05 avril 2018

Vì sao cán bộ tìm mọi cách cho con cháu định cư ở nước ngoài?


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Hiện nay có không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi. Một bộ phận cán bộ công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho con, cháu mình được ra nước ngoài..."




Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu ra trong phần phát biểu của mình trước Quốc hội, ngày 1/4.

Theo ông Nghĩa, thực tế hiện nay có không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi. Một bộ phận cán bộ công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho con, cháu mình được ra nước ngoài.

“Không phải vì nghèo về tiền mà họ cảm thấy không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không đảm bảo đầy đủ, lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy và cũng biết”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng, phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp. Nhân dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển.

Ông Nghĩa mong muốn làm sao để cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi.

“Năm 1946 khi cụ Hồ sang Pháp dự hội nghị, nhiều trí thức thành đạt đã từ bỏ vinh hoa phú quý đi theo cụ về nước, về chiến khu kháng chiến, nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã sẵn sàng ủng hộ kháng chiến chống Mỹ cho dù phải trả giá đắt về tiền đồ, cuộc sống, thậm chí tính mạng”, ông Nghĩa dẫn lại câu chuyện lịch sử.

Vị đại biểu này cũng lưu ý việc trong phát triển kinh tế, cần động viên 90 triệu đồng bào thắt lưng buộc bụng, cần cù siêng năng, thanh niên chăm học chăm làm, bớt nhậu nhẹt, bớt tiêu xài phung phí.

Các doanh nghiệp nội địa không vì lợi ích thiển cận, ích kỷ mà dìm nhau, phá nhau trên thị trường, thậm chí đầu độc nhau bằng thực phẩm chế biến độc hại; chấm dứt các dự án gây ô nhiễm tàn phá thiên nhiên, qua đó hủy hoại môi trường sống của mình và con cháu mình. Cán bộ công chức cũng cần giảm bớt lãng phí, tuyên thệ không tham nhũng khi nhậm chức và trước mắt cố gắng giảm bớt tham nhũng.

Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng cần phải xác định đúng, đâu là bạn, đâu là thù để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng đất nước hưng thịnh.

“Ta là dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Thù là thế lực thù địch, cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh của đất nước”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng “xin có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay”: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự”, được Tố Hữu sáng tác năm 1967 là : “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).

Sau khi đọc hai câu thơ đó trước hội trường Quốc hội sáng 1/4, đại biểu Nghĩa (TPHCM) giải thích:

“Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua”. Giữ “nỏ thần” là giữ cho đất nước trước họa xâm lăng và có điều kiện phát triển văn minh, thịnh vượng.


MẠNH NGUYỄN