04 juillet 2014

Hậu vụ án oan cách đây hơn 3 thập kỉ ở Gia Lai : Người bị hàm oan đã chết, gia đình người bị oan quì lạy Tòa xin hai chữ “ công tâm”…

Theo Pháp lý

(Pháp lý) – Hơn 30 năm trời ròng rã ngược xuôi đi kêu cứu khắp nơi,  từ địa phương đến các cơ quan tư pháp ở Trung ương, năm 2011, gia đình ông Phùng Văn Cung đã được Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng tổ chức xin lỗi công khai vì đã xử oan đối với ông Cung. Ông Cung giờ đã nằm dưới mồ sâu mang theo nỗi oan khuất.

Thế nhưng, theo gia đình ông Cung cho biết, cho đến nay đó chỉ là những lời xin lỗi “trên giấy”. Thực tế thì gia đình ông Cung vẫn đang nhọc nhằn đi tìm công lý và tiếp tục chịu nhiều uẩn ức từ phía cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Nỗi đau hơn 30 năm về trước
Tháng 4 năm 1975, ông Phùng Văn Cung (SN 1928) mua lại căn nhà số 14, đường Hoàng Văn Thụ, phường Diên Hồng, thị xã Pleiku (cũ) nay là TP.Pleiku của bà Nguyễn Thị Lộc (SN 1915) với giá 20.000 đồng. Bà Lộc nhận trước 10.000 đồng tiền đặt cọc của ông Cung rồi đi đâu không rõ.
image001 410x307 Hậu vụ án oan cách đây hơn 3 thập kỉ  ở Gia Lai : Người bị hàm oan đã chết, gia đình người bị oan quì lạy Tòa xin hai chữ “ công tâm”…
Bà Oanh (ngồi trái) chia sẻ với Phóng viên về hành trình kêu oan hơn 3 thập kỷ khiến cả gia đình bà kiệt sức.
Đầu năm 1977, bà Lộc trở lại Pleiku và đòi lại căn nhà đã bán nhưng ông Cung không chấp nhận. Bà Lộc kiện ông Cung ra TAND thị xã Pleiku cũ với lý do: Khi giải phóng Pleiku, bà Lộc phải bỏ nhà đi nơi khác. Khi trở về thấy ngôi nhà mình bị cháy nham nhở trong khi hàng xóm là gia đình ông Cung đang gặp khó khăn về nhà ở, bà Lộc cho họ ở nhờ chứ không hề có chuyện bán, mua!?
Ngày 21/5/1982, TAND thị xã Pleiku xét xử vụ việc bà Lộc khởi kiện ông Cung đang sử dụng căn nhà trên. Sau khi được ông Cung cung cấp những bằng chứng cụ thể như giấy bán nhà và nhận tiền đặt cọc của bà Lộc.v.v…, TAND thị xã Pleiku đã bác đơn khởi kiện của bà Lộc và công nhận ông Phùng Văn Cung được sử dụng nền căn nhà số 14, đường Hoàng Văn Thụ.
Bà Lộc kháng án. Ngày 02/7/1982, TAND tỉnh Gia Lai – Kon Tum (cũ)  xét xử phúc thẩm và ra bản án số 03 ngày 02/7/1982 quyết định: “cải sửa toàn bộ bản án sơ thẩm” và quan trọng nhất là “xác nhận khung nhà số 14, đường Hoàng Văn Thụ là thuộc quyền sở hữu của bà Lộc…”.
Khi bản án dân dự phúc thẩm số 03 ngày 02/7/1982 của TAND tỉnh Gia Lai – Kon Tum có hiệu lực pháp luật, gia đình ông Cung không chấp hành. Ngày 04/6/1983, Chánh án TAND thị xã Pleiku ký lệnh tạm giữ ông Cung để thi hành án. Ngày 22/8/1985, bản án hình sự số 53 của TAND tỉnh Gia Lai – Kon Tum tuyên án ông Cung bị 3 năm tù giam. Không chấp nhận bản án này, những người con trong gia đình ông Cung là ông Phùng Trọng Hùng và bà Phùng Thị Kim Oanh phản đối quyết liệt và cũng bị bắt giam.
