Nguồn gốc món phở
Trần Thu Dung
Một lần anh bạn Việt kiều Mỹ qua Paris chơi, rủ nhau đi ăn tiệm.
Tôi hỏi anh thích nếm hương vị quê hương hay hương vị Pháp. Anh
bạn đề nghị ăn đồ Tây với lý do đến đâu phải nếm đặc sản nước
đó, đặc sản Việt Nam: nem, phở, bún, bánh cuốn… bên Mỹ bán đầy
khắp. Hóa ra đặc sản Việt Nam bây giờ du lịch khắp thế giới, đặc
biệt là ở Pháp và Mỹ – hai nước có lịch sử liên quan đến Việt
Nam. Nhiều người nước ngoài biết đến nem, phở. Điều ngạc nhiên phở
là món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam không nằm trên mâm cơm
thờ cúng tổ tiên. Tết Việt Nam gắn liền với bánh chưng, nem, măng
hầm, bóng xào chứ không phải phở.
Phở là món đặc sản truyền thống của Việt Nam. Truyền thống, theo
từ điển Pháp định nghĩa là những vật thể và phi vật thể được
truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Bánh chưng, nem là những
món ăn truyền thống đã có từ nhiều thế kỷ. Phở cũng là món ăn
truyền thống, vì nó đã được nhắc đến trong tùy bút, văn của một
số nhà văn thời tiền chiến, như Nguyễn Công Hoan nhắc đến phở từ
1913 *. Nếu tính đến năm nay Phở Việt Nam đã có trên 100 năm, truyền
từ đầu thế kỷ 20 sang đến thế kỷ 21. Những món ăn có ghi vào trong
từ điển là những món ăn đã nổi tiếng và quen thuộc với dân tộc
đó. Phở đã có mặt trong từ điển.
Bàn về phở người ta thường nói đến phở bò Bắc Kỳ. Tên gọi
chứng minh thịt bò là nguyên liệu chính.
Trâu bò thường xuyên gắn với đời sống nông nghiệp ở Việt Nam.
Người nông dân thường tính gia sản không phải bằng tiền vàng, mà
số lượng trâu bò tậu được. Khác với trâu, bò hầu như vắng bóng
trong văn hóa Việt Nam. Trâu được nhắc rất nhiều trong đời sống văn
hóa Việt xưa. Hìnhảnh chú bé chăn trâu đã quen thuộc với người
Việt Nam. Đồng tiền Đông Dương do Pháp ấn hành có hình trâu cày.
Tranh dân gian hay ca dao, tục ngữ thường chỉ nhắc đến con trâu:
con trâu là đầu cơ nghiệp, ruộng sâu trâu nái, con trâu đi trước
cái cày đi sau. Con bò vắng bóng trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, và
tranh dân gian. Lễ hội chọi trâu, đâm trâu là truyền thống lâu đời
của dân tộc Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay. Chu kỳ 12 năm trong
lịch âm, có năm trâu, không có năm bò, dù bò cũng gắn liền với
nghề nông. Truyện cổ tích dân gian kể về sự liên quan mật thiết
giữa người và trâu. Cuội đi chăn trâu lừa phú ông. Trí khôn của
ta đây ca ngợi sự thông minh của người nông dân điều khiển được
trâu cày và lừa được hổ. Sự tích trầu cau để giải thích tục lệ
ăn trầu.
Nhiều món dân tộc đã đi vào thành ngữ ca dao tục ngữ: “Ông ăn
chả bà ăn nem ”, “Tay cầm bầu rượu nắm nem… mải vui quên hết lời em
dặn dò”; “Ra đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm
tương”… Nhiều làng đã gắn với tên tuổi của sản phẩm như bánh
cuốn Thanh Trì, bánh đúc làng Kẻ, tương Cự Đà, cốm làng Vòng,
bánh chưng bánh dầy từ thời Văn Lang… Ca dao truyền khẩu dạy chế
biến các món dân gian: “con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua
hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua tôi
đồng riềng”, “Khế xanh nấu với ốc nhồi, Tuy nước nó xám, nhưng mùi
nó ngon”.
