22 septembre 2018

Bạo động: Xu hướng nguy hiểm


Đoan Trang



Thời gian gần đây, Bộ Công an thỉnh thoảng lại tổ chức những buổi tiếp xúc với đại diện các cơ quan ngoại giao phương Tây tại Hà Nội, để trình ra hiện vật hoặc hình ảnh chụp lại những vũ khí, chất nổ mà (công an cáo buộc rằng) có những nhóm, những tổ chức đã sử dụng để tiến hành đấu tranh theo đường lối bạo động ở Việt Nam.

Đặt sang một bên những cáo buộc vô căn cứ hoặc có tính chất thổi phồng của ngành an ninh, ta phải thấy rằng khuynh hướng đấu tranh bạo lực là có thật, và nỗi lo sợ của an ninh cũng rất thật.





Khuynh hướng ấy là hệ quả tất yếu của cách hành xử tàn ác, vô pháp vô thiên của lực lượng bảo vệ đảng. Nhìn lại những sự kiện lớn ở đất nước trong vài năm qua, chúng ta đủ thấy: Đối với bất kỳ vấn đề nào, thay vì lắng nghe phản biện, đối thoại để cùng đánh giá chính sách và tìm kiếm giải pháp ôn hòa, thì nhà cầm quyền chỉ biết làm mỗi một việc là đàn áp, đàn áp và đàn áp. Từ vụ chặt cây ở Hà Nội, đến thảm họa Formosa, từ việc thông qua luật An ninh mạng đến chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế. Từ giáo dục, y tế đến an ninh, quốc phòng. Nhà cầm quyền chỉ biết sử dụng bạo lực mà thôi. Cho nên, phải thừa nhận rằng xu hướng bạo lực, bạo động ở Việt Nam là không tránh khỏi, và nó khởi nguồn từ đảng Cộng sản và lực lượng phò đảng chứ không ai khác.

Tuy vậy, cho dù như vậy, ta vẫn phải thấy đó là một xu hướng nguy hiểm và có hại cho tất cả các bên:

1. Nó khiến tính chính danh của phong trào đấu tranh vì dân chủ-tự do cho Việt Nam bị xói mòn trong mắt đông đảo dân chúng. (Tôi nói “đông đảo” chứ không phải tất cả, vì tất nhiên, kiểu gì cũng có một bộ phận người dân ủng hộ và mong muốn sử dụng bạo lực đối với nhà cầm quyền bạo ngược; xu hướng bạo lực thật sự đáp ứng nguyện vọng của họ).

2. Nó khiến phong trào đấu tranh vì dân chủ-tự do cho Việt Nam mất tính chính danh trước cộng đồng quốc tế. Ta có thể gọi cộng đồng quốc tế là bọn sến, cánh tả, cải lương, nhân ái rởm, đạo đức giả… nhưng nói chung thế giới văn minh không ủng hộ bạo lực. Cái thời sử dụng bạo lực để lật đổ chính quyền, kể cả chính quyền độc tài, qua rồi.

3. Nghiêm trọng nhất, nó đẩy hàng trăm người nhiệt huyết vào tình cảnh phải chịu những bản án dài dằng dặc (hầu hết là 10 năm tù trở lên) trong câm lặng, không hề nhận được sự ủng hộ, xót thương của dư luận. Đó là câu chuyện có thật, đã và đang xảy ra ở Việt Nam trong ít nhất hai năm qua (2017-2018).

VỀ ĐÀO MINH QUÂN


Một quan chức ở cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam mới đây hỏi tôi: “Đào Minh Quân là ai?”. Tôi cười và nói rằng tôi không biết.

Quan chức đó nói: “Không hiểu sao tôi hỏi bất cứ ai về Đào Minh Quân, người ta cũng cười. Nhưng nghe nói lại có đến hàng chục người ở Việt Nam tự tạo vũ khí, chuẩn bị cờ hoặc làm nhiều điều khác để ủng hộ “chính phủ Đào Minh Quân”. Tại sao vậy?”.

Tôi đáp, tôi cũng không biết, nhưng tôi từng nghe một người dân bình thường giải thích rằng có thể có rất nhiều người Việt Nam xem các livestream của Đào Minh Quân, Lisa Phạm hoặc các nhân vật tương tự, và tin theo. Sở dĩ tin vì họ thấy rõ ràng Đào Minh Quân, Lisa Phạm sống ở Mỹ, tư gia có vẻ sang trọng, có lễ tuyên thệ nhậm chức, có máy bay riêng, có chính phủ với ban bệ đàng hoàng, trong nội các hình như có cả mấy gương mặt trông rất Mỹ… Ngoài ra, Đào Minh Quân, Lisa Phạm hay các nhân vật tương tự lại có khả năng trình bày vấn đề một cách… thoải mái, chửi thẳng mặt lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam bằng ngôn từ dân dã, không tránh né, không nể nang, nghe rất đã tai. Khả năng hùng biện đó (cứ tạm cho là hùng biện) là cái chúng ta chưa và sẽ không bao giờ thấy ở bất kỳ quan chức, cán bộ nào của đảng Cộng sản Việt Nam.

Đào Minh Quân cũng thuyết phục được nhiều người dân ở Việt Nam tin rằng “chính phủ” của ông ta có mối quan hệ với nhà nước Hoa Kỳ và đã được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế.

Vị quan chức Mỹ kia tỏ ra ngạc nhiên: “Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ vào khoảng…”.

“Năm 1995” – tôi nhắc.