Ngày 20/10/1985, phiên toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng tổ chức xét xử và tuyên án: Phùng Văn Cung 3 năm tù giam về tội “chống đối việc thi hành án đã có hiệu lực pháp luật, chống đối cán bộ trong khi thi hành nhiệm vụ”…
Mang nỗi oan khuất xuống mồ sâu
Không chấp nhận các bản án trên, ông Cung và gia đình tiếp tục gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Ngày 10/1/1987, Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị đối với bản án nêu trên. Ngày 29/8/1987, Ủy ban Thẩm phán TAND tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, tại bản án số 42/UB ngày 29/8/1987 đã  chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao. HĐXX Giám đốc thẩm tuyên bố ông Phùng Văn Cung không có trách nhiệm hình sự về các hành vi tội phạm như đã nêu trong bản án hình sự phúc thẩm số 205 ngày 20/10/1985 của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng.
image003 410x273 Hậu vụ án oan cách đây hơn 3 thập kỉ  ở Gia Lai : Người bị hàm oan đã chết, gia đình người bị oan quì lạy Tòa xin hai chữ “ công tâm”…
Hơn 30 năm qua, bà Oanh đã viết hàng ngàn lá đơn gửi đi khắp nơi để kêu oan và kêu cứu.
Theo quyết định của Bản án giám đốc thẩm trên thì 02 bản án hình sự sơ thẩm và hình sự phúc thẩm đã xét xử oan cho ông Phùng Văn Cung. Trong quá trình hoạt động tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện bắt giam ông Cung từ ngày 2/6/1983 đến ngày 4/6/1983, bị bắt lại từ ngày 14/2/1984 đến ngày 26/4/1984 được tha, ngày 16/8/1985 bị bắt lại đến ngày 21/4/1987 thì được tha.
Liên quan đến vụ việc này, các con của ông Phùng Văn Cung là ông Phùng Trọng Hùng bị bắt giam hơn 4 tháng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hung cán bộ đang làm nhiệm vụ; bà Phùng Thị Kim Oanh bị bắt giam gần 2 tháng vì đã có hành vi gây rối trật tự công cộng…
Khi cả 3 trụ cột trong gia đình, những người lao động chính bị bắt giam, gia đình ông Cung lâm vào cảnh túng quẫn cùng cực và ly tán. Oái oăm hơn, do thiếu người chăm sóc, người con trai thứ 6 của ông Cung là ông Phùng Thanh Hoàn ngộ độc thực phẩm khi còn nhỏ dẫn đến vĩnh viễn mất hoàn toàn khả năng lao động.
Hiện nay ông Phùng Văn Cung đã chết ,  nỗi oan của cả gia đình chưa được bù đắp, gia đình ông lâm cảnh tán gia bại sản. Suốt 3 thập kỷ qua, các con của ông Cung vẫn thay nhau đi khiếu nại khắp nơi, nhưng các cấp, các ngành hữu quan tại Gia Lai chưa giải quyết dứt điểm, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng , cũng như giải thoát nỗi oan kéo dài suốt thời gian qua cho gia đình ông.
Kiệt sức vì hành trình đi tìm công lý
Thực hiện theo Giấy uỷ quyền số 916/GUQ-TPT ngày 17/6/2011 của Chánh toà Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng, ngày 23/6/2011, tại Hội trường UBND phường Diên Hồng, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Phùng Văn Cung (đã mất) cùng gia đình ông trước các cấp chính quyền và nhân dân địa phương. Đồng thời, nội dung xin lỗi công khai của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng cũng thông báo trước chính quyền địa phương biết “ông Phùng Văn Cung không phạm tội như các hành vi bản án hình sự phúc thẩm của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên”.
Đến ngày 9/3/2012,VKSND tối cao có Công văn số 117/VKSTC-V5 yêu cầu TAND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ “yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388” của bà Oanh cùng bản án dân sự phúc thẩm số 64/2010 ngày 27/5/2010 của TAND Gia Lai để VKSND tối cao xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 21/5/2013, Chánh án TAND tối cao có Quyết định kháng nghị số 186/2013/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm số 64/2010 ngày 27/5/2010 của TAND Gia Lai, “Đề nghị Toà dân sự, TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự số 52/2010/DS-ST ngày 24/3/2010 của TAND TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm”.