Điểm qua văn chương cổ không thấy tả vua chúa ăn phở bò, hay
tả về món phở bò. Phở chỉ xuất hiện trong văn thơ thời Pháp
thuộc, Tú Mỡ, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan… Bò,
và phở gần như vắng hoàn toàn trong văn hóa dân gian Việt.
Điều này chứng tỏ bò và phở xa lạ với người Việt Nam trước
thế kỷ 20. Các sản phẩm từ sữa bò quen thuộc với người châu Âu,
xa lạ với người Việt thời đó: sữa tươi, bơ, phô-ma, sữa chua.
Chăn nuôi bò là một ngành phát triển mạnh ở Pháp. Pháp nổi tiếng
có hơn 100 loại phô-ma khác nhau, hầu như đều là sản phẩm từ sữa
bò. Khi người Pháp chiếm Đông Dương, nhu cầu về sữa bò, và phô-ma
bơ, thịt bò là nhu cầu thiết yếu của họ. Cà phê sữa, uống sữa là
thói quen của người Pháp.
Người Việt Nam chỉ uống trà. Quan niệm xưa chung của dân châu
Á, ai uống sữa động vật nào là sẽ biến thành con vật đó. Chỉ có
tầng lớp nhỏ trung lưu làm việc với Pháp mới biết khẩu vị “Tối
rượu sâm-panh, sáng sữa bò”.Trong cuốn “Địa lý về sữa, in năm 1940,
P. Veyrey đã nhận định >
sữa ở Annam chỉ phục vụ cho một số tầng lớp khá giả. Bò và
sản phẩm từ bò không quen thuộc đối với người Đông Dương. Trẻ con
ở đây bú mẹ đến 3, 5 tuổi. Dân các nước Đông Nam Á không dùng
sữa, bơ. “Dân bơ sữa” là thành ngữ mới, chỉ đám con nhà giàu sang.
Việt Nam chỉ nuôi trâu. Trâu khỏe giúp cho cày ruộng. Chỉ khi nào
trâu chết, hay già, ốm yếu mới được ăn thịt. Thời trước chỉ có
món xáo trâu. Không có món ăn nào của Việt Nam liên quan đến thịt
bò được nhắc đến trước thế kỷ 20. Chứng tỏ bò hầu như không có
mặt ở Việt Nam.
Bò châu Á là giống bé nhỏ, có bướu và rất ít do không đem
nhiều lợi ích trong cuộc sống như trâu. Trâu to và khỏe, sức chịu
đựng dẻo dai. Người nông dân Việt trước kia nuôi trâu. Người Pháp
khi đến Đông Dương chê bò có bướu châu Á còi cọc, ốm yếu, gầy
giơ xương, túi hai bên sườn rỗng, không có thịt. Người Pháp đã
quyết định nhập bò sữa từ Normandie, và một số từ Ấn Độ, bò Thụy
Sỹ, bò Bretagne và cho lai tạo với hy vọng tạo ra một giống bò mới,
to khỏe chịu đựng được khí hậu nhiệt đới, và cho nhiều sữa, thịt.
Bác sĩ Yersin đã đệ thư xin chính phủ bảo hộ cho nhập bò, gà
Thụy Sỹ. Năm 1898, Pháp đã bắt đầu nhập bò vào Việt Nam. Chuyên gia
nuôi bò ở Limousin được gửi sang Đông Dương để hướng dẫn cách
nuôi. Do chặng đường vận chuyển bằng tàu thủy từ Marseille đến Đông
Dương và khí hậu thay đổi hoàn toàn khác, nhiều con đã chết hay
kiệt sức trên đường đi. Một số bò được thử thả nuôi, chết vì
hổ, voi rừng. Sau đó bò được giao cho nông dân nuôi (có lẽ từ đó
người nông dân Việt Nam mới nuôi bò). Người Pháp dạy cho nông dân
bản xứ cách nuôi bò, vắt sữa.
