Thiện Tùng
Không “lịch sự” chút nào, trong
buổi trà đàm, người ta đang bàn chuyện Quốc tang, gã đến chưa kịp ngồi, đứng
phán ngay: “Tôi không quan tâm về chính trị, bàn
về kinh tế mới sát với cuộc sống”.
Mọi người mất hứng, ngồi lặng
thinh, chờ xem gã định diễn trò gì nữa.
Không cần ngồi, với vẻ không
hài lòng, gã thông tin rạch ròi: “Bộ Tài chính đề nghị,
được thường vụ Quốc hội thông qua, đầu năm tới lại tăng thuế xăng dầu thêm
4.000 đồng/lít cho bảo vệ môi trường. Theo báo Lao Động, năm 2016, thuế môi trường
đánh vào xăng đầu thu về 42.300 tỷ, thực chi cho môi trường chỉ có 12.290 tỷ -
còn hơn 30.000 tỷ ở đâu, vào túi ai? . Quá rồi!”.
Đúng là thần khẩu hại xác phàm,
gã có ngờ đâu, vì sự nông cạn của mình trở thành mục tiêu cho mọi người có mặt
thay phiên nhau tấn công:
- Anh nói không quan tâm đến chính trị, sao lại
lên án tăng giá xăng dầu? - Đảng cầm quyền
chủ trương, Quốc hội của Đảng thông qua, Bộ Tài chính móc túi dân một cách công
khai, chẳng lẽ đó không phải là chính trị?.
- Anh quên rồi sao: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
chủ tịch Quốc hội Nguễn Sinh Hùng, Nguyễn
thị Kim Ngân đã từng nói “Bộ Chính trị đã quyết
không thể không làm”, từ Bauxite Tây Nguyên, Formosa, các nhà máy nhiệt điện, thủy
điện, nhà máy giấy Lee&Man sông Hậu,
các Đặc khu kinh tế… đều do Bộ Chính trị chủ trương, ngoài thua lỗ, còn gây ô
nhiễm môi trường nghiêm trọng, giờ đây chủ trương thu thuế môi trường… chẳng lẽ
những việc vừa kể không liên quan gì đến chính trị?.
- Chính trị và Kinh tế tuy khác nhau nhưng
chúng có mối liên hệ ràng buộc với nhau. Bởi vậy mới có môn “Chính trị, Kinh tế học”. Trong ba môn: khoa học
Xã hội, khoa học Tư nhiên, khoa học Kỹ thuật – khoa học Xã hội thủ vai thống
soái, chi phối toàn bộ.
- Anh là đảng viên của đảng
chính trị mà nói không quan tâm đến chính trị là lừa đời, chẳng ai tin đâu?
..v..v…
Trước lời hay lẽ phải, hắn
không thể phản biện, trân mình chịu đựng. Chạnh lòng thương trước thảm cảnh,
tôi xen vào nới lỏng vòng vây cho hắn, bằng
cách kể 3 chuyện có xưa có nay:
1/ Chuyện xưa bên Tàu: Nhà
Lương định đánh nhà Lỗ. Vua Lương cho người thám thính quân tình nhà Lỗ. Thám
thính về báo: “Bên lỗ đào hào đấp
lũy kiên cố, lương thực đầy kho khó mà đánh thắng”.
Vua Lương triệu hồi bá quan văn võ vào cung
trao đổi ý kiến. Một quan văn đứng lên nói: “Thế
là đánh được, chắc thắng”.
Vua Lương bảo: “Khanh hãy lý giải rõ hơn cho trẫm nghe xem”.
Quan văn nói: “Đào hào đấp lũy kiên cố là sưu cao, lương thực đầy kho là thuế
nặng. Sưu cao, thuế nặng là mất lòng dân – mất lòng dân là đánh được và chắc
thằng”.
Đúng vậy, Lương xua quân đánh Lỗ
thắng như chẻ tre.
*
2/ Một hiệu buôn cần một nhơn
viên đánh máy, chủ hiệu dán giấy tuyển chọn khắp nơi. Điểm thi trên lầu, người
đến dự thi quá đông, chen lấn sập cầu thang gây thương vong. Cảnh sát đến xem
xét hiện trường rồi phán:
- Do chủ
hiệu: chỉ cần có 1 người mà quảng bá tùm lum dẫn đến chen lấn sập cầu thang
gây tai nạn.?.
- Do người
dự thi: họ không theo thứ tự, giành nhau chen lấn mới ra nông nỗi?! – chủ
hiệu nói.
Thế là đổ qua đổ lại không đâu
vào đâu. Một lão già đứng xa bên ngoài nói vói vào:
- Tại chế độ chính trị.
- Sao lại đổ cho chế độ chính tri? – viên Cảnh
sát vặn hỏi.
Lão già thản nhiên đáp: “Quản lý xã hội kiểu gì mà để thất nghiệp lan tràn, thứ
nghề đánh máy mà cũng phải giành nhau chen lấn mới gây ra thảm cảnh – Ý kiến nầy của lão già thuyết
phục được mọi người, chấm dứt việc tranh cãi.
*
3/ Năm 1981, nạn tự tử ngày một
lan tràn do túng quẩn. Ban Tuyên Huấn Tỉnh ủy Tiền Giang định cử tôi tổ chức cuộc
hội thảo khoa học về “tự tử”. Tôi từ chối. ông Cao văn Sáu, trưởng Ban Tuyên Huấn
tỉnh Tiền Giang hỏi sao tôi từ chối. Tôi kể cho Ông nghe chuyện vừa xảy ra:
Ở xã Trung An thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
nầy chớ không đâu xa: Một nông dân không
có ruộng, nhận xịt thuốc trừ sâu cho hộ nông dân nhà bên. Khi về nhà, bữa ăn
trưa chỉ có cơm với rau muống luộc, xót ruột quá, ông lấy 2 trứng gà đang ắp luộc ăn cơm. Vợ biết
được cằn nhằn, buồn quá, ông lấy cớ do thiếu thuốc còn một xẻo nhỏ chưa xịt, bảo
chủ đưa thêm ít thuốc xịt cho giáp. Thế rồi, ống uống số thuốc trừ sâu mới lấy
thêm nầy, chết ngay sau đó - Đã là hội nghị khoa học, phải xét cho cùng, truy
cho tận thì chế độ chính trị này phải lãnh đủ? Liệu có chịu nổi không?
>>.
Vậy thì thôi đi ! – ông Cao văn
Sáu nói.
Thế là cuộc trà đàm buổi sáng
hôm nay, đột ngột thay chủ đề từ Quốc tang sang Xã hội học. Tuy bao đồng nhưng
cũng thú vị.
25/9/2018
T.T