Trần Anh Quân
10/09/2018
10/09/2018
Tranh cãi về những ô vuông, hình tròn trong sách Tiếng Việt Công Nghệ lớp 1
đã khiến người ta quên đi nhiều thứ quan trọng: mục đích cải cách giáo dục và
nội dung dối trá, vi hiến của những bài học vỡ lòng bên trong cuốn sách.
Tiền
Nhiều ý kiến bảo vệ sáng tạo của Hồ Ngọc Đại vì ông này là giáo sư tiến sĩ,
mất nhiều năm nghiên cứu mới cho ra tác phẩm này, những người cho phép phát
hành sách là những lãnh đạo có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành... Tất cả chỉ
là nguỵ biện.
Viện đến quyền lực, viện đến kinh nghiệm, viện đến tuổi tác, viện đến học
hàm học vị để bảo vệ quan điểm đều là phép nguỵ biện nhằm thao túng sự dối trá.
Nếu một người có quyền lực luôn đúng thì tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã
không vào tù khi còn đương quyền. Nếu kinh nghiệm luôn đúng thì với lịch sử
hàng trăm năm sản xuất xe hơi, những chiếc xe của hãng Mercedes-Benz sẽ không
bao giờ bị lỗi. Nếu người cao tuổi luôn đúng thì việc ấu dâm của Nguyễn Khắc
Thuỷ đáng được tôn vinh. Nếu người có học hàm học vị cao nói gì cũng đúng thì
24.000 tiến sĩ đã biến Việt Nam trở thành con rồng châu Á từ lâu rồi.
Cho rằng sách Tiếng Việt Lớp 1 của Hồ Ngọc Đại là thành tựu giáo dục thì
800.000 học sinh được học từ năm 1985 đến nay đã phát triển vượt bậc hơn những
học sinh khác cùng thế hệ chưa? Hơn 33 năm qua 800.000 người này đã biến Việt
Nam thành một dân tộc hùng cường chưa? Nếu là thành tựu giáo dục thì tại sao
những thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng lại cấm triển khai giảng dạy cuốn
sách này? Nếu là thành tựu thì tại sao quan chức nhà nước lại đua nhau đưa con
cái ra nước ngoài du học?
Nếu là thành tựu thì tại sao Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải bỏ ra 50 triệu
đồng thuê luật sư lách luật để triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1? Chia sẻ với
VTC14, tác giả cuốn sách cũng thừa nhận việc áp dụng phổ biến chương trình giáo
dục mới này là để chia tiền, "tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền",
chia 70 nghìn tỷ đồng trong đề án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hồi năm
2011.
Không thể dùng mục đích biện minh cho phương tiện. Nếu khát vọng làm giàu
là chính đáng thì ăn cướp sẽ không phải đi tù. Cho dù mục đích cải cách của ông
Đại, ông Luận là tốt, nhưng cách làm gian trá này là không thể chấp nhận được.
Vi hiến từ bài học đầu tiên
Ngày đầu tiên đến trường của một đứa trẻ thì khó mà nhận diện những chữ cái
"a", "ê". Có thể ô vuông hình tròn là một điều khá thú vị,
giúp trẻ dễ tiếp thu hơn khi vừa làm quen với con chữ. Nhưng dù thế nào thì
cũng không thể dạy những điều dối trá trong những bài học đầu đời.
"Tháp Mười đẹp nhất bông sen,
Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ".
Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ".
14 ô vuông trong sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ miêu tả cho 14 tiếng của hai
câu "ca dao" này. Hai câu này vốn bị chỉnh sửa từ bốn câu thơ trong
bài "Đẹp nhứt" của Bảo Định Giang: Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Việt
Nam đẹp nhứt có tên cụ Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ
trong tâm". Đây là bài thơ ca ngợi lãnh tụ với mục đích tuyên truyền để
xây dựng hình ảnh Hồ Chí Minh trong lòng người dân miền Nam giai đoạn 9 năm
kháng Pháp.
Chưa cần bàn tới hình ảnh Hồ Chí Minh vốn mang nhiều tranh cãi về bản chất
con người. Chỉ bàn về nội dung bài học vỡ lòng cho những đứa trẻ mới ngày đầu
đến trường. Những ngày đầu tiên đi học đã phải thuộc lòng những câu thơ tuyên
truyền mang tính nhồi sọ, bị áp đặt tư tưởng sùng bái cá nhân vào nhận thức ban
sơ. Đó chính là đã phá hoại tư duy độc lập của con người từ khi còn là đứa trẻ.
Việc tôn sùng lãnh tụ hiện nay chẳng khác nào việc tôn sùng vua chúa trong
nhà nước phong kiến ngày xưa. Coi hoàng đế là cha là mẹ, trái ý vua thì mang
tội khi quân. Chính vì bị nhồi sọ ngay từ nhỏ nên hiện nay có rất nhiều người
coi đảng và nhà nước như cha mẹ, coi "bác Hồ" là một vị thánh. Ai nói
trái ý đảng, trái ý nhà nước, phân tích lý lẽ ngược lại với học thuyết Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là xuyên tạc, là phản động.