Sữa và thịt bò chỉ bán trong các thành phố lớn và chỉ có
người Pháp tiêu thụ vì giá thành quá cao. 1 cân thịt bò 30 cents.
Cũng vì vậy công nghệ làm bơ, phô-ma không thể làm tại địa
phương, phải nhập từ mẫu quốc do số lượng người dùng ít. Việc
nuôi bò thịt và sữa không đem lại lợi nhuận so với khai thác cà
phê, cao xu, mỏ… Chăn nuôi bò gần như không thành công tại Đông
Dương.
Như vậy công nghệ chăn nuôi bò lấy thịt và sữa là do người
Pháp đem vào. Điều đó khẳng định phở bò chỉ có đầu thế kỷ 20 vì
chuyến bò nhập đầu tiên là năm 1898.
Bò rất hiếm, đương nhiên quý nên đắt tiền. Mổ bò là ngày hội
lớn của làng, phải đem ra bàn bạc ở đình làng vì vậy mới có thành
ngữ ồn ào (cãi nhau) như mổ bò là thành ngữ mới. Một vài thành
ngữ mới xuất hiện đầu thế kỷ 20: Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết;
Ngu như bò, cùng với trò chơi đấu bò, thi cưỡi bò ở miền Tây.
Thời nay phở trở nên món ăn hấp dẫn quen thuộc nên được ví như
bồ.
Cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes năm 1651 không có từ phở.
Trong bài khảo luận về dân Bắc Kỳ, Tạp chí Đông Dương (15/9/1907),
Georges Dumoutier nói về những món ăn phổ biến ở Bắc Kỳ, không điểm
danh phở. Khảo sát việc nhập bò, chăn nuôi bò thời Đông Dương
chứng minh phở chỉ xuất hiện đầu thế kỷ 20. Phở sớm được ưa
thích, nên phở xuất hiện trong văn thơ thời Pháp thuộc, và chỉ hơn
chục năm sau, phở có trong từ điển. Từ điển của Gustave Hue
(Dictionnaire Annamite – Chinois – Français) xuất bản năm 1937 định
nghĩa: “Cháo phở : pot-au-feu”.
Người Pháp dịch món PHỞ là pot au feu (pô-tô-phơ). Pot au feu –
món súp hầm thịt bò là món ăn truyền thống của Pháp. Phở chính
là sự sáng tạo của người Việt khi giao lưu với văn hóa ẩm thực
Pháp. Xét về nguyên liệu thì nồi nước súp cổ truyền của người
Pháp gần giống nồi nước dùng nấu phở trừ rau củ. Thịt bò toàn
những thứ cứng và dai : đuôi, gân, sườn, đùi thăn, dạ dày, bạc
nhạc. Tất cả hầm chung với hành củ và quế, hoa hồi, hạt tiêu.
Nước dùng được lọc 1 lần cho trong, khi thịt gân mềm cho rau, củ
(cà rốt, cần tây, khoai tây). Phở có dùng hành tây nướng, bóc vỏ
bỏ vào nước dùng cho thơm. Hành Tây củ chỉ có khi Pháp vào Việt
Nam, nên gọi là hành Tây. Anis (hoa hồi) cũng không phải là hương
vị quen thuộc của người Việt.
Người Pháp sống ở Đông dương với nỗi nhớ quê hương và các
món ăn dân tộc họ. Họ đã bày cho những người đầu bếp Việt Nam
nấu món này. Thấy món ăn hấp dẫn dễ ăn, người Việt đã Việt Nam
hóa một cách sáng tạo món súp bò của Pháp bằng cách dùng thêm
hương liệu Việt Nam có sẵn như gừng nướng, quế và thay thế khoai
tây bằng bánh đa tươi thái sợi. Bánh đa, bánh cuốn là bánh có từ
lâu đời của người Việt Nam. Nước dùng nấu như pot au feu nhưng
không cho rau củ. Người Pháp khi ăn súp này thì vớt thịt miếng to
cho vào đĩa sâu, ai ăn thì tự lấy cắt nhỏ ra, rưới thêm nước súp
và rau khoai, ăn với bánh mỳ.
Người Việt không dùng dao nĩa như người Pháp, mà dùng đũa,
nên thịt thái nhỏ theo phong tục thói quen người Việt. Hơn nữa,
thời đó xã hội Việt Nam còn nghèo, miếng thịt to như thế là một
thứ xa xỉ phẩm. Nhiều chuyện kể, bố và bạn ngồi nhấm rượu với
thịt, vợ con ngồi chờ dưới bếp thập thò hy vọng còn thừa để ăn.
Thái thịt chín mỏng là tài nghệ của người đầu bếp. Thịt chín,
thịt gân thái mỏng giơ lên thấy cả ánh sáng mặt trời, nhưng không
được rách vỡ, miếng gân, ngầu trong vắt, khi rưới nước phở lên,
nước dùng thấm xuyên qua miếng thịt, ăn miếng thịt mới cảm thấy
đậm đà. Thịt hầm không nát. Gân phải mềm.
Người Pháp ăn món súp bò thả hành và rắc rau mùi tây lên
trên. Việt Nam, phở bò nguyên gốc Hà Nội cũng chỉ rắc hành và mùi
và thịt chín. Thịt bò nạc mềm đắt, nên chỉ dùng nguyên liệu rẻ
tiền nhất trong thịt bò. Theo Clotilde Chivas-Baron, Marie-Paule Ha kể
các Sơ đầu tiên đến Đông Dương nhận quà tặng là một con bò sữa
khi mới thành lập “La Sainte Enfance” ở Sài gòn. Lúc đó ban truyền
giáo nghèo, nhà lợp lá, 20/05/1860. Trại có chuồng nuôi gà và một
con dê,…”. Bò là món quà tặng quý hiếm lúc đó. Nên mặc dù nguyên
liệu nấu phở bò là thứ rẻ tiền nhất, phở thời đó chưa phải là
món bình dân như thời nay. Giá một bát phở từ 2 đến 5 xu, tương
đương một ngày công lao động vất vả của người công nhân làm cho
Pháp.
Phở xuất hiện đầu thế kỷ 20, do đó không có mặt trong ngày Tết
cổ truyền dân tộc.
Phở là món ăn ảnh hưởng món súp bò của Pháp. Vậy từ phở do
chữ “Feu / phơ” mà ra. Tiếng Việt đơn âm, người Việt lúc đó đại đa
số không biết tiếng Pháp, do tiếp xúc làm việc phục vụ cho người
Pháp, họ nói tiếng Tây bồi, họ thường hay rút ngắn từ tiếng Pháp,
nhất là khi nghe không rõ, họ có thói quen lấy từ đầu hay từ cuối
cùng để gọi. Thí dụ như Galon (phù hiệu quân hàm) gọi đơn giản là
lon, biscuit (bánh qui – lấy âm qui đằng sau từ biscuit), chèque (séc),
essence (xăng), affaire (phe), démarrer (đề), alcool (cồn), beige (be),
dentelle (ren, cartouche (tút)…
Chỉ có người Pháp thời đó làm việc quen với mấy người phục vụ
mới hiểu được tiếng Tây bồi này. Tiếng bồi này thời đó là oai vì
làm việc cho Tây và nói Tây hiểu, dần dần lan ra dân chúng, trở
nên ngôn ngữ mới. Hầu như là những từ không có ở Việt Nam, như
xăng, cồn, tút, đề…. và các món ăn của Pháp như bơ, phô-ma,
biscuit… Riêng sữa có từ ở Việt Nam, nên không vay mượn từ của Pháp
kiểu đó. Sự biến đổi những từ đa âm thành từ đơn âm là cách Việt
hóa các từ Pháp. Người bồi bếp đã đọc chữ cuối FEU thành PHỞ. Từ
đó có từ phở.