Ngày 19/7/2013, VKSND Tối cao đã ra văn bản số 2377/VKSNDTC-V1 gửi VKSND tỉnh Gia Lai yêu cầu: “Căn cứ quy định tại điểm 2, Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì bà Phùng Thị Kim Oanh thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại. Thủ tục giải quyết bồi thường cho bà Phùng Thị Kim Oanh được thực hiện theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường, không cần phải ra quyết định huỷ bỏ các quyết định giải quyết khiếu nại trước đây của bà Oanh.”.
Ngày 21/8/2013 Toà dân sự TAND tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tối cao, huỷ toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 64/2010/DS-PT ngày 27/5/2010 của TAND Gia Lai, huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 52/2010/DS-ST ngày 24/3/2010 của TAND TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Pleiku xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 19/11/2013, Tổng cục THADS Bộ Tư pháp ra thông báo số 3206/TB-TCTHADS kết luận của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng tại cuộc họp xem xét đối với yêu cầu giải quyết bồi thường của bà Phùng Thị Kim Oanh. Yêu cầu Cục THADS Gia Lai đề nghị TAND TP.Pleiku cung cấp đầy đủ hồ sơ việc tổ chức THA liên quan đến bản án dân sự phúc thẩm số 03 ngày 2/7/1982 của TAND tỉnh Gia Lai – Kon Tum (cũ) đối với ông Cung; phối hợp với Sở Tư pháp Gia Lai nghiên cứu hồ sơ, báo cáo kết quả và đề xuất hướng giải quyết gửi về Tổng cục THADS. Trên cơ sở đó Tổng cục phối hợp cùng Cục Bồi thường Nhà nước nghiên cứu hồ sơ báo cáo Lãnh đạo Bộ và đề xuất hướng giải quyết.
image005 410x407 Hậu vụ án oan cách đây hơn 3 thập kỉ  ở Gia Lai : Người bị hàm oan đã chết, gia đình người bị oan quì lạy Tòa xin hai chữ “ công tâm”…

Hình ảnh bà Oanh quì lạy cán bộ , xin xét xử bồi thường khách quan, công tâm.
Ngày 20/11/2013, Cục trưởng Cục THADS Gia Lai có Công văn số 851/CTHA-KNTC về việc giải quyết yêu cầu bồi thường của bà Oanh gửi Chi cục trưởng Chi cục THADS TP.Pleiku, yêu cầu phối hợp và đề nghị TAND TP.Pleiku chuyển hồ sơ thi hành án vụ Phùng Văn Cung cho Chi cục để Chi cục xử lý theo quy định. Thế nhưng, mãi đến ngày 17/2/2014, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP.Pleiku mới có báo cáo số 06/BC-CCTHA gửi Cục THADS Gia Lai về hồ sơ giải quyết bồi thường vụ bà Oanh, hồ sơ gồm 54 bút lục được đánh số từ 01-54 trên dấu bút lục của TAND TP.Pleiku.
Đến ngày 28/4/2014, Cục trưởng Cục THADS Gia Lai có Công văn số 268/CTHA-KNTC về việc giải quyết bồi thường vụ bà Oanh, gửi Vụ giải quyết khiếu nại tố cáo – Tổng cục THADS, có nội dung “Ngày 3/6/2013 các cơ quan nội chính họp liên ngành gồm có: TAND, VKSND, THADS của cấp tỉnh và thành phố, với sự tham dự của Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ do Chánh án TAND chủ trì và vẫn chưa thống nhất được cơ quan có trách nhiệm bồi thường” và xin ý kiến chỉ đạo từ Tổng cục THADS để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Lo lắng oan khuất chồng oan khuất
Kiệt sức trên đường kêu oan
Trao đổi với PV Pháp lý, bà Phùng Thị Kim Oanh trong bộ dạng mệt mỏi rã rời, cho biết: “Nỗi oan của cha tôi và cũng là của cả gia đình tôi kéo dài hơn 30 năm qua vẫn chưa được bồi thường thoả đáng, tôi đã làm hàng ngàn lá đơn kêu cứu và trực tiếp đi khắp nơi từ Trung ương đến địa phương. Hàng ngày tôi phải ngồi vỉa hè buôn bán kiếm sống qua ngày và nuôi con ăn học, dành dụm đi kêu oan cho cha tôi đã chết. Đến giờ này, tôi hoàn toàn kiệt sức”.
