cả xã hội Trung Quốc nói chung đang thực sự quan tâm tới việc tìm kiếm một lối thoát ra khỏi tình huống được hình thành ở nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa hiện nay. Nhưng, đồng thời, đại diện của tuyệt đại đa số các nhóm xã hội đều muốn duy trì mô hình cải cách hiện nay. Dĩ nhiên, điều này liên quan trực tiếp tới các nhóm xã hội được hưởng lợi từ những cuộc cải cách (tầng lớp quan liêu, các nhà kinh doanh, công nhân có tay nghề cao, các nhà môi giới, v.v.). Nhưng các nhóm xã hội còn lại, tức là những nhóm không được hưởng lợi từ cải cách, thì không hề quan tâm tới sự thay đổi mô hình, bởi vì nó chỉ làm tăng thêm số lượng những người nông dân mất ruộng đất và đội quân thất nghiệp khiến cho địa vị của họ trở nên tồi tệ hơn.
Cho nên, xung đột giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài có ý nghĩa quan trọng với tuyệt đại bộ phận các thành viên của xã hội Trung Quốc. Thực tế, con người bao giờ cũng giải quyết xung đột ấy vì lợi ích trước mắt. Tức là xuất phát từ việc duy trì mô hình phát triển hiện nay.
Mà chính phương Tây cũng muốn duy trì mô hình ấy. Phương Tây sẽ còn tụng niệm rất nhiều, rất hay cho chính bản thân mình về sự tuyệt diệu của xã hội thông tin hậu công nghiệp. Đồng thời, không hiểu vì sao, có một sự thật bị xem nhẹ, ấy là cư dân của thiên đường mặt đất này cũng phải ăn, mà phải ăn nhiều, ăn ngon; phải xỏ giày dép, mặc quần áo, áo quần giày dép phải đẹp, phải rẻ, phải đi trên những chiếc xe hơi tuyệt hảo và phải dùng những chiếc máy tính thật tinh xảo để làm việc (nếu không thế, sao gọi là xã hội thông tin?). Có điều, tất cả những thứ này vẫn cần phải có một ai đó làm bằng tay, mà lại muốn sao cho thật rẻ.
Đây rồi, chính người Trung Quốc đang làm. Họ làm bằng tay, rất nhiều và rất rẻ.
Chẳng ai muốn động óc suy nghĩ về hậu quả của sự mầu nhiệm ấy.
Nhân loại cố tình nhắm mắt, không muốn nhìn xem sự tăng trưởng tiếp theo của Trung Quốc sẽ đẫn tới đâu – ngay cả khi quan điểm “tăng cường bình ổn” đang được giới giới cầm quyền Trung Quốc tuyên truyền hiện nay là sự thật, chứ không phải tuyên truyền.
Phương Tây sẽ còn sụt sùi rất lâu về việc “phát triển bền vững” và xoá bỏ bất bình đẳng trong mức sống giữa các quốc gia phát triển và các nước đang phát triển. Nhưng tất cả đều hiểu rất rõ, rằng đại đa số các nước đang phát triển sẽ không bao giờ đuổi kịp trình độ của các quốc gia phát triển. Bởi vì, nếu đưa “cá” cho các nước ấy, tầng lớp tham nhũng “ưu tú” ngày càng phình to sẽ chén sạch, rồi sau đó lại xin thêm “cá”. Nhưng nếu đưa “cần câu” cho các nước đang phát triển, họ dễ dàng bẻ ngay cái “cần câu” ấy.
Trung Quốc thuộc về số ngoại lệ rất ít ỏi. “Cá” nó không cự tuyệt, mà “cần câu” nó sử dụng cũng rất tài, nếu có ý đồ tước đoạt “cá” và “cần câu” (hoặc có ý không đưa), nó sẽ dùng sức mạnh để cướp giật cho mình.
Cư dân Nigeria dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng sẽ không sống như cư dân Thuỵ Điển. Trên lí thuyết, cư dân Trung Quốc có thể có tham vọng vượt lên cao hơn mức sống ấy. Không ai có khả năng và có quyền cấm họ làm như thế.
Chỉ có điều phải nhớ, tài nguyên của cả hành tinh không đủ để đảm bảo cho mỗi người dân Trung Quốc có mức sống như vậy. Họ không đủ ăn, không đủ xăng dầu và bao nhiêu thứ vật dụng không kém cần thiết khác. Thế thì sẽ chẳng còn gì để dành phần cho người khác. Tức là chúng ta chỉ còn mỗi việc là phải tin, rằng Trung Quốc (đất nước có dân cư đông nhất thế giới, có quân đội hùng mạnh và sự ngạo mạn ngút trời) sẽ mãi mãi kiên trì gia công hàng hoá thông dụng cho những người ngoại quốc giàu có bằng cái giá của sự nghèo túng của riêng mình.
Có lẽ, phải gọi niềm tin ấy là chủ nghĩa phê phán thì chính xác hơn.
Với những gì đã trình ở trên, chúng ta hoàn toàn không thể hiểu, Trung Quốc sẽ làm thế nào để tránh, không bành trướng ra bên ngoài bằng tất cả các hình thức của nó (kinh tế, chính trị, nhân khẩu, quân sự). Nó hoàn toàn không có sức sống trong các ranh giới hiện nay của mình. Hoặc là nó phải lớn lên gấp bội, hoặc là nó buộc phải nhỏ hơn rất nhiều. Bởi thế, vấn đề không phải là sự xâm lược của Trung Quốc, mà là với nó, bành trướng là kế sách duy nhất để sống sót.
Đó không phải là con ngoáo ộp, mà là hiện thực khách quan đang cắt cứa vào giác quan của ta.
Quả thật, vẫn còn ít người cảm nhận được hiện thực ấy. Nhưng chẳng bao lâu nữa, nó sẽ tới.
A. A. Kh.
Dịch giả gửi BVN.
[*] Aleksandr Anatolievich Khramchikhin (sinh: 1967): Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự, Liên Bang Nga.

Lời bình của Dân quyền: Nếu TQ bành trướng lên phương bắc và chiếm trọn vùng Siberia của Nga thì sao và Nga chắc chắn phải đau đầu về chuyện này. Siberia quá lạnh nên khả năng giúp chứa một phần đáng kể của 1,3 tỷ người xem ra khó, nhưng do trái đất nóng lên và khả năng sống ở đó có thể tăng lên. Nga với dân số hiện tại và khó tăng và diện tích quá lớn cho nên việc Trung Quốc cho người tràn dần sang đó là khong thể tránh khỏi.