“Vâng, chính thức vào năm 1995. Và từ đó cho đến nay, chính quyền Hoa Kỳ chỉ biết có một thực thể đại diện cho Việt Nam là nhà nước CHXHCN Việt Nam. Chúng tôi không hề có chương trình hành động riêng (secret agenda) nào với bất kỳ chính quyền nào khác của Việt Nam cả”.

Đến đây thì tôi hiểu rằng câu chuyện đã trở nên nghiêm trọng, khi mà hàng chục người dân phải vào tù vì ủng hộ một “chính quyền” lưu vong trong khi thực tế nó không hề tồn tại, không được sự thừa nhận của nhà nước nào trên thế giới.

“Nhưng nhiều người dân Việt Nam tin là chính phủ Đào Minh Quân được Mỹ yểm trợ. Nếu vậy, có lẽ Mỹ cần phải lên tiếng, phải làm rõ rằng thật sự Mỹ không có chương trình nghị sự kín nào với họ” – tôi nói.

Và đây là câu trả lời của vị quan chức Mỹ kia:

- Nhưng chúng tôi chẳng biết ông ta là ai cả. Và vì Mỹ là nước tôn trọng quyền tự do biểu đạt, tự do tụ tập, lập hội, chúng tôi không thể tự nhiên lại tiến hành điều tra một người đang livestream trên facebook, tuyên bố thành lập hội nhóm nào đó của ông ta trên facebook. Tất nhiên chúng tôi hiểu rằng, đối với Chính phủ Việt Nam, Đào Minh Quân thật sự là một vấn đề…

Tôi hiểu hàm ý của câu nói ấy, nó có nghĩa là: “Đào Minh Quân là vấn đề đối với (Chính phủ) Việt Nam, chứ với Mỹ thì không. Mỹ chẳng quan tâm ông ta là ai và cũng không có ý định tìm hiểu”.

Nước Mỹ có quá nhiều việc lớn hơn phải lo. EU cũng vậy. Và suy cho cùng, cả thế giới đều vậy. Không quốc gia nào thừa hơi quan tâm đến một anh chàng nào đó làm livestream trên facebook, khoe rằng mình đã thành lập chính phủ lâm thời để chuẩn bị giải phóng một nước nào đó.

Nhưng với nhà nước Việt Nam cộng sản, Đào Minh Quân, Lisa Phạm… thật sự là vấn đề, nhất là khi những livestream của họ thu hút được hàng chục nghìn người xem/nghe. Và họ cũng là vấn đề đối với hàng chục người đã bị tống giam hoặc đang đi tù dài hạn vì ủng hộ họ – với niềm tin là chỉ nay mai thôi, cộng sản sẽ sập.

ĐỪNG ẢO TƯỞNG


Tôi không có tư cách để khuyên bảo, dạy dỗ bất cứ ai điều gì. Tôi chỉ muốn xin, CẦU XIN những người đã, đang và sẽ xem các livestream của Đào Minh Quân, Lisa Phạm và những gương mặt tương tự, xin mọi người lưu ý rằng:

- Đào Minh Quân, Lisa Phạm đang ở nước ngoài; họ có thể tự do biểu đạt bất kỳ điều gì họ muốn mà không phải chịu trách nhiệm gì, không lo bị công an đập cửa bắt đi. Nhưng người dân Việt Nam ở trong nước thì không thể tự do, thoải mái nói như họ nói, làm như họ kêu gọi được. Họ ở rất xa các bạn, họ rất ảo. Nhưng công an thì ở gần và việc các bạn đi tù vì những tội liên quan đến khủng bố, bạo lực sát thương, là rất thật.

- Rất có thể đối tượng của bạo lực mà bạn gây ra lại là dân thường và/hoặc là chính bạn, chứ không phải đảng Cộng sản.

- Chính phủ Đào Minh Quân hiện nay không được sự thừa nhận của bất kỳ nhà nước nào trên thế giới, không có sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc hay cộng đồng quốc tế nào cả.

Với bầu nhiệt huyết, một số người ở Việt Nam chỉ đơn giản xem/nghe Đào Minh Quân và Lisa Phạm nói, phấn khích quá, sốt ruột quá, bèn lên kế hoạch “đánh một trận gây tiếng vang”. Họ nhanh chóng bị bại lộ, bị bắt giam mà chưa kịp làm nên trò trống gì. Rồi họ ra tòa và đi tù. Thế là kết thúc “vòng đời” của một nhà đấu tranh.

Không ai nhắc đến họ với sự thương mến, cảm phục. Không Đào Minh Quân nào bay chuyên cơ về nước cứu họ. Không tổ chức quốc tế nào lên tiếng ủng hộ họ. Mà đảng Cộng sản thì vẫn tại vị, không sứt một cọng lông.

Có thể sau khi tôi viết bài này, nhiều người sẽ bảo tôi hèn nhát, ngu si, không hiểu gì về cộng sản lại thích dạy đời. Sao cũng được, nhưng tôi muốn thực tế: Đấu tranh chống độc tài là chuyện không thể ảo, không được phép ảo tưởng. Không thể trông chờ vào một “minh quân” nào ở xa ta nửa vòng trái đất, không thể mặc định rằng chính quyền độc tài đã nát rữa lắm rồi, chỉ cần một vụ đánh bom là chúng nó sợ, chúng nó sập. Và tôi còn xót xa cho những người đang phải âm thầm ngồi tù vì những tội danh liên quan đến khủng bố nữa.

Chúng ta có thể nói rằng “cộng sản chỉ hiểu được ngôn ngữ của bạo lực; không sử dụng bạo lực thì còn lâu mới lật đổ được cộng sản”. Nhưng thực tế là ngay cả đường lối ôn hòa hay là phản kháng phi bạo lực, chúng ta cũng đã tận dụng được hết nó đâu!