Phở là món ăn của Bắc Kỳ (theo từ điển của Pháp sau này họ
dịch là soupe tonkinoise – súp Bắc Kỳ). Điều này khẳng định phở xuất
hiện ở miền Bắc.
Người Tàu không có món phở, không có chữ phở. Ở nước ngoài,
quán ăn nào của người Tàu có món phở, họ có ghi bằng tiếng Việt:
phở bò Việt Nam (Vietnamese Nalle phở noodle soup with sliced rare beef and
well done beef brisket).
Trong khi người Tàu thừa nhận phở là đặc sản của Việt Nam, thì
một vài người Việt lại loay hoay chứng minh chữ phở là của gốc
tiếng Tàu, và món phở từ món ngưu lục phấn của Tàu (mì trâu).
Món phở xuất phát từ món súp bò của Pháp. Phở là sự kết hợp
thông minh sáng tạo từ món súp bò Pháp với nguyên liệu cổ truyền
của Việt Nam. Từ điển do người Pháp soạn cũng ghi phở: món súp Bắc
Kỳ. Spagetti của Ý là do Marco Polo mang mỳ từ Tàu về. Sự sáng tạo
thông minh của người đầu bếp Ý đã biến món mỳ Tàu thành món
spagetti nổi tiếng thế giới. Sushi Nhật bản là từ cơm nắm – món ăn
dân dã của nhiều nước châu Á. Không ai nói Spagetti, Sushi của Tầu…
Trong khi đó thật đáng buồn, cuốn từ điển Việt-Pháp do Lê Khả Kế
và Nguyễn Lân biên soạn, tái bản lần thứ 4, bên trong đề có chỉnh
sửa, do nxb Khoa học Xã hội in năm 1997, dịch Phở là soupe chinoise
(súp Tàu).
Một cuốn từ điển cũng để chứng minh văn hóa dân tộc. Phở là
một đặc sản của Việt Nam, vậy mà dịch sang tiếng Pháp là súp Tàu.
Nếu người Tàu lấy đó làm bằng chứng phở là đặc sản của họ thì
lúc đó ban biên tập nxb Khoa học Xã hội cùng hai tác giả nói gì để
tranh cãi. Từ điển là tài liệu sống. Một sự sơ xuất vô tình có
khi mất nước. “Bút sa gà chết”. Sự phân chia biên giới Tàu-Việt đã
là bài học đau đớn cho sự yếu về quân sự và thiếu tư liệu văn
hóa cổ. Một thời kỳ ngớ ngẩn theo Tàu, đã đốt những sách, tư liệu
“có hơi chữ Tây” trong đó. Giờ chúng ta lại phải cử người qua Pháp
để tìm lại. Ẩm thực cũng là văn hóa của một dân tộc. Khi tranh
cãi chủquyền về văn hóa, về đất đai, người ta luôn đem sách vở,
văn chương làm bằng chứng. Để bảo vệ giữ gìn văn hóa cũng như
giữ gìn bảo vệ đất nước, những người cầm bút phải có trách
nhiệm rất lớn và việc đầu tư cho văn hóa là cần thiết và quan
trọng. Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn bao hàm cả mọi vấn đề xã
hội. Muốn giữ gìn văn hóa trước hết phải quan tâm đến người làm
văn hóa và có những chính sách tài trợ thích đáng để họ bỏ công
bỏ sức đi sưu tầm tài liệu.
Phở chính là sự sáng tạo tuyệt vời của những đầu bếp Việt Nam
thời đó. Họ đã thả hồn Việt vào trong phở. Giao lưu văn hóa có
nhiều cái lợi. Nếu tài giỏi thông minh biết kết hợp cái cổ truyền
và cái mới sẽ tạo ra những tuyệt tác mang phong cách và hồn dân
tộc. Bắt chước sáng tạo ra cái mới đòi hỏi tài nghệ và thông minh
của người sáng tạo. Phở là một vinh danh trong văn hóa ẩm thực
Việt trong quá trình giao lưu với văn hóa ẩm thực phương Tây.