Trong lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai còn chưa thống nhất được cơ quan có trách nhiệm bồi thường và xin ý kiến chỉ đạo từ Tổng cục THADS để giải quyết, thì bất ngờ ngày 18/4/2014 Toà án nhân dân thành phố Pleiku (Gia Lai) đưa vụ án bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai ra xét xử mà không hề triệu tập những người liên quan đến việc tịch thu tài sản của ông Cung (ông Phùng Quỳ – Phó Chánh án Toà án thị xã Pleiku, ông Dương Văn Hồ – Thư ký toà án thị xã Pleiku, ông Phan Văn Sum – Phòng thi hành án tỉnh Gia Lai và ông Sáu Hậu là người lái xe chở tài sản của ông Cung đi), cũng như việc thu thập 54 bút lục thể hiện có cưỡng chế và thu tài sản của ông Cung theo yêu cầu của nguyên đơn đại diện là bà Phùng Thị Kim Oanh (con ông Cung). Bà Oanh đề nghị hoãn phiên toà và được chấp nhận.
Lo sợ TAND TP.Pleiku không thu thập chứng cứ để xem xét toàn diện vụ án, ngày 17/5, bà Oanh làm đơn gửi TAND TP.Pleiku, đề nghị thu thập chứng cứ, tài liệu là 54 bút lục nói trên. Đồng thời, bà Oanh cho rằng việc ông Đặng Phan Chung – Chánh án TAND tỉnh Gia Lai, ngày 3/6/2013 chủ trì cuộc họp liên ngành là không đúng pháp luật vì ông Chung là người đã tham gia xét xử bản án dân sự phúc thẩm số 64/2010/DS-PT ngày 27/5/2010 đã bị huỷ bởi Quyết định giám đốc thẩm số 340/2013/DS-GĐT ngày 21/8/2013 của Toà dân sự TAND tối cao. Bà Oanh đề nghị TAND TP.Pleiku xin ý kiến chỉ đạo của TAND tối cao, Cục Bồi thường nhà nước Tổng Cục THADS trước khi đưa vụ án ra xét xử.
Theo bà Oanh, bất chấp mọi yêu cầu nguyện vọng chính đáng của nguyên đơn, vào ngày 22/5/2014, TAND TP.Pleiku vẫn tiến hành xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 235/2013/TLST-DS ngày 13/11/2013 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội”. Tại phiên toà này những người có liên quan theo yêu cầu của nguyên đơn phải được triệu tập đã bị HĐXX từ chối, và 54 bút lục theo yêu cầu của nguyên đơn cũng không có. Kết thúc buổi xét xử, HĐXX chỉ tuyên xử chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Oanh và ông Phùng Trọng Hiển. Buộc Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng bồi thường cho ông Cung số tiền gần 207 triệu đồng, tiền thiệt hại do tổn thất về tinh thần và tiền thu nhập thực tế bị mất, mà không đếm xỉa gì đến yêu cầu bồi thường tài sản của ông Cung.
Sau khi ra khỏi TAND TP.Pleiku, vì quá bức xúc chịu không nổi, bà Oanh đã phải chắp tay quỳ lạy Thẩm phán xét xử vụ án vì cho rằng họ thiếu khách quan trong việc xét xử vụ án oan khuất mấy chục năm dài của gia đình bà.
Quá bức xúc, bà Oanh đã tiếp tục làm đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án số 23/2014/DS-ST ngày 22/5/2014 vì cho rằng HĐXX đã không áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước mà áp dụng Nghị quyết 388 hết hiệu lực pháp luật từ ngày 1/1/2010.
Phóng viên Pháp Lý sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giải quyết vụ án của các cơ quan chức năng và chuyển tải thông tin đến bạn đọc.
NGUYỄN TÂM