Xét về nguồn gốc thì hai câu lục bát kia không phải là ca dao, mà chỉ là
hai câu trong một bài thơ được Bảo Định Giang viết theo lệnh của Lê Duẩn. Đánh
tráo khái niệm từ bài thơ sang ca dao chính là hành động mị dân, tuyên truyền
dối trá; áp đặt tư tưởng sùng bái cá nhân nhằm đạt được mục đích chính trị của
nhà cầm quyền. Vẽ ra hình ảnh lãnh tụ vượt xa người thường là vi phạm nghiêm
trọng điều 16 hiến pháp Việt Nam: "mọi người đều bình đẳng trước pháp
luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế,
văn hoá, xã hội".
Có hay không âm mưu xây dựng một dân tộc gian trá?
Phép Lịch Sự, Quả Bứa, Cá Gỗ, Cháo Rìu... là nội dung của cuốn sách đầy tai
tiếng do Hồ Ngọc Đại làm chủ biên. Xảo ngôn, tráo trở, dối trá, lừa lọc là điều
không thể tranh cãi ở đây. Tâm hồn trẻ em như tờ giấy trắng, liệu tờ giấy đó sẽ
như thế nào khi bị vẽ lên những điều dối trá ngay từ những bài học đầu đời?
Trong phát biểu hồi năm 2016, Hồ Ngọc Đại cho rằng nếu có công nghệ giáo
dục, 30 năm sau chúng ta sẽ có một dân tộc khác. Dân tộc đó sẽ thế nào với
những bài học này?
Không chỉ tuyên truyền dối trá trên sách báo, người dân đang dần quen với
việc gian trá trong tất cả mọi lĩnh vực. Gần đây nhất là việc ép cả nước phải
xem Asiad 2018 lậu do đài Truyền hình Quốc gia (VTV) không chi tiền mua bản
quyền. Hàng ngàn người tập trung trong sân vận động để xem một trận bóng qua
link lậu. Hàng trăm nghìn gia đình mở link lậu để xem đội tuyển quốc gia thi
đấu. Có nực cười không khi cha mẹ mở link lậu để dạy con cái lòng yêu nước?
Âm mưu tạo thói quen tiêu thụ hàng gian dối không phải bắt đầu từ Asiad. Trước
đó mấy tháng, VTV (đứng đầu là Trần Bình Minh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương
Đảng) đã không muốn mua bản quyền Worldcup cho đến khi nhận được tiền tài trợ
và vô vàng sức ép từ dư luận. Không có tiền thì phải sử dụng hàng giả? Không có
tiền thì phải gian dối? Nghèo thì phải hèn? Rõ ràng là có chủ trương buộc người
dân phải sử dụng hàng lậu, hàng giả một cách công khai và dần coi đó là việc
hiển nhiên. Gian trá hoá dân tộc là một kế hoạch bài bản và có lộ trình cụ thể.
Nhìn toàn cục sẽ thấy một đất nước mà người dối người, con cái qua mặt cha
mẹ, bạn bè lừa lọc nhau... Tràn ngập bằng giả, hàng giả, sản phẩm vi phạm quyền
sở hữu trí tuệ. Tràn lan những báo cáo láo để chạy theo thành tích, đạt thi
đua, được khen thưởng, từ trung ương tới địa phương. Những việc này ở đâu mà
ra? Ai đặt ra chỉ tiêu như vậy? Hãy nhìn vào sự thật và đừng dùng mục đích biện
minh cho phương tiện nữa, đã lãnh đạo toàn diện thì phải chịu trách nhiệm toàn
bộ!
Xin dùng hai câu nói nổi tiếng để kết thúc bài viết. Một là của Thủ tướng
Đức Angela Merkel (từng là trưởng Ban dân vận và tuyên truyền của cộng sản Đông
Đức): "cộng sản đã làm cho người dân trở nên gian dối". Hai là của
Tổng Bí thư đảng cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev: "tôi đã bỏ một nửa
cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng đảng
cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá"!
____
Còn một câu cũng hay bị hỏi nữa: Câu chuyện đã diễn ra 33 năm, tại sao bây giờ
dư luận mới làm rùm beng lên?
Trả lời đơn giản: đó là sức mạnh của mạng xã hội. Đó là lý do Quốc hội gấp
rút thông qua luật An ninh mạng khi cả người soạn luật cũng không hiểu gì về
luật này. Mấy năm trước mạng xã hội còn yếu, chúng ta chẳng biết gì về nội tình
quốc gia, về tình hình quốc tế. Bây giờ tới đứa con nít cũng biết chúng ta đang
là